Vẻ đẹp của một vai xấu

Thứ Năm, 24/10/2019, 21:16
Những vai xấu mới chính là nơi bộc lộ tài năng hóa thân, là nơi gói ghém sức sáng tạo của người nghệ sĩ và thường sẽ sống lâu hơn những vai tốt, những vai “đèm đẹp”.

Việc nhiều diễn viên của phim truyền hình Về nhà đi con (2019) được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch trao tặng bằng khen ngoại trừ diễn viên Trọng Hùng khiến khán giả tiếc nuối, có phần “bất bình” vì ai cũng thấy anh diễn xuất sắc.

“Lỗi” của anh, có lẽ, là không vào vai tốt, hay nói theo lí luận trước đây, “vai chính diện”. Nhưng oái oăm thay, những vai xấu mới chính là nơi bộc lộ tài năng hóa thân, là nơi gói ghém sức sáng tạo của người nghệ sĩ và thường sẽ sống lâu hơn những vai tốt, những vai “đèm đẹp”.

1. Trong lịch sử Hollywood, One Flew Over the Cuckoos Nest (1975) của Milos Forman là một trong ba phim có vinh dự gặt hái 5 giải Oscar quan trọng nhất, còn được gọi là “Grand Slam Ocar” (Phim Hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Nam chính và Nữ chính xuất sắc; Kịch bản hay nhất).

Khuôn mặt của y tá trưởng Ratched trong One Flew Over the Cuckoos Nest.

Trong đó, vai nữ chính Ratched, nữ y tá trưởng của một trại tâm thần do Louis Fletcher đảm nhận. Dù phải diễn cùng ngôi sao Jack Nicholson (vai McMurphy) nhưng Louis Fletcher đã không hề bị cớm bóng thể hiện một cách hoàn hảo đến mức, khi muốn hàm chỉ những gì là máy móc, luật lệ khắc nghiệt, những gì là lạnh lùng, tàn nhẫn, người ta đều có thể lấy Ratched làm ví dụ.

Ratched là hiện thân của những thiết chế quyền lực phi nhân, có tham vọng thiết lập biến thế giới thành trại thương điên hoạt động đồng bộ, chuẩn xác, quy phục, nhất cử nhất động đều theo mệnh lệnh và thời gian biểu. Dưới ánh nhìn của Ratched, những bệnh nhân tâm thần hoặc bị coi là tâm thần chỉ như sinh vật tầm thường, không được quyền thắc mắc, đề đạt hay tỏ bày bất cứ điều gì, kể cả cảm xúc sợ hãi trước đòn roi trừng phạt.

Bởi thế, cuộc chiến giữa McMurphy và các bệnh nhân với y tá trưởng Ratched nhằm đi đến tự do, quả thực, là cuộc chiến không cân sức, có hài hước và bi phẫn nhưng cũng nhiều thất bại, đau đớn.

Louis Fletcher găm Ratched vào tâm trí người xem những rùng mình, bất an vì cái ác, ở bất cứ đâu, đều có thể tồn tại mà không hề biến sắc, không bị lung lay trước khổ đau, hoạn nạn của tha nhân.

Không ai có khả năng loại bỏ được Ratched, vì xét cho cùng, chừng nào xã hội còn những thiết chế công quyền thì chừng đó, những Ratched vẫn lẩn khuất, tác oai tác quái, phá hủy tự do và nhân tính. Theo nghĩa đó, Louis Fletcher trong hình hài Ratched là lớn lao và không bao giờ kết thúc dẫu cuộc đời của nữ diễn viên ấy lẫn khán giả chúng ta có ra sao.

Cũng là khả năng nhập vai cái ác đến mức phi phàm, Javier Bardem trong phim No Country for Old Men (2007) đã nâng nghệ thuật biểu đạt tâm lí, hành động tội phạm lên hàng kinh điển. Ở đó, dưới khuôn mặt như hiện thân của thần chết, J. Bardem đã biến tên sát nhân quái dị Anton Chigurh trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với hầu hết các khán giả xem phim lần đầu.

Thậm chí giờ đây, sau hơn 10 năm Anton Chigurh đơn độc, lặng lẽ gieo rắc cái chết trên màn ảnh, khán giả vẫn chưa hết run rẩy mỗi khi anh ta cất lời. Nhưng sự tồn tại của Anton Chigurh, một lần nữa, rất cần thiết để không một ai được phép cả tin rằng luật pháp, cảnh sát hay những ràng buộc đạo đức có thể ngăn chặn, triệt tiêu hoàn toàn bạo lực, cái ác.

