Với cô bé phát trứng luộc trên đỉnh Nga My Sơn

Chủ Nhật, 01/01/2017, 10:26
Tiệc ăn sáng tự chọn lèo tèo, cái gì cũng nhạt thếch. Lượng khách người Trung Quốc đông khủng khiếp. Họ ăn với tốc độ tằm ăn rỗi. Vài cô phục vụ sợ quá, không dám để trứng luộc ra khay. Một cô nhìn chúng tôi ái ngại...

Cưng nựng từng ánh nhìn, từng cú bấm máy của khách du lịch

Người Trung Quốc kinh doanh "khai thác" du lịch cứ là bậc thầy. Họ đem ra một cây trùy khổng lồ, múa như Tôn Ngộ Không, gió rít ào ào. Cũng giống như Lý Quỳ múa hai cây búa vậy.

Nhưng cuối cùng thì họ dừng lại, gập người về phía sau, mặt họ nhìn bạn ở góc ngược, tóc chạm nền nhà, miệng ở phía trên mớ tóc và phía trên cao hơn mắt mũi. Rồi họ mỉm cười. Từ cán trùy thò ra một cái vòi dài, họ rót trà vào cái chén bé xíu trước mặt bạn. Sửng sốt. Không một giọt rớt ra ngoài.

Lại có chuyện họ bẻ gãy chân gà, rồi dùng cao dán làm liền và con gà chạy choanh choách. Rồi bán cao trăn, mật gấu, bán cả đống đông trùng hạ thảo. Thôi thì đủ trò "ma giáo", nhiều người mê lú khâm phục mua thuốc tơi tới, nhiều người mỉm cười "trò mèo" nhưng vẫn lấy làm thú vị. 

Vạn Lý Trường Thành, một góc nhìn.

Nghĩ cho cùng, đi du lịch thì cái thú vị vẫn được nhiều người coi là tiêu chí đầu tiên. Có lần đến cung Di Hòa Viên của Từ Hy Thái Hậu, tôi chứng kiến cảnh một ông dùng miệng cắn cái bút lông như cây chổi sể rồi điều khiển nó rất tài tình để viết chữ tượng hình của Trung Quốc. Ông ta viết chữ to như xô nước. Tất nhiên mực là nước lã, chứ hắn dùng mực tàu thì có lẽ chỉ một buổi chiều là cái cung nổi danh thiên hạ kia sẽ đen kịt.

Vài cảm xúc đẹp nữa, ví dụ như khi đi lang thang vùng Tứ Xuyên, đến Cheng-đu (Thành Đô), ra ngã ba sông mua vé thăm Lạc Sơn Đại Phật (vị phật ngồi cao nhất thế giới, 71m), cô hướng dẫn viên giúp từng người chọn được góc chụp ưng ý. 

Bởi chỉ góc đó, vị trí trên sông nước cuộn sóng đó, thì nhìn các ngọn núi mà tượng phật tựa lưng vào (phật được tạc trực tiếp vào núi từ 1.300 năm trước) mới xếp hàng thành một cơ thể phật nằm. Từ gò má, đến sống mũi rất giống, giống đến mức người ta rùng mình trước sự bí ẩn và mời gọi của thiên nhiên.

Bên cạnh những người nâng niu từng ánh nhìn của du khách đó, thì cũng có quá nhiều chuyện buồn. Một lần lên Nga My Sơn, một di sản thiên nhiên thế giới nức tiếng toàn cầu, từ nhỏ đọc Đường thi, tôi đã biết về một Nga My băng giá vào mùa đông và rực rỡ cỏ hoa vào mùa hạ. 

Quả thực, bây giờ đến mới thấy là danh bất hư truyền. Chữ của vua Trung Quốc vẫn được dựng sừng sững tại đây. Chúng tôi ở đó 2 đêm, sương giăng đỉnh núi mờ xa, bình minh chim hót đánh thức từng sát-na yêu kính thiên nhiên trong lữ khách.

