Vậy, viết thế nào mới đúng chính tả?

Thứ Bảy, 19/09/2020, 12:19
Ước gì có công trình nghiên cứu nào đó, tất nhiên của nhiều người cùng biên soạn, có hội đồng khoa học thẩm định đánh giá, nghiệm thu chất lượng trước khi in ấn, phát hành rộng rãi. Công trình gì thế? 

Với nhà văn, vốn là người sử dụng thuần thục tiếng Việt nhưng ai dám nói có những từ, những câu thành ngữ, tục ngữ khi bắt gặp trên văn bản, trong đời thường đã khiến họ ngắc ngứ? Giải thích thế nào, hiểu thế nào cho đúng?

Tỷ như ai đó đọc được câu Xoi xói như thầy bói đâm hành, Lanh chanh như hành không muối, hiểu thế nào? Khó quá đi chứ? Khó thiệt.

Ảnh: L.G

Lẩn thẩn nghĩ, một trong những lý do ra đời của thành ngữ, tục ngữ, có lẽ còn bắt đầu từ một câu chuyện cụ thể. Sau đó, người ta quên đi câu chuyện đó, chỉ còn lại câu cửa miệng, vì thế, cũng câu nói đó nhưng mỗi người hiểu mỗi phách; hoặc có thêm dị bản. Câu “No, trong mo ngoài đất sét”, nhiều từ điển ghi nhận nhưng cách giải thích cũng loạc choạc.

Thậm chí, “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (NXB TP.HCM - 2000) của Nguyễn Lân chỉ ghi: “No trong no ngoài đất: Ý nói: Có no đâu, thực ra vẫn túng thiếu lắm” (tr.1355).

Cách giải thích Lê Văn Đức trong “Việt Nam tự điển” (Khai Trí XB năm 1970) thuyết phục hơn cả: “Đói chớ nào phải no; bề ngoài xem hực hỡ chứ trong tủ thì không có tiền”. Câu này “có tích có tuồng” như sau: “Có tên chăn trâu kia ham chơi, thay vì lùa trâu đi ăn từ cánh đồng này sang cánh đồng khác, nó buộc trâu vào một nơi rồi thả đi chơi với chúng bạn.

Chiều, thấy trâu đói nên sợ chủ rầy, nó tấp mo cau vào bụng trâu rồi trét đất bùn và đất sét nhão lên xong mới lùa trâu về. Chủ nó hỏi thì nó bảo trâu đã no. Có bữa trâu tức quá, tiếp lời nói mà nói lẫy: “No, trong mo ngoài đất sét”. Âu cũng là một cách giải thích ngộ nghĩnh.

Xin đừng quên, hơn 350 năm trước, “Từ điển Việt - Bô - La” (1651) còn ghi nhận “no” theo nghĩa đầy đủ, chẳng hạn: “đã no mặt: Mọi người đã hội diện; tháng no: tháng mặt trăng có ba mươi ngày; no mọi sự: Tất cả mọi sự”…, chứ không chỉ hiểu theo nghĩa đói - no. Dấu vết này còn có thể tìm thấy qua “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) với các từ như no nước: “có đủ nước không thiếu nước, thường nói về cây trái đất đai”; chơi no; ngủ no; tháng no là tháng đủ nhưng no tháng là đầy tháng, mãn tháng…

Hiểu thế, tự dưng lấy làm thích thú, nhưng rồi lại nhăn mày nhíu trán khi đọc được câu Bẻ no mà đếm. Bèn tra nhiều sách rồi… bí rị bà rì. May mà “Việt Nam tự điển” (1931) có giải thích: “No: dấu, cữ”. Có thể hiểu là cần làm dấu trong lúc đếm nhiều các vật gì đó cho chính xác. Cách nói này không còn thông dụng nữa.

Không riêng gì các thành ngữ trên, về lời ăn tiếng nói của người miền Nam, khi đọc lại tiểu thuyết của Nguyễn Chánh Sắt, Lê Hoằng Mưu, Hồ Biểu Chánh, Phi Vân, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Thị Thụy Vũ… ắt có lúc ta phải ngắc ngứ. Xin liệt kê một vài từ, nhân đọc một loạt tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ vừa tái bản (NXB Hội Nhà văn - 2017), mời các bạn cùng giải thích thêm cho nhộn, như một cách thể hiện tình yêu dành cho tiếng Việt.

