Đắm mê vào thế giới sắc màu

Thứ Năm, 17/12/2015, 15:40
Trưng bày trùng thời gian với Triển lãm (TL) Mỹ thuật Việt Nam tại Vân Hồ, khai mạc chiều 8-12 đến hết 22-12-2015, Sắc màu 6 khẳng định dấu ấn của một lực lượng nữ họa sĩ từ thế hệ 3X đến 7X. Khác biệt về tuổi tác, điều kiện sống làm việc, cùng chung đam mê hội hoạ để những sắc màu của phong cách cá nhân làm nên bản sắc của Sắc màu hiếm biệt mà chưa nhóm HS nào làm được.

Hội hoạ là nghệ thuật của hình và màu. TL Sắc màu, mang nhiều sắc màu đó là cuộc trưng bày tranh của hoạ sĩ (HS) ba miền, diễn ra thường niên, được coi là cuộc hội tụ quy mô bền vững nhất từ trước tới nay của các HS nữ, một nửa số họ là thạc sĩ (Th.s), giảng viên (GV) đại học mỹ thuật. Điều đáng quý: họ tự thân vận động kết nối, tự lo mọi chi phí. Mỗi lần hội tụ đều bày tác phẩm mới và đi thực tế sáng tác. 53 tranh của 15 HS là 53 cánh cửa của thế giới khác, thế giới hội hoạ huyền nhiệm hội tụ nhiều thế giới nhỏ tưởng thuộc về mà lại bao chứa nhiều thế giới hiện thực.

Không cần năng lực tưởng tượng cao, hay con mắt tinh sành am hiểu, công chúng vẫn cảm thụ được những giai tầng xúc cảm của các nữ HS. Dường như phái tính đã làm cho họ, dù rất tinh tế nhạy cảm thức nhận mọi chuyển động sự sống và suy cảm vẫn truyền sự rung động của trái tim bác ái lên toile. Bế con xem tranh, choáng ngợp không gian hai phòng tranh lớn vào buổi sáng tĩnh lặng, tôi như được bay lên trong sự đa chiều và phức cảm tuyệt vời mà yêu hơn cuộc đời này.

Muốn thưởng thức tranh thật sự không nên đến xem vào khai mạc: đông đúc, rộn rã quá, chỉ để chúc mừng, nói chuyện thôi. Xem tranh không cần lời nói nào mà thấy muôn lời. Đấy là thứ siêu ngôn không biên giới. Sức mạnh của hội hoạ đã chứng minh xuyên thế kỷ khắp toàn cầu. Trong hành tinh đang nhiều bất ổn, bom nổ và máu chảy chưa hồi nào chấm dứt thì nghệ thuật càng cần biết bao để vỗ về, nâng đỡ, cứu rỗi và khai sáng chúng ta.

Những vùng miền Việt Nam và thế giới hiện trên tranh đa chất liệu, phong cách. Không phải là nghệ thuật của khoảnh khắc như nhiếp ảnh, những khoảng khắc dồn tụ được thẩm lọc, lưu nhớ và truyền toả bằng cọ vẽ. Tuổi bát thập, được sinh ra ở Mỹ Tho, Tiền Giang, sống Sài Gòn từ khi 6 tuổi, đã TL ở 20 quốc gia (Mỹ, Đức, Singapore, Thái Lan), 25 lần TL cá nhân, HS Nguyễn Thị Tâm (1936) đưa thiên nhiên Nam Bộ ra Thủ đô với Mùa nước nổiMùa bông điên điển.

Hồn bướm mơ tiên, 155x155cm, sơn dầu của Tào Hương.

Học trò của cô giáo Tâm, NGƯT Đặng Thị Dương (1948), cùng chồng - hoạ sĩ gốc Hải Phòng Phan Oánh sống và vẽ bên bờ sông Vàm Thuật. Sức vẽ của Th.S - GV Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh qua phong cách hồn nhiên nổi bật tài vẽ động vật và rừng cây. Chị vẽ kiểu 3D bằng chất liệu tổng hợp: lạc đà, cá sấu rừng Sác, mẹ con ngựa, phong cảnh rừng đước Côn Đảo và Cần Giờ.

Không thể ra Hà Nội, dù là thành phần cốt cán từ Sắc màu 1, Th.S Cao Thị Được (1958) vẫn “có mặt” trẻ trung tuổi 20 bằng chân dung vẽ chính mình thời sinh viên, thêm Bà lão Chăm. Chồng Th.S Được là HS Nguyễn Thế Hùng. Chị là GV của trường mà mình từng học - Đại học Mỹ thuật Hồ Chí Minh như đa số các đồng nghiệp tham gia Sắc màu.

