Xe hơi và những câu chuyện khác

Thứ Hai, 11/05/2015, 04:47
Mặc dù xe hơi cá nhân mới chỉ trở nên ít nhiều thông dụng ở Việt Nam trong khoảng dăm mười năm trở lại đây, và tỷ lệ dân số có xe riêng còn rất thấp (có thể so sánh, năm 2011, với dân số 48 triệu người, Hàn Quốc có 18,26 triệu xe hơi; trong khi đó, năm 2013, với dân số 90 triệu người, ở Việt Nam mới chỉ có khoảng hai triệu chiếc), chiếc xe hơi dường như đã trở thành đối tượng bị ruồng rẫy của các nhà quản lý.

Ngoài thuế (thuộc loại cao nhất thế giới), chiếc xe hơi còn phải gánh đủ loại phí (phí chước bạ, phí đăng kiểm, phí bảo hiểm, phí xăng dầu, phí bình ổn giá xăng dầu, phí bảo trì đường bộ, phí ô nhiễm môi trường, phí lưu hành…) Đó là chưa kể hàng loạt biện pháp gián tiếp khác (như cấm đỗ xe, cấm tổ chức trông giữ xe, lập các trạm thu phí BOT, phạt xe không chính chủ…) mà mục đích ít nhiều đều là hạn chế xe hơi cá nhân. Lý do được đưa ra thường là nạn tắc đường và khí thải.

Việc hạn chế xe hơi bằng những biện pháp nói trên đã không thành công. Nhưng chính sách này lại thành công theo một cách khác: nó giáng một đòn quyết định, dẫn đến thất bại của chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô và triệt tiêu trong một thời gian dài những công dụng to lớn về kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa của phương tiện giao thông hiện đại này.

Mũi nhọn của sự nghiệp công nghiệp hóa

Mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra chỉ có thể thành công nếu Việt Nam xây dựng được một nền công nghiệp chế tạo. Đối với một quốc gia còn nghèo như Việt Nam, sẽ là không tưởng nếu như chúng ta định công nghiệp hóa một cách nhanh chóng. Khôn ngoan nhất là lựa chọn một vài ngành công nghiệp có công nghệ đủ cao nhưng không quá cao, có khả năng thu hồi vốn nhanh, thị trường lớn và ổn định. Một trong những ngành đáp ứng yêu cầu đó chính là ngành chế tạo xe hơi.  

Để có ngành chế tạo - chứ không đơn thuần là lắp ráp - xe hơi, chúng ta phải có khả năng sản xuất các phụ tùng, linh kiện. Nhưng nếu muốn phát triển việc sản xuất linh kiện và phụ tùng xe hơi, cái cần thiết đầu tiên là phải có nhiều người mua, tức là phải có nhiều xe - nhiều xe cần sửa chữa và thay thế phụ tùng. Không ai dại gì đầu tư vào sản xuất khi thị trường quá nhỏ. Vì thế, chính sách hạn chế xe hơi không chỉ làm nhà nước thất thu một khoản thuế to lớn, mà về dài hạn còn là cách tốt nhất để bóp chết từ trứng nước ngành chế tạo xe hơi - ngành mũi nhọn của sự nghiệp công nghiệp hóa. Và điều này đang diễn ra trên thực tế.

Tác nhân thúc đẩy hiện đại hóa lối sống

Một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy sự hiện đại hóa lối sống của người dân là phương tiện giao thông. Trong những năm 1986 - 2005, chiếc xe máy - với ưu thế là giá thành rẻ, dễ vận hành, tiết kiệm năng lượng, tính cơ động cao và dễ thích ứng với mọi loại hình đường sá - đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng khi Việt Nam chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, chính đặc tính dễ vận hành và tính cơ động cao của chiếc xe máy cũng là một trong những yếu tố tạo nên thói quen cẩu thả của dân chúng khi tham gia giao thông. Gần đây, khi chiếc xe hơi xuất hiện thì văn hóa giao thông của người đi xe máy càng thêm tồi tệ, họ lạng lách, đi trên vỉa hè... Xe hơi thì khác.

Trước khi được phép lái xe, người ta phải học và thi. Cho dù chất lượng như thế nào thì học và thi lái xe hơi cũng nghiêm túc hơn học và thi lái xe máy. Trên đường, xe hơi không thể quay trở dễ dàng như xe máy. Thêm nữa, vì chiếc xe hơi là một tài sản lớn và có khả năng gây nguy hiểm cao, trước khi lái xe, họ thường cân nhắc tuyến đường và giờ khởi hành để tránh tắc đường và khi đã ở trên đường, họ thường thận trọng hơn – mỗi vi phạm đều khiến họ phải trả giá đắt. Như thế, lái xe hơi cũng là cách tập nhiễm lối sống công nghiệp, hiện đại hóa lối sống - và không chỉ trong khi đi đường.

Tác nhân hiện đại hóa đô thị

Người ta thường kết tội chiếc xe hơi là gây tắc đường. Điều đó không hoàn toàn đúng. Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nói rất đúng: chỉ khi nào người đi đường có ý thức thì mới hết tắc đường. Không những thế, nếu nhìn dài hạn, nạn tắc đường cũng có những “tác dụng tích cực” nhất định. Chính sức ép của nạn tắc đường buộc các nhà quản lý phải quy hoạch lại đô thị, phải cải thiện cơ sở hạ tầng và phát triển hệ thống giao thông công cộng.

