Vương triều Trần con người và Tổ quốc

Thứ Tư, 23/07/2014, 10:00

Trong các triều đại kế tiếp nhau suốt hàng ngàn năm lịch sử, theo tôi, triều đại nhà Trần là một trong những triều đại có võ công, có văn hiến, có nhiều nhân tài, vừa sinh Phật vừa sinh Thánh, một triều đại minh bạch bậc nhất dưới ánh sáng của lịch sử.

Nói về lịch sử không thể không nói tới các nhân vật lịch sử, những biến cố lịch sử và những huyền thoại, huyền tích của lịch sử, thậm chí cả những điều phi lý của lịch sử. Lịch sử Việt Nam là lịch sử của 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Tại sao phải luôn luôn đặt vấn đề giữ  nước lên hàng đầu. Một câu hỏi tưởng như rất dễ trả lời, nhưng càng trả lời càng thấy cần phải trả lời sâu hơn, khoát đạt hơn, đạo hơn và đời hơn. Tự thân khái niệm nước, quốc gia, dân tộc cũng luôn luôn có nhiều biến động. Nước có thể hợp nhất hoặc chia tách từ nhiều nước, dân tộc hoặc quốc gia cũng thế và hoàn toàn có thể trở về cái đích ban đầu sau những biến cố lịch sử, chiến tranh và hòa bình. Cho thấy rằng lịch sử tưởng như là tất yếu, là cụ thể cũng hoàn toàn có thể không chính xác là thế, lịch sử không thể là những kịch bản viết sẵn.

Xã hội triều Trần là một xã hội tiến bộ về nhiều mặt: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội và khá dân chủ. Triều Trần cũng là triều liên tiếp mở những hội nghị có tính toàn quốc: hội nghị Diên Hồng, hội nghị Bình Than… cho thấy những nhà lãnh đạo đất nước rất chú trọng tới suy nghĩ của quần chúng nhân dân, điều làm nên nền tảng chiến thắng từ cổ chí kim trước mọi kẻ thù xâm lược hùng mạnh. Thiết thân với suy nghĩ và đời sống của người dân là một tiến bộ xã hội sâu rộng của triều Trần. Dân trong triều Trần dù ở hạng nào đều một lòng một dạ với Tổ quốc, với vua và với chính bản thân họ.

Một Phạm Ngũ Lão ở trong dân, một Dã Tượng ở trong dân, các bậc nho thần như Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trình Giũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực, Trần Thì Kiến… ở trong dân, các bậc trạng nguyên, thám hoa, bảng nhãn Nguyễn Hiền, Đặng Ma La, Lê Văn Hưu ở trong dân. Có thể hiểu rằng cách phát huy sức dân của vương triều Trần là một sáng tạo trị quốc mang tính biện chứng sâu sắc, luôn luôn mới mẻ và gần gũi, thiết thực và hiệu quả cho bất cứ một chế độ chính trị nào, là một đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Tiêu biểu cho quan điểm này là Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ. Đó là thượng sách để giữ nước”.

Khởi nghiệp của vương triều Trần với cuộc chuyển giao quyền lực có một không hai trong lịch sử Việt Nam. Đến bây giờ, các học giả, nhân sĩ trí thức vẫn còn nhiều tranh cãi. Cái nhìn bây giờ phải nói là đã cởi mở hơn, ít định kiến hơn và trên thực tế thuận theo quy luật hơn. Lịch sử thường có những việc mà hàng trăm năm sau, hàng ngàn năm sau vẫn chưa thống nhất là đúng hay sai, hay hay dở, tại sao, có công hay có tội. Lịch sử là thế, đôi khi dường như là để trêu cợt hậu thế. Nhiều khi lại đơn giản tới trần trụi. Nhưng cũng hàm chứa không ít bí ẩn khiến hậu thế nối đời tranh cãi.

