Dấu giày từng bước in rêu rành rành

Thứ Ba, 22/09/2015, 08:38
Hôm kia, anh em VTV9 nhờ tìm một nhà văn tiếng tăm cho chương trình văn học nghệ thuật. Loay hoay mãi, rồi cũng thống nhất chọn nhà văn Bình Nguyên Lộc. Lâu nay, người ta ít nhắc đến, dù tác phẩm của ông vẫn tái bản lai rai. Tuy nhiên, quyển sách tầm cỡ nhất, khiến các nhà ngôn ngữ học phải kinh ngạc là Lột trần Việt ngữ. Chưa thấy in lại. Vẫn có thể tìm đọc trên mạng. Nhưng cầm quyển sách đọc nhẩn nha vẫn thú hơn.

Có những nhà văn chỉ là nhà văn. Họ có thể dẫn dắt người đọc đi vào thế giới văn chương bằng số phận các nhân vật thông qua các tình tiết, cốt truyện…

Có những nhà văn không chỉ có thế, sự hiểu biết, kiến thức uyên bác đa chiều, đa dạng đã nâng họ lên tầm cỡ, tầm vóc nhà văn hóa.

Bình Nguyên Lộc là nhà văn hóa tiêu biểu của miền Nam. Ông viết nhiều, xét về số lượng thì không thua gì Tô Hoài, Lê Văn Trương, Hồ Biểu Chánh… Thời Sơn Nam ở chiến khu lên Sài Gòn lập nghiệp năm 1954, Bình Nguyên Lộc đã giúp đỡ nhiều, kể cả hướng dẫn cách chọn đề tài phù hợp với báo chí Sài Gòn. Giấy tờ ghi Bình Nguyên Lộc sinh năm 1915, thật ra ông sinh ngày 7/3/1914, sinh tại làng Tân Uyên, tổng Chánh Trung Mỹ (Biên Hòa). 

Trao đổi với nhà văn Nguiễn Ngu Í, ông cho biết: “Gia đình tôi còn giữ được gia phả mười thế hệ ở Tân Uyên”. Rõ ràng, gốc tích của ông gắn bó với miền Nam đã xa xưa lắm rồi. Đến nay, vẫn chưa mấy ai bỏ công nghiên cứu thấu đáo về sự nghiệp của Bình Nguyên Lộc.

Có lần nghe ai đó nói, con trai nhà văn Bình Nguyên Lộc là bác sĩ Tô Dương Hiệp, có thời gian làm Giám đốc Dưỡng trí viện Nguyễn Văn Hoài. Dừng lại một chút, ông Nguyễn Văn Hoài là ai?

Đọc lại tạp chí Bách Khoa số 149 (ngày 15/3/1963) có bài Bác sĩ Nguyễn Văn Hoài - người thầy thuốc hiến trọn đời mình cho một hạng người bạc phước của nhà văn Nguiễn Ngu Í. Ông Í - cậu ruột bác sĩ, thi sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết đáng tin cậy, vì hơn ai hết, ông từng là bệnh nhân nhiều lần lui tới nơi này chữa trị.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hoài sinh tại ngày 7/6/1898 tại Long Châu, tỉnh Vĩnh Long. Ông Í viết: “Người trai Vĩnh Long ấy thật là một người kì cục. Lắm người thân (trong vòng bà con cũng như trong vòng bè bạn, thuộc viên) đã nửa đùa nửa thật gán cho cái tính từ… “gàn”. Sở dĩ bị gọi là “gàn” vì ai đời một người từng sang Pháp học tại đại học đường Sorbonne nhưng: “Khi trở về nước, năm 1930 lại xin bổ nhậm tại nhà thương điên Biên Hòa, vì “không ai chịu đến nơi ấy, thì mình đến vậy”.

Nhưng một khi tự nguyện vào cái “thế giới người điên” nọ, thì người thầy thuốc tuổi vừa trên “tam thập” ấy lại tỏ ra sáng suốt hơn người thường. Ông đọc trong sách báo, ông học ở các bậc đàn anh, ông quan sát bịnh nhân trong mấy năm trời, để quyết tâm hiến trọn đời mình làm sao cho cái “địa ngục nhốt người điên” biến thành cõi “thiên đường” cho người đi dưỡng trí”.