Chính anh em nhà Coen cũng không muốn kết thúc bộ phim theo nguyên tắc “tội phạm bị bắt” quen thuộc mà đã để Anton Chigurh lởn vởn chạy trốn sau khi bị tai nạn. Chẳng phải thế giới chúng ta đang sống, tuy có vô vàn điều tốt đẹp, nhưng vẫn luôn giật mình âu lo vì những tình huống đen tối như kiểu hạ màn “tân noir” (neo-noir) của phim? Nhập thân Anton Chigurh, Javier Bardem giành Oscar cho Vai phụ xuất sắc.

Tuy thế, nếu đặt Anton Chigurh của Javier Bardem giữa một “rừng anh hùng” vai chính đạt Oscar, từ Colin Firth (vai King George VI trong The Kings Speech), Daniel Day-Lewis (vai A. Lincoln trong Lincoln), Eddie Redmayne (vai Stephen Hawking trong The Theory of Everything) đến Leonardo DiCapiro (vai Hugh Glass trong The Revenant), Gary Oldman (vai Winston Churchill trong Darkest Hour), chúng ta sẽ thấy Anton Chigurh là ngoại lệ hiếm hoi: anh ta không phải là người hùng, không có lý tưởng hay nỗ lực nào đại diện cho phẩm cách nhân loại.

Bộ dạng và vũ khí của Anton Chigurh là hiện thân cái ác, bạo tàn mà thế giới đang đối mặt.

Thứ duy nhất mà nhân vật này sở hữu chính là bóng tối của cái ác, của bản năng cầm thú trượt ra ngoài ánh sáng văn minh. Vậy thì, phân loại nhân vật “chính diện” hay “phản diện” trong các giáo trình nặng trịch thường thấy ở Việt Nam liệu có còn đủ thuyết phục trước các hiện tượng nghệ thuật đã chối bỏ từ rất lâu những mặc định tốt, xấu bất biến?

2. Để đạt mức tuyệt phẩm thì điện ảnh, cũng như văn chương, thường không cho phép nhân vật quá giản đơn đóng gói vào những khuôn mẫu có sẵn, trong những nhãn hiệu tốt hay xấu để công chúng dễ dàng bóc tách.

Ở những cá tính sáng tạo mãnh liệt và ương bướng nhất, bao giờ cũng có ý tứ tạo dựng nhân vật kháng cự lại khẩu vị thẩm mĩ quen thuộc hay đáng kể hơn, vượt thoát những định chế đạo đức, văn hóa.

Và lịch sử nghệ thuật, dẫu đôi khi cố tình bước qua các trường hợp phức tạp ấy thì vẫn phải thừa nhận rằng, thực ra, toàn bộ độ khó và thách thức giải mã nhất lại nằm ở những “nhân vật xấu”, những kẻ trêu ngươi mọi ổn định tiếp nhận bằng sự bất thường, khác biệt, độc sáng. Donatien Alphonse Francois (1740-1814) hay còn gọi là Hầu tước Sade (Marquis de Sade) từng gây nhức đầu cho văn đàn Pháp bởi những tác phẩm gai góc về bạo dâm, bạo lực, về hình tượng con người tự do bất tuân luân lý, tôn giáo.

Georges Batille nhận định Sade “thật sự là một người yêu cái Ác và mong muốn trong tất cả các tác phẩm của mình biến cái Ác trở thành nỗi khát khao, không thể buộc tội cái Ác, cũng như biện minh cho nó”. Sade, ngoài đời, từng bị bắt giam và đẩy vào trại tâm thần hơn 30 năm nhưng tác phẩm của Sade, thật gian nan, là đối tượng bàn luận của nhiều bộ óc thông thái trong thế kỉ XX, từ Roland Barthes, Jacques Lacan, Jacques Derrida cho đến Michel Foucault, Maurice Blanchot…

Đến lượt mình, Hollywood cũng chọn Sade làm nhân vật cho bộ phim Quills (2000), tác phẩm lớn của đạo diễn Philip Kaufman. Sade của Quills không thiếu bí ẩn, lạ kì, càng không thiếu bạo lực, kinh dị, bạo dâm và vì thế, kẻ khen người chê rôm rả trên khắp các tờ báo lớn.

