Nhà thơ Mai Linh lên đường

Thứ Bảy, 26/09/2015, 09:00
Mai Linh còn quá trẻ để nói chuyện sinh tử. Nhưng, là một trang phong lưu, tài hoa, hào hoa, có lẽ, không khác bao nhiêu với mỹ nhân và danh tướng, anh đã không muốn để nhân gian thấy mình lúc bạc đầu. Để người đầu bạc viết những dòng này, chắc Mai Linh không chờ đợi…

Tôi biết Mai Linh đã lâu, thủa anh còn làm ở Vụ Báo chí Bộ Văn hóa, nhưng gần mươi năm lại đây, khi đã về hưu, tìm một vài địa chỉ đi về cho đỡ trống vắng những năm chờ chết, thì Trung tâm Tin học, nơi có tờ báo điện tử Toquoc.gov mà Mai Linh làm Giám đốc là một nơi gặp gỡ, giao lưu thân tình và thú vị. Không chỉ đăng bài, mà Tòa soạn còn là một tổ ấm nho nhỏ, nơi có thể thường xuyên gặp gỡ nhiều nhân vật trong giới văn hóa, văn nghệ có tâm huyết. Nhà thơ chủ nhà lịch lãm, uyên bác, từng đi nhiều (đâu như gần 130 quốc gia), biết nhiều, lại có một bộ sậu thân tín, hết lòng chiều bạn của sếp. Bất cứ lúc nào có tâm trạng, gọi điện, là chủ nhà sẵn sàng mở cửa mời.

Nhà thơ Mai Linh.

Mấy chén rượu thuốc ngâm sẵn, vài món ăn dễ làm, là tạo được một bữa vui ấm áp trên bếp ăn nhỏ tầng 6 tòa nhà trong ngõ số 2 Hoa Lư - khu Vân Hồ. Tòa nhà khang trang làm Trụ sở Trung tâm Tin học là kết quả công sức sau nhiều năm vận động, để kết thúc thời kỳ đi ở đậu phân tán khi Quang Trung, khi Tô Hiến Thành…

Nhà thơ "Hoa Thanh Quế" này hình như ít có máu địa phương, nên bạn bè xem ra có chiều rộng rãi. Khi tôi bước vào tuổi 70, anh còn tổ chức mấy anh em trong tòa soạn đi du xuân ở chùa Bà Đanh, một di tích ở Hà Nam mà anh rất quen thuộc. Trở về, anh viết bài "Ngô Thảo lên lão 70", mà nhiều lời anh khen tôi còn phải phấn đấu nhiều mới có.

Nhìn bạn bè tốt hơn cái người ta có, hay chỉ quan tâm mặt tốt của họ là một tâm thế tạo nên hạnh phúc cho nhau mà không mất công tốn của gì. Chúng tôi còn có dịp cùng nhau đi lễ Đền Hùng, tượng Thánh Gióng và đền Gióng… Ở nơi đâu cũng chỉ quan sát lịch sử đầy thăng trầm biến đổi mà chọn một tâm thế bình yên cho mình. Mai Linh tuổi còn trẻ mà vóc hạc, mình mai, uống nhiều, ăn ít, khi hứng lên, thích vào tận bếp, tự tay làm món mình thích để đãi khách. Cách sống rất Tây mà toàn thích món ăn dân dã nhà quê.

Trong đời sống bình thường, Mai Linh là một người đàn ông có phong thái phong lưu, cốt cách nghệ sĩ vững vàng nên những công việc đời thường khéo léo chỉ làm đậm hơn một cá tính đáng yêu. Sinh ra trong một gia đình có nền nếp, có văn hóa, lớn lên nhập ngũ, làm lính đặc công, từng đi chiến đấu, rồi đi học, về làm chuyên viên ở Bộ Văn hóa trong nhiều năm. Ở vị trí đó, Mai Linh được đi nhiều nơi, làm nhiều công việc, quen nhiều, biết rộng, tận mắt chứng kiến để hiểu ra nhiều điều tế nhị của nhân tình thế thái qua bao biến động của  cơ chế, tổ chức, qua nhiều đời lãnh đạo, với vị thế, trình độ, cách điều hành công việc khác nhau, khi trở thành giám đốc một trung tâm nặng về xử lý kỹ thuật và một tờ báo điện tử hiền lành, hình như Mai Linh muốn tạo ra một môi trường làm việc ấm áp, yên ổn, mà ít tính cạnh tranh.