Cũng theo tài liệu của ông Í: “Bác sĩ Nguyễn Văn Hoài mất sáng ngày 28/5/1955, lúc 5h, vì đứt gân máu ở tim. Ông để lại các tác phẩm: Lược khảo về các vấn đề Hòa bình, 1950 (Pháp và Việt văn). Điên? Dưỡng trí viện?, 1952 (quyển sách đầu tiên của người Việt nói về bịnh điên và Dưỡng trí viện), Adolf Hitler, 1952 (xét như một bịnh nhân tâm trí, bằng Pháp văn), Về sự tổ chức Dưỡng trí viện miền Nam nước Việt, 1954 (luận về bác sĩ Y khoa, bằng Pháp văn) và nhiều bản thảo trong đó có tập: “…Từ bịnh tâm trí đến sự giết người”. Với đóng góp to lớn, hiệu quả của ông nên Dưỡng trí viện Nam Kỳ có thời gian đổi thành Dưỡng trí viện Nguyễn Văn Hoài - nhiều người hay gọi nôm na nhà thương điên Biên Hòa.

Ít ai biết, từ năm 1971 tại Sài Gòn có ấn hành tập Thơ Điên, ghi rõ ràng: Thơ tuyển của một số người đã và đang điên có tên sau đây: Thiện Quang, Thích Ảo Giác, Hồng Đức Tâm, Lê Hoàng Thúy, Phan Trần Từ Hương, Bùi Giáng, Nguiễn Ngu Í do các bác sĩ tại “Dưỡng trí viện Nguyễn Văn Hoài” thực hiện. Đêm qua, nằm đọc tập thơ này để xem người điên làm thơ thế nào? Thơ đọc thú vị bởi người điên “thứ thiệt” viết chứ không phải của người tỉnh giả vờ viết như đang điên.

Trong “Lời tựa”, bác sĩ Tô Dương Hiệp - con trai nhà văn Bình Nguyên Lộc viết: “Sáng tác văn nghệ là một lối thoát của người mắc tâm bịnh, không làm nguy hại cho ai cả, và cần được khuyến khích. Lời của người thơ mắc tâm bịnh phảng phất một hương vị kỳ lạ, nhan nhản hình ảnh ghê rợn và đưa ra một nhịp điệu cuồng nhiệt vì nó là tiếng nói của vô thức, mà vô thức là một thế giới sâu thăm thẳm, âm u mù mịt đối với chúng ta, nó không theo quy định của thế giới thực tế bên ngoài, không theo nguyên tắc của lý trí sáng suốt” (tr.V). Tập thơ này vừa in bằng chữ Quốc ngữ thông thường, vừa in “chữ của Thái Bình Điên Quấc” - một kiểu cải cách tiếng Việt do nhà thơ Nguiễn Ngu Í chủ trương. Thế giới ấy cũng vui ra phết, chẳng hạn, mấy câu thơ chơi chữ của Bùi Giáng:

Bỗng dưng bồ bịch truông trèo
Mà ra như thể dấu bèo dại si
Một hôm gầu guộc gầm gì
Hai hôm gần gũi cũng vì ba hôm
Bôm ha? Đạn hả? Bao gồm
Bồm gao gạo đỏ bỏ gồm gạo đen

Theo các bác sĩ những câu thơ này “để lộ một triệu chứng  của một loại bịnh tâm trí… Triệu chứng nói trên là con bịnh thích chơi chữ, thích nói lái và để cho một số âm thanh nào đó chúng lôi cuốn quấn quýt lấy nhau. Và những trường hợp này, không phải ý hay tình gợi cảm tác giả, mà là âm thanh, nhạc điệu” (tr 90-91). Nếu không là bác sĩ, ta có thể bình được như thế chăng? Điên làm thơ, nghĩ cho cùng cũng là lẽ bình thường. Ai có hứng thì viết, nào có ai cấm cản gì ai? 

Câu thơ của người điên, kẻ tỉnh hơn nhau là có ai thích, ai nhớ đến hay không, chứ câu nệ gì vào bệnh lý của họ. Mà thôi, có ai tự hỏi... ma làm thơ không? Chỉ duy nhất trong Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, in năm 1896, có chép bài Thơ ma: “Chùa Nguyệt Đường gần chốn Hoa Dương là một nơi đô hội. Gần đây có người học trò qua chơi, thấy trên vách có bài thơ tứ tuyệt (tạm dịch):

Mấy năm không đến Nguyệt đường môn
Cột, tháp y nguyên, ngấn lệ còn
Cỏ ngập trốc mồ em với vợ
Gò hoang một dãy táng ba hồn.

