Vẻ đẹp sáng giá nhất của báo chí Việt hiện đại

Thứ Hai, 11/07/2016, 17:05
…Chính là vẻ đẹp phản biện xã hội của tác phẩm báo chí, bất luận là tác phẩm thuộc ngôn ngữ loại hình nào: báo in, báo phát thanh, báo truyền hình và báo mạng điện tử. Đây chính là kết luận và khẳng định của tôi và có lẽ không chỉ tôi, khi tôi suy ngẫm từ việc hành nghề báo và giảng dạy về nghề báo đã vài chục năm. 

Để có thể đi đến kết luận và khẳng định như thế, tôi đã trải qua một quá trình thực nghiệm, trải nghiệm nghề báo, giảng dạy về nghề báo, và tôi đã tự buộc mình trưởng thành, trở thành một nhà báo chuyên nghiệp, chuyên bình luận trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ. 

Để rồi từ thực hành nghề nghiệp, có thể tìm đến triết luận về nghề báo, đặng có ích không chỉ cho chính mình, mà còn hi vọng cho các đồng nghiệp và sinh viên báo chí của mình nữa.

1. Báo chí phản biện xã hội Việt Nam hiện đại. Tại sao không?

Phản biện xã hội là một cử chỉ văn hóa truyền thông, đã không chỉ là cử chỉ văn hóa độc quyền của nền báo chí của một quốc gia nào, dù quốc gia đó thuộc vùng văn hóa phương Đông hay phương Tây.

Ở Việt Nam, phản biện xã hội đã ngoạn mục đi vào các kì họp quốc hội của Việt Nam và ý thức phản biện xã hội từ đó ngày càng gia tăng trong hai thập niên đầu thế kỉ 21. 

Và đương nhiên, nó trở thành vẻ đẹp đặc biệt sáng giá của nền báo chí Việt hiện đại, với tư cách là diễn đàn thông tin và truyền thông của nền văn hóa Việt, từ truyền thống đến hiện đại. Tôi nghĩ, không một nền báo chí nào mà lại không truyền thông về một nền văn hóa nào, với tất cả các sinh hoạt xã hội đặc thù của nền văn hóa ấy. 

Bởi văn hóa tức là sinh hoạt, (theo định nghĩa của học giả Đào Duy Anh trong Việt Nam văn hóa sử cương, in lần đầu tại NXB Quan Hải Tùng Thư, Huế, năm 1938. Tái bản nhiều lần, bản gần nhất, được coi là hoàn chỉnh nhất là của Nhã Nam và Thế Giới, phối hợp xuất bản năm 2014); và cách sinh hoạt này chỉ thuộc về văn hóa của một loài duy nhất trên trái đất, đó là loài người. 

Minh họa: Lê Phương.

Chính vì thế, theo cụ Đào, văn hóa của các dân tộc trên toàn cầu là rất khác nhau, bởi cách sinh hoạt của các dân tộc không giống nhau. Nguyên nhân gốc rễ của sự không giống nhau này, chính là ở những điều kiện tự nhiên về địa lý khiến mỗi dân tộc sinh hoạt ở trên cơ sở khác nhau, cho nên cách sinh hoạt cũng thành khác nhau vậy. Bởi thế, mỗi dân tộc đều có nền văn hóa riêng của mình, do sinh trưởng ở những điều kiện địa lý đặc thù. 

Và khi cách sinh hoạt biến chuyển thì văn hóa, đương nhiên cũng phải biến chuyển theo.

Vậy nên, việc đầu tiên của các nhà báo khi hành nghề là phải giải mã được văn hóa Việt về mọi phương diện sinh hoạt vật chất và tinh thần, cùng sự chuyển dịch từ xã hội truyền thống đến xã hội hiện đại của chính nền văn hóa Việt. Và đó phải coi là công chuyện đương nhiên của việc hành nghề báo chí hiện đại. 

Cũng vì thế mà việc phản biện xã hội ở quốc hội và báo chí VN hôm nay hoàn toàn phải chịu sự khúc xạ qua nền văn hóa đặc thù Việt Nam.

Vậy, phản biện xã hội của báo chí VN hôm nay đã và đang hướng tới một xã hội Việt hiện đại được đặc trưng thế nào? Cũng theo chỉ giáo của cụ Đào, (vẫn còn nguyên giá trị, từ cuốn sách trên), thì cái văn hóa nông nghiệp mà tổ tiên ta gây dựng giữa những điều kiện tự nhiên ác liệt của dải đất Việt này, tất phải có sinh khí mạnh mẽ lắm. 

Song, cái văn hóa thích hợp cho sự sinh trưởng của một xã hội bế tỏa, đến khi xã hội ấy gặp tình thế bắt phải khai thông, thì nó lộ ngay ra hết mọi nhược điểm. Cái bi kịch hiện thời của dân tộc ta là sự xung đột của những giá trị cố truyền của văn hóa cũ ấy với những điều mới lạ của văn hóa Tây phương. 

Cuộc xung đột sẽ giải quyết thế nào, đó là một vấn đề quan hệ đến cuộc sinh tử tồn vong của dân tộc ta vậy. Nhưng muốn giải quyết thì phải nhận rõ chân tướng của bi kịch ấy.

Từ góc nhìn văn hóa truyền thông, tôi cho rằng các nhà báo - chủ thể truyền thông hôm nay đã tìm thấy ở tinh thần phản biện xã hội, một phương pháp truyền thông rất tích cực, đặng góp phần nhận rõ bản chất và cách giải quyết cái bi kịch nói trên của sự phát triển xã hội Việt Nam hiện đại. 