“Rồi những ngày cận Tết, nàng Kim Quít sang trọng trong bộ áo the La Cải ngồi trên chiếc ghe hầu treo bông thắt tuội thả theo dòng nước”. Nhà văn viết “thắt tuội” nhưng “Việt ngữ chánh tả tự vị” của Lê Ngọc Trụ lại ghi “tụi”, hiểu theo nghĩa: “đồ kết có tua để treo cho đẹp” như tụi cườm, tụi chỉ đánh, kết tụi… Nhờ thế, ta dễ hiểu hơn với câu văn: “Trước nhà chiếc hàng rào bông tuội xanh rờn”, là bông có kết tua. Vậy đúng chính tả là “tụi” hay “tuội”?

Ca dao có câu: “Năm thương cổ yếm đeo bùa/ Sáu thương nón thúng quai tua dịu dàng”, ta hiểu tua ở đây là chỉ sợi dây thòng xuống cho đẹp, nó có liên quan gì đến tụi/ tuội? Có đấy, theo “Việt Nam tự điển” (1931): “Tụi, tua: Tụi cườm, tụi chỉ, kết tụi”. Và còn cho biết thêm “tụi nợ” lại có nghĩa là khấu nợ, trừ nợ.

“Chai rượu Mai Quế Lộ, con gái lão cắp nắp đem về cho lão”. Phải “cắp nách” mới đúng chăng? Không, “cắp nắp” là góp nhóp, nhạnh nhặt, dành dụm nhưng còn có nghĩa là ôm đồm nhiều thứ, nhiều việc trong một lúc tỷ như vừa xay lúa, vừa bồng em, vừa… đá lông nheo với cô láng giềng mắt cười lúng liếng...

Hiểu vậy, dễ dàng cảm thụ hơn với câu thơ: “Cắp nắp làm chi hỡi thế gian/ Có thì ăn mặc chớ lo toan” (Nguyễn Trãi), “Tiền tài là số của lưu thông/ Cắp nắp làm chi cho nhọc lòng?” (Nguyễn Bỉnh Khiêm).

“Kim Quít đi bương ra khỏi quán được vài thước thì thân nàng cũng liêu xiêu”. Đi bương là đi lật đật, hối hả, tất bật, mau, nhanh”. “Đại từ điển tiếng Việt”, ghi nhận “bươn” không hề có “g” nhưng hiểu theo nghĩa trên. Nếu là “bương”, phải hiểu theo nghĩa: “Mất hẳn, hỏng hoàn toàn” như “Buộc cho chặt kẻo, kẻo gió thổi là bương ngay”. Đọc Lục Vân Tiên, nhiều người vẫn nhớ:

Bĩ bàng cơm rượu đã xong

Bốn người ngồi lại một vòng làm thơ

Bĩ bàng là bẽ bàng chăng? Không, bĩ bàng là thả sức, thỏa thuê vì đoạn trên: “Quán rằng: "Thịt cá ê hề/ Khô lân chả phụng bộn bề thiếu đâu”. Khổ thay, ăn uống no say, trong lúc Lục Vân Tiên, Vương Tử Trực chỉ nháy mắt đã làm xong bài thơ, còn Bùi Kiệm, Trịnh Hâm ham chơi, mê tửu sắc hơn dùi mài kinh sử nên cứ ngẩn tò te cắn bút. Học hành dốt nát lại còn xấu tính, lừa thầy phản bạn, loại người ấy gọi là gì? Khoan vội trả lời.

Ta hãy thưởng thức câu: “Xuồng cập bến, thím Hai Chuột cột dây lòi tói vào chân cầu nhủi”. Ắt nhiều người nhớ đến câu thơ Hồ Xuân Hương: “Ai về nhắc bảo phường lòi tói/ Muốn sống đem vô quét trẻ đền”. Lòi tói là chỉ hạng kẻ dốt, để lộ ra ngoài như bọn Bùi Kiệm, Trịnh Hâm…

Nhưng “lòi tói” còn đồng âm với “lòi tói” là dây xích sắt, dây chão lớn. Còn “cầu nhủi” hóa ra là trụ cột ở bến phà dùng để cột dây níu, kéo lại thuyền, bè.

