Đài Loan đã thấy và viết

Thứ Sáu, 05/06/2015, 15:00
Thật không thừa khi nói thêm rằng hầu hết các thắng cảnh, di tích ở Đài Loan đều miễn phí vào cửa và luôn có Trung tâm Thông tin để chỉ dẫn một cách nhiệt tình...

Tôi rời nhà lúc 12 giờ trưa cho chuyến bay dự kiến khởi hành lúc 2 giờ 30 phút chiều. Thật không may, cơn mưa giông trước giờ bay khoảng 30 phút đã khiến hàng loạt chuyến bay đến không thể hạ cánh và không ít chuyến bay đi không thể cất cánh. Loay hoay ở sân bay thêm 4 tiếng nữa, chúng tôi thông báo cho chủ nhà trọ ở Hoa Liên (Hualien: Hoa Liên) rằng không thể đến trong đêm và cần hủy phòng đã đặt, đồng thời báo cho chủ nhà ở Đài Bắc (Taipei) rằng chúng tôi cần chỗ ngủ và sẽ đến vào khoảng 11 - 12 giờ đêm. Hơi buồn là vào giờ đó rất có thể không bắt được xe buýt để về trung tâm thành phố nên chủ nhà đề nghị thuê giúp xe đón tại sân bay, chi phí khoảng hơn tám trăm ngàn tiền Việt.

1. Sân bay Đào Viên (sở dĩ có tên nghĩa là vườn đào vì khu vực này trồng rất nhiều đào ăn trái) không lớn hơn nhiều so với Tân Sơn Nhất và sạch sẽ, thoáng đãng với mái nhà nhọn và cong rất Trung Hoa, nhẹ nhàng màu sơn trắng. Đến chuyến về, tôi cho rằng kiến trúc của sân bay Đào Viên có sự tương đồng với kiến trúc của đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch ở trung tâm Taipei, nhất là ở màu trắng chủ đạo và mái vòm cong. Tôi hay quan sát kiến trúc mang tính cửa ngõ của các sân bay vì cho rằng một chiếc cổng xinh xắn thường dẫn đến một ngôi nhà đẹp.

Mặc dù đã nửa đêm nhưng lượng khách ở khu vực xuất nhập cảnh khá đông, mọi người xếp hàng theo hình zíc zắc chờ đến lượt. Công dân quốc tịch Đài Loan hoặc có visa thường trú thì nhanh chóng tự làm thủ tục trên các máy check-in tự động. Tôi thầm ước nếu ở Tân Sơn Nhất cũng có những thiết bị như thế thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và nhân lực. Ở quầy kiểm tra xuất nhập cảnh, họ trang bị camera và thiết bị lấy dấu vân tay, mỗi thiết bị có một màn hình chiếu một clip ngắn, dễ hiểu để hướng dẫn khách thao tác. Cô gái ở quầy đã mỉm cười với tôi khi vừa yêu cầu tôi đặt tay lên máy thì phát hiện tôi đã thao tác xong từ trước đó.

Sau chặng đường dài, mặc dù mệt nhưng tôi vẫn hết sức phấn khích khi xe bon bon trên đường cao tốc và liếc qua đồng hồ thấy chỉ 120  - 140 km/giờ. Là một người thích di chuyển và tốc độ nên đường cao tốc êm ru của Đài Loan khiến tôi thấy vui vẻ. Các xe chạy tốc độ cao nhất giữ làn sát dải phân cách, khi giảm tốc họ chuyển sang làn bên phải nhường đường xe khác. Việc di chuyển như thế này làm tôi nhớ lại cảm giác lần đầu tiên ngồi xe với tốc độ 140 km/giờ ở Đức, mới mẻ và sống động.

Khi chúng tôi hỏi có gì cần phải lưu ý về mặt an ninh không, cô chủ nhà vui vẻ nói rằng nếu bạn khóa cửa thì an toàn, nếu bạn quên khóa cửa thì … cũng an toàn luôn. Sau đó cô giao chìa khóa căn hộ và đi chơi ở Đài Nam. Đến ngày về chúng tôi chỉ việc để lại chìa khóa, bấm cửa và ra sân bay. Bạn tôi là du học sinh chương trình thạc sĩ kể rằng Đài Loan đã tổ chức được một xã hội tự giác trong việc chấp hành các quy tắc ứng xử văn minh nơi công cộng cũng như một môi trường sống an toàn, lành mạnh.

Phố đi bộ ở khu trung tâm Đài Bắc.

