Vẫn tin nắng lên dẫu rờn rợn mưa buồn

Thứ Ba, 04/10/2016, 09:17
Ngồi nhìn qua ô cửa. Trời xanh đấy. Tiếng chim hót đấy. Nắng xanh đấy. Nhưng rồi, tự lòng mình đã quạnh hiu...

Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa
Vội vàng chi, trăng sáng quá, khách ơi!

Có những lúc như thế. Thèm có thêm một khoảng thời gian nữa, dù ít ỏi. Để làm nốt cho xong việc gì đó. Nhưng rồi cũng không thể. Dẫu là một tích tắc. Phải chuyển qua việc khác. Những lúc đó mới thấy từng giây phút quý báu biết dường nào. Ngược lại. Có lúc thời gian trống trải, thừa mứa. Chẳng biết làm gì để giết hết một ngày.

Sáng nay, Chủ nhật. Trong tâm trạng đó. Rã rời. Bải hoải. Tự dưng chán ngán, ngao ngán hết mọi thứ. Ngồi nhìn qua ô cửa. Trời xanh đấy. Tiếng chim hót đấy. Nắng xanh đấy. Nhưng rồi, tự lòng mình đã quạnh hiu. Đã trống rỗng. Đã cũ rích. Chẳng tha thiết gì đến thế giới xung quanh. Cảm giác ấy, thỉnh thoảng lặp đi lặp lại. Sực nhớ đến câu thơ đã viết từ thời mới ra trường, lúc sống trong phòng trọ ở hẻm phía sau nhà thờ Vườn Xoài:

Tôi khao khát được hồn lìa khỏi xác
Nằm mê man cho hết Chủ nhật này
Khi nằm ngủ không gian thu hẹp lại
Căn phòng tôi nhỏ bé tựa quan tài.

Bây giờ, tâm trạng cũng thế. Lẻ loi. Đơn độc. Thế mới biết, sống ở tên đời, con người ta cần phải có một động lực gì đó. Có như thế mới nỗ lực vượt qua được tâm trạng ngao ngán của chính mình. Còn y? Y chẳng có một động lực gì cả. Có làm cũng thế. Không cũng thế. Chẳng khác gì mấy. 

Tự dưng lại cảm phục những người lánh xa cõi trần, lên núi đi tu, một mình một cõi. Vậy họ dựa vào đâu để ngốn hết một ngày, một đời? Chỉ có thể là đức tin chăng? Hay vì gì khác? Y chẳng có gì khác. Viết hoài rồi cũng chán. Không thế, làm gì giết hết thời gian? 

Mà khổ nỗi, đôi lúc cảm thấy rằng cái sự viết cũng vô vị quá. Tẻ nhạt quá. Những gì đã viết, so với thời cuộc khốc liệt đang diễn ra lại có cảm tưởng như mình đang đi đứng trên mây.

Sống?

Đôi lúc con người ta cũng phải né tránh những câu hỏi róng riết về trách nhiệm công dân. Nếu thế, trang viết đó cũng chỉ là một loại thuốc an thần. Nghĩ lại, mới thấy các ông nhà văn của dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam hiện đại (1930-1945) lớn lao quá, vĩ đại quá. Họ bền chí đeo đuổi những vấn đề chính trị, xã hội, không né tránh. 

Trong khi đó, những người viết báo, viết sách đương thời mà y ái mộ, họ đã viết được những gì? Chẳng nên khắt khe, nhưng thú thật, đọc chữ nghĩa thời buổi này chẳng khác gì uống một loại nước si-rô ngòn ngọt. 

Chỉ có thế. Đã đứng ngoài cuộc đời. Đứng ngoài dòng chảy của xã hội. Mà cũng có thể, chính người cầm bút không đuổi kịp thời sự. Hiện thực xã hội vượt khỏi trí tưởng tượng của họ. Đã thế, lại không dám dũng cảm phản ánh nó, làm sao để lại được gì cho người đọc? Nói như thế chắc rằng rất chủ quan.

Mà nói đi cũng phải nói lại. Do không thể phản ánh hiện thực của thời đại đang sống, mỗi người cầm bút có cách lưa chọn khác nhau. Tùy họ. Cả thảy đều đáng hoan nghênh. Ít ra với trách nhiệm về nghề, họ có cách để giúp bạn đọc tìm thấy niềm vui sống trong cuộc sống tẻ nhạt và bi thảm này. 

Có lần, nhà văn Sơn Nam cho biết, lúc Luật 10/59 của Ngô Đình Diệm ban hành, ông né tránh, giữ gìn sự an toàn, thiên lương của ngòi bút bằng cách mỗi ngày vào thư viện đọc tài liệu để viết quyển Tìm hiểu đất Hậu Giang, in từng kỳ trên tạp chí Văn hóa Á châu. 

Rồi sau đó, ông chú tâm khai thác chuyện khẩn hoang Nam bộ đầu thế kỷ XX với loạt truyện thuộc loại Hương rừng Cà Mau. Ai dám nói đó không phải là dấu ấn làm nên tên tuổi Sơn Nam? Không dám đối mặt với hiện thực, người cầm bút có sự lựa chọn khác, miễn không xấu hổ với lương tâm là được.

