Địa danh, di sản văn hóa phi vật thể
Theo những thông tin mà tôi được biết, đến năm 2014, đã có 9 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận. Đó là: Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Dân ca Quan họ (2009), Ca trù (2009), Hội Gióng Đền Sóc và Đền Phù Đổng (2010), Hát Xoan (2011), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (2012), Đờn ca tài tử Nam Bộ (2013), Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh (2014).
Đó là những nỗ lực đáng quý. Nhưng có một di sản văn hóa phi vật thể khác cũng rất quý giá và cực kỳ gần gũi mà chúng ta chưa chú ý gìn giữ, đó là chưa nói có trường hợp còn bị đối xử một cách thô bạo. Đó là những địa danh.
Trước hết, hãy đọc bài ca dao này:
Còn gì Hà Nội hơn những cái tên ấy, những cái tên đã trở thành một phần không thể thiếu của Hà Nội? Nói đúng hơn, “Ba mươi sáu phố” đã được người Việt đồng nhất với Hà Nội - nét độc đáo này có lẽ không có ở bất cứ thành phố nào trên thế giới.
Thật ra, nếu thử liệt kê, chúng ta sẽ thấy rằng số phố có tên “Hàng” lên tới hơn 50, chứ không chỉ là 36. Và Hà Nội ngày nay còn có hàng trăm phố mới. “Ba mươi sáu phố phường”, vì vậy, chỉ là một cách nói mang tính biểu tượng mà thôi.
Những tên phố, cũng như các địa danh nói chung, có giá trị văn hóa to lớn.
Trước hết, địa danh thể hiện rất rõ nét bản sắc của các vùng, miền. Chẳng hạn, những địa danh có yếu tố “Nậm” (nước), như Nậm Rốm, Nậm Thà, Nậm Nhùm… cho ta biết đó là vùng Tây Bắc, còn những địa danh có yếu tố “Dak” (cũng có nghĩa là nước) như Dak Lak, Dak Tô, Dak Nông, Dak Tuar … ta biết ngay đó là ở Tây Nguyên.
Tương tự như vậy, gặp những địa danh có yếu tố “Cái”, như Cái Bè, Cái Răng, Cái Mơn, Cái Vồn... ta biết có thể đoán khá đúng rằng đó là ở Nam Bộ, còn những địa danh có yếu tố “Kẻ”, như Kẻ Noi, Kẻ Sặt, Kẻ Bàng, Kẻ Gỗ… là những địa danh cổ, chỉ có ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Địa danh còn có giá trị lịch sử. Địa danh không đơn thuần là những địa chỉ, mà còn là những từ khóa mở vào những trang lịch sử của dân tộc. Theo nghĩa này, các địa danh đều là những điển tích. Cổ Loa, Bạch Đằng, Chương Dương, Điện Biên Phủ… những cái tên nói lên biết bao điều về quá khứ của dân tộc. Đôi khi tôi nghĩ rằng chúng ta hoàn toàn có thể trình bày lịch sử của dân tộc bằng cách liệt kê và chú giải những địa danh quan trọng. Nhưng dù không hay chưa làm một cuốn sách như thế, các địa danh mà chúng ta gặp, bằng cách này hay cách khác, cũng đều là một cuốn sách lịch sử sống động.
Ga tàu điện ngầm Stalingrad (Paris). |
Các địa danh còn có giá trị nghệ thuật. Trải qua bao nhiêu thời đại, gắn với bao nhiêu số phận, nhờ tài năng của biết bao nhiêu nghệ sĩ có tên và không tên, các địa danh đã đi vào ca dao, dân ca, vào kịch, thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, ca khúc, điện ảnh…, trở thành một phần không thể thiếu của các tác phẩm nghệ thuật. Bài hát Thành phố hoa phượng đỏ, chẳng hạn, sẽ nghèo đi biết bao nhiêu nếu như “Những Bến Bính, Xi Măng, Cầu Rào, Cầu Đất” bị đổi thành Thắng Lợi, Thành Công, Hữu Nghị, Đoàn Kết?
Chưa hết, nhiều địa danh còn có giá trị ngôn ngữ. Rất nhiều địa danh lưu giữ trong nó dấu tích của những quy luật và hiện tượng ngôn ngữ xa xưa, có thể ví như là những hóa thạch ngôn ngữ. Chúng rất quan trọng đối với việc nghiên cứu sự biến đổi của ngôn ngữ - ví dụ, các địa danh gốc Celtic ở Anh, như Thames, Avon, Usk, Dover, hay thậm chí cả London. Trong một số trường hợp, địa danh cung cấp chiếc chìa khóa duy nhất để tìm hiểu những ngôn ngữ cổ, đặc biệt là những ngôn ngữ đã thất truyền, như ngôn ngữ của một số bộ lạc thổ dân Bắc Mỹ.
Đôi khi, địa danh giúp chúng ta khám phá những điều rất bất ngờ. Đó là trường hợp bài nghiên cứu của tác giả Ngô Đức Thọ về nguồn gốc và lịch sử các địa danh Kẻ Chợ và Giao Chỉ trong bài viết Kẻ Chợ - Kattigara xa xăm thân yêu.
Dựa trên sự phân tích nhiều tài liệu và so sánh với nghiên cứu của nhiều học giả tiền bối, như Eduard Chavannes (1894), Bình Nguyên Lộc (1971), Vũ Hữu San (2004)…, và cả một tác giả Hy Lạp cổ đại là Claudius Ptolemaeus (khoảng 100-178) với tác phẩm Địa lý học (Geographia), Ngô Đức Thọ kết luận rằng: “Giao Chỉ”, “Kiao-tche”, “Kescho”, “Kesho”, Cattigara, Kattigara hay Katti-gara đều chỉ là những cách phiên âm ít nhiều sai lệch của địa danh Kẻ chợ (Kẻ thị).