Tắc đường cũng buộc người dân phải cân nhắc việc lựa chọn các phương tiện giao thông công cộng. Chưa hết, tác dụng của chiếc xe hơi đối với đời sống đô thị nước ta còn lớn hơn và sâu sắc hơn. Việc di dời các nhà máy, công sở, trường học… ra khỏi trung tâm đô thị luôn luôn gặp khó khăn, bởi lẽ rời xa trung tâm đồng nghĩa với rời xa các cơ sở dịch vụ văn hóa, xã hội, y tế…

Với những người đi xe máy, đặc biệt là phụ nữ, việc sống cách nơi làm việc trên 10 cây số là một khó khăn to lớn. Những khó khăn đó còn tăng lên gấp bội trong những ngày mưa gió, rét mướt, nhất là đối với phụ nữ phải đưa đón con nhỏ. Cũng chính vì lý do đó mà trong một thời gian dài vùng đất đai trù phú Bắc sông Hồng đã không phát triển được.

Chiếc xe hơi đã giúp giải quyết tất cả những khó khăn đó. Chính nhờ có chiếc xe hơi mà nhiều người dân quyết định từ giã các khu phố ổ chuột trong nội đô để chuyển ra vùng ngoại ô rộng rãi. Trong dài hạn, xu hướng này cuối cùng sẽ giúp giảm bớt sự quá tải dân số trong các khu phố trung tâm.

Ảnh: Ngô Lịch.

Biểu tượng của thành công cá nhân và của chính sách “Đổi mới”

Không đơn thuần là một phương tiện giao thông, chiếc xe hơi còn là một biểu tượng.

Trước hết, chiếc xe hơi đã trở thành biểu tượng của thành công cá nhân, gần giống như chiếc xe Honda Dream giữa thập kỷ 90 ở thế kỷ trước, khi cưỡi trên chiếc xe máy là cưỡi trên cả một tòa nhà, khi nhiều người bán cả ruộng vườn để đổi lấy chiếc xe máy mơ ước. Bây giờ, thật khó mà tin một vị giám đốc, một công chức thành đạt mà lại thiếu chiếc xe hơi. Vì thế, có một điều tưởng là nghịch lý, nhưng thật ra lại không khó hiểu: xe càng đắt người ta lại càng cố mua. Đơn giản vì xe càng đắt thì tính biểu tượng của nó càng cao. 

Chiếc xe hơi còn là một biểu tượng thành công của chính sách Đổi mới. Hơn bất cứ thứ gì khác, việc chiếc xe máy thay thế cho xe đạp để rồi đến lượt xe máy lại bị thay bằng những chiếc xe hơi bóng lộn đang minh chứng cho những thay đổi to lớn chưa từng có của đất nước. Dòng xe hơi bóng lộn, trong đó có cả những nhãn hiệu đắt nhất thế giới, không chỉ làm sửng sốt các du khách phương Tây. Chiếc xe hơi, vì thế, còn là lá phiếu ủng hộ, cổ động đường lối đổi mới của đất nước ta.

Thay cho lời kết

Một chính sách đúng đắn đối với chiếc xe hơi cá nhân phải như thế nào? Giải pháp bây giờ có thể đã là quá chậm. Nhưng chậm còn hơn không. Theo tôi, chúng ta cần phân biệt giữa sở hữu xe hơi với sử dụng xe hơi. Chúng ta cần phải hạn chế việc sử dụng xe hơi một cách lãng phí. Nhưng chúng ta nên khuyến khích người dân mua, thậm chí là mua nhiều xe hơi. Ngoài những lợi ích nói trên, khi mua xe hơi người dân đóng một khoản tiền thuế rất cao. Đó chính là một cách đóng góp để xây dựng đất nước, trong đó có việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông.

Nhưng chúng ta nên có chính sách buộc người dân phải sử dụng xe một cách hiệu quả. Một trong những biện pháp như vậy là thu phí qua xăng dầu – sử dụng xe càng nhiều, xe càng lớn thì càng phải trả tiền nhiều. Như vậy, người dân sẽ phải cân nhắc mỗi khi sử dụng xe. (Trên thực tế, nhiều người mua xe hơi nhưng chỉ sử dụng khi đi xa, còn hàng ngày họ đi xe máy hoặc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng). Chúng ta cũng nên có biện pháp khuyến khích việc chở nhiều người (Một số nước có quy định rằng chỉ những xe có hai người trở lên mới được đi vào làn đường cao tốc).     

Còn có nhiều giải pháp khác, nhưng tôi sẽ không bàn chi tiết ở đây. Thông điệp của bài viết này khá đơn giản: Xã hội là một hệ thống cực kỳ phức tạp và tinh tế, vì thế những quyết sách trong mỗi một lĩnh vực cụ thể đều tác động đến các lĩnh vực khác và đôi khi có thể có những hậu quả to lớn khôn lường. Đó là điều các nhà hoạch định chính sách không nên bỏ qua.

Ngô Tự Lập
.
.