Ước mơ "thiện lành" của Tào Tháo!

Thứ Sáu, 05/04/2019, 16:32
Có lẽ Tào Tháo là người Tàu quen thuộc nhất với người Việt chúng ta, do truyện Tam quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung được phổ biến ở Việt Nam từ rất lâu đời.


Cần biết rằng vào thời Tam Quốc, nước ta do Sỹ Nhiếp làm vương, về danh nghĩa là thuộc Đông Ngô, có cống nạp cho Tôn Quyền, nhưng thực tế là độc lập, Tào Tháo chẳng biết nước ta là nước nào.

Cho nên ông không có ân oán gì với dân ta cả. Nhưng dân ta lại ghét Tào Tháo, thậm chí không biết tự bao giờ người ta còn mang tên ông ra gắn với một hành vi không mấy đẹp đẽ, "Tào Tháo đuổi". Trăm sự ghét đều do cái ông La Quán Trung hồ đồ kia mà ra cả, phần lớn những gì mà ta ghét Tào Mạnh Đức đều là chuyện bịa. Mới thấy văn nhân, nhất là những văn nhân có tài, nguy hiểm như thế nào khi xớ rớ đến lịch sử.

Dẫu vậy, ngòi bút của La Quán Trung không che giấu được một Tào Tháo hùng tài đại lược, cái hùng tài đại lược bị họ La xỏ xiên thành một thứ gian hùng điển hình đáng ghét. Đọc Tam quốc chí của Trần Thọ, ta thấy một Tào Tháo khác, tuy còn sơ lược dưới ngòi bút của một người viết sử. 

Các sử gia cho rằng từ thời Tống trở về trước không ai ghét Tào Tháo. Ông thực sự là người thứ hai thống nhất Trung Hoa sau Tần Thủy Hoàng, tuy sinh thời ông không làm vua và Trung Hoa chưa thống nhất, nhưng ông đã tạo tiền đề cho sự nghiệp của nhà Tấn, bởi vậy mà lịch sử còn gọi ông là Tấn tổ.

Tào Tháo tài ba và anh minh, nên lớp lớp nhân tài đi theo ông. Tào Tháo không hiếu chiến, ông không vét máu mỡ của dân để dựng nghiệp như hai nhà Tôn, Lưu. Đối với ông, đánh được mới đánh, còn đánh không chắc thắng thì để cho dân yên, ông không lấy mục đích biện minh cho phương tiện. Ông lập các đồn điền tự nuôi quân để giảm nhẹ sức dân.

Có một thứ "sử liệu" khác ta có thể đọc để hiểu thêm về con người ông, đó là thi ca của ông. Ông và hai con trai của ông đều là các nhà thơ lớn để lại những thi phẩm bất hủ. Người ta nói văn là người. Đọc thơ ông ta thấy một tâm hồn khoáng đạt. Chí khí ngất trời mà lòng dạt dào cảm xúc trước nhân thế, trước thiên nhiên cây cỏ.

Ví dụ như qua bài Đối tử ca, ta thấy Tào Tháo không chỉ đau đáu nghĩ đến số phận của con người mà còn nghĩ đến côn trùng cây cỏ, thứ mà ngày nay chúng ta gọi một cách vô cảm là môi trường thiên nhiên. Tôi chưa thấy một nhà chính trị nào có tấm lòng như vậy. Ông không chỉ mơ đến thái bình mới giảm nhẹ sức dân mà ông thực hiện điều đó ngay trong chinh chiến.

Tôi thì mơ các nhà chính trị luôn  học được cách tài giỏi như Tào Tháo và học được cách thương dân bằng việc giảm thuế như ông. Các "chiến binh mạng" không thích văn hoá Tàu xin miễn ném đá nhé, cái gì hay của thiên hạ ta đều nên học, vả lại tôi đã nói từ đầu, Tào Tháo không có ân oán gì với nước ta cả. Thái bình nhất chính là "quan không gọi thuế", là không tăng thuế, là giảm thuế, các vị có hiểu không? 

Hoàng Hải Vân
.
.