Phỏng vấn Hoa Đào

Chủ Nhật, 15/02/2015, 14:33
Phóng viên (PV): Thưa chị, nhân dịp xuân mới, đầu tiên xin chúc chị xinh đẹp, tươi tắn đời đời. Sau đó xin hỏi chị vài câu về những cái Tết đã qua. Chị đã trải qua bao nhiêu cái Tết rồi?

Hoa Đào: Nhiều lắm. Nhiều hơn ai hết.

PV: Vậy chị nhớ những mùa xuân nào nhất?

Hoa Đào: Mỗi năm một vẻ. Nhưng hôm nay, nếu anh muốn, tôi xin kể về những cái Tết ngày xưa.

PV: Xưa tới mức nào ạ?

Hoa Đào: Tới vài chục năm của người Hà Nội. Nhưng tôi vẫn nhớ từng chi tiết, nguyên trong đầu.

PV: Thưa chị, so với bây giờ thì Tết lúc ấy ra sao?

Hoa Đào: Không nên so sánh và cũng không thể so sánh được. Khác nhau nhiều lắm.

PV: Khác ở những chi tiết gì, thưa chị?

Hoa Đào: Thứ nhất khác ở cái ăn. Tất cả cán bộ Hà Nội hồi ấy, muốn có gì ăn Tết, đều trông vào cơ quan. Trước Tết cả tuần, chả hiểu bằng cách nào, cơ quan có lợn để mổ, chia ra mỗi nhân viên vài ký. Thật là một món quí như vàng.

PV: Thịt lợn mà như vàng?

Hoa Đào: Có khi còn hơn ấy chứ, vì ai cũng biết giá thịt mà chả ai biết giá vàng. Lĩnh thịt về chưa ai dám ăn ngay, tất cả đều đem đi gửi.

PV: Ủa, gửi vào đâu? Ngân hàng à?

Hoa Đào: Không. Gửi tủ lạnh. Hồi đó, tủ lạnh là thứ quá xa hoa, chỉ vài gia đình có.  Xuân về, những cái tủ ấy biến thành nhà băng theo đúng nghĩa đen, và chỉ nhận những khách cực quen, thân thiết.

PV: Vui thật.

Minh họa: Lê Tâm.

Hoa Đào: Sau niềm vui có thịt, là niềm vui có bánh quy gai. Toàn Thủ đô đều dùng bánh quy gai khiến cho các lò nướng bánh trở nên kín chỗ, muốn ăn phải đi trước cả tuần.

PV: Có xếp hàng không?

Hoa Đào: Có chứ, nhưng xếp bằng chậu thau. Mỗi người được phát một chậu thau tráng men cho trứng và đường của mình vào, tự đánh lên một cách say mê như đánh đàn một bản nhạc xuân.

PV: Tại sao phải tự đánh?

Hoa Đào: Tại mỗi người mang đường tới có màu khác nhau, trứng to và trứng nhỏ khác nhau, chả ai có gan trao những thứ tinh túy ấy cho kẻ khác.

Bánh làm xong, chỉ vài mẫu gãy là được thành kính nhặt bỏ vào mồm, còn toàn bộ phải trân trọng mang về, cho vào thùng lương khô, cất kỹ, bắt trẻ con tuyên thệ không ăn vụng trước bữa giao thừa. Không đứa nào không tuyên thệ một cách vô cùng trách nhiệm.

PV: Ôi, trẻ em ngoan quá.

Hoa Đào: Cực ngoan. Niềm khao khát bánh, kẹo, và mứt lúc ấy là niềm mơ ước thiêng liêng. Kẹo là kẹo Hải Châu, hoặc thứ kẹo gì đó không rõ nhãn, gói bằng giấy một cục đường vuông vuông, bỏ vào cổ cứ ngọt sin sít và nhai thì có bột. Bánh nhà tự làm. Còn mứt là những hộp hình chữ nhật hoặc hình vuông, có in cành hoa đào, có chữ “Mứt Tết”; bên trong chủ yếu là mứt lạc gọi sang trọng là trứng chim, mứt bí gọi tên thật là mứt bí. Vĩ đại nhất trong đó là một quả hồng khô.

PV: Hết rồi à?

Hoa Đào: Sao lại hết. Mùa xuân còn thể hiện trên bao nhiêu thứ khác, đặc biệt là túi quà Tết được bày bán theo sổ gia đình. Bên trong cái túi càn khôn này là một miếng bóng da lợn, xấp bánh đa và gói miến dong nhìn vô cùng sang trọng, xách đi hơn hẳn xách túi LV bây giờ. Để bà con không nhầm lẫn lúc đón xuân, cửa hàng mậu dịch nào cũng niêm yết trang trọng, nhắc mọi người không gói chung thuốc lá và trà.

PV: Tuyệt diệu.

Hoa Đào: Sau phần ăn là tới phần chơi. Đêm giao thừa, cả Hà Nội đi chơi Bờ Hồ, càng vui càng đi nhiều vòng. Ở vườn hoa Chí Linh, anh Lô Thanh hát Bài ca người săn máy bay và chị Thúy Hà hát Anh quân bưu vui tính khiến khán giả đứng xem say mê như nuốt từng lời.

PV: Đẹp quá.

Hoa Đào: Sau giao thừa, ai về nhà nấy, reo hò cắt cái bánh chưng, ăn với củ cải khô ngâm vào nước mắm, hoặc với nồi măng thật to, có cảm giác trong đó ngàn thứ thơm ngon. Nếu gia đình nào có thêm bát thịt đông, chắc chắn đó là nhà quí tộc.

PV: Vui quá.

Hoa Đào: Mồng một Tết, toàn Hà Nội đổ ra công viên Thống Nhất xem triển lãm hoa, xem bức tranh kết bằng hạt đậu và quan trọng nhất : xem nhau, vì ai cũng tung ra bộ quần áo sang trọng nhất của mình. Mọi người đi ngoài đường, lao vù vù trên xe đạp, nhanh như ánh chớp. Thanh niên nam nữ đèo nhau lại đi vòng Bờ Hồ tiếp tục, sau đó đi tới nhà bạn cắn hạt bí rầm rầm.

PV: Những kẻ hư hồi ấy làm gì?

Hoa Đào: Kẻ hư chắc chắn đánh bài tam cúc, một thứ bài hình như tuyệt chủng bây giờ. Kẻ hư đến tận cùng thì mặc quần ống loe, mặc áo bay, đội mũ cối đeo bút máy có nắp nhuộm vàng chứ không phải mạ.

PV: Ôi chao, nghe chị kể thật vui.

Hoa Đào: Vui vô cùng. Những mùa xuân năm ấy, còn một chi tiết nữa, đi trên phố, khắp nơi mở nhạc ABBA hoặc nhạc trong đĩa “Xương rồng”.

PV: Ôi những mùa xuân xưa không bao giờ trở lại. Sao nghe mà nhói cả trong lòng!.

Lê Thị Liên Hoan
.
.