Vũ Hạnh trong mắt bạn văn

Thứ Tư, 28/10/2015, 06:49
Trong số các văn nghệ sĩ có tên tuổi ở phương Nam, phải nói đến Vũ Hạnh. Cả cuộc đời văn, chiến sĩ của ông để lại nhiều tác phẩm vô giá, còn mãi với thời gian: “Lửa rừng”, “Vượt thác, “Người Việt cao quý”, “Đọc lại Truyện Kiều”, “Con chó hào hùng”, “Chất ngọc”, “Cô gái Xà Niêng”…. Năm nay tròn 90 tuổi, nhà văn vẫn sung sức tự chạy xe máy, đam mê đọc sách, nghiên cứu và… sáng tác.

Một chặng đường bút mực

Nhà văn Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng (SN 1926), quê quán ở xã Bình Nguyên (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) trong một gia đình trí thức Nho học có tinh thần yêu nước, thương dân. Thuở nhỏ ông sống ở quê, lớn lên ra Huế học Trường trung học chuyên khoa và có thơ đăng trên báo Sông Hương lúc mới 18 tuổi. 

Nói về hoàn cảnh gia đình, nhà văn hay mượn hai câu vè của người địa phương để diễn tả: “Ngồi buồn kể chuyện sang đàng/ Ngó xuống chợ Được thấy Tú Lang làm giàu”. Tú Lang là thân phụ của nhà văn Vũ Hạnh, còn ngoại ông là Tiến sĩ Phan Quang, một trong những “Ngũ phụng tề phi” của xứ Quảng Nam. Nhờ cha là chủ của một hãng xe đò lớn nên lúc nhỏ ông có điều kiện khá tốt để “dùi mài kinh sử”.

Nhà văn Vũ Hạnh kể: “Tôi thích văn nghệ từ khi mới học Trường Thăng Bình nên làm chủ nhiệm tờ báo Xuân của trường, cùng anh Nguyễn Nhã (người Chiên Đàn, Quảng Nam) và Nguyễn Xuân Bơn (người Nghệ An). Hồi đó cũng vì mê làm báo mà tôi vẽ bức tranh “bố thí” xúc phạm đến người Pháp mà tôi bị nhà trường đem ra đánh, may mắn có thầy hiệu trưởng thương tình cho… tạm tha”. Sau này, hoạt động cách mạng bị bắt giam ở nhà lao Hội An, ông đã khéo léo lợi dụng mâu thuẫn nội bộ bọn cai ngục, thoát thân vào Sài Gòn, dạy học và viết báo mưu sinh. Vũ Hạnh nổi tiếng với những bài báo bút chiến, tiểu luận phê bình và truyện ngắn.

Theo ông Trần Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM): “Vũ Hạnh bắt đầu tham gia Mặt trận Việt Minh từ năm 1945, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa ở chiến trường liên khu 5. 

Nhà thơ Hữu Thành, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp VHNT Việt Nam” cho nhà văn Vũ Hạnh.

Từ năm 1956 đến 1975, ông hoạt động tại Sài Gòn. Sau ngày thống nhất đất nước, nhà văn Vũ Hạnh làm Tổng Thư ký Hội Văn nghệ TP HCM, Ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP HCM. Trong sự nghiệp văn học, nhà văn Vũ Hạnh có rất nhiều tác phẩm nghiên cứu, phê bình văn học, văn hóa đạt đỉnh cao, đặc biệt là hai công trình Đọc lại Truyện Kiều Người Việt cao quý. Ông từng được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam” của Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam”.

Còn Vũ Hạnh trong ký ức Nhà văn Đỗ Kim Cuông thì sao? Nhà văn chia sẻ: “Tôi đọc lần đầu những tác phẩm của nhà văn Vũ Hạnh vào một hoàn cảnh khá hy hữu khi nhặt được từ trong balô của hai lính dù bị chết trôi trên đường hành quân năm 1973, có tập truyện ngắn Bút máu của Vũ Hạnh và cuốn Người Việt cao quý đề tên A.Pazzi, cùng tập thơ Rừng dậy men mưa của Đông Trình. Chỉ đến khi giải phóng, về sống tại Nha Trang ngồi hàn huyên mới được nhà thơ Giang Nam “bật mí” A.Pazzi chính là… Vũ Hạnh, tôi phát hoảng…”.