Báo điện tử Tổ quốc là một tờ báo thông tin kịp thời và toàn diện các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, và đặc biệt là văn hóa với nghĩa rộng. Có những chuyên mục được nhiều người quan tâm. "Văn học quê nhà" là mục có bạn đọc rộng rãi. Sau nhiều từng trải, do chút thuận lợi từ hoàn cảnh gia đình, chí tiến thủ vừa phải, ít khi những lo nghĩ thăng tiến làm bận lòng nhà thơ.

Nhà thơ Mai Linh (phải) cùng bạn bè văn nghệ sĩ: Nhạc sĩ Hồng Đăng, nhạc sĩ Văn Dung, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.

Nhưng Mai Linh là một nhà thơ tài tử. Anh không bị nỗi bức xúc, phải tự thể hiện mình là một nhà thơ chuyên nghiệp. Anh từng viết: Tôi chẳng làm thơ bao giờ. Thơ tự trào dâng. Thơ hay ứa lên từ nỗi nghẹn ngào. (Nhà Văn VN hiện đại). Chỉ có mấy tập thơ được in, tập Cho (2004) từng được Giải thưởng Hội Nhà văn, nhưng chưa đánh thức hết một tiềm lực thơ hiện đại, giàu suy tư được thể hiện qua một cảm xúc thơ, như anh nói, "tự trào dâng". Một lối văn báo chí đầy nhịp điệu của thơ, nhưng cũng vì vị trí công việc mà anh viết không nhiều.

Có nhiều nhà thơ có một lối sống rất xa lạ với thơ. Với Mai Linh, hình như ngược lại, làm thơ ít, mà cách sống, cuộc sống luôn đã là một bài thơ. Đã có thời nhà thơ vung bút… vẽ một loạt tranh sơn dầu, như để giải tỏa một mạch nguồn cảm xúc trào dâng mà ngôn từ không thể là con kênh giải thoát. Nhưng cũng chỉ nhất thời vậy thôi.

Mai Linh lại lo nghĩ, chống chèo cho sự tồn tại và phát triển của trung tâm mà không phải ai cũng nhận biết tầm quan trọng của việc số hóa kho tư liệu vốn văn hóa đa sắc, đa diện, đa ngành, đa dân tộc với sự biến động không ngừng qua từng giai đoạn lịch sử của nền văn hóa nhiều nghìn năm của đất nước. Nhiều giá trị không kịp sưu tầm, khôi phục, bảo lưu sẽ vĩnh viễn bị mai một trước dòng chảy hỗn mang của văn hóa đại chúng quy mô quốc tế.

Mai Linh có một gia đình yên ổn. Bố mẹ anh sau mấy bận ốm đau, đã hồi phục. Anh chị em công việc làm ăn xem ra phát đạt, con cái bắt đầu trưởng thành, con gái có gia đình, con trai học giỏi, 17 tuổi đã có học bổng toàn phần của đại học danh tiếng, ở một Khoa rất kén chọn sinh viên. Mai Linh có một người vợ đảm đang, không chờ đợi chồng làm kinh tế nuôi gia đình, có thể khẳng định một gia đình hạnh phúc, viên mãn. Nào ngờ, hồi đầu năm, thấy khó chịu, gia đình bắt ép mãi mới chịu đi khám bệnh.

Và điều không ngờ nhất đã đến. Biết tôi từng bị tắc ruột, khi mổ mới phát hiện bị ung thư, hóa trị rụng hết tóc, rồi lại mọc, lại ăn uống, vui chơi bình thường, cô Mai, vợ Mai Linh có gọi để tham khảo ý kiến tôi. Các giáo sư, bác sĩ đầu ngành cũng đều khuyên nên mổ.Về mặt giải phẫu, tay nghề các thầy thuốc Việt Nam ngang tầm quốc tế, nếu không muốn nói là có nhiều người hơn. Còn phác đồ điều trị và thuốc thang thì được quốc tế hóa rồi, chẳng cần phải ra nước ngoài.