“Trong phòng tôi, màu xanh chiếm gần trọn hết từ riềm màu, đến drap gối mền mùng”. Ngoài Bắc lại dùng từ “diềm”, tức dải lụa chạy dài theo chiều ngang hoặc viền xung quanh để trang trí. Và “diềm”, theo “Việt Nam tự điển” của Hội Khai Trí tiến đức: “Đồ thêu thường làm bằng tơ lụa treo ở trên màn, trên cửa cho đẹp”.

Nam là riềm, Bắc là diềm. Có câu văn, ta hiểu nghĩa nhưng giải thích thế nào cho đầy đủ: “Nắng thỏn mỏn dần trên những ngôi mộ đá trắng đồng nhất xếp hàng dài, thẳng lối, đều đặn. “Thỏn mỏn” là sa sút dần dần, suy nhược dần đến kiệt sức, kiệt quệ.

Thành ngữ miền Nam có câu, nghe xong, dễ phì cười ghê: “Khật khùng lộn mùng em vợ”. Khôn trổ trời, chứ ai dám nói là khùng? Khật khùng là chỉ những người đó khùng khùng, hơi khùng, mất trí, đần dại. Nếu chỉ ở cấp độ cao hơn, phải là khùng khịu/ khùng khí. Ngoài khật khùng còn có khật khù là lù đù, khờ dại nhưng biết đâu: “Khật khù có ông cù độ mạng”, tương tự “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”; lại còn có câu: “Lù đù vác cái lu mà chạy”.

Cái lu, dễ hiểu rồi; còn “ông cù” theo quan niệm dân gian miền Nam là loài thú linh, cùng một loại với rồng, nằm sâu dưới đất, chỗ nó dậy/ dậy dù/ cù dậy thường thành sông, chỉ một gạc/ sừng - có thể nhìn thấy trong trò chơi múa cù. “Linh vật” này vốn “đặc sản” của người miền Nam bởi từ điển ngoài Bắc hầu hết không ghi nhận. “Cù” phổ biến nhất trong thành ngữ, có lẽ vẫn là “Chạy như đèn cù”.

Thời còn bé, thỉnh thoảng có việc gì đó không ưng ý, ta hay méc với mẹ. Nhưng câu: “Khương méc thót: Ảnh kỳ lắm má”. “Méc thót” là sao? Là mách lẻo chuyện người khác nhưng có thêm thắt bịa đặt ít nhiều. Ở cấp độ khác: “Vừa khi thiếp đi, chàng nghe tiếng cô Bảy Chợ Lách ỏn thót với Hương Quản Mão về chuyện họp đánh bài tứ sắc”. Ỏn thót là nịnh nọt, gièm pha. Ngoài Bắc thường dùng “ỏn hót”.

Nay, chỉ cần mỗi một từ “hót” là đủ.   Đến đây, ta tạm thời dừng lại một chút đặng thư giãn với… từ hót. Nghe kể trong gánh hát nọ ở xứ Huế thời Nguyễn, có tay kép hài diễn cực đỉnh, ai xem cũng phải mê tít thò lò, không những thế, trong đời thường anh ta lại có tài nói ngọt lọt đến xương, nói hay đến độ con kiến trong hang phải chui ra. Tài nghệ ăn nói cỡ ấy, ngoài Huế và cả dân miền Trung dùng từ “hót”, vậy ta tạm gọi tên anh ta là Hai Hót.

Ngày kia, Vua Thành Thái sai Hai Hót đến, dạy rằng: “Nghe bảo tài hót của mi rất tuyệt nhưng ta vẫn chưa tin. Nay, mi hót ta nghe mà ta phải cười, bằng không thị vệ lấy đầu mi”. Nghe lời phán, Hai Hót dường như sợ hãi, ôm mặt khóc hu hu, run lẩy bẩy, thổn thức nghẹn ngào, không thể thốt nên lời, miệng câm như hến. Nhà vua bực mình quát: “Răng? Mi muốn mất đầu hử”.

Bấy giờ, Hai Hót liền sụp lạy, ngước đầu lên tâu: “Bẩm bệ hạ, con có tật nghiện thuốc lào nhưng sáng giờ chưa hút điếu nào, lại vừa thấy ống điếu của bệ hạ trên bàn ngự kia khiến cơn nghiện trỗi dậy hoành hành, con không thể hót được. Xin bệ hạ chém đầu con”.