GS.TS Mai Quốc Liên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học hồi tưởng: “Thời ở Hà Nội, Viện Văn học mới được quyền mua sách báo Sài Gòn, tôi  “chộp” được Vũ Hạnh và đọc những bài viết ký tên cô Phương Thảo rất máu lửa. Thời đó, Vũ Hạnh đi dạy học tư kiếm sống, mỗi ngày phải uống hàng chục ly cà phê để tỉnh táo mà lên lớp. Dần dần trở thành một cây bút đặc sắc trên văn đàn nhiều phe phái, trường phái của Sài Gòn bấy giờ. 

Vũ Hạnh hoạt động đơn tuyến trong lòng thành phố bị chiếm. Thỉnh thoảng mới được gọi ra khu giải phóng vài hôm để gặp tổ chức. Năm lần bị bắt, rồi được thả… nhà văn giỏi đến mức mà ông Trần Bạch Đằng nhận xét: Vũ Hạnh đã làm tốt quá mức nhiệm vụ được giao...”.

Nói về cuộc đời nhà văn Vũ Hạnh, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đúc kết ngắn gọn: “Với trên dưới 60 tác phẩm lớn, chúng ta trân trọng và đánh giá cao cống hiến sáng tạo của ông và sự nể trọng của độc giả dành cho nhà văn Vũ Hạnh, vì trong điều kiện và hoàn cảnh đấu tranh công khai, đơn tuyến dưới chế độ Mỹ ngụy đang tràn ngập thứ văn hóa đồi trụy, lai căng hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực tới các tầng lớp nhân dân, làm tha hóa đời sống tinh thần xã hội, nhất là trong các đô thị miền Nam, đe dọa sự sống còn của văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh đó, những tác phẩm của Vũ Hạnh đã dũng cảm nói lên tiếng nói trung thực, trực diện khơi dậy lòng yêu nước, bảo vệ vẻ đẹp văn hóa dân tộc mình…”.

Luôn sống hết mình vì mọi người

Bước qua độ tuổi xưa nay hiếm nhưng mỗi khi có bạn bè văn chương như: Đoàn Vy, Bùi Đức Ánh ra mắt sách mới ở Hội Nhà văn TP HCM lại thấy bóng dáng ông lụm cụm có mặt. Mới đây, tại hội thảo “Xây dựng nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Hội đồng Lý Luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, ông luôn có mặt từ sớm phát biểu rất thẳng thắn, chân tình. Rồi gặp gỡ 41 năm ngày “ký giả ăn mày” ở Sài Gòn, ông cũng ngồi ở hàng ghế đại biểu danh dự. Vũ Hạnh vẫn như con tằm nhả tơ rút ruột dâng hiến cho đời. Không hút thuốc, không bia rượu, ăn uống đơn giản, giao tiếp thân thiện, Vũ Hạnh luôn tạo cho người mới gặp sự chân thành, uyên bác mà… gần gũi. 

Nhà văn Vũ Hạnh ký tặng sách cho độc giả. Ảnh: Diệp Đức Minh.

Nhà văn Trầm Hương nhắc lại kỷ niệm: “Năm 16 tuổi, khi còn là một thiếu nữ học trò ở Bình Đại (Bến Tre), đọc Vũ Hạnh tôi cứ nằm mơ không biết bao giờ mới được gặp ông, dù khi gặp chỉ cần chạm nhẹ vào bàn tay ông là đủ mãn nguyện. Ai ngờ, sau này sinh hoạt chung lâu năm ở Hội Nhà văn Việt Nam, ông tuyệt vời như một người anh ruột vậy, chỉ bảo tận tình. Tôi luôn biết ơn và kính trọng ông, một nhân cách lớn mà tôi đã từng gặp…”.