Nhưng than ôi, đến lúc ăn sáng thì ám ảnh suốt đời. Tiệc tự chọn lèo tèo, cái gì cũng nhạt thếch. Lượng khách người Trung Quốc đông khủng khiếp. Ùn ùn. Họ ăn với tốc độ tằm ăn rỗi. Vài cô phục vụ sợ quá, không dám để trứng luộc ra khay. Vì mang một rổ ra, cô ấy chưa rời mắt khỏi cái khay thì đã hết veo. Họ ăn, họ bỏ túi, họ giành giật nhau. 

Chúng tôi, theo thói quen du lịch châu Âu, đứng xếp hàng và mỉm cười buồn bã. Cô phục vụ ăn mặc cổ điển, cứ như nhân vật trong Tây Du Ký mang trứng đi trong rừng và gặp thầy trò Đường Tăng. 

Cô nhìn chúng tôi ái ngại. Rồi cô xin ý kiến chỉ đạo, cô cầm trứng luộc đứng ở đúng vị trí để khay trứng. Ai đi qua mà xếp hàng thì cô trao tận tay cho một quả, cũng giống cái lối tiên nữ đi hái đào ở vườn của Vương Mẫu và mời tiên ông tiên bà có giấy mời ăn tiệc.

Dịch vụ cho thuê giáp trụ chụp ảnh ở Trung Quốc.

Có lần đi Thượng Hải, tôi thấy cảnh cô lễ tân đem từng cái cốc rịa li ti nhìn mãi không thấy ra bắt đền khách thuê phòng. Cô bảo, nó rịa là phải đền. Khách bảo, ông ấy chưa hề dùng cốc, đến tận bây giờ vẫn chưa biết vết li ti ấy là nó rịa hay là hoa văn của nhà sản xuất, càng không biết trước khi ông thuê phòng thì cốc đã rịa hay chưa. 

Và cuộc cãi vã điên cuồng, khách sạn đòi giữ hộ chiếu của khách để bắt đền. Từ bấy, mỗi lúc nhận phòng ở đâu đó, tôi lại gọi các cô phục vụ phòng lên đếm dép, đếm khăn và ngắm từng cái cốc cái chén xem nó có rịa có mẻ tí nào không.

Tài nhất và dai nhất là những cô em bán hàng ở các điểm du lịch. Họ bán tươi tỉnh, bán cười cợt, họ thuê cả những em người Việt làm vợ hoặc lang bạt bên đó vào bán, nói ngọt như mía lùi và nắm bắt tâm lý người Việt như kiểu bỏ quên chiếc guốc trong bụng mọi người cả. 

Ở khu "Thế kỷ 21 là thế kỷ của chè Trung Quốc", tại Tứ Xuyên, chúng tôi được cho ăn đủ thứ chè, kem, caramen, kẹo, sinh tố... chè. Rồi mê cung các loại chè với công dụng "cải tử hoàn sinh", với sự sành điệu "chưa uống chè Long Tỉnh thì chưa khôn ra được". 

Dẫn khách vào cả nương chè thoai thải và các em gái bán chè thì xinh xẻo với trang phục y như thể gái Tày ở ta. Họ bắt đầu hét giá, 1-2 thậm chí 3 nghìn đô la một cân chè mạn. Có thứ chè bảo là ngâm tẩm, sao hái, lưu ủ đã nửa thế kỷ. 

Có những loại thuốc kiểu như bẻ gãy lìa chân con gà rồi bôi xong là nó khỏi. Thuốc chữa bỏng thì thần kỳ như có Tôn Đại Thánh đi xin linh đan của Bồ Tát. Đặc biệt là thuốc viên Ngưu Hoàng Hoàn chuyên trị cho những người đột quỵ. Khách mua tơi tới. Tiếp đến là "đông trùng hạ thảo", họ khoe, quy trình "nuôi", thu hoạch và phân phối, thứ thuốc này cả năm, cả trăm năm mới được vài mẩu bé xíu, quý như thượng đế ban tặng "đặc hữu" cho người Trung Quốc vậy. 

