Vợ chồng bao đồng

Thứ Ba, 15/12/2015, 10:23
Tôi yêu cái cách anh chị dành đam mê cho công việc, càng yêu hơn cách anh chị đồng hành cùng nhau trong cuộc sống. Khi anh miệt mài với đam mê, chị lùi về làm hậu phương. Lúc chị háo hức giúp người này người kia, anh đứng xa xa, ngắm chị, mỉm cười hạnh phúc. Hỏi chị một câu rất thật, đã có lúc nào xảy ra xung đột bởi chị thường làm chuyện “bao đồng”? Chị cười, an yên như nắng sớm đầu đông thay lời đáp.


1. Tôi biết Lê Hoàng Trúc trong lần gặp một nghệ sĩ định cư ở nước ngoài về Việt Nam. Chị dong dỏng cao, giản dị, nhiệt thành và vui tính. Tôi chưa thấy chị cau có với ai lần nào dẫu khi ấy chị đang mệt hay vướng vào vài chuyện phiền phức. Tôi cũng chưa khi nào chứng kiến chị từ chối giúp đỡ ai một điều gì nếu điều đó nằm trong khả năng. Lại càng hiếm khi chị nhận lời giúp ai qua quýt. Câu cửa miệng của chị, khi bị ai đó quở, rảnh rang, bao đồng: “Thôi kệ, giúp được đến đâu thì mình làm đến đấy”.

Bất kể điều gì, có hay không liên quan đến bản thân, chỉ cần mang lại lợi ích cho nhiều người, chị sẽ chẳng khước từ hay nề hà gian khó. Như khi tôi nói với chị, tôi cần hình ảnh của nhân vật trong một buổi gặp và tôi thì không có máy chụp ảnh, chị hí hoáy gọi điện nhờ một người bạn là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, rồi tỉ mẩn hiệu chỉnh để tôi có những bức ảnh đẹp nhất.

Như khi Germer - một nhóm những người chơi nhạc rất trẻ thuộc thế hệ 9X ngồi lại với nhau - quyết đem nhạc cổ điển với những buổi diễn đậm chất ngẫu hứng, cuộc trò chuyện chuyên đề, quảng bá âm nhạc đến không gian café, hội quán,… gặp trục trặc về thiết bị và dụng cụ biểu diễn, chị sẵn sàng nhấc máy “cầu cứu” anh em, bạn bè thân thiết, cho nhóm mượn phòng tập, nhờ ông xã đến tận nơi lắp ráp mọi thứ đâu vào đấy.

Bất ngờ khi hay, chị mới biết Germer từ một buổi diễn và bị thuyết phục ở suy nghĩ chững chạc, sự tự tin và ao ước cống hiến, làm đẹp hơn cho cuộc sống của những người trẻ. Chuyện bắt đầu từ một cậu học trò cấp 3 đi Pháp giao lưu và nhận ra bạn bè đồng trang lứa với cậu ở Pháp được tiếp cận, trang bị nhiều kiến thức và kỹ năng trong khi tại Việt Nam thì không. Vậy là về nước, cậu trò ấy cùng một nhóm bạn vét tiền ống heo, tự lên chương trình, tìm kiếm không gian để diễn.

“Thời 17, 18 tuổi, mình không được cơ hội sống đẹp như các bạn bây giờ nên trong khả năng, giúp được gì thì mình cứ hết lòng hỗ trợ” – chị tâm sự.

Lần khác, vài người bạn của chị muốn thực hiện một đêm nhạc tri ân những Mạnh Thường quân hỗ trợ trong công tác từ thiện, chị sẵn sàng đứng ra “mai mối”. Audio Space phát hành những CD được đầu tư công phu về âm thanh, chị lăng xăng đến lấy tin, chụp ảnh và chia sẻ cho những trang web nghe nhìn chị biết. 

Nhiều lời xầm xì, vài người nhận được hỗ trợ chưa chắc đã hiểu, người xung quanh nghi ngại bởi họ không thể tin chị làm những điều ấy bằng sự hồn nhiên quá đỗi. “Không sao, mình không có trách nhiệm phải đi giải thích. Điều quan trọng là cần chung tay để những sản phẩm âm nhạc chất lượng của Việt Nam được nhiều người biết đến. Thêm một kênh lên bài, phổ biến sản phẩm âm nhạc của người Việt thì nên mừng và vui chứ!”.