Cùng sinh năm 1964 với Huỳnh Phương Thị Đài Trang, Nguyễn Thuỳ Hương, Trần Thuỳ Linh là HS duy nhất TL du học nước ngoài. Chị tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Leipzig, từ Đức, chị trở về Sài Gòn năm 1988 và gắn bó đến nay, làm việc tại lãnh sự Đức. Sinh trưởng tại Hà Nội, Linh đem sông nước phương Nam ra trưng bày. Thực ra 5 tác phẩm sơn dầu trừu tượng 0,8x1m của chị đều là sự hát ca của màu sắc, như tên một bức tranh Màu hát

Tham gia đủ 6 kỳ Sắc màu, Th.S Huỳnh Phương Thị Đài Trang, GV dạy trang trí, lần đầu tham gia với 5 tranh phong cách trừu tượng đều tên Sắc màu tình yêu, đánh số. Tranh chị sặc sỡ, ma mị, rực rỡ như cuộc say tình ái. Hỏi: Sao trưng bày toàn về tình yêu thế? Chị cười rổn rảng: “Phải yêu nhiều chứ, không nhiều tình yêu thì sao sống được!”. Đồng nghiệp cùng trường Đài Trang là HS Nguyễn Thuỳ Hương đã định cư TP Hồ Chí Minh từ năm 13 tuổi. 

Chị đã tham gia Sắc màu 5 ở TP Huế và ở lần thứ 2 này, người con gái đất Bắc lại đưa ra Vườn chôm chôm Bến Tre (2x2m) và Thảo nguyên mênh mông - ấn tượng về chuyến đi Ulan Bator cùng các HS Nguyễn Thị Tâm, Đặng Thị Dương, Cao Thị Được, Trần Thuỳ Linh, Bùi Mai Hiên tham gia TL HS nữ quốc tế ở Mông Cổ năm 2014. Là vợ HS nổi tiếng Nguyễn Trung Tín, Th.s Thuỳ Hương chăm lo phát triển sự nghiệp cho chồng và giảng dạy nhiều hơn nên mới làm TL cá nhân năm 2010 và đã đưa tranh đến Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Bùi Mai Hiên (1957), nữ HS sơn mài nổi danh của Hà thành là HS duy nhất của Thủ đô tham gia TL HS nữ quốc tế 2012, 2014 và 5 kỳ Sắc màu. Hai năm nay, chị đang chinh phục chất liệu mới acrylic. Tín đồ Thiên chúa giáo, Cécilia Mai Hiên luôn sống bằng sự nghĩa tình, san sẻ, bao dung. Trái tim yêu thương và mắt trong khiến chị vẽ thăng hoa. Tranh Mai Hiên đầy lãng mạn và mộng mơ mà rất cập nhật.

Đêm huyền diệu, 70x90cm, sơn mài của Bùi Mai Hiên.

Chị từng vẽ Sức sống S Việt Nam khẳng định chủ quyền đảo Trường Sa, Hoàng Sa và lần này lại xuất hiện CO­2 - Sự huỷ diệt thầm lặng, tranh khổ lớn liên kết 3 bức 70x140cm. Loạt sơn mài có Nỗi buồn chiến tranh và vẫn có Múa được mùa, Đêm huyền diệu, Nhạc và hoa. Miền núi phía Bắc đang là cảm hứng, vùng sáng tác mới của Mai Hiên. Cũng hào hứng phong cảnh và con người miền núi, HS Hà Khanh (1956) phong cách phóng khoáng, khoẻ mạnh còn vẽ tranh về biển, Hà Nội và tĩnh vật bằng sơn dầu, sơn mài với 6 tranh mới sáng tác.

Quê Nam Định, làm việc tại Viện Khoa học - Công nghệ, đã vẽ sơn dầu, lụa, acrylic, HS Trần Thanh Thục (1960) 20 năm nay chuyên sáng tác tranh cắt vải. Chất liệu của Thục vừa độc đáo, vừa khó cạnh tranh bởi độ công phu, tỉ mẩn, thế mà người đàn bà đẹp này lại thành “phù thuỷ vải” đem đến cho người xem hình ảnh hồ Gươm, phố cổ Hà Nội, Hội An và núi đá Hà Giang. Sáng kiến lập TL Sắc màu thuộc nhóm thành viên ban đầu, HS Nguyễn Thị Lan Hương (1961) là GV Hình hoạ cơ bản, khoa Mỹ thuật Công nghiệp Trường Đại học Hoà Bình. 