Minh họa: Hữu Khoa

Dù thế nào thì khởi nghiệp nhà Trần vẫn là một khởi nghiệp đúng đắn. Nó đúng đắn ở chỗ là sự tất yếu của lịch sử. Vương triều Lý lúc đó đã mục ruỗng rất cần một thể chế khác thay thế. Nó là cái cũ kỹ đổ ngã để cái mới mẻ nảy mầm. Lịch sử có tính đúng đắn là ở đây. Còn thì ai loại bỏ cái cũ, ai đón tiếp cái mới, A hoặc là B, C hoặc là D đã không còn là vấn đề mà lịch sử bận tâm nữa. Lịch sử lúc đó đã mải bày ra những trò khác, ở các nơi khác với những sự trớ trêu, huyền bí khác.

Triều Trần những lúc cực thịnh luôn đặt nước lên trên vua, dân cũng ở trên vua, sĩ tốt trên tướng lĩnh, văn hoá ở trên chính trị, giềng mối đoàn kết ở trên bè cánh thị phi, nhân phẩm ở trên tính cách, lợi ích dân tộc là tối thượng, trọng tình không mù quáng, ái quốc không tư vị, nhẫn nhục không hèn kém, cao thượng mà không hống hách. Ở đấy vấn đề con người được đặt lên hàng đầu. Ở đấy học đạo làm người trước học làm vua, làm tướng. Ở đấy những bô lão được kính trọng, nhi đồng được nâng niu. Ở đấy tướng cởi trần tập võ với quân, người thương yêu ngựa, trâu, voi, chó. Đến như loài chim câu còn biết đưa thư đánh giặc, đầm lầy năn lác vây giặc, đỉa muỗi cũng biết nhằm chỗ sơ hở của giặc mà đánh.

Xuyên suốt một tinh thần vì nước vì dân, vì sơn hà xã tắc là sợi chỉ xanh của triều Trần. Ngay từ ngày ấy và cả trước đó nữa vấn đề dân tộc luôn được đặt lên hàng đầu. Vì dân tộc, vì danh dự dân tộc mình, từ vua đến dân đều sẵn sàng hy sinh quyền lợi và sinh mạng, cả gia đình, cả họ tộc. Ngay như những đội Tống binh chiến đấu dưới trướng của tướng quân Trần Nhật Duật cũng là vấn đề đặt danh dự dân tộc Trung Hoa lên trước, để khơi dậy tinh thần chiến đấu của những người vong quốc. Các dân tộc thiểu số phía tây bắc, phía bắc, đông bắc cũng một lòng một dạ chiến đấu vì Tổ quốc. Họ có tù trưởng, có thủ lĩnh riêng của mình nhưng cao hơn mọi tù trưởng, thủ lĩnh và cả nhà vua nữa phải là dân tộc, danh dự và nhân phẩm.

Vấn đề này tác giả đưa ra rất khéo léo và hữu lý, như cuộc thần phục Trịnh Giác Mật của tướng quân Trần Nhật Duật, sự gột rửa tỵ hiềm của Quốc Công Trần Quốc Tuấn và Thái sư Thượng tướng Trần Quang Khải, hoặc như Yết Kiêu, Dã Tượng chờ chủ soái ở Lục Đầu giang, hoặc việc Tuệ trung Thượng sĩ bỏ thiền trượng cầm gươm giáo. Ngay cả các vương tôn, công chúa cũng sẵn lòng vào sinh ra tử, một An Tư, một Huyền Trân, một Quốc Toản… thảy đều nhường nhịn, hy sinh, thảy đều giản dị kiên cường mà đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết. Triều đại đã sinh ra những Hưng Đạo vương, Chiêu Minh vương, Chiêu Văn vương, Chiêu Đạo vương, Trung Thành vương, Chiêu Thành vương… Kế tiếp là các bậc dưới như: Nhân Túc vương, Hưng Vũ vương, Hưng Trí vương, Vũ Đạo hầu, Văn Nghĩa hầu, Nghĩa Quốc hầu… Tiếp đến là công bộ thượng thư, trạng nguyên Nguyễn Hiền; hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu, bảng nhãn Lê Văn Hưu… Và nữa là các tướng tài như: Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái, Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Địa Lô…

Sự đoan chính, cương trực và tinh thần kỷ luật cao của triều Trần đã góp phần làm lên những  võ công, văn hiến của Đại Việt trong trị quốc và đánh giặc.

