Vàng xưa miên man

Thứ Hai, 26/09/2016, 15:56
Tôi thích những ngày đầu thu Hà Nội. Khi những chị áo nâu quẩy gánh cốm xanh trên phố cổ. Lá sen ngủ một giấc thơm tho trên chiếc thúng nhỏ. Và những hạt cốm ngọt ngào nằm trong lòng tay, như con mắt của mùa thu đang nhìn ta. Khi ta đặt hạt cốm lên đầu lưỡi, mùa thu như thể đã tan biến vào ta từ lúc nào.

Gió bắt đầu phả một chút se se vào không khí. Những tàng cây xanh mướt mát như mời gọi. Và nắng vàng như mật ong chảy tràn trên mặt đất. Thu đã chạm vào vai người trên phố. Trong quán cà phê nhỏ, âm nhạc chảy như một nỗi buồn dịu nhẹ. Những người già ngồi uống cà phê, mắt như nhìn ngược vào quá khứ. Một chút gì như thể luyến tiếc dâng lên.

Những ngày thu, ngồi quán cà phê vỉa hè là thích nhất. Không gian dịu mát, không còn tí oi nồng bức bối nào của mùa hè. Người đi trên phố, dù bận rộn mấy, cũng như thư thả hơn. Một chiếc khăn choàng mỏng vắt hờ trên vai thiếu nữ cũng gợi cho ta bao nhiêu là trìu mến, thân thuộc. 

Bạn bè đi xa thường hẹn nhau mùa thu nếu về Hà Nội, thì sẽ uống cà phê vỉa hè nhìn ra hồ Ha-le, ngắm mặt nước sóng sánh và hàng cây bên kia đường đương độ lá vàng, rơi như những chong chóng nhẹ đáp xuống mặt hồ. 

Hoa sữa trên đường Nguyễn Du bắt đầu lác đác những bông trắng đầu tiên, thả một vốc hương rất nhỏ, rất ngọt, rất sẽ sàng trên đường phố. Những người yêu nhau thích những cuộc hẹn hò mùa thu, nó có chút gì đó lãng mạn hơn, đẹp hơn, sâu sắc hơn thì phải.

Dù vậy, những kẻ xa quê như tôi, những ngày đầu thu còn mang một nỗi nhớ khác. Có thể gọi tên là nỗi nhớ tuổi thơ. Mùa thu dường như cấp cho ta một đôi vé để trở lại tuổi thơ vậy. Những mùa thu trong ký ức mỗi người sinh ra ở làng quê thường gắn với nhiều phong vị, nhiều kỷ niệm khó phai. 

Ảnh: Nguyễn Hoàng Lâm.

Ở vùng đồng bằng nơi tôi sinh ra, mùa thu là mùa của lúa chín. Tôi đã đi chân trời góc bể, nhưng không có bức tranh nào có màu vàng đẹp như màu vàng của cánh đồng lúa quê tôi. Cả một thảm vàng trải dài ngút ngàn, ngỡ như không có điểm cuối cùng. Cái màu vàng no ấm ấy, màu vàng thấm đẫm mồ hôi của mẹ ấy, là bức tranh đẹp nhất trong đời tôi. 

Có nhiều đêm mùa thu phố thị, tôi mơ mình về nằm ngủ trên thảm vàng lúa chín ấy, nghe con cuốc kêu trong những gồi rạ của thửa ruộng nhà ai vừa gặt sớm. Và dáng những người mẹ người chị nón trắng, nhấp nhô xa xa như một nét vẽ sinh động, gợi bao nhiêu là trìu mến nhớ thương.

Cánh đồng là một phần rất lớn trong tình yêu quê hương của tôi những năm tuổi thơ. Không gian rộng lớn bao la của nó gợi mở cho tôi bao nhiêu là khát khao, mơ mộng. Tôi muốn chạy chân trần hết cánh đồng ấy, và khi đã nhìn thấy điểm cuối cùng của nó, tôi sẽ cất cánh bay lên, như chiếc máy bay nhỏ cất cánh khỏi đường băng vững vàng từ mặt đất. 

Rồi từ đó, trên cao, tôi nhìn lại ngôi nhà của mẹ tôi, nhìn lại những tháng ngày trong vắt tuổi thơ, nhìn lại cuộc đời cha mẹ, những người thân yêu đã vì tôi một sương hai nắng.