Bằng cách này, ông bác bỏ lối suy diễn mang tính khinh thị của các tác giả Tàu (từng được nhiều người Việt phụ họa), rằng: “Giao Chỉ là người Nam di, ngón chân cái toạc ra, đứng thẳng hai bàn chân thì ngón chân cái giao vào nhau, cho nên gọi là Giao Chỉ (chỉ là ngón chân cái)”. (Đỗ Hựu, Thông điển, Ngô Đức Thọ trích dẫn).
Về kết luận của Ngô Đức Thọ, dĩ nhiên, chúng ta còn có thể bàn luận, nhưng đó không phải là chủ đề của chúng ta, ít nhất là trong bài viết này. Điều chúng tôi muốn nói là tầm quan trọng của các địa danh.
Chính vì tầm quan trọng của địa danh như vậy, thái độ ứng xử với địa danh cũng phần nào thể hiện thái độ chính trị và văn hóa quản lý của chính quyền. Dưới thời Pháp, chính quyền thực dân đổi tên nhiều phố phường Hà Nội thành tên Tây, như Hàng Trống thành Jules Ferry, Hàng Khay thành Paul Bert, Hàng Chuối thành Beylier, ngõ Hàng Hương thành Maréchal Joffre… Một số tên phố khác thì được dịch ra tiếng Pháp, như
Hàng Quạt (Éventails), Hàng Đậu (Graines), Hàng Chĩnh (Vases), Hàng Bông (Coton), Hàng Đường (Rue de Sucre), Hàng Than (Charbon)…
Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), Bác sĩ Trần Văn Lai (1894 - 1975) được mời làm Đốc lý Hà Nội (tức Thị trưởng) trong chính phủ Trần Trọng Kim. Là người yêu nước, chỉ trong một tháng tại nhiệm (từ 20/7/1945 và đến Cách mạng Tháng Tám) ông đã làm được nhiều việc quan trọng, trong đó có việc phá bỏ tượng những tên thực dân Pháp và đặt tên lại các phố phường Hà Nội.
Các phố có tên gắn với các làng nghề của Thăng Long xưa được khôi phục tên cũ, còn các phố mang tên Tây được thay bằng tên các anh hùng, các nhà văn hóa của Việt Nam, Boulevard Carnot được đổi thành phố Phan Đình Phùng, Boulevard Gambetta được đổi thành phố Trần Hưng Đạo… (Sau 1954, Bác sĩ Trần Văn Lai từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Thương binh - Xã hội, sau đó là Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa III).
Việc đổi và đặt tên phố Hà Nội của bác sĩ Trần Văn Lai được đông đảo người dân đồng tình, và đến nay vẫn còn được nhiều người ca ngợi. Tuy nhiên, không phải nhà quản lý nào cũng có được tầm nhìn và trình độ văn hóa như vậy. Không ít lần, chúng ta đã có những quyết định vội vã, không thuyết phục, như đổi tên công viên Thống Nhất thành công viên Lenin, để rồi một thời gian sau lại quay lại tên cũ.
Tương tự, tên bà Indira Gandhi từng được đặt cho vườn hoa Chí Linh trước khi chuyển sang đặt cho một công viên. Một trường hợp khác là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị. Là quà tặng của Hội đồng Trung ương các Công đoàn Liên Xô, do kiến trúc sư Liên Xô G. G. Isakovich thiết kế, công trình này được đặt tên là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, hay gọi tắt là Cung văn hóa Việt - Xô.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, trong khẩu ngữ, và nhiều khi cả trong các bài viết, người ta có xu hướng lược bỏ “Việt-Xô” đi, và gọi là Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Nhiều lần tôi tự hỏi, liệu đó chỉ là một sự tình cờ hay còn bạc bẽo? Về chuyện này, tôi rất khâm phục người Pháp.
Đến Paris, ngay cả hôm nay chúng ta vẫn thấy có một ga tàu điện ngầm mang tên Stalingrad - cái tên được đặt để ghi nhớ chiến công của Hồng quân Liên Xô trong trận quyết chiến với quân Đức trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Người Pháp vẫn giữ cái tên ấy, trong khi ở Nga, các tượng đài Stalin đã bị phá, các đường phố mang tên Stalin đã bị đổi tên, và thành phố Stalingrad đã trở thành Volgograd.
Cuối cùng, để kết thúc bài viết nhỏ này, tôi nghĩ rằng việc lấy tên các nhà cách mạng, các anh hùng liệt sĩ và các nhà văn hóa hiện đại của Việt Nam làm địa danh là rất hay và đã trở thành truyền thống. Nhưng sẽ còn hay hơn nữa nếu chúng ta chỉ nên áp dụng với các công trình mới. Tôi ước, ga Hà Nội trở lại là ga Hàng Cỏ. Tôi ước, một công trình mới, thật to đẹp, như Đường 5 kéo dài, như cầu Nhật Tân, hay Sân bay quốc tế mới của Hà Nội sẽ mang tên các nhà cách mạng như Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, những người đã cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng, cho những thành công của đất nước hôm nay.
Đồng thời, tôi cũng ước, con phố nhỏ bên Quốc Tử Giám lại trở lại là phố Hàng Bột ngày xưa. Và tôi ước, đường Nam Bộ, cũng như công viên Thống Nhất, lại trở về với cái tên đã gắn liền với bao kỷ niệm thời chống Mỹ. Bởi, từ nơi đó, bao lớp người đã ra đi, hướng về Nam, mơ về một ngày đất nước tự do, hòa bình, liền một dải.