Hệ thống camera được lắp ở khắp nơi, các hành vi không đẹp như xả rác, cư xử thô lỗ với tài xế xe buýt… cũng sẽ được phát trên hệ thống truyền hình quốc gia, hệ thống truyền hình trên tàu điện ngầm,… khiến cá nhân vi phạm xấu hổ và nhắc nhở cả cộng đồng. Thế là suốt chuyến đi chúng tôi cứ vừa nhắc vừa trêu chọc lẫn nhau “coi chừng lên ti vi nha” để tránh những vi phạm do vô ý.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là tòa nhà Taipei 101 ở trung tâm thành phố. Với 101 tầng, tòa nhà đã từng giữ vị trí cao nhất thế giới trước khi Burj Khalifa của Dubai chiếm ngôi. Taipei 101 có hình dạng cách điệu như một khối các nén vàng (hoặc bạc) xếp chồng lên nhau và là biểu tượng cho sự thịnh vượng của thành phố Đài Bắc cũng như của cả quốc gia.

Ở đây, thang máy chuyển khách tham quan từ tầng 5 đến tầng 89 trong vòng 37 giây là thang máy có tốc độ nhanh nhất thế giới với chỉ số tối đa là 1.010 m/phút và đã được ghi nhận là kỷ lục Guinness. Tiếc một chút là chỉ có 2 thang máy như vậy được bố trí để phục vụ khách tham quan các tầng 88, 89 và 91 nên cần phải mua vé, lấy số và xếp hàng từ 15 – 30 phút (cả chặng lên và xuống). Mặc dù nhịp sống rất nhanh nhưng người Đài Loan lại xếp hàng điềm đạm, nói năng nhẹ nhàng và cư xử đúng mực, kể cả ở trung tâm mua sắm, siêu thị. Khi các phương tiện đủ nhanh, có lẽ người ta thích sống chậm.

Có lẽ, phải 80% người Taipei di chuyển bằng các phương tiện công cộng. Thế nên, tôi chắc rằng mình chưa bao giờ đi bộ nhiều như vậy trong 30 năm qua, mỗi ngày ước chừng hơn chục km, cộng dồn của tất cả những lần chuyển tàu, đổi trạm và đi đến điểm tham quan theo biển chỉ dẫn tại ga đến hoặc theo Google map. Trên thang cuốn, dòng người đi bộ cũng tự động tuân thủ quy tắc giao thông như các phương tiện khác, người muốn nhanh đi bên trái, người muốn nghỉ chân đứng bên phải nhường đường. Hệ thống giao thông công cộng hỗ trợ tối đa cho mọi đối tượng để kể cả người chậm nhất (người già, người khuyết tật, phụ nữ có thai, trẻ em…) cũng có thể di chuyển thuận tiện.

Trên những chuyến tàu điện, tôi đã rơm rớm nước mắt khi nhìn người mẹ nắm lấy bàn tay trắng xanh của đứa con trai gầy yếu ở tuổi thiếu niên, cậu bé ngồi trên một chiếc xe đẩy tương tự như xe nôi của em bé. Chị đứng bên con, cái nắm tay như nói rằng hãy yên tâm, mẹ ở đây. Và tôi cũng có dịp mỉm cười khi ngắm một đôi vợ chồng già, người vợ đẹp thanh nhã đứng tựa vào xe lăn của chồng và nhìn ông trìu mến. Một cô giúp việc khỏe mạnh có vẻ là người Philippines phụ trách đẩy xe lăn cho người chồng và thao tác rất nhanh chóng, thuận tiện. Là một người đã làm mẹ, tôi rất thích khi thấy phòng cho bé bú sữa mẹ, phòng thay tã được bố trí ở tất cả các ga, trung tâm thương mại, sân bay, bến xe buýt.

2. Đài Loan là một quốc gia có bốn mùa, khi chúng tôi đến hoa đào mùa xuân đã phai từ lâu, cây cỏ đâm chồi xanh biếc đường phố, công viên, sườn núi. Trong hành trình của mình, chúng tôi đã kịp khám phá địa hình đảo nhấp nhô với cảnh quan thiên nhiên phong phú của rừng núi, bờ biển, hải cảng, suối nước nóng... ở Đài Bắc và các thành phố vệ tinh.

Do nhu cầu tham quan khác nhau, nhóm chúng tôi thường chia làm hai, một nhóm thích cảnh quan rộng lớn, thiên nhiên, một nhóm thích thăm thú di tích văn hóa, lịch sử. Vậy mà sau 5 ngày đi bộ mỏi chân mà cả hai nhóm vẫn chưa đi hết các tuyến điểm ngay ở Đài Bắc. Cô bạn tôi cứ nhắc mãi về việc thăm được ba di tích tôn giáo của Khổng giáo, Đạo giáo, Phật giáo trong cùng một buổi sáng như thể cảm nhận không khí “tam giáo đồng nguyên”. Một cô khác thì than thở chưa kịp đi ngắm gấu trúc con, một “kỳ quan” của Sở thú Đài Bắc.