Võ công ba lần đánh thắng quân Nguyên - Mông là một võ công hiển hách, một trang vàng chói lọi trong lịch sử đánh giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Đã rất nhiều bút mực viết về những chiến thắng lẫy lừng ấy. “Đến nay nước sông tuy chảy hoài / Mà nhục quân thù khôn rửa nổi” (Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu).

Thực ra với tâm thức dân tộc Đại Việt, chiến tranh là một điều xưa nay trong mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước vẫn luôn răn là điều cấm kỵ, hết sức tránh. Tránh chẳng đặng đừng dân tộc ta mới phải đứng lên cầm gươm giáo. Những võ công ngoài dư ngân hào sảng của nó, thì sự ngẫm ngợi về máu xương các anh hùng dũng sĩ và nhân dân đã hy sinh là hết sức cần thiết. Bao nhiêu máu xương đổ xuống mà thành chiến công. Những người lính, dân thường vô tội, lũ con đỏ và người già chết trong chiến tranh. Nên cũng phải thấy rằng truyền thống lịch sử của dân tộc ta nói chung là hết sức tránh chiến tranh, luôn tìm cách hoà hiếu, cởi bỏ mọi hận thù, chịu nhẫn nhịn, thua thiệt để yên ấm là một vấn đề xuyên suốt trong mấy nghìn năm lịch sử.

Giặc tan muôn thuở thăng bình,
Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao.

(Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu)

Cái thắng của đức, của trí và của khiêm, dường như là thắng lợi lớn nhất mà vương triều Trần đạt được. Cái tự thắng của ông vua hiền sáng nhất lịch sử Việt Nam Trần Nhân Tông là cái thắng khi 35 tuổi truyền ngôi cho con, 39 tuổi lui hẳn về Yên Tử với đạo và sáng lập ra một dòng thiền thuần Việt - Thiền Trúc Lâm. Cái tự thắng của Trần Quốc Tuấn binh quyền lệnh trời đất càng một mực phò vua cứu nước, bỏ lời cha, gạt ý con, phơi gan ruột với sĩ tốt để  tiếng thơm đời đời và con cháu tôn vinh ngài là bậc Thánh. Cái tự thắng của nhân dân khi ở thời điểm chỉ hơn hai triệu người nam phụ lão ấu quyết chiến quyết thắng với 50 vạn tinh binh địch, chiến thắng đội quân tàn ác nhất dưới gầm trời thuở ấy mà nếu không tự thắng mình thì chỉ nghĩ đến thôi cũng mất hết tinh thần nói gì việc cầm gươm giáo chọi nhau với hổ đói như thế. Tựu trung, sự thắng lợi và những võ công chống giặc xâm lăng dưới vương triều Trần là một tất yếu của đúng thắng sai, thiện thắng ác, đại nghĩa thắng hung tàn, chính nhân thắng cường bạo, là chiến thắng của chân, thiện, mĩ, là chiến thắng của Người.

Có thể khẳng định, vương triều Trần, đặc biệt là ở những thời đoạn hưng thịnh, những lúc gian nan chống giặc ngoại xâm luôn hướng tới cái đích là con người và Tổ quốc. Con người ở đây bao hàm mọi tầng lớp, tôn giáo, sắc tộc, địa vị. Tổ quốc ở đây đúng nghĩa thiêng liêng nhất của nó, là trái tim, là khối óc, là danh dự của từng cá thể trong một cộng đồng lớn, một cộng đồng đã kề vai sát cánh bên nhau mấy nghìn năm chung một dải non sông gấm vóc.

Những bài học mà vương triều Trần mang lại có ý nghĩa lớn, là tinh hoa của con người Lạc Việt hun đúc lại, soi sáng và rất cần được tiếp tục bổ sung, tiếp nối và phát triển. Thái độ ứng xử với Tổ quốc của vương triều Trần là một thái độ nghiêm cẩn với lịch sử, nghĩa tình với đời sống của nhân dân biểu hiện một cách chân chính và tâm huyết. Vương triều Trần cũng là một vương triều có đóng góp quan trọng về lịch sử, quân sự, văn hoá, kinh tế, chính trị… một thời đại luôn hướng tới con người và Tổ quốc

Phùng Văn Khai
.
.