Về Tuyển tập "Thơ tình một thuở" của Thiếu tướng Khổng Minh Dụ:

Xứ Đoài đau đáu

Thứ Ba, 03/08/2010, 15:15
Trong cuộc đời của mỗi con người, ai cũng mang nặng bên lòng một vài cuộc tình đã ghi dấu ấn cùng năm tháng. Với các thi nhân, các cuộc tình ấy đã đi vào trang viết suốt từ thời trai trẻ và cho đến khi trên đầu đã hai thứ tóc.

Tình yêu ấy đã trở thành những trang nhật ký của cuộc đời, chép lại cả một thời mộng mơ, lãng mạn và nhiều hoài bão gửi gắm trong tất cả những vần điệu của ngôn từ và cảm xúc. Tôi đã đọc được những trang nhật ký tình yêu viết bằng thơ ấy của một lão tướng có cái tên khá đặc biệt: Khổng Minh Dụ. Ở vào tuổi ngoại lục thập, ông tuyển lại một tập thơ tình gồm 99 bài. Đó là 99 khúc hát về tình yêu đã theo ông trên mọi nẻo đường thành bại, cả những khoảnh khắc cô đơn, bất hạnh lẫn những phút giây hoan ca, hạnh phúc.

Khác với nhiều những tập thơ tình, nhà thơ, Thiếu tướng Khổng Minh Dụ tập hợp tập thơ tình của mình trong hai phần. Phần một: "Những nẻo đường đời" là những bài thơ tình đã gắn với những con người cụ thể ở những vùng đất ông đã đi qua trong suốt cả thời tuổi trẻ của mình. Từ khi ông là một anh lính trinh sát trẻ tuổi, bôn ba khắp mọi nẻo đường của Tổ quốc để làm nhiệm vụ cho đến khi ông đã là một người ở cái tuổi sắp "cổ lai hy".

Ở đó, có hình bóng cô gái thôn Đoài quê hương ông với một tình yêu trong sáng, ngây thơ và lãng mạn, cùng "Ngắm trăng xứ Đoài mỗi tối/ để gọi về kỷ niệm trong nhau", hay những cô gái miền sơn cước: "Theo em về với hồ Ba Bể/ Sông nước, mây trời gieo ý thơ", lại có lúc: "Hoa Lư mùa cây trái/ Đêm Cúc Phương lửa trại/ Thêm ngậm ngùi nhớ thương"...

Xét cho cùng, mỗi nhà thơ đều mang trong mình một tâm hồn lãng mạn, dễ yêu, dễ cảm, dễ mủi lòng. Cái sự "đa tình" có sẵn trong mỗi nhà thơ khiến trái tim thi nhân luôn rung lên những cung bậc đầy cảm xúc, bởi vậy, đến mỗi nơi, họ đều gieo lên vùng đất ấy tình yêu con người, thiên nhiên, cảnh sắc: "Bâng khuâng - vắng lặng - trưa hè Huế/ Nàng thả hồn vào cõi mông lung/ Cố nhân! Có biết nơi trần thế/ Một bóng thuyền quyên đứng lạnh lùng", hay "Ở miền xa em có biết chiều nay/ Có một kẻ lang thang trong mưa chiều biển vắng/ Và thẫn thờ giữa Mỹ Khê - Đà Nẵng/ Để chiều mưa đem nỗi nhớ dâng đầy".

Có một người bạn thơ đã nhận xét rằng, dù tiếng súng chiến tranh đã lặng im hơn ba thập kỷ, nhưng đọc thơ của Khổng Minh Dụ, chúng ta thấy những nỗi đau của cuộc chiến vẫn nhoi nhói trong lòng. Sự dung dị, mộc mạc, gắn bó với đời, với người, thăm thẳm những nỗi niềm. Phảng phất đâu đó một tâm trạng "Màu tím hoa sim" của Hữu Loan, "Núi đôi" của Vũ Cao, "Quê hương" của Giang Nam, lại na ná "Màu thời gian" của Đoàn Phú Tứ, nhưng là cách nói khác, một giọng điệu khác không hề nhòa lẫn: "Em mặc chiếc áo  màu xanh/ Là đưa anh về với biển/ Em thay áo màu cánh kiến/ Để anh nhớ chiến trường xưa/ Sáng nay em mặc áo hoa/ Nhắc anh nhớ mùa xuân ấy/ Cái thuở yêu thương nồng cháy/ Em là hoa chúa trong vườn".

Phần thứ hai của tập thơ "Nỗi nhớ và em" là phần mà nhà thơ Khổng Minh Dụ dụng công vào câu chữ mà cũng bộc lộ được hết những cảm xúc của những giây phút yêu thương đối với hình bóng "em" đã đến trong cuộc đời mình. Dường như, những khoảnh khắc yêu thương ấy là có thật, là hiện hữu trong cuộc đời nhà thơ, cho nên ông đã có những câu thơ, đoạn thơ ám ảnh người đọc: "Em là dòng sông rộng dài thơ mộng/ Trôi giữa đời tôi mảnh đất cằn khô/ Em là biển khơi những chiều gió lộng/ Ru cuộc đời tôi sóng vỡ bờ", hay: "Em đi phượng đỏ đường làng/ Em về cúc đã trải vàng chợ quê/ Cỏ may rắc trắng triền đê/ Gió quê vi vút thổi se lúa đồng/ Em đi những nhớ cùng mong/ Em về có kẻ mủi lòng thương thân/ Em đi xa vẫn tưởng gần/ Em về gần ngỡ vạn lần cách xa/ Chớm thu ngọn gió la đà/ Ta ngồi nhung nhớ người xa đã về".

