Vấn đề bình đẳng nam nữ trong Hiến pháp và Bộ luật Lao động

Thứ Bảy, 04/04/2015, 07:02
Một trong những điểm đáng tự hào của hệ thống chính trị Việt Nam là chính sách bình đẳng giới đã được luật định từ rất sớm.

Ngay từ năm 1946, Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã quy định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” (Điều thứ 1), “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều thứ 9) và “Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử” (Điều thứ 18). Đó là những quy định rất tiến bộ, nếu lưu ý rằng năm 1944 Quốc hội Pháp mới công nhận quyền bầu cử của phụ nữ (phụ nữ Pháp được đi bầu hội đồng thành phố lần đầu tiên vào ngày 20/4/1945) và phụ nữ Thụy Sĩ phải đến năm 1971 mới giành được quyền bầu cử.

Chính sách bình đẳng nam nữ cũng được thể hiện nhất quán trong các hiến pháp sau đó. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 cũng quy định: “1. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; 2. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; 3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới” (Điều 26).

Không chỉ trong hiến pháp, bình đẳng giới còn được quy định trong một đạo luật riêng, Luật Bình đẳng giới, mang số 73/2006/QH11, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29/11/2006. Điều 4 của Luật Bình đẳng giới khẳng định: “Mục tiêu bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”.

Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều tiến bộ đáng kể, trên thực tế, bình đẳng giới vẫn còn là một mục tiêu phải phấn đấu lâu dài đối với xã hội Việt Nam. Tình trạng bất bình đẳng nam nữ thể hiện trong rất nhiều lĩnh vực, từ chính trị, văn hóa, kinh tế đến giáo dục. Nhưng theo chúng tôi, đáng lo ngại nhất, phổ biến nhất và dai dẳng nhất là trong lĩnh vực lao động, đặc biệt là vấn đề tuổi nghỉ hưu và cơ hội thăng tiến của lao động nữ.

Vấn đề tuổi nghỉ hưu gần đây trở thành một chủ đề gây tranh cãi sau khi có đề xuất của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, theo đó, để tăng nguồn thu, tránh nguy cơ vỡ quỹ BHXH, từ năm 2016 tuổi nghỉ hưu sẽ tăng lên 62 với nam và 60 đối với nữ. Tuy nhiên, phần lớn các ý kiến cả ủng hộ lẫn phê phán đề xuất này đều dựa trên sự diễn giải sai các quy định của Bộ luật Lao động. Trên thực tế, sự diễn giải sai này đã và đang dẫn đến việc áp dụng sai, vi phạm nguyên tắc bình đẳng giới được quy định trong Hiến pháp (tức là vi hiến) và vi phạm các quy định của chính Bộ luật Lao động.

Tranh cổ động  ngày 8/3 tại Liên Xô (cũ).

Nguyên tắc bình đẳng giới được thể hiện rất rõ trong Bộ luật Lao động. Cụ thể, Điều 4, Chính sách của Nhà nước về lao động, quy định: “7. Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới; quy định chế độ lao động và chính sách xã hội nhằm bảo vệ lao động nữ, lao động là người khuyết tật, người lao động cao tuổi, lao động chưa thành niên”.

Trong các quyền của người lao động, quan trọng nhất là quyền được làm việc. Sự bình đẳng nam nữ đối với quyền được làm việc cũng được thể hiện rất rõ trong Bộ luật Lao động:

Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của người lao động: “1. Người lao động có các quyền sau đây: a) Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử”;

Điều 153. Chính sách của Nhà nước đối với lao động nữ: “1. Bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ”; và

Điều 154. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với lao động nữ: “1. Bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác”.

Nội dung các điều luật này có nghĩa là mọi người đều có quyền làm việc, và quyền được làm việc của nam và nữ là như nhau. Liên quan đến tuổi nghỉ hưu, Bộ luật Lao động quy định:

“Điều 187. Tuổi nghỉ hưu:

1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

2. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này.

 3. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định tại khoản 1 Điều này”.

Tranh cổ động ngày 8/3 tại Đức.

Rõ ràng, Bộ luật Lao động chỉ quy định tuổi được về hưu, chứ không quy định tuổi phải về hưu. Nghĩa là khi đã đảm bảo điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm, nếu người lao động có nguyện vọng, họ có thể - nhưng không bị bắt buộc phải - nghỉ hưu ở tuổi 60 (với nam) và 55 với nữ. Quy định tuổi được nghỉ hưu của nữ thấp hơn thể hiện sự ưu tiên đối với lao động nữ.

Tuy nhiên, những quy định này của Bộ luật Lao động đang bị diễn giải theo hướng sai lầm, đó là bắt buộc người lao động phải về hưu ở tuổi 60 đối với nam và 55 đối với nữ. Lối diễn giải này dẫn đến sự phân biệt đối xử đối với lao động nữ, ngăn cản đáng kể cơ hội cống hiến và tiến bộ của phụ nữ, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc bình đẳng giới được Hiến pháp bảo hộ và được quy định chính trong Bộ luật Lao động.

Cần phải nói thêm rằng, ngay cả trong trường hợp tuổi nghỉ hưu theo Điều 187 của Bộ luật Lao động bị diễn giải là “tuổi phải nghỉ hưu”, để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, tuổi phải nghỉ hưu của mọi lao động cũng phải như nhau (chẳng hạn là 62). Khi đó, xã hội có thể thể hiện sự ưu tiên đối với phụ nữ bằng việc quy định quyền của phụ nữ được lựa chọn nghỉ hưu sớm hơn (chẳng hạn ở tuổi 55) nếu họ có nguyện vọng. 

Nhân đây, chúng tôi cũng xin nói thêm, rằng tăng tuổi nghỉ hưu là điều không một quốc gia nào có thể lẩn tránh. Bởi lẽ, tuổi thọ của con người ngày càng cao. Trong đó, tuổi thọ của nữ giới lại luôn luôn cao hơn tuổi thọ của nam giới. Tuổi nghỉ hưu (đặc biệt là của nữ giới) thấp khiến cho tỷ lệ người nghỉ hưu so với những người làm việc tăng lên nhanh chóng, gây lãng phí nguồn nhân lực có kinh nghiệm và chuyên môn, tạo nên gánh nặng đối với nền kinh tế, làm sụt giảm sức cạnh tranh quốc gia.

Những điều này đặc biệt đáng lưu tâm đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, khi chúng ta đang phải huy động mọi nguồn lực để lao động, sản xuất nhằm phát triển đất nước. Những ý kiến về chi phí lớn, bộ máy cồng kềnh của Bảo hiểm xã hội là đáng quan tâm, nhưng không phải là vấn đề cốt lõi. Việc tinh giản bộ máy của Bảo hiểm xã hội thật ra có thể giải quyết không mấy khó khăn chỉ bằng một số quyết định hành chính.  

Xin trở lại với đề tài của chúng ta. Vấn đề mấu chốt ở đây là: quy định bắt buộc nghỉ hưu ở tuổi 55 đối với lao động nữ và 60 đối với nam là sự phân biệt đối xử nam nữ, dựa trên sự diễn giải sai các quy định của Bộ luật Lao động. Sự phân biệt đối xử như vậy không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nữ giới mà còn phi pháp và vi hiến. Trong một đất nước dân chủ, phụ nữ có thể khởi kiện các cơ quan áp dụng những quy định đó.

Tóm lại, trong khi chúng ta đang phấn đấu xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, những quy định phi pháp và vi hiến như vậy là không thể chấp nhận được.

Ngộ Tự Lập
.
.