Chị là người Hà Nội phố cổ, sinh ra tại 18 Hàng Gà, lớn lên ở Thái Nguyên và theo học mỹ thuật tại Trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc trước khi về lại quê hương học Đại học Mỹ thuật. Sống và vẽ bên Hồ Tây, sen Tây Hồ đi vào tâm thức chị tự nhiên. Chị yêu sen hay sen đã chọn chị với thần bút để tạo nên những mùa sen không tàn. 

Chị đã có 5 TL cá nhân, mới nhất là Đi qua mùa sen gồm 30 tranh khổ lớn tại Dolphin Plaza tháng 6-2015 trước khi trưng bày tại 16 Ngô Quyền. Phong cách hiện thực, Lan Hương bộc lộ chân tài qua giai phẩm hoa, phong cảnh. Linh hồn sen hay duyên mệnh khiến chị lại chọn 2 tranh Sen (1,6x2m) trở lại phòng tranh đã lưu dấu tiếng vang. 

Là Trưởng khoa mà Lan Hương đang công tác, HS Tào Hương (1962, em gái NS Tào Tuấn Phương và HS Tào Linh) vừa đưa sinh viên đi thực tập Yên Bái, kịp trở về cùng đồng nghiệp treo tranh trước khai mạc. Tranh siêu thực của chị thật hút hồn với nhan sắc nhân vật dễ làm gục ngã người xem mọi giới. Không chỉ nhan sắc mà đấy là sự phô diễn của tâm hồn bởi thế giới hoa lá, giấc mơ của Tào Hương đúng là đáng mơ bởi thiên nhiên sinh sôi, rạng rỡ đầy sức sống. 

Trẻ nhất trong các HS Hà Nội, từng là giảng viên Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Th.S Ngô Hải Yến (1971) chỉ tham gia 1 tranh dù mỗi HS có quyền gửi 6 tranh nếu kích thước không quá lớn. Thăng hoa (1,2x2m) của Yến là tranh biểu hiện trừu tượng tải chứa mong muốn về bình đẳng giới, sự bứt phá. Th.S Nguyễn Thị Mỵ (1968) đang là GV hình hoạ Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã tham gia đủ 6 kỳ Sắc màu. 

Phong cách biểu hiện acrylic và sơn dầu, Mỵ đưa biển về Thăng Long. Khi mặt nước không yên lặng 1x2m, đấy là biển đang nóng lên, biển giận dữ âu lo trong thế giới ngột ngạt người, ô nhiễm khói bụi không ngớt tiếng nổ, lửa đạn, khói súng. Chị vẽ cá như vẽ thân phận người trong thế giới hiện thực không biết khi nào mới có hoà bình, phát triển bền vững? Là cây cọ duy nhất đến từ Huế, Nguyễn Thị Huệ (1977) đang là Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Thừa Thiên - Huế. 

Tranh lụa của Huệ cũng là độc đáo hiếm thấy. Huệ dùng sơn dầu, acrylic, giấy dó và cả hoa lá gắn vào lụa mang sắc thái Phật giáo với chùa Huế, Thành nội và sông Hương qua loạt tranh Duyên thời, 1,2,3. HS Hồ Thị Xuân Thu (1960) người gốc Huế, định cư ở Pleiku, Gia Lai 1985 đã có 2 TL cá nhân Sài Gòn và Hà Nội, lần đầu tham gia Sắc màu với 4 bức sơn mài, vẽ năm 1998, 2000, 2012 đều về thiếu nữ Tây Nguyên.

Khi tờ báo này đến tay bạn đọc thì các HS Sắc màu đang ở Hà Giang để ngắm, chụp ảnh tam giác mạch cuối mùa hoa (từ 9 - 12/12). Hôm 2-12, họ đã lên Mộc Châu ngắm hoa cải trắng. Đi được nhiều nơi nhất là HS Nguyễn Thị Tâm, vẫn dậy lúc 4h sáng cùng HS Trần Thanh Thục và HS Sài Gòn Việt Hoa, Ngọc Thắm đến chùa Hương ngắm hoa súng hồng trên suối Yến hôm 4-12 và ngày hôm sau khi các đồng nghiệp tuổi con mình kêu mệt, ốm, bà lại cùng các HS Như Khôi, Hoa, Thắm thuê xe đi thăm các danh thắng Ninh Bình, chụp hơn nghìn ảnh làm tư liệu để vẽ.

Chẳng cần chờ Xuân đến thì Xuân vẫn hằng quấn quít trong hơi thở và sức sống của nữ HS tài năng chọn cuộc đời gắn với sắc màu.

Vi Thùy Linh
.
.