Xuôi dòng nước mắt

Chủ Nhật, 07/02/2016, 16:50
Trong trái tim người mẹ, là những đứa con. Trong trái tim người mẹ tảo tần lam lũ, tình yêu thương ấy mãnh liệt hơn bao giờ hết. Như những người mẹ buôn thúng bán buôn ở Sài Gòn. Đằng sau đôi quang gánh kẽo kẹt, đằng sau dáng vẻ tất bật lam lũ, là những câu chuyện dung dị về tình mẫu tử mà chúng ta chưa bao giờ biết. Chuyện về những dòng nước mắt chảy xuôi…

1. Tờ mờ sáng, giao lộ Nguyễn Văn Trỗi - Nguyễn Trọng Tuyển còn thưa người qua lại. Dì Phạm Thị Mười tất tưởi đặt đôi quang gánh trước cổng Viện Y dược học Dân tộc, bắt đầu “công việc” như thường ngày. Chiếc gánh đặt trên vỉa hè, hai đầu là mâm thúng đặt các loại xôi đậu, xôi bắp. Nhà dì Mười ở cách điểm bán vài cây số. Ngoài 60 tuổi, dì đã gắn bó với nghề quang gánh từ 30 năm nay. “Làm riết quen rồi. Một ngày không đi bán thấy buồn so à”- dì lởi xởi. Nửa đời gắn bó với ngã tư quen thuộc, dì rành rọt từng vị khách, từng thói quen. Trừ khách lạ, người quen đã nhìn thấy mặt, dì đã làm sẵn gói xôi nóng ấm theo ý thích của khách.

“Nghề” bán xôi đậu của dì là nghề “mẹ truyền con nối”. Mẹ dì trước đây cũng bán xôi, thời trước giải phóng. 30 năm nay, ngày nào cũng vậy, 3 rưỡi sáng dì đã thức dậy nhóm bếp nấu xôi. Đậu và nếp phải ngâm từ chiều hôm trước. 5 giờ sáng, khi thành phố còn say giấc, dì đã kẽo kẹt đôi gánh trên vai đến chỗ bán đến 10 giờ sáng gánh về. Cuộc sống cứ lặp lại như thế, dì bán từ hồi xôi có giá 500-1.000 đồng cho đến bây giờ một gói xôi giá từ 5-7 nghìn đồng tùy loại. Mỗi ngày bán xôi, trừ vốn liếng, dì kiếm được hơn 100 nghìn đồng. Khoản thu nhập ấy nuôi nấng 3 người con từ nhỏ đến khi trưởng thành, xây tổ ấm ra riêng. Vợ chồng người con út đang ở với dì.

“Thằng Tí thương mẹ rồi. Có hiếu rồi. Thiệt dì mừng hết lớn hà”. “Thắng Tí” của dì, nắm nay ngót ba lăm tuổi. Hỏi sao có hiếu, dì bảo: “Thì nó biết giúp mẹ. Vậy là có hiếu rồi hà. Con hổng có biết đâu. Ổng bỏ đi từ hồi nó bé xíu như con chó con. Dì bán xôi nuôi nó tới giờ. Cái thằng, nó theo bạn bè cờ bạc, đá gà dữ lắm. Nó đi mần phụ hồ, sửa xe, đủ nghề mà hông dư đồng cắc nào. Sớm nó đi tối nó về, có đụng tới việc nhà đâu. Dì rầu thúi ruột, cơ mà biết sao. Vì nghĩ tại mình mà nó khổ, thương nó không nỡ rầy.

Mấy trước tự dưng nó về, rằn rặt cái gì hổng biết. Nó nói: Mẹ, từ rày con hổng lêu lổng nữa. Ngày đi làm, tối về giúp mẹ. Trời ơi. Dì nghe mà rớm nước mắt à con ơi. Tự dưng từ bữa đó, nó đi mần về đưa tiền nhờ mẹ giữ dùm. Đêm nào dì thức đếm tới đếm lui, vuốt tiền cho thiệt thẳng, giữ dùm cho nó. Mừng muốn khóc, thằng Tí có vợ rồi con. Giờ sáng sớm nó dậy vô bếp, bắc lửa phụ dì. Nó hổng có nói nhưng gì biết nó thương mẹ lắm. Cả đời dì bán xôi, dành dụm mãi mua cho nó được cái nhà bé xíu. Để dành cho vợ chồng nó. Dì tính mai mốt không đi nổi nữa, dì truyền nghề cho vợ nó. Hai vợ chồng gắng siêng mần, cũng hông có khó sống. Thằng Tí biết nghĩ rồi, có hiếu rồi. Mai mốt, dì có về với Phật, cũng vui. Ha con?”.