Nhưng dù gì thì vai Sade do tài tử Geoffrey Roy Rush đóng vẫn là thành tựu nghệ thuật của đời ông, một vai diễn “xuất sắc một cách tai tiếng” bởi vẻ tàn nhẫn, thô tục, lòe loẹt và gợi tình. Phim ảnh sẽ rất nhàm chán nếu không có những kiểu nhân vật như Sade, không có các cú “báng bổ” vào danh vị mang tên con người.

Phân định vai tốt hay xấu thường dựa trên cái nhìn mang tính đạo đức trong khi đời sống nhân sinh lại cần nghệ thuật tạo ra những cú sốc, những chướng tai gai mắt, những cái mới đoạn tuyệt truyền thống và dự báo xu hướng tương lai gần.

Lịch sử điện ảnh cho thấy càng có nhiều nhân vật tội phạm, giang hồ, du thủ du thực, ma-cà-bông, những tên cướp, những sát nhân máu lạnh,… nghĩa là kiểu dạng nhân vật không biết xếp vào đâu trong bảng hạng đạo đức thông thường, thì càng hấp dẫn và đặc biệt, càng bắt buộc nhà làm phim phải nhọc tâm trí tìm cách biểu đạt chúng sao cho nghệ thuật.

Bởi phải cần đến lớp nhân vật đó thì bản dạng người, căn tính người vốn có nhiều góc khuất, dục vọng tăm tối, ngóc ngách tâm lí khó nắm bắt mới dần được soi chiếu. Không phải ngẫu nhiên mà một số đạo diễn bậc thầy còn được ví như những triết gia, thi sĩ hay nhà giải phẫu tâm lí bởi họ có khả năng chất vấn, hoài nghi mọi hồ sơ cô đặc về tính cách con người.

Ở lục địa già hay châu Á, những Lars Von Trier, Pedro Almodóvar, Krzysztof Kieslowski, David Cronenberg, Kim-ki Duk, Bong Joon-ho… đã và đang hiện diện trên đỉnh cao nghệ thuật, không phải vì họ chiều chuộng mong muốn của nhà đạo đức trong việc trưng ra những nhân vật sống tốt đời đẹp đạo mà ngược lại, đã chứng minh rằng chính các lằn ranh phân chia thiện ác, đúng sai, tốt xấu sẽ vô cùng nguy hiểm vì nó tạo các lối mòn tư duy sáng tạo.

Chấp nhận sự phản ứng gay gắt từ dư luận, chấp nhận những hỗn danh bêu riếu mình, họ nhất mực theo đuổi nan đề vào loại lớn nhất mà nghệ thuật hiện đại đối mặt là mỹ học của cái xấu, cái xác, cái tầm thường, thấp hèn lẫn cuồng vọng ủ kín trong mỗi cá thể. Không có thứ mỹ học này thì chẳng có gì đảm bảo những nhân vật cao cả, tốt đẹp sẽ đứng vững trước thực tế nhân sinh ngày càng biến chuyển khôn lường.

3. Cố nhiên, không ai khuyến khích nghệ thuật phải trầm trọng hóa nỗi âu lo về cái xấu, cái ác. Giữa thực tại đời sống và nghệ thuật, như một màn rượt đuổi kịch tính, luôn bị chèn bởi vô số pha hụt hơi, nửa vời hoặc thỏa hiệp để không điều gì bị cực đoan.

Bởi thế, trong điện ảnh Việt Nam (và văn chương cũng vậy), cho đến nay, hầu như vẫn giữ thái độ dè dặt, cảnh giác, lảng tránh trước các tác phẩm có một vài “nhân vật xấu”, tác động tiêu cực đến đời sống.

Nhưng khi mà khán giả phẫn giận vì nhân vật Khải cộc cằn vũ phu, rõ ràng, chúng ta cũng nên mừng thầm vì công chúng Việt chưa đến mức đánh mất năng lực phản ứng trước cái xấu, cái ác sau bao nhiêu năm được “tôi luyện” trong phim Hàn sướt mướt lãng mạn ngôn tình. Và như thế, tôi tạm tin, rồi đây, các “vai xấu” trên màn ảnh Việt sẽ nảy nở nhiều hơn, được hóa thân kĩ càng hơn, được ghi nhận và cắt nghĩa thấu đáo hơn.

Mai Anh Tuấn
.
.