Đáng sợ nhất là loại người thuộc loại "nhị hoa diện", nói nôm na là "anh hề nhì". Hãy nghe nhà văn Lỗ Tấn giải thích về vai hề này, khác với trước ở chỗ "do kép già đóng, lúc đầu thì lấy lời can gián, sau chết theo chủ". Còn "anh hề nhì" thì sao? 

Anh ta khôn ngoan hơn nhiều: "Anh ta là trí thức. Anh ta biết chỗ dựa của mình là núi băng, nhất định không bền lâu, tương lai mình còn phải xu phụ người khác, cho nên được nuôi nấng, chia sẻ oai thừa, anh ta cũng phải giả vờ làm như mình không phải cùng một phường với tên công tử đó".

Thánh thật, từ những năm 1930, từ hiện thực của Trung Quốc, Lỗ Tấn đã chỉ ra rõ mồn một: "Chúng ta chỉ cần theo dõi một tờ báo nào đó, chừng một tuần lễ, thì có thể thấy khi nó oán hận ngày xuân, khi ca tụng chiến tranh, khi thì dịch những bài nói chuyện của Bécna Sô, khi thì bàn vấn đề hôn nhân. Nhưng trong đó, nhất định phải có khi nó tỏ ra khảng khái, hiên ngang, bất mãn đối với quốc sự; đó là nó sử dụng cái ngón sau cùng của nó đấy. Cái ngón sau cùng đó, một mặt khác cũng che đậy làm cho người ta không biết nó là bồi bút, nhưng dân đen thì thấy rõ lắm rồi, và đưa điển hình đó lên sân khấu từ lâu rồi" (Lỗ Tấn tạp văn, bản dịch của Trương Chính - NXB VHTT - 2003, tr. 511-512).

Có hiểu như thế, bởi vì thế, thời buổi này, hiểu được con người thật đang hoạt động trên trường văn trận bút cũng không dễ. Lầm chết. Đã nghĩ thế. Thế, dạo này, mỗi ngày, y làm gì? Thì, vẫn rị mọ cùng chữ nghĩa đấy thôi. Vẫn chú tâm tìm hiểu sự lắt léo của tiếng Việt. Và đã ghi bên lề quyển Truyện Kiều, khi nhìn về thời cuộc:

Tìm lại vầng trăng non tiết thanh minh ngày ấy
Vẫn tin nắng lên dẫu rờn rợn mưa buồn
Lời quê như hạt thóc vàng ẩn sâu thớ đất
Tiếng Việt ơi, sông suối lại về nguồn…

Mấy hôm nay, tranh thủ thời gian đọc bản thảo Mùa chinh chiến ấy của nhà biên kịch Đoàn Tuấn. Sắp in. Viết về thế hệ y lúc ở chiến trường Campuchia. 

May quá, hắn ta viết hay, hấp dẫn nên chỉ đọc một đêm là xong. Chỉ mới chừng 60 ngàn chữ. Tuấn vẫn đang tiếp tục viết. Khi in có lẽ phải bố cục, cấu trúc lại cho chặt chẽ hơn. Nhớ đấy nhé. Đây là một trong những chương xúc động. Cần ghi chép lại. Không thể lãng quên.

Đoạn này Tuấn kể lúc từ phum Cầu Sắt về phum Choăm Sre: "Trời tối, hỏi dân, họ chỉ nhà. Nhưng đến nơi, trưởng phum đi vắng. Có mỗi cô em ở nhà. Cô bé khoảng 15 tuổi. Áo xanh trứng sáo. Váy màu vàng tươi. Tóc thiếu nữ tuổi dậy thì mượt như nhung. Từ mái tóc tỏa lên một mùi hương dìu dịu. Đặc biệt, cô bé có gương mặt trái xoan, vô cùng dịu dàng và thanh tú. Đôi mắt mở to, tràn đầy cảm xúc. Gương mặt như tỏa ánh sáng trong đêm. 

Cô bé giới thiệu tên mình là Naryn, nhưng ở nhà thường gọi là Tút, nghĩa là nhỏ bé. Còn tôi vụng về, chẳng biết giới thiệu tên mình. Cô bé nói, để em dẫn tôi sang phum bên. Vì cô không biết khi nào anh cô về. Trong khi đó, chúng tôi cần xe bò vào sớm mai. 

Tôi có ấn tượng thật đẹp không những về ngoại hình mà còn về giọng của cô. Cô bé nói tiếng Kh'mer với những âm thanh đẹp như chim hót. Rõ ràng. Thánh thót. Ngữ điệu nói thật trôi chảy. Giọng của cô thật trong sáng, âm vang. Sự nhiệt tình của cô bé khiến chúng tôi đi ngay.

Trên đường, tôi hỏi chuyện. Cô cho biết, mình đang sống với anh trai và chị dâu ở đây. Anh chị có hai con. Trước, gia đình cô ở Phnôm Pênh. Sau bị Pol Pot dồn về miền rừng núi. Cha mẹ cô không còn. 