Những đôi quang gánh tất tưởi trên đường phố Sài Gòn.

2. Dì Nguyễn Thị Hai, 62 tuổi bán bánh kẹp trước cổng Bệnh viện Y học cổ truyền trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3). Dì quê ở huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), từ những năm 1980, người dân quê đã lũ lượt vào Sài Gòn mưu sinh, hầu hết phụ nữ bán gánh. 

Dì Hai sống cùng hai người chị họ tuổi cũng ngoài lục tuần, bán gánh bánh kẹp ở Bệnh viện Pasteur phía đối diện. Một người mỗi tháng mất 800 ngàn tiền phòng trọ và sinh hoạt. Mỗi ngày, dì gánh một đầu bếp lò một đầu xô bột nặng chừng 20kg từ chợ Bà Chiểu lòng vòng nhiều tuyến đường ở trung tâm thành phố rồi dừng lại ở bệnh viện này. Mỗi ngày, di chuyển hơn 10km bán từ sáng đến 5 giờ chiều mới về nhà đi chợ nấu cơm. Đến 8 giờ tối thì đi ngủ, 3 giờ sáng dậy pha bột, nhóm bếp. Vòng quay đều đặn ngày này qua ngày khác, tháng này sang tháng nọ. Mỗi ngày bán được, thu nhập tròm trèm chừng 200 nghìn đồng, trừ các chi phí, mỗi tháng dì dành dụm được hơn 3 triệu đồng.

Năm dì 39 tuổi, chồng bỏ đi để lại cho dì 6 người con tuổi ăn tuổi lớn. Ở quê túng quẫn, dì theo chân chị em vào Sài Gòn bán bánh kẹp, bánh bông lan cho tới bây giờ. “Đời mình cực khổ nhiều mình chịu được. Không thể để con cái cực khổ như mình” - dì tâm sự. Nhờ nghề bán bánh, dì nuôi tất cả 6 người con ăn học đàng hoàng, đều đã có gia đình và công việc làm ổn định. Bây giờ, dì vẫn gắn bó với đôi quang gánh vỉa hè vì không muốn phiền con cái. Dù 3 người con của dì có nhà riêng ở Sài Gòn. Có người làm giám đốc doanh nghiệp ở Tân Phú.

Dì Phạm Thị Mười, nửa đời người bán xôi trước cổng Viện Y dược học Dân tộc.

“Cái thằng, lại đây khóc hoài. Nó nói dì thương nó, về ở cùng. Nó nói bây giờ có điều kiện rồi, thấy mẹ khổ vầy, nó không cam. Dì nói nó, cả đời dì không thấy khổ, thì nó nghĩ chi nhiều. Con coi, dì còn khỏe vầy. Mấy chục năm vỉa hè rồi. Chừ kêu dì về nhà lầu hổng quen. Biết sao hông? Nó bí quá tới hoài. Nó nói con mẹ chừ thành đạt, giàu có hết trơn rồi. Mẹ còn đi bán vầy, người ta nói tụi con bất hiếu. Trầu quơ! Dì nói bây ngộ thiệt chớ. Ở đây Sài Gòn, ai quen biết chi ai mà dị. Mà biết thì đã sao, mẹ đâu có giật dọc của ai mà bây dị. Bây đừng coi thường cái nghề này nghen. Tụi bây được vầy, nhờ nó cả đó.

Cái thằng. Cãi hổng lại, con mắt đỏ lè thấy thương. Lâu lâu cuối tuần, nó tới năn nỉ dì về chơi với cháu. Nói chớ dì thương. Con cháu được vầy dì mừng hết lớn. Cả đời mong chi nữa. Nhưng tụi nó người hiện đại, mình quen nết mình, ở lâu phiền tụi nó dữ lắm à. Tụi nó trưởng thành cả rồi, dì vui. Còn sức, dì gắng làm để dành tiền. Mai mốt dì về quê với ông bà. Để tụi nó thương mẹ, nhớ quê tết lễ còn về thăm chớ. Thiệt tình, hổng phải dì sợ thành gánh nặng của tụi nó đâu. Cũng ráng mần để tụi nó thấy dì khỏe vầy mới yên bề mần ăn. Để tụi nó nặng nợ vì mình, tội lắm. Dì nghĩ vầy, đúng không con?