Trúc thừa nhận tính cách của chị chịu ảnh hưởng rất lớn từ nếp sống gia đình. Sau ngày Giải phóng, mẹ chị ngã bệnh, ba chị gò lưng đạp xích lô nuôi gia đình 6 miệng ăn. Hai anh lớn của chị đến lớp 10 thì dở dang chuyện học, bươn chải đỡ đần ba mẹ. Cuộc sống lần hồi bữa đói bữa no nhưng chưa khi nào anh em chị quên cách sống nhường nhịn và cho đi. Chị bảo, chị tâm đắc câu nói đại ý rằng, con người không chọn được nơi mình sinh ra, nhưng chọn được cách mình sống.

“Mình vô cùng biết ơn và khắc ghi mãi lời ba dạy. Không có gì phải tự ti, mặc cảm. Đi học, mình với các bạn như nhau. Bạn dễ thương thì mình chơi, bạn không dễ thương thì kêu bạn lại nói cho bạn biết. Nhờ vậy mà bước ra, mình lấy bản thân mình đối thoại với người khác, chứ không phải vị trí hay gia đình mình”.

Nhờ sự dè xẻn, vun vén của ba mẹ, chị vào được Đại học Tài chính - Kế toán. Run rủi sao, học ngành kế toán nhưng chị bén duyên với nghề nghiên cứu thị trường và gắn bó lâu dài. Mối lương duyên của chị cũng khởi nguồn từ đây.

2. Đào Hồng Nhân, cao và gầy, còn được bạn bè gọi là Nhân Koo hoặc trêu là Mộng Nhân do tính anh mơ mộng, lãng đãng như sương khói quê nhà. Nhân là con trai của cố nhà thơ Đào Hữu Thức, nổi tiếng với biệt danh “gã Pleiku nhỏ”. 

Đào Hữu Thức viết về Pleiku như một người tình, song có những bài về Đà Lạt đắm say không kém, trong đó có Chiều Đà Lạt: Mỗi chiều Đà Lạt một mùa thu/ Hoa cúc vàng trên ngực áo/ Ta trẻ lại, mắt vui ngoài cửa sổ/ Chợt sợi tóc bay/ Đời đã hoá thành chiều!. Sau Giải phóng, Đào Hữu Thức rời Pleiku về Đà Lạt mưu sinh bằng nghề chở gỗ. Nhân được sinh ra ở thành phố ngàn hoa, cộng với tính nghệ sĩ của cha, từ nhỏ được cho theo học đàn các kiểu, đâm mê mẩn âm thanh.

Anh Đào Hồng Nhân.

Theo được một năm Vật lý hạt nhân, thấy ngành xa lạ, Nhân xin ba mẹ, thầy cô xuống Sài Gòn, thi vào khoa Điện tử, Đại học Bách khoa. Tuần nào cũng nhín ít tiền cơm, đèo bạn trên con xe cà tàng, cọc cạch ra chợ Nhật Tảo, mê mẩn ngắm đồ điện tử, đặc biệt những gì có liên quan đến âm thanh cho đỡ nghiền. Duyên số đưa đẩy thế nào, Nhân xin chân bảo vệ ban đêm ngay công ty của Trúc. 

Thời điểm đó, Công ty Gạch men Mỹ Đức nhận đầu tư từ Morgan Stanley Dean Whitter, sử dụng dây chuyền công nghệ của Sacmi, nhằm tạo những bản thiết kế, phối ghép ý tưởng trên gạch, hỗ trợ khách hàng thiết kế theo ý thích và tiết kiệm thi công. Thấy hay hay, Nhân xin mở máy cho tập, rồi mày mò học thêm, dần thạo việc.

Một bữa, trông thấy bản thiết kế của Nhân, sếp hài lòng, nhận anh về phòng marketing rồi chuyển qua khâu thiết kế. Công ty lập nhà máy ở Vũng Tàu, cả đội thiết kế chuyển theo, Nhân lại dở dang chuyện học. Lâu sau, về lại Sài Gòn, vừa làm thiết kế vừa hỗ trợ phòng Marketing, Nhân gặp Trúc. Chị cười hiền, bảo hồi đầu có để ý gì đâu, chỉ thấy hỗ trợ công việc tốt, chẳng nề hà cực nhọc, đâm thương lúc nào không hay. 