Nhà thơ Mai Linh và nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Tôi có mặt bên anh khi vào mổ ở Bệnh viện Đại học Y rồi hóa trị, xạ trị ở Bệnh viện K, như một đối chứng để giữ vững tinh thần cho anh. Và Mai Linh cũng tỏ ra rất vững vàng, tin tưởng ở quá trình điều trị. Nhưng sau nhiều năm hơi tự tin quá vào thể chất lành mạnh, không chú ý kiểm tra sức khỏe định kỳ, đến khi phát hiện ra K thì đã muộn. Ngay khi phát hiện và tiến hành các bước điều trị, các thầy thuốc đã thông báo riêng cho người thân dự liệu những khả năng không hay có thể xảy ra. Những ngày xạ trị, rồi hóa trị, mệt mỏi, đau đớn, Anh vẫn về có mặt ở phòng làm việc  cơ quan như giữ vững tinh thần cho anh em trong trung tâm, dù nói đã rất khó.

Mai Linh thực sự không hề chuẩn bị cho một cuộc ra đi

Từng ấy năm thân quen, Mai Linh đã viết về tôi mấy bài rất xúc động. Cảm tấm lòng bạn trẻ với một người già về hưu, thoát ngoài vòng danh lợi mà sống nhẹ nhàng, khi anh ốm đau, được chị Mai và các em trong cơ quan thông báo những diễn biến không  như ý muốn, lòng tôi thắt lại, nhưng  không nỡ đặt bút viết. Bởi tôi vẫn hy vọng một sự đột biến của số phận sẽ xẩy ra vào phút 89. Mọi điều tốt đẹp muốn nói về nhau, nói với nhau giờ thì đã muộn.        

Mai Linh ơi, vậy là nghịch cảnh cuộc đời vẫn diễn ra, dù không ai muốn. Chợt câu thơ từ trong tiềm thức của nhà thơ Xứ Thanh hiện về như một tiên nghiệm: Linh ơi, "Giây phút cuối, không được nghe nhau nói/ Không được nhìn nhau lấy một lần". Xót xa.

Mai Linh, bạn đã mang theo mình một vốn văn hóa thâm hậu, mà ngay những người cùng thế hệ cũng không mấy người có được, để vội vàng lên đường theo những văn nghệ sĩ bạn từng yêu mến và tôn trọng: Trịnh Công Sơn, Thu Bồn và gần hơn là Nguyễn Quang Sáng, Phạm Duy, Trần Văn Khê, Thuận Yến, Phan Huỳnh Điểu, An Thuyên…

Nhà thơ Mai Linh trong một cuộc giao lưu âm nhạc.

Không thể về bên bạn lúc biệt ly, chỉ biết viết mấy lời gửi theo bạn, chúc một cuộc lên đường nhẹ nhàng, thanh thản, như là bạn đã hằng sống. Những người yêu mến bạn  luôn dõi theo mỗi bước chân của bạn trên đường xa. Cùng với thời gian, những người làm văn hóa sẽ nhận ra những người có một phông, nền văn hóa quốc tế sâu rộng, không chỉ thông thạo mấy ngôn ngữ hội thoại, mà biết sâu văn hóa nhiều dân tộc, nhiều đất nước như người vừa ra đi có thắp đuốc đi tìm cũng không dễ thấy. Tiếc thay!

Nhà thơ Mai Linh, sinh ngày 13/8/1959. Ông là chuyên viên Bộ Văn hóa- Thông tin từ 2004, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin kiêm Tổng biên tập Báo Điện tử Tổ quốc.

Tác phẩm của ông gồm các tập thơ: Hồi ức chuồn chuồn (1995), Ký gửi (2000), Cho (2004), Thu (2006), Lục bát và món quê (2009).

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2005 cho tập thơ "Cho".

Mai Linh mất ngày 20/9/2015, để lại nhiều tiếc thương cho gia đình và bạn bè, đồng nghiệp.

Nhà văn Ngô Thảo
.
.