Một xã hội nông nghiệp, với ba hằng số: nông dân - nông nghiệp - nông thôn (chữ dùng của GS. Trần Quốc Vượng), nghiêng nhiều về âm tính, sang một xã hội nghiêng hẳn về dương tính, với công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. 

Vậy nên, tác phẩm báo chí, dù thuộc loại hình ngôn ngữ nào, từ báo in, báo nói, báo hình, đến báo mạng, cũng đều phải mang đậm đặc sức mạnh phản biện xã hội, nhất là khi bi kịch của sự phát triển đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam đầu thế kỉ 21. 

Báo chí phải giúp xã hội Việt hiện đại vượt thoát bi kịch này, biết cách trườn qua những trở lực từ mặt tiêu cực của "căn tính nông dân" (vẫn chữ dùng của GS. Trần Quốc Vượng), với bản chất "tiểu nông", đang trì kéo sự phát triển của chính xã hội Việt hôm nay. Vì thế, tinh thần phản biện xã hội buộc phải và luôn phải chiếm vị trí thượng phong trong nền báo chí hiện đại Việt Nam.

2. Gọi thẳng sự vật bằng tên của nó. Tại sao không?

Một trong những đặc điểm của phản biện xã hội trên báo chí là gọi sự vật bằng tên của nó. Thí dụ, vào một sáng hè nóng bức, tôi đọc hai tờ báo hằng ngày mà tôi yêu thích nhất nhì là Báo Tuổi trẻ và Báo Thanh niên ngày 14/6 chẳng hạn, tôi thấy ngay một tít bài rất bắt mắt trên Báo Tuổi trẻ: Lãnh đạo TP HCM sẵn sàng lắng nghe ý kiến phản biện. 

Bài báo viết về sự lắng nghe ý kiến phản biện từ các nhà khoa học của TP HCM của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, với tinh thần cầu thị, cầu hiền. Và để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa học, ông khẳng định TP HCM cần thể chế hóa hoạt động tư vấn phản biện độc lập vì đây là nhu cầu thật sự của lãnh đạo và người dân thành phố.

Tôi tin rằng Bí thư Đinh La Thăng biết lắng nghe ý kiến phản biện của các nhà khoa học, thì ông tất phải biết lắng nghe ý kiến phản biện của Báo Tuổi trẻ và báo chí nói chung. 

Đọc sang tờ Thanh Niên cùng ngày, tôi có ngay thiện cảm với tít bài và ảnh ở vị trí trọng tâm trang nhất, đã hiển thị rõ tinh thần phản biện: Vừa nghỉ hè đã lo tựu trường. Dưới tấm ảnh chụp những khuôn mặt học sinh lo âu, phóng viên ghi chú: Ba tháng hè với học sinh Hà Nội là ước mơ xa vời.

Tôi lại lật trang 4, mục Thời sự của Báo Tuổi trẻ cùng ngày, thấy tít báo cũng thật bắt mắt: Lại vỡ tiến độ hoàn thành đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Lật tờ báo khác, cũng chạy tít về sự kiện này, ngay trên trang nhất: Không lùi tiến độ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Rõ ràng, “Không lùi” và “Lại vỡ tiến độ” là hai cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau về một sự kiện. 

Trọng lực phản biện của bài báo Tuổi trẻ nằm ngay ở 4 chữ trên tít báo: Lại vỡ tiến độ, nghĩa là đã hơn một lần vỡ! Tôi thích cách đặt tít của Báo Tuổi trẻ hơn, tất nhiên. Nên tôi đồng thuận với ý kiến của tác giả Nguyễn Minh Hòa trên Báo Tuổi trẻ ngày 18/6/2016 rằng, chính khả năng phản biện và bình luận của người viết báo sẽ tạo ra sự khác biệt và sự hấp dẫn của tờ báo và tác phẩm báo chí. 

Nguyễn Minh Hòa nhận xét tinh tường: Cùng một sự kiện ấy thôi, nếu chỉ đưa lên báo một vài dòng ngắn ngủi thì đó mới chỉ là tin tức. Nhưng nếu cũng sự kiện ấy, được ai đó phản biện sâu sắc có tình có lý, được bình luận dưới góc nhìn đa chiều, được phát hiện ra  những điều mới mẻ, thậm chí khác lạ ít ai thấy thì không chỉ nâng tầm của tờ báo mà còn góp phần rất lớn cho sự thay đổi xã hội.

Như thế, Tuổi trẻ và Thanh niên là hai trong số chưa phải là nhiều những tờ báo hằng ngày lấy tinh thần phản biện xã hội làm tinh thần xuyên suốt và nhất quán với tinh thần ấy trong cách tổ chức bài viết của mình. Trong hai thập niên đầu thế kỉ 21, hầu như số báo hằng ngày nào của hai tờ báo này cũng có ít nhất một bài báo mang sức mạnh phản biện. 

Từ đó, tôi cho rằng, báo chí Việt Nam không có cách gì tồn tại tích cực và vững chắc trong lòng người đọc nếu đứng ngoài những vấn đề nóng đang đặt ra ngày càng khẩn trương, bức thiết, quyết liệt trong sự phát triển bộn bề phức tạp của xã hội Việt Nam hiện đại…

Nguyễn Thị Minh Thái
.
.