Lời thơ rất thê thảm nên người ta ngờ đó là thơ ma”.

Thơ của ma hay thơ của người? Lại hỏi, có ai làm thơ miêu tả bóng ma chưa? Chỉ duy nhất trong Truyện Kiều, dám quả quyết rằng chính là hai câu thơ này:

Dè chừng ngọn gió lần theo
Dấu giày từng bước in rêu rành rành

Thơ viết về ma. Bóng ma Đạm Tiên đã xuất hiện dưới ngòi bút của thiên tài Nguyễn Du! Những kẻ tầm thường làm sao có thể “vẽ” nên hồn ma bóng quế rợn người đến vậy? Mà đọc mấy câu thơ rờn rợn trên, có ai tự hỏi về địa danh Hoa Dương không? Nay là đâu? Bèn tra Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX của Viện nghiên cứu Hán Nôm: “Hoa Dương: huyện Thanh Miện, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương; Hoa Dương: tổng Cao Xá, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, trấn Nghệ An”. Dù trùng địa danh, nhưng ta vẫn có thể xác định rõ ràng khi biết Phạm Đình Hổ người Hải Dương, Nguyễn Án người Kinh Bắc.

Chiều nay rời khỏi cơ quan về sớm. Ngại mưa to gió lớn. Về nhà, lại viết đôi dòng vu vơ giết thời gian. Ơ hay sao lại từ chuyện nhà văn Bình Nguyên Lộc kéo qua chuyện người điên làm thơ? Rồi từ thơ điên nhảy qua thơ ma! Hay thật. Ừ đã “lạc đề” thì thêm đoạn này luôn thể, bởi nó gần gũi với đời thường hơn. Ấy là có lần y hỏi bạn bè về “gốc gác” của từ “bà tám”. Giải thích ra làm sao? Ông bạn già An Chi giải thích rành rọt như sau:

“Bà tám” là một hình thức sao phỏng (loan translation), có lẽ bắt đầu ở tiếng Việt miền Nam. Mà ở miền Nam thì bắt nguồn từ tiếng Quảng Đông là “pát phò”, đọc theo âm Hán Việt là “bát bà”, dịch đúng nghĩa gốc là “bà tám”. Đây là một đặc ngữ của tiếng Quảng Đông ở Hồng Công, dùng để chỉ người phụ nữ hay để ý hoặc bàn tán đến chuyện của người khác; hiểu rộng ra, là người đàn bà nhiều chuyện. Ở những địa phương khác của Trung Quốc gọi hạng đàn bà này là “trường thiệt phụ”, nghĩa đen là “con mẹ lưỡi dài”.

Trực tiếp đóng góp vào sự ra đời của danh ngữ “bà tám” này trong tiếng Việt là dân làm ăn liên quan đến làng điện ảnh và truyền hình. Sau khi phim Tàu, đặc biệt là phim Hồng Công nói tiếng Quảng Đông, được một vài đài truyền hình phát sóng thì phát sinh yêu cầu phải thuyết minh và lồng tiếng. 

Để làm vậy, trước hết phải dịch. Khốn khổ thay, người dịch có lẽ cũng chạy theo nhịp điệu hối hả của thị trường chứ nào thực sự yêu mến tiếng Việt, thực sự thấu hiểu từ nguyên. Chưa kể trong đó có thể có cả những tay người Việt gốc Hoa thì làm sao tránh khỏi chuyện “pát phò” trở thành “bà tám”! Trong khi đó, tiếng Việt đâu có thiếu từ, ngữ tương ứng với khái niệm “con mẹ Tám” của Tàu Quảng Đông!

“Bà tám” dần dần đưa đến từ “tám” phái sinh bằng cách ngắt bỏ từ “bà” đằng trước, nhiều phần cũng là do nhu cầu động từ hóa. Thế là có động từ “tám” và danh ngữ “bà tám” - mẹ đẻ của nó - tồn tại song song trong khẩu ngữ. “Bà tám” dùng để chỉ những người nhiều chuyện, còn “tám” thì dùng để chỉ hành động của những người này”.

Lê Minh Quốc
.
.