Chúng tôi dành một ngày đi đến Hoa Liên để thăm công viên quốc gia Taroko Gorge, thời gian di chuyển cho 175 km là gần 3 giờ, kết hợp giữa xe buýt và xe lửa địa phương do không mua được vé xe lửa đi thẳng đến Hoa Liên. Nhờ vậy mà chúng tôi đã dừng lại ở trấn La Đông (Loudong – La Đông, nghĩa là con khỉ do khi xưa khu vực này có nhiều khỉ sinh sống) và được dịp mát mắt với những mảnh ruộng xanh ngắt, vuông vắn bao quanh những căn biệt thự, những ngôi nhà vườn nhỏ.

Theo bảng chỉ dẫn cho biết đây là khu nông nghiệp “nghỉ dưỡng” (Dịch từ nguyên văn “agricultural leisure area”) với các sản phẩm du lịch gắn với nông trại, các loại hoa, phong tục địa phương… Toàn bộ không gian tràn ngập các sắc độ khác nhau của màu xanh lá, lá lúa xanh mởn, chồi non xanh tơ, triền núi xanh mướt mát.

Đến ga Xincheng, chúng tôi xuống tàu và gọi taxi đi đến Taroko. Thật ra nếu để ý một chút có lẽ chúng tôi sẽ thuê xe gắn máy như các du khách khác để đi được nhiều điểm hơn. Xe dừng ở ngay cổng chào với tiền cước hơn trăm ngàn tiền Việt, chúng tôi đi bộ khoảng 1 km đến văn phòng trung tâm của công viên quốc gia.

Sau một hồi trao đổi với nhân viên Trung tâm Thông tin, chúng tôi nhận ra không đủ thời gian đi bộ để chinh phục những tuyến đường dài nên chọn một tuyến đường ngắn nhất có độ dài 3km cả đi lẫn về. Thật không thừa khi nói thêm rằng hầu hết các thắng cảnh, di tích ở Đài Loan đều miễn phí vào cửa và luôn có Trung tâm Thông tin để chỉ dẫn một cách nhiệt tình.

Để đến được điểm bắt đầu của tuyến đường ngắn nhất, chúng tôi lại tiếp tục đi bộ khoảng 1km qua một đường hầm xuyên núi có hai làn xe và hai làn cho người đi bộ, có hàng rào bảo vệ. Mặc dù ngồi xe qua hầm đã nhiều nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi đi bộ, thật thú vị và hơi sợ vì hầm khá tối.

Ra khỏi hầm, cảm giác nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm khiến tôi phấn chấn và thêm sức cho đôi chân mỏi tiếp tục leo xuống các bậc thang sắt, xuống đường mòn, bắt đầu tuyến đường mình chọn. Tôi đã đi một đoạn ngắn quanh núi, nghe tiếng suối cạn chảy êm, và ngắm những vách đá mòn mà nghĩ đến một câu hát thật đúng “Gió âm thầm không nói, mà sao núi phải mòn” (nhạc Phú Quang) trong hương hoa rừng thơm ngát.

Đến Đài Bắc mà không đến thăm khu tưởng niệm Tưởng Giới Thạch, còn gọi là Quảng trường Trung Chính sẽ là thiếu sót. Thật may, tôi đã kịp dành nửa ngày cuối cùng đi xem chợ hoa và chợ bán ngọc Jianguo vốn chỉ họp vào dịp cuối tuần rồi thăm Quảng trường Trung Chính. Khu quảng trường là sự phối màu tuyệt đẹp giữa trắng và xanh lam (đài tưởng niệm và cổng chào, hàng rào), giữa vàng và đỏ (khu biểu diễn nghệ thuật và nhà hát quốc gia).

Chợt nghĩ có phải người thiết kế có ý rằng một đời anh hùng hảo hán của vị tổng thống này cuối cùng cũng đã về với trời xanh, mây trắng để mỗi ngày trông xuống các bạn trẻ tập vui chơi ở nhà hát bên cạnh mà an nhiên, tự tại. Tôi cũng đã cho mình 30 phút thong dong ngồi ở Café Ballet nơi góc thềm nhà hát, nhìn xuống dòng người đến thăm đài tưởng niệm.

Họ thong thả đi thẳng đến sát bức tượng mà không vội vàng, cũng  không phải xếp hàng.

Lê Mơ
.
.