Vùa hương bát nước – buồn ơi là sầu

Thứ Hai, 04/03/2019, 16:15
Ngày Thơ Việt Nam năm nay vừa kết thúc. Nhìn chung, vẫn thế. Vẫn những anh em đồng nghiệp đọc thơ, triển lãm thơ cho nhau nghe/ xem. 

Có lẽ không một chàng thi sĩ nào dám tưởng tượng ra tình huống đại loại như có cô em xinh xắn, xinh đẹp, xinh tươi chạy ùa đến nũng nà nũng nịu: “Chàng ơi, chàng là nhà thơ X à? Em ái mộ chàng. Cho em xin chữ ký của chàng. Ký vào đâu ư? Chàng đừng hỏi. Lòng em đây tươi nguyên như lụa bạch, xin chàng hãy ký nhẹ nhàng, êm ái”. 

Tình huống này hoàn toàn không có. Đơn giản chẳng hề có… công chúng nào bén mảng tới. Không rõ địa phương khác ra làm sao, tại thành phố “Con đường có lá me bay/ Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về” (Diệp Minh Tuyền) rõ ràng là thế. Y tham dự trong ngày khai mạc chính thức. Đọc thơ và sau đó, cùng đồng nghiệp “trà dư tửu hậu” ngoài quán cóc vỉa hè về “Sông núi trên vai” - chủ đề của Ngày Thơ năm nay.

Biết nói thế nào nhỉ? Trước hết, phải thừa nhận rằng, từ nhiều năm nay, thơ Việt Nam vẫn còn đang loay hoay, tiếp tục nỗ lực tìm kiếm chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Nói thế, bởi hầu như hiện nay không một nhà xuất bản nào dám đầu tư kinh phí cho thơ. Nếu nhà thơ muốn in, phải thực hiện theo kế hoạch B tức bỏ tiền túi từ A đến Z. 

Rồi sau đó? Nói theo hình tượng văn học, chẳng khác gì viên sỏi ném xuống đại dương mênh mông. Họa hoằn lắm, mới có tiếng vọng mơ hồ, bằng không cũng chẳng một ai biết đến. Tại sao?

Lẩn thẩn chuyện thơ

Nhiều người cho rằng, các loại thơ hiện nay đã cũ, đã sáo mòn, cần phải cách tân, đổi mới nhiều hơn nữa. Theo y, hình thức không phải vấn đề cốt lõi; quan trọng hơn cả vẫn là nội dung của thơ. Thơ đang đứng ở đâu trong đời sống hôm nay? Các nhà thơ đã và đang nói gì về suy tư mà công chúng đang từng ngày hướng đến? Câu hỏi này, tưởng dễ nhưng thật ra rất khó trả lời. 

Bởi vì rằng, trước sự thay đổi, va đập của thời cuộc trong thời gian qua về biển đảo, biên giới, an toàn thực phẩm, sự tha hóa về nhân cách, xa rời các giá trị truyền thống… thơ đã lên tiếng như thế nào?

Câu hỏi này, trả lời đi?

Xin can. Văn mình vợ người. Chớ dại. Chẳng phải sở trường chuyên môn về lý luận, phê bình nên y đành nín lời. Chỉ biết rằng, thời xưa các cụ thi sĩ đại tài nước Nam đã không hề đứng ngoài thời cuộc. 

Dù là thơ gắn liền với thời sự đi nữa nhưng nếu thơ hay, có sức khái quát thì nó vẫn tồn tại độc lập. Những bài thơ của thi nhân danh tướng như Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu v.v… đời nhà Trần là những chứng cứ hoàn toàn thuyết phục.

Và xin nêu lấy một thí dụ cụ thể: Vào cái năm thằng mắt xanh mũi lõ gây hấn ở chiến trường miền Nam, cụ Đồ Chiểu dõng dạc tuyên bố: “Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn”. 

Đọc câu văn tế này, ta thấy theo ý cụ đã làm người thì không thể có những hành động đó. Cái tội đó to lắm. Không thể tha thứ. Về chữ nghĩa, hãy bắt đầu từ “bàn độc”. Bàn độc là gì mà khi xô/ xô ngã cũng chẳng khác gì quăng/ vứt/ liệng/ ném vùa hương? Tục ngữ còn có câu “Chó ngồi bàn độc thiệt quá quắt lắm thay”. 

Việt Nam tự điển (1931) giải thích: “Bàn độc: Bàn kê một mình để đọc sách, có khi dùng chung với nghĩa bàn thờ”. Vì thế, mới có câu thành ngữ “Hương án bàn độc”. Mà sự thờ phụng trong nếp sống văn hóa Việt còn có vùa hương bát nước.

Cái vùa hương ấy, trong tác phẩm thơ Dương Từ - Hà Mậu, cụ Đồ Chiểu cũng đã nhắc đến: “Tổ tiên chút đã đền chi/ Vùa hương bát nước nào khi phụng thờ?”; trong Lục Vân Tiên, nàng Kiều Nguyệt Nga cũng thốt lên: “Thương vì đôi lứa chưa thành/ Vùa hương bát nước ai dành ngày sau?”.