Thương tình, ngài sai thị vệ đem ống điếu đến, hút xong, Hai Hót chỉ cười hì hì, chẳng thèm hót lời nào. Ngạc nhiên quá, nhà vua hỏi: “Ủa, sao chưa hót? To gan, giỡn mặt hử?”. Hai Hót liền thưa: “Muôn tâu bệ hạ, con vừa hót xong rồi ạ. Xưa nay có ai được vinh dự hút điếu ngự? Chỉ có con mới được ơn mưa móc nhưng con nào có xin xỏ gì đâu”. À, thì ra thế. Nó vừa hót xong rồi. Vua Thành Thái hiểu ra, bèn… bật cười khanh khách.

Hót thế, cực giỏi phải không? Ừ, cứ cho là thế. Thế, ta quay lại với chữ nghĩa. “Bà Bang Biện Lẫm dắt nàng đi chùa, xin bùa, xin niệt”. Ai cũng hiểu niệt là: Ràng buộc, xiết/ cột chặt nhưng ở đây “xin niệt” là xin miếng bùa đeo vào cổ. Xưa nay, một trong những cách hỗ trợ vốn, giúp đỡ nhau trong làm ăn là cùng góp tiền rồi rút định kỳ.

Ngoài Bắc gọi chơi họ, mua họ; người Trung gọi chơi biêu; người Nam gọi chơi hụi. Vẫn biết thế, nhưng đọc câu: “Bà Bang Biện làm đầu thảo”, là làm gì? “Đầu thảo” là chủ hụi, người gầy hụi, chịu trách nhiệm đi thu tiền chơi hụi, nói tắt của “hụi thảo”.

Lâu nay, ta chỉ nghe: “Cà cuống chết đến đít còn cay”, thật bất ngờ khi đọc: “Nàng bắt cặp vịt cà cuống, gói hũ mắm tép, hai ký mắm lóc đem xuống xuồng”. Vịt cà cuống là con vịt lông màu xanh xanh, không “ăn nhậu” gì đến cà cuống. “Khương buông cái kéo xuống bộ ván, bước theo mẹ chồng vào căn buồng gói”. “Buồng gói” là buồng kín đáo, dành cho đàn bà con gái hay vợ chồng mới cưới.

“Con phải vẹt tụi nó ra, để tụi nó đánh đùn cục với nhau có ngày con tức hộc máu mà chết chớ chẳng chơi”. Vẹt là vạch, tách rời. “Rồi khi thân mẫu cụ bắt đầu ăn giả bữa thì cụ ông cho mai mối tới xin cưới cụ”. “Ăn giả bữa” là ăn thế nào? Trước hết, ta hãy đọc lại câu: “Giả ơn cái cối cái chày/ Đêm khuya giã gạo có mày có ta”.

Giả là trả; giã lại chỉ hành động tương tự Xoi xói như thầy bói đâm hành. Giã còn được hiểu là đâm. Ăn giả bữa là ăn bù lại sau những ngày bị ốm bỏ ăn. “Em chạy đi tiệm mua thêm bột măng thít về làm bánh gai”, tức bột xay mịn từ giống lúa trồng ở huyện Măng Thít (Vĩnh Long).

Nói đến miền Nam, không thể bỏ qua loại hình nghệ thuật cải lương. “Tưởng ca giỡn nhịp, nhưng nào ngờ hay quá”. Tra nhiều từ điển không thấy giải thích thế nào là “ca giỡn nhịp”. Mừng quá, có nghệ sĩ giải thích là ca phiêu linh, ngẫu hứng theo cảm xúc nhưng lúc xuống xề vẫn trúng y chóc với khuôn nhịp.

Những trích dẫn này, còn nhiều, rất nhiều, tuy nhiên cũng xin nói vói thêm nốt câu này: “Nếu con muốn lập vườn thì tía sẽ cho con miếng đất gần xẻo lá trồng dừa nước”. Xẻo là mương nhỏ cong queo trổ từ rạch vào ruộng. “Đại từ điển tiếng Việt” (2000) ghi xẻo dấu hỏi: “Lạch nhỏ ở Nam bộ”, trong khi đó từ điển của người miền Nam như các ông Huình Tịnh Paulus Của (1895), Lê Ngọc Trụ (1959) Lê Văn Đức (1970)… lại ghi rành rành xẽo dấu ngã. 

Vậy, viết thế nào mới đúng chính tả?

Lê Minh Quốc
.
.