Lại nghe nói, thu hoạch được tí ti, đem ngoại giao cho lân bang, đem phục vụ tứ trụ triều đình xong, còn có tí đem bán thôi, chúng tôi bán cả ở đây. Mua đi nào. Đưa người cửa trước, rước người cửa sau ào ào, nhân viên cúi gập người chào, khách mua vèo vèo, thế mà chả biết đông trùng hạ thảo quý giá ở đâu lòi ra nhiều thế. Nhìn vậy đã thấy nghi. 

Chưa kể là cái "con sâu cọng cỏ" ấy mềm oặt, lốp xốp, bé như con cá tép li ti ở mương nước đất Việt, nếu tốt đẹp ngon ngọt bổ dưỡng, thì cớ gì đám con buôn kia không "luộc" hết nước trước khi bán? 

Những thứ ma quỷ, tinh vi, ngóc ngách như cái điện thoại di động, những cái vi diệu như màng trinh của phụ nữ, họ còn là bậc thầy làm giả, huống hồ chỉ luộc cái con "đông là sâu bọ, hè là cây cỏ" kia trước khi bán? Tôi đã nghĩ vậy và xúi giục mọi người đừng cả tin. Y như rằng, vừa rồi thế giới la làng lên với hàng loạt công trình bị phanh phui: đông trùng hạ thảo là cú lừa dược liệu lớn nhất thế kỷ!

Gặp Tề Thiên Đại Thánh vào buồng hợp cẩn của Tôn phu nhân

Người Trung Quốc phát hành phim Tây Du Ký sang Việt Nam từ năm 1986, suốt 30 năm qua, có lẽ năm nào truyền hình cũng chiếu lại chuyện đi Tây Trúc lấy kinh. Dường như, người Trung Quốc còn tính đến cả việc xây dựng phim trường đóng Tây Du Ký rồi muôn đời sau khai thác du lịch thăm phim trường đó nữa. 

Lợi nhuận từ cái "hậu Tây Du Ký" còn to hơn "nhuận bút" phát hành phim nhiều lần. Vào đó, đứng góc nào, nhìn góc nào, giao lưu với ai, bạn cũng gặp tràn ngập các chàng Mỹ Hầu Vương và lóc nhóc con đàn cháu đống. 

Cứ như gã 72 phép thần thông Tề Thiên Đại Thánh này lúc nào cũng nhổ sợi lông sau gáy và niệm chú phân thân cho người Trung Quốc làm du lịch thời mới vây. Tương tự với phim Tam Quốc. Mua vé vào thăm, ngắm nhé, đúng vùng Giang Đông sông nước, chiến thuyền của Tôn Quyền to như ngoài đời thật. 

Rẽ nước như đang trong thủy chiến với quân Tào, cứ như sắp đại chiến Xích Bích đến nơi. Tượng Lưu - Quan - Trương kết nghĩa vườn đào, tượng Khổng Minh râu thành cụm, tay cầm quạt nan nhìn đời theo kiểu trên thông thiên văn dưới tường địa lý. Họ làm như thật. Họ cũng lại bóc mẽ cho xem những cảnh khủng khiếp như "Đại chiến Xích Bích" chẳng qua chỉ là cái vũng ao tù bé xíu. 

Những cây di sản ở Thập Tam Lăng, Bắc Kinh. Chúng được giữ gìn rất khoa học trên bờ tường di tích.

Mọi cảnh đỏ lửa, chuyến thuyền khủng khiếp rồi binh đao rợn người, đều là kỹ xảo hết. Thuyền bè cứ bé như đồ lưu niệm bán trong cửa hàng. Trong khi đó, chiến thuyền Đông Ngô to hơn cả mọi hình dung của du khách. Đóng phim xong, họ làm nhà hàng, làm tàu bè đón khách luôn.

Vừa thăm chỗ ngủ của Lưu Bị, thò ra, bạn đã thấy gương mặt mình và người bạn đồng hành thân thiết được in trên một cái cốc uống nước to và đẹp rực rỡ. Cứ như một giấc chiêm bao. Mua nhé, trả tiền của quốc gia nào cũng được, cốt là quy đổi trả cho đủ. 