3. Ở công viên 23/9, có hàng chục phụ nữ hành nghề quang gánh. Họ đều đến từ miền Trung. Chị Nguyễn Thị Liên, quê ở Đập Đá (An Nhơn, Bình Định) cũng theo nghề quang gánh ở Sài Gòn đã 18 năm nay. Chồng chị Liên, cùng hai con đang ở quê. Ruộng vườn ít, kinh tế gia đình phụ thuộc nhiều hơn vào đôi quang gánh của chị. 

Ở quê chị có hàng trăm người hành nghề quang gánh ở Sài Gòn. Đàn ông ở lại quê chuyên tâm ruộng vườn nuôi con ăn học, đàn bà vào Sài Gòn quẩy gánh bán bưng. Đàn bà quê chị rủ nhau đi, Tết rủ nhau về, dần dà thân thiết như chị em. Khu trọ chị có 30 người chuyên nghề quang gánh ở khu vực chợ Cầu Muối. Căn nhà nhỏ nằm ở mặt tiền đường có gác hai chạy dài. Những chiếc chiếu vừa một người nằm trải liên tiếp, cách một khoảng lại có một chiếc quạt. Các chị xếp lớp ngủ như cá mòi. Ngủ không cần mùng vì toàn ngủ ngày, không có muỗi. Ngày nào cũng đi bán đến 3h sáng mới về. Dọn dẹp xong thì đã 5h. Sau một giấc ngủ ngày ngắn ngủi, gần trưa đã phải quẩy gánh đi...

Chị Liên cùng các chị em miền Trung quang gánh mưu sinh ở Công viên 23/9.

“Cái nghề này không khác gì bán sức, đứa nào mới vô nghề chưa quen cũng không chịu nổi. Nhiều đứa đổ bệnh, chị em người nấu cháo, người mua thuốc. Dựa vào nhau mà sống em à” - chị kể. Chỗ chị ở, tiền phòng trọ và sinh hoạt chia theo đầu người, mỗi người 500 ngàn đồng/tháng. Phòng trọ chật nhưng cảm thấy thênh thang vì chẳng có vật dụng gì ngoài quần áo. Tiền bạc thì giữ trong người. Có rớt ra cũng không lo mất. “Cực khổ như nhau, chẳng ai nỡ lấy của nhau đồng nào đâu” – chị Liên tâm sự. 

Hai đầu quang gánh của chị là một hộp cơm và một ly mỳ. “Cơm nấu mang theo ăn bữa tối. Còn khuya đói quá thì tạt vô quán xin nước sôi chế mỳ ăn. Ở đây trung tâm, đồ ăn mắc xé lưỡi, hổng có dám ăn”. Mà em hỏi viết báo hả? Đừng chụp hình chị nha. Chị vầy, lỡ em đăng lên mạng, thằng nhỏ ở quê nó thấy, nó buồn tội chị. Hổm rày nó điện vô hoài. Chị bịnh, đâu có nói nó nghe. Mấy chị em vầy cả. Người nào nặng thì chị em thay phiên bỏ việc chăm. Hết bịnh thì đi bán tiếp. Mấy đứa nhỏ nghi, hay gọi người khác hỏi thăm mẹ lắm. Tụi chị dặn nhau rồi, lúc nào cũng nói khỏe, khỏe hết trơn á.

Thằng nhỏ năm nay thi đại học nè. Trời phật thương tình, nó học giỏi, ngoan ngoãn. Nghĩ tới nó là chị hết mệt à. Chị gắng “cày” để tết về sớm sớm chút cho tụi nó mừng. Đêm nào cũng mơ thấy tụi nó ra đón mẹ về. Mai mốt mình già, tụi nó đi xa chắc mình nhớ chết héo. Biết làm sao heng. Thôi, chuyện dài nghĩ chi xa. Giờ mình ráng về với tụi nó, chớ không có mẹ, tụi nó làm sao có Tết, phải không em…

Hoài Lệ Giang
.
.