Vùa hương là từ thông dụng thời cụ Đồ Chiểu, nghĩa của nó ra làm sao? Đại Nam quấc âm tự vị (1895) cho biết: “Vùa hương: Cái lư hương, đồ để mà thờ vong hồn”. Vong hồn tiền nhân, tổ tiên, ông bà của gia đình, làng xã, đất nước tượng trưng qua các lư hương thiêng liêng ấy. Thế nhưng, một khi có ai dám quăng đi, di chuyển chỗ khác một cách tùy hứng, tùy tiện thì… không còn gì để bàn nữa. 

Nói như người Quảng Nam, đó là hành động điên rồ của đứa ngẳng trổ trời - một tính cách ngỗ nghịch, bậy bạ, bặm trợn, ba búa đã làm những việc mà người khác không dám. Làm gì thì làm, chứ nào ai dám ngu dại đụng chạm đến vùa hương của gia đình mình, chứ đừng nói là của cộng đồng. Đúng không nào?

Thế mà vẫn vừa xảy ra đấy. Thiên hạ xôn xao. Nhà nhà bàn tán. Vậy giải thích ra làm sao? Đối với người miền Trung chỉ có thể do gia đình nhà đó bị “động mồ động mả”; với người miền Bắc lại quan niệm do mồ mả gia tộc này bị “sập ván thiên” nên hắn ta/ ả ta mới có hành động điên rồ, ngốc dại đến thế.

Đến buồn ơi là sầu

Thế nào là “động mồ động mả”?

Câu hỏi này, chắc gì nhiều người trẻ có thể hiểu rõ ngọn ngành chăng? Thôi thì, điều cần thiết nhất vẫn phải là “nói có sách, mách có chứng”. Từ điển tiếng Huế (NXB Văn học - 2004) của “nhà Huế học” Bùi Minh Đức giải thích: “Động mồ động mả: làm những chuyện rất lạ lùng”. 

Ngoài ra còn có những nghĩa khác: “1. Làm những chuyện để người ta nguyền rủa, đem ông bà cha mẹ mình ra mà chưởi (Làm chuyện động mồ động mả mà cũng làm); Tiếng chưởi (Không chọc hắn mà hắn lại đè tui cự nự, đúng là động mồ động mả nhà hắn); 3. Khi gặp rủi ro, thất bại, người Huế tin là bị động mồ động mả. Tiếng chưởi nặng nhất của dân Huế là trù cho nhà người ta bị động mồ, động mả để làm ăn xuống dốc, thất bại, gia thế bị khinh khi, rủi ro” (tr.355).

Một người bạn quý của y là nhà báo Nguyễn Quang Thọ, từng làm Tổng biên tập Báo Yêu Trẻ, trên trang facebook cá nhân, anh cũng cho rằng: “Theo quan niệm của người Việt, trong nhà có thể nảy sinh những chuyện rủi ro, bất hạnh, nếu như mồ mả của các bậc tiền bối bị xúc phạm. Nhiều khi chẳng có chứng cứ hoặc liên hệ nào, nhưng người ta vẫn tin những bất thường xảy ra là do bị "động mả".

Nhân đây, y xin nêu một thí dụ: Ở Quảng Nam, có nhà cải cách tiên phong là cụ Phạm Phú Thứ - năm 1864, cụ đã cùng các quan chức cao cấp triều Nguyễn sang Pháp và Y Pha Nho nhằm thương lượng, chuộc lại đất đai của Nam Kỳ đã mất vào tay giặc Pháp. 

Trước đó, năm 1849, cụ được đề bạt về Viện Tập hiền với nhiệm vụ ghi lại lời nói và hành động của nhà vua, rồi làm việc ở Tòa Kinh diên (phòng giảng sách cho vua). 

Bấy giờ vua Tự Đức mới lên ngôi, còn trẻ, ham chơi và lơ là việc triều chính nên cụ viết sớ can gián - trong đó có những câu mà Đại Nam liệt truyện nhận xét: “Lời lẽ trong tờ không còn kiêng sợ”.

Việc làm dũng cảm này khiến nhà vua nổi giận và cụ bị “thuyên chuyển công tác”! Phải lao động cực nhọc “chí lớn treo chuồng ngựa” ở trạm Thừa Nông - phía nam kinh thành Huế. 

Ở quê nhà, hay tin này, người anh của cụ bèn viết thư và hỏi rằng, có phải sự việc tệ hại này xảy ra là do nhà mình “động mả” chăng? Tất nhiên là không. Chỉ ba tháng sau, nhờ bà Từ Dũ can thiệp, cụ được về Kinh giữ chức Tu thư hiệu lực.

Rõ ràng, một khi không giải thích được hành động/ sự việc nào đó theo suy nghĩ thông thường, người ta bèn cho rằng do tác động, xúi giục của cõi âm - thoạt nghe qua mấy từ trên đã thấy có gì huyền bí và linh thiêng lắm. 