Nhưng giờ đây mỗi lần về làng, tôi mang tâm trạng của một người dường như đã mất ký ức tuổi thơ. Vì cánh đồng làng đã thu nhỏ lại. Đô thị hóa đã lấy mất đi không gian của lũ trẻ nhà quê bây giờ, thu hẹp những giấc mơ của chúng. 

Những người nông dân nón trắng áo nâu giờ là công nhân khu công nghiệp. Vẫn biết đó là một sự phát triển mang tính quy luật, nhưng sao lòng tôi cứ xót xa, cứ vương vấn, cứ tiếc nuối hoài những cánh đồng đã mất. Những mùa thu đã mất…

Nhắc về quê nhà, những mùa thu trong tuổi thơ, với tôi còn là màu vàng hoa cúc. Khi cha mẹ bắt đầu mua sách vở, sắm quần áo cho chúng tôi để đón ngày tựu trường, thì cũng là lúc hoa cúc bừng nở. 

Khắp nơi trong làng, chỗ nào cũng hoa cúc. Hoa cúc tuổi thơ tôi khác với những bông cúc phố thị bây giờ. Đó là những bông cúc nhỏ, xinh như những chiếc cúc áo, màu vàng rực rỡ như thể không gì rực rỡ hơn. 

Trong vườn nhà, hoa cúc mẹ tôi không trồng, nhưng cứ thu này qua đi thu kia tới, nó mọc lên đều đặn. Gió đã mang hạt đến gieo ở khu vườn. Và mùi thơm hăng hăng của hoa cúc là thứ mùi ám ảnh tôi vào tận giấc mơ. 

Mỗi sớm tinh mơ, mẹ tôi thường ngắt hoa cúc đẫm sương vào đặt lên bàn thờ ông bà. Tôi lặng lẽ hái hoa cúc bỏ vào cặp sách những buổi đến trường. Những bông cúc ép khô còn vướng vào trang sách của tôi từ bấy đến giờ, như một kỷ vật bé mọn mà thiêng liêng của tuổi học trò. 

Con đường làng tôi đi học, sỏi đá lạo xạo dưới chân, và miên man hoa cúc dại nở hai bên vệ đường. Chúng tôi đi trong hoa cúc, và mỗi bài giảng của thầy cô cũng như đượm mùi hoa cúc. Loài hoa khiêm nhường quá, nhưng sao nó chưa bao giờ đi vắng trong tâm hồn tôi, dù sau này tôi đã đi xa hơn, ra khỏi ngôi làng, ra khỏi cánh đồng, và đã nhìn ngắm rất nhiều loài hoa kiêu kỳ khác…

Tuổi thơ bao giờ thì trở lại? Những mùa thu đã qua bao giờ thì trở lại? Tôi thường tự hỏi lòng như vậy khi mỗi sáng nhìn những đóa cúc vàng rung rinh trên chiếc xe đạp của một chị áo nâu vất vả bên hè phố. Mồ hôi của chị đã rơi, cho hoa rực rỡ trên tay mỗi người, trong mỗi căn phòng, gọi về một mùa chắt chiu của những tâm hồn yêu cái đẹp. 

Và tôi biết phép màu luôn có, chỉ cần khi ta nhắm mắt lại, và để cho ký ức luôn có cơ hội được trở về, được thức giấc. Chỉ cần ta luôn biết ơn cuộc đời vì những sớm mai còn chộn rộn tình yêu người, còn âm thầm thương nhớ những gì đã xa xôi. Xa xôi mà không mất, mà vẫn còn. Như thu kia, mỗi độ lại về thay áo mới cho mùa hạ đã qua.

Không có mùa nào trong năm khiến ta hay nhớ về những cũ xưa như mùa thu. Phải chăng vì chút gió lạnh làm lòng ta se sắt. Hay vì chút lá vàng rơi làm lòng ta bâng khuâng hồi tưởng. Hay vì màu trời quá xanh màu nắng quá vàng làm những xốn xang bừng thức sau một mùa hè cất giữ. Thật khó để gọi thành lời chút khoảnh khắc ấy, khoảnh khắc một bàn tay nhẹ lướt qua vai mình.

Và bạn biết không, trong một chút thảng thốt nhìn lại phía sau, quá khứ chợt như một cuốn phim hiện về. Bên ly cà phê nghe mặt hồ thì thầm kể chuyện xưa, lòng ta không thể nào không trào dâng nỗi niềm thương nhớ....

Bình Nguyên Trang
.
.