Đam mê âm thanh mỗi ngày một lớn, Nhân quyết tạm rời công việc thiết kế đang ổn định, dồn tâm sức vào Audio, chuyên cung cấp những sản phẩm nghe nhạc chất lượng cao tại gia. Nghề này có một đặc thù, khi đời sống ổn định, người ta mới tính đến chuyện thụ hưởng. Thế nhưng nhiều năm nay kinh tế bấp bênh khiến anh chị gặp không ít khó khăn về tài chính. Hỏi anh chị có cảm thấy tiếc?

Chị Lê Hoàng Trúc.

Chị nở nụ cười, động viên và ủng hộ anh: “Mình tin ở anh. Bởi anh làm từ đam mê, sở thích và kiến thức được tích lũy trong nhiều năm. Phải hiện thực hóa thành sản phẩm mới biết được mình đi tới đâu”. Kinh doanh ai cũng mong lợi nhuận, nhưng Nhân được bạn bè thương quý, khách hàng tin tưởng bởi anh luôn tâm niệm “bảo vệ túi tiền của người chơi”, trước tình trạng thông tin nhiễu.

“Trước khi phục vụ khách hàng, phải thuyết phục được chính bản thân” là tâm niệm của anh. Khách trở thành bạn, biết Nhân cần tiền nhập hàng, sẵn sàng ứng tiền trước, nhằm giúp bạn xoay sở. Anh không nhận vì “chưa chắc chắn gu nhạc của bạn đúng món hàng”. “Mình muốn để khách nghe và trải nghiệm” - anh bảo vậy.

Chị tiếp lời: “Nghề này cạnh tranh khốc liệt lắm, đôi khi khách hàng chưa gặp mình, chỉ nghe nói, đã có thông tin sai lệch về sản phẩm. Nhưng bù lại, có những niềm vui khích lệ. Khách đến hỏi gút mắc này kia, mình trao đổi, chia sẻ rồi thành bạn luôn, dù chẳng mua bán món nào”.

Cách đây độ 3 năm, một người mê âm thanh ở Cao Bằng thích một dây Kimber, biết Norman Audio của Nhân có triển lãm ở Hà Nội, tìm đến gặp cho kỳ được. Chỉ kịp chuyện trò mươi phút mà sau đó trở thành anh em. Cao Bằng mùa nào thức ấy, hễ có món gì ngon, anh cũng gói ghém gởi vào cho vợ chồng Nhân.

“Tụi mình may mắn được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ gia đình hai bên. Hai đứa cố gắng gói ghém trong khả năng, không sĩ, không quá sức. Đam mê nhưng cũng cần tỉnh táo. Chưa khi nào vì tiền bạc mà nảy sinh mâu thuẫn” - Trúc chia sẻ.

Hiện tại, Nhân vẫn làm thiết kế quảng cáo để tiếp tục nuôi dưỡng “nghiệp” audio. Song, không có nghĩa là bạ đâu làm đấy. Anh chỉ nhận lời những khách hàng anh tâm đắc và quý mến. Như thông lệ, Nhân ngồi làm việc ở quán café quen, tình cờ gặp một đôi bạn ngỏ lời nhờ thiết kế. Người phụ nữ kể câu chuyện người chồng có vấn đề sức khoẻ, liên quan đến gan.

Thương chồng, chị bỏ ngành kinh doanh sim điện thoại đang rất phát đạt, dấn thân trồng nấm linh chi. Nhân nhận lời chỉ vì một câu nói: “Mong ước của tôi là làm ra sản phẩm hữu cơ, phục vụ cho người Việt”. Hai năm nay, anh vẫn chưa nhận chi phí thiết kế, ngoại trừ một vài sản phẩm do công ty người phụ nữ sản xuất. Bản thân người phụ nữ ấy, để có tiền trả lương cho công nhân chuyển qua trồng cỏ, nuôi bò!

Tôi luôn tin vào điều kỳ diệu trong cuộc sống. Và chính những cá nhân đời thường, say mê công việc, sống có lý tưởng như thế này sẽ thắp lên những ngọn nến lung linh, ấm áp.

Lê Phan
.
.