Theo anh Thọ: “Vấn đề “động mả” chỉ là cấp độ thấp. Người ta có thể mời thầy về cúng lễ, thành tâm nhận lỗi thì có thể các cụ sẽ cho qua, không chấp. Mức độ tai ương sẽ lớn hơn rất nhiều, nếu nhà ai đó bị "Sập ván thiên". Tấm ván thiên mà sập thì gia đình, gia tộc nhà đó chắc chắn sẽ suy vong.

Bởi vậy người ta hết sức quan tâm, gỗ ván thiên phải là gỗ tốt, ngày xưa thường dùng gỗ lim lõi. Điều người ta quan tâm thường xuyên hơn là trong nhà, trong họ nhắc nhau ăn ở cho phải đạo, đừng làm những điều thất đức để tránh cái họa "sập ván thiên".

Nghe mà nổi da gà.

Thế thì “ván thiên” là gì? Anh giải thích luôn: “Ván thiên là tấm ván nắp quan tài, hướng lên trời,, khác với ván hậu và ván vách. Ván thiên chịu lực nhiều nhất. Nếu ván thiên bị sập thì đất cát và các thứ khác có thể xâm nhập vào thi hài”.

Nhân đây xin được “cà kê dê ngỗng” một chút, đối với những hạn bình thường, thậm chí tầm thường như chúng ta bao giờ cũng nghĩ đến “sống có nhà, chết có mồ”. Nhưng với bậc vĩ nhân lại nghĩ khác. Chẳng hạn, ngày 3-9-1300, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn qua đời tại Phủ đệ Vạn Kiếp, ngài được tặng Thái sư, Thượng phụ, Thượng Quốc công, Nhân vũ Hưng Đạo Đại Vương. 

Đại Việt sử ký toàn thư chép: Trước lúc sắp mất, ngài dặn lại các con: “Ta chết thì phải hỏa táng, lấy vật tròn đựng xương, bí mật chôn trong vườn An Lạc, rồi sau san đất và trồng cây như cũ, để người sau không biết chỗ nào, lại phải làm sao cho xác ta mau mục”.

Dù qua đời, nhưng danh tiếng của ngài vẫn còn lừng lẫy khắp thiên cổ, ngay cả giặc phương Bắc khiếp sợ không dám gọi tên mà tôn là An Nam Hưng Đạo Vương. Nhân dân ta từ lâu nay vẫn tôn kính gọi ngài là Đức Thánh Trần hoặc Trần triều hiển thánh Hưng Đạo Đại Vương. Tương truyền mỗi khi đất nước có giặc, đến lễ ở đền thờ ngài, hễ nghe trong tráp đựng kiếm có tiếng kêu thì thế nào cũng thắng lớn. 

Hiện nay, ngài được thờ ở di tích đền Kiếp Bạc (xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, Hải Dương) và nhiều nơi trên đất nước ta. Thế thì, trước tượng của ngài dù đặt ở nơi công cộng đông đúc người qua lại hoặc nơi đền thờ bao giờ cũng có vùa hương/ lư hương như một sự mặc định trong tâm thức “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt. Không một ai dám đụng đến. Nếu dám, chỉ có thể do kẻ đó trong gia tộc bị “động mồ động mả”, “sập ván thiên” mà thôi.

Cái vùa hương ấy, thời “tiền chiến”, nhà văn Tô Hoài có viết truyện ngắn Khách nợ cũng có nhắc đến. Đó là lúc lái Khế, người đi đòi nợ thuê xộc vào nhà con nợ đã có hành động trái khoáy: “Lão xách chiếc bát hương xuống, đổ cát đi. Lão lấy chiếc ống đựng sổ. Rồi tay cầm chiếc hèo hoa, kèm ống sổ, nách kia cắp cái bát hương, lão đi ra ngõ”. 

Vậy là xong?

Không đâu. Đụng đến vật thờ thiêng liêng nhất là vùa hương/ bát hương/ lư hương ấy, ô hô lão Khế phải trả giá ngay lập tức: “Bỗng khoặc một tiếng dưới chân. Vội ngoảnh lại: con chó vàng khặc khừ ban nãy chạy theo, độp trộm lão một đợp vào bắp chân. Lông nó xù dựng lên, gớm chết. Bọt mép phòi ròng ròng. Và hai mắt nó đỏ ngầu tựa hai miếng tiết bò. Lái Khế thở xì một tiếng, giơ thẳng cái hèo hoa, phết vun vút xuống đầu con chó. Con chó chồm lên, ngoạm miếng nữa vào tay lão, rồi, nhanh như biến, cúp đuôi xuống, lưỡi đỏ thè lè, hục hặc chạy đi mất”. 

Qua Tết, vì bệnh chó dại, lão Khế bèn chuyển sang ngủm củ tỏi, liền nhanh chóng diện áo ba-đờ-suy gỗ về chầu diêm vương.

Hỡi ôi, có những chuyện cứ nghĩ không thể xảy ra nhưng rồi vẫn có. Kỳ quái thật. Sực nhớ đến câu thơ của anh Nguyễn Trọng Tạo: "Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/ Câu trả lời thật không dễ dàng chi". Mà thôi, không bàn đến nữa. Nói như anh Nguyễn Nhật Ánh trong tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ: “Buồn ơi là sầu”.

Lê Minh Quốc
.
.