Vào thăm doanh trại quân Tào, đang đi, tự nhiên thấy trong các lùm cây la đà ven sông nước lúp xúp cỏ dại xộc ra bao nhiêu là bụi, rồi tiếng vó ngựa khua vang, tiếng hò hét ngựa hí như sấm dậy. Bụi khói tơi bời. Ai nấy hoảng hồn, tự dưng khói phun ra bốn bề, đoàn binh mã giáp trụ xám xịt trờ đến. Giáo mác tua tủa, những chiến mã lừng lững. Các chiến binh xuống ngựa chào khách, hỏi: cưỡi không, múa gươm giáo thử, mặc giáp trụ xông trận một lần không. Xùy tiền ra. 

Sau đó thì nhớ vào một thung lũng với khán đài rộng lớn, ở đó có các cuộc giáp chiến người ngựa tơi tả, đủ Quan Công, Trương Phi, rồi Triệu Tử Long, Khương Bá Ước... tả xung hữu đột. Sướng mắt chưa. Xùy tiền ra.

Chưa hết, xem xong màn Tôn phu nhân quy Thục, này có muốn xem chỗ ông Lưu Bị và Tôn phu nhân hợp cẩn (đêm tân hôn) không. Mỹ nhân lừng danh thiên hạ với Lưu Bị trong khu động phòng hoa chúc (phim trường) rất đẹp nhé. Mua vé vào xem nhé. 

Ôi, nó chỉ là cái phòng bình thường, xấu hơn cái phòng bình thường, vì họ dựng quấy quá lên để đóng phim. "Ánh đèn sân khấu" thì che lấp hết những khiếm khuyết của hiện trường "phòng tân hôn", nhưng xem ngoài đời sau vài chục năm nó kết thúc nhiệm vụ của nó, thì chán vô cùng. Cái mà người Trung Quốc không chán ở đây, chính là việc "khai thác" du lịch rất có nghề, thôi thì kinh doanh huyền thoại, bịa ra đủ thứ tình huống hấp dẫn để thiên hạ bu đến và xòe tiền.

Du lịch Trung Quốc, vẻ đẹp, sự mơ màng, ánh sáng văn hóa cứ rực lên, bên cạnh các mánh trò và lối ứng xử khiến mình thất vọng. Cũng là hai mặt của một gương mặt tuồng. Kệ đi. 

Thiên đường nơi hạ giới chính là thiên nhiên lộng lẫy trong mùa thu Cửu Trại Câu ở Tứ Xuyên, bạn đã đi chưa, nếu chưa, cứ đi và cảm nhận. Nhớ ăn vịt quay Bắc Kinh hảo hạng, nhớ xem Kinh kịch với các gương mặt tuồng xanh đỏ, thiện ác, tùng cắc, lắc mình một cái là biến ảo thành người khác. 

Cứ như có phép thuật nhiệm mầu. Và cũng nhớ tránh các cú lừa thế kỷ và rất đau lòng kiểu "đông trùng hạ thảo" thì tốt hơn. Nhớ chụp bức ảnh như hàng vạn người đã chụp: Vạn lý Trường Thành. "Bất đáo Trường Thành phi hảo hán". Cố leo lên bức chữ đó và tự sướng một cái ảnh. Tôi đi bộ bở hơi tai, ngẫm về cái cảnh "thành xây xương lính, hào đào máu dân" là thế nào. 

Lại chạnh lòng ngồi nghỉ ở một trạm gác bề thế đá hộc xếp giữa bốn bên đồi núi xanh thắm. Mùi gì vậy? Khai như nước đái khỉ. Than ôi, chỗ này vắng và họ cho nó thêm cái công dụng là toilet. Mà trạm nào cũng thế. Gã hướng dẫn viên cợt nhả biến từ "đáo" thành từ "đái": "Bất đái Trường Thành phi hảo hán". Hay là, có lẽ, tôi cũng sẽ làm cho Big Wall (Vạn lý Trường Thành) huyền thoại này thêm một công dụng đáng trăn trở nữa? Thôi, ai lại làm thế.

Đỗ Doãn Hoàng
.
.