Tôi hỏi vì sao, cô thản nhiên nói: "Bị Pol Pot giết". Người Campuchia nói chuyện bi kịch của gia đình mình hầu như không cảm xúc. Bởi đó dường như là chuyện hiển nhiên của họ trong những năm tháng này. Đường sang phum bên phải qua một cánh đồng. Đang mùa gặt. Lúa để đầy ruộng. 

Dân bên này có phong tục gặt lúa không thèm mang về nhà. Cứ vứt ngoài đồng. Chẳng ai lấy của ai. Mùi rơm rạ dâng trên cánh đồng thoảng gió gợi lên không khí no ấm, yên bình. Trăng sáng, tôi nhìn rõ mồn một từng lượm lúa, từng hạt lúa. Bông nào cũng mẩy căng.

Đang đi giữa đồng, bỗng tôi nghe thấy hàng tràng tiếng chó sói tru liên hồi. Tiếng chó cất lên từ bìa rừng, tiếp giáp ruộng, cách chúng tôi không xa. Tiếng sói tru từ hồi này sang hồi khác, bay lên không trung vắng lặng ngập tràn ánh trăng, ngỡ vọng đến tận trời cao. 

Tôi bỗng nhớ câu chuyện đọc hồi bé, để không sợ tiếng thú rừng, hãy cất lên tiếng nói của con người. Và cũng để không khí giữa chúng tôi đỡ căng thẳng, tôi hỏi cô bé bằng tiếng Kh'mer: "Sơ mua ây?" (Con gì thế?). Không ngờ, cô bé đáp rõ ràng từng tiếng: "Con chó rừng!". 

Tôi không tin vào tai mình. Trời ơi, cô bé nói tiếng Việt! Thật kinh ngạc và kỳ lạ, giữa chốn rừng núi hoang vu, giữa cánh đồng xa lạ thế này, tôi được nghe tiếng Việt, lại từ cái miệng xinh đẹp của một cô bé như thiên thần thốt ra. Thậm chí, cái từ "rừng" với chữ "r", cô bé còn uốn lưỡi khi phát âm. Dễ thương làm sao!

Ôi tiếng Việt thân yêu, từ ngày vào lính, từ ngày ngang dọc trên bao chiến trường Campuchia, đêm nay, giữa nơi hoang vắng này, tôi lại được nghe tiếng mẹ đẻ từ giọng nữ. Giọng Naryn như sợi tơ vàng ánh biếc lung linh giữa cánh đồng. Tôi vội cúi xuống: "Naryn, em nói lại đi! Nói lại đi em!". Lời tôi như cầu khẩn, như van lơn. Nhưng Naryn im lặng. Hoàn toàn im lặng. Em không nói một lời nào nữa.

Đi tiếp một quãng, vẫn giữa cánh đồng, tôi bước lên, quỳ xuống hỏi: "Naryn, em là người Việt Nam phải không?". Cô bé nhìn thẳng vào mắt tôi, gương mặt đầy xúc động, môi mím lại, gật đầu. Nước mắt cô bỗng trào ra. Và tôi, cũng trào nước mắt. Tôi ôm cô bé vào lòng. Em bé nhỏ nép vào tôi như một niềm tin cậy, chở che.

Tôi chợt hiểu, mấy từ tiếng Việt ấy, đã bao năm, em phải giấu kín trong lòng. Giấu kín giữa tứ bề nguy hiểm. Giấu kín suốt ngày và đêm. Giấu kín cả trong lúc tỉnh táo nhất. Giữa đám đông. Lúc một mình. Giấu kín cả trong những giấc mơ khủng khiếp, nhọc nhằn. Em phải giấu thân phận là người Việt, để đi qua địa ngục trần gian. 

Và tiếng Việt thân yêu của tôi, đã được em xinh đẹp và thông minh, giấu ở những miền sâu thẳm và đẹp nhất trong tâm hồn mình. Mấy từ tiếng Việt đơn sơ ấy, như những mạch ngầm của sự sống, vẫn chảy đâu đó trong tâm khảm em. Đã bao lần em sợ hãi, run lên khi kẻ thù thẩm tra, kiểm soát.

Đêm nay, giữa một nơi không còn thù địch, giữa một nơi không ai nghe thấy, rất thoáng đãng và dịu dàng, mầm cây tiếng Việt bắt đầu đâm chồi trong em; dòng suối tiếng Việt bắt đầu róc rách trong em. Ôi tiếng Việt tội nghiệp của tôi! Ôi Naryn bé bỏng mà anh hùng của tôi! Tôi cảm nhận sức mạnh và sự vĩ đại của tiếng Việt, cảm nhận sức mạnh và sự vĩ đại của người Việt qua thân hình mảnh khảnh của Naryn".

Đọc đoạn văn này, ứa nước mắt. Ôi tiếng Việt. Hiểu như thế, cảm như thế, lúc đi xa đất nước, được nghe lại tiếng nói của người Việt thì bất kỳ người Việt nào cũng xúc động chân thành như Tuấn đã trải qua. "Lời quê như hạt thóc vàng ẩn sâu thớ đất/ Tiếng Việt ơi, sông suối lại về nguồn"... Câu thơ này tặng Tuấn.

Lê Minh Quốc
.
.