Trong trái tim nhà thơ xứ Đoài hào hoa một thuở mang nặng mối tình với cô gái cùng làng từ thuở hoa niên. Mối tình ấy đã theo ông suốt chặng đường cuộc sống, nó làm cho trái tim ông ấm lại trong những lúc cô đơn, lạnh giá, xua tan sự lặng im, cô tịch trong những lúc cuộc sống vò võ những lo toan bộn bề của đời thường: "Ta tôn thờ mãi một tình yêu/ Em đồng cảm trao ta từ năm ấy/ Em quý phái mà ta quê mùa vậy/ Bởi vì yêu em chẳng tính sang, nghèo/ Ta ngước nhìn non Tản mảnh trăng treo/ Đêm xứ Đoài trời lặng yên đến thế/ Ta thương ta một phận người dâu bể/ Em thiên thần vun đắp một trời yêu".

Trong tập thơ tình này, có nhiều bài nhà thơ Khổng Minh Dụ sáng tác trong thời gian ông đang đương chức làm Cục trưởng Cục Bảo vệ An ninh nội bộ và Văn hóa tư tưởng (Bộ Công an). Tôi từng có ý nghĩ, không hiểu một người làm một công việc đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mẩn và cần một cái đầu rất tỉnh táo, khác hẳn với cảm xúc của một thi sĩ, đặc biệt lại là thi sĩ làm thơ tình, một thứ thơ cần đủ thời gian để cảm nhận, để buồn, để cô đơn, nhung nhớ, thì làm sao có đủ thời gian để... nói về tình yêu?

Nhà thơ Khổng Minh Dụ cười bảo rằng, cũng đã nhiều người hỏi ông câu đó. Ông biết làm thơ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, hồn thơ nổi sóng từ khi trái tim biết thổn thức bởi hình bóng một người thôn nữ, với một tình cảm trong sáng và thánh thiện. Những cảm xúc ấy đã tự nhiên thành vần điệu mà ông chẳng hề nghĩ rằng, đến một ngày đã bị nó quyến rũ, đó là thi ca.

Lâu dần, đó là một nơi để ông trải lòng những lúc trái tim mình thổn thức. Không có tình yêu thì con người không thể sống, mà tình yêu, bản thân nó đã là một giai điệu, ông chỉ làm nhiệm vụ của một người "thư ký" chép lại những cung bậc cảm xúc đó của lòng mình.

Ông ấn tượng bởi câu thơ của Phùng Quán: "Vịn câu thơ mà đứng dậy" - Có những lúc, những thời điểm, chỉ thi ca mới giúp cho ông cảm thấy bình lặng, yên ổn, chỉ có thi ca mới nói được hộ lòng ông một khoảnh khắc yêu vụng dại, cả tin; chỉ có thi ca mới trang trải hộ trong ông nỗi cô đơn, tuyệt vọng... Đó là cảm giác mà những ai làm con người đều phải nếm trải.

Ông đã chọn thi ca như một cách ghi nhật ký tâm trạng của chính mình. Cũng không ít người nghĩ rằng, người làm công tác an ninh văn hoá chỉ "bới lông tìm vết", mà không biết rằng, đó là lực lượng trân trọng các văn nghệ sĩ, nên luôn bảo vệ họ khỏi sự lợi dụng, bôi xấu của bọn phản động và các thế lực thù địch. Công tác bảo vệ an ninh nội bộ phải coi việc bảo vệ an toàn đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Ông phải là người trong cuộc để nhận biết người thật, việc thật, chí ít cũng làm được một điều gì đó có ích cho các văn nghệ sĩ. Nó như một câu trả lời chân thực: những sĩ quan an ninh hoàn toàn không phải là những người khô khan, chỉ biết đến pháp luật...

Sau hơn 30 năm cầm bút viết văn và đoạt giải thưởng Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng, rồi Giải thưởng "Cây bút vàng" của Hội Nhà văn và Bộ Công an, sau 4 tập thơ và nhiều tập truyện, ký, nhà thơ Khổng Minh Dụ mới đủ nếm trải để nói rằng: "Cái khổ của người cầm bút là có những nỗi đau vò xé suốt cuộc đời. Dường như viết ra chỉ là một phần nhỏ bé, song, đó là sự giải tỏa bớt những day dứt cho mình mà cũng là trả một phần "món nợ" với đời, món nợ mà tạo hóa đã cho vay.

Đừng nghĩ rằng, cái mà người đời vẫn bảo: Năng khiếu bẩm sinh, trời phú... là tự dưng mà có. Văn nhân ơi! Thi sĩ ơi! Quý vị là "con nợ" của sự nghiệp văn chương mà cả đời không trả hết. Với riêng tôi thì: Thơ tắt lịm trong tôi từ ấy/ Gặp em cảm xúc dâng đầy/ Đời nghiệt ngã, với tôi là vậy/ Gặp em tan hết đắng cay"...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.