Sống nhiệt thành, hết mình vì mọi người, nếu Vũ Hạnh có phát hiện gì vui, lý thú đều đem ra trao đổi với bạn bè. Nhà văn Trần Thanh Giao nhắc lại kỷ niệm: “Có lần anh khoe với tôi một loại thuốc chữa bệnh cao huyết áp, dùng tốt, đỡ uống thuốc Tây có nhiều tác dụng phụ. Lần nọ, khi bị nghi ung thư tuyến tiền liệt, đến bệnh viện chữa khá lâu không khỏi, anh về tự tìm thuốc Nam sắc uống, mấy tháng sau đến bệnh viện khám lại, bác sĩ ngạc nhiên vì anh đã… khỏi bệnh. Anh liền đem loại thuốc Nam đó giới thiệu cho tôi. Nhờ quan tâm đến sức khỏe mà ở tuổi 90, anh vẫn chạy xe băng băng ra Vũng Tàu, lên Đà Lạt như thanh niên…”.

Không bao giờ đòi hỏi điều gì cho riêng mình, nhà văn Vũ Hạnh tâm sự: “Thế hệ của cha ông chúng ta có quá nhiều anh hùng, tài ba. Các liệt sĩ hy sinh cho đất nước Việt Nam độc lập tự do, có ai yêu cầu quyền lợi gì đâu, trong khi tôi được sống và cống hiến như thế này là may mắn rồi. Chỉ biết phải luôn làm việc hết mình, vì thời gian chẳng còn nhiều…”.

GS.TS Mai Quốc Liên đã từng xuýt xoa: “Tôi đã từng gặp một nữ sĩ xinh đẹp mê anh như điếu đổ, bà này tuyên bố: “Vũ Hạnh là người đàn ông mà bất cứ một phụ nữ nào cũng ao ước”. Ghê lắm. Có lần tôi hỏi: “Vũ Hạnh có mắc bẫy ái tình ai không? Anh cười, trả lời là không, “vì hoạt động cách mạng nên phải giữ mình”. Nghe cũng có lý. Nhờ… giữ mình mà anh rất khỏe, chỉ quan tâm nhiều đến các vị thuốc, bài tập dưỡng sinh và tuyên truyền say sưa cho các loại quả, trái cây, khóm, chuối…”.

Nhà thơ Lam Giang nói vui: “Dù cách xa anh 20 tuổi nhưng chưa bao giờ tôi kêu nhà văn Vũ Hạnh bằng chú mà chỉ gọi bằng anh rất vui vẻ. Cho đến giờ tuổi cao, tóc bạc, đi đứng liêu xiêu vậy mà tụi tui vẫn còn chế tác thơ cho anh ngâm nga: “60 là tuổi dậy thì/ 70 là tuổi mới đi vào đời/ 80 là tuổi rong chơi/ 90 là tuổi biết người biết ta”.

Mừng sinh nhật nhà văn Vũ Hạnh tròn 90 tuổi,  Nhà xuất bản Tổng hợp TP HCM đã ra mắt bộ sách 2 tập Tuyển tập Vũ Hạnh. Tập 1 gần 600 trang chia làm 3 phần: Hồi ký với 3 tác phẩm tiêu biểu: Một chặng đường bút mực; Truyện ngắn: 32 tác phẩm độc đáo như: Bút máu, Chất ngọc, Vượt thác…; kịch: 2 tác phẩm là Người nữ tỳ, Đôi mắt dịu hiền. Tập 2 của tuyển tập khoảng 800 trang, gồm truyện dài, tiểu luận - phê bình, những bài báo viết về tác phẩm và tác giả Vũ Hạnh.
Nhân dịp này, Hội Nhà văn TP HCM cũng tặng ông 4 câu thơ lấy tên từ những tác phẩm nổi tiếng của Vũ Hạnh:
Sông nước mênh mông nhắc nhớ ngày Vượt thác/ Bút máu chưa khô tim vẫn rực Lửa rừng/ Chín mươi mùa xuân, Một chặng đường bút mực/ Chất ngọc dâng đời, giá trị sống của cha ông”.

Lê Công Sơn
.
.