Tương lai khởi hành từ hoang mang

Thứ Ba, 26/04/2016, 03:15
Trước khi nói đến những gì cao siêu, hạnh phúc - cái giá lớn nhất chúng ta cần làm và phải giữ là cái giá của an lành; bằng không, những đứa trẻ vô tội, những thiên thần ấy phải chịu sự bất công và hậu quả khi nhận từ người lớn lớp trước một Trái đất đầy thương tổn... 


Thư gửi cộng đồng người lớn Việt Nam!

Tôi đã viết, lao động 20 năm văn chương hầu hết bằng tâm thế nghệ sỹ, không dùng giới tính. Khi là mẹ của một em bé hơn một tuổi, thiên chức và vai trò làm mẹ khiến tôi đầy âu lo về tương lai của con tôi và những đứa trẻ Việt Nam đang tuổi ấu nhi.

Trân trọng người già, ưu tiên phụ nữ trẻ em, bảo vệ thiên nhiên môi trường, loài vật là căn cứ căn bản để đánh giá sự văn minh của mỗi quốc gia và để đánh giá mỗi người. Điều này không lệ thuộc hoặc có thể ngụỵ biện về sự khác nhau của các thể chế chính trị, tôn giáo, rằng mỗi nước mỗi khác. Tất nhiên, nền tảng kinh tế, điều kiện sống cũng tác động, ảnh hưởng đến tư duy, nếp sống, thói quen của công dân. 

Thưa các người lớn! Chúng ta vẫn thường nói đến quyền trẻ em, về sự ưu tiên chăm lo chủ nhân tương lai của đất nước, là thế hệ kế tiếp để ta tập trung đầu tư chăm sóc phấn đấu, gửi gắm ước mơ và hy vọng. Nước ta có Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Ủy ban Thanh thiếu niên, có Nhà xuất bản Kim Đồng, có chương trình truyền hình, phát thanh, báo, tạp chí dành riêng cho từ nhi đồng, thiếu niên đến thanh niên. 

Qua nhiều khẩu hiệu, diễn ngôn quen tai về đối tượng đặc biệt: trẻ em. Sự thật, ngày càng đông người lớn tàn ác với trẻ em, nhiều khi tàn ác có chủ ý. Không chỉ là bạo hành hay lạm dụng sức lao động mà là mưu lợi, ăn dỗ trẻ con bằng mánh khoé tinh vi, từ việc lừa bố mẹ chúng. 

Càng ngày tôi càng thấy: chúng ta sống trong xã hội lắm bất an, thực tế hiện rõ mà không cần phải xâu chuỗi, tổng kết mọi tin tức về các loại hiểm họa. Hàng ngày VTV1 có chuyên mục “Nói không với thực phẩm bẩn”, “Chống buôn lậu, hàng giả - Bảo vệ người tiêu dùng”. 

Chỉ xem các phóng sự ở đây thôi, đã thấy rùng rợn khủng khiếp về quang cảnh mà những kẻ kinh doanh vô lương đã tiến hành lâu năm, mới được phanh phui một phần nhỏ. Chưa bao giờ từ SẠCH được nhắc đến, tìm kiếm, lựa chọn nhiều thế, như đòi hỏi căn bản nhất để người tiêu dùng bấu víu niềm tin mỗi ngày sống. 

Chuyện phun thuốc sâu vào rau quả quá hàm lượng và rất ngắn ngày trước khi thu hoạch tồn tại từ lâu, đã thành “xưa” bởi mọi thứ BẨN đang hoành hành tràn lan. Người tiêu dùng vẫn không biết hoặc tự dễ dãi “khuất mắt trông coi” gửi niềm tin vào lời tán tỉnh rỗng tuếch của kẻ bán hàng gồm cả cam đoan thề thốt. Kiếp người ngắn ngủi, tuổi thọ không phải do gen di truyền, lối sống, đặc thù công việc, mức sống hay nghị lực chống bệnh tật mà còn do may rủi của con đường ẩm thực “từ dạ dày đến nghĩa địa” mà báo chí đã cảnh báo. 

Con đường này ngày một nhiều rắc rối bởi sự lừa đảo, chủ tâm ngày càng tinh vi, hiểm ác. Măng ngâm vàng ô, chất tạo màu công nghiệp. Gà đông lạnh và nội tạng không nguồn gốc nhập khẩu đổ hàng trăm tấn vào Việt Nam/ngày. 

Dân ta vốn sính ngoại, nên gian thương làm giả đủ mọi thứ kể cả giả tem chống hàng giả. Cuộc sống đầy áp lực mưu sinh, tranh đấu, đua chen; tham vọng, nghĩa vụ, ham muốn ngày càng nhiều, mấy ai xót thương nhân quần. Từ khi nào, sống vội, gấp, thực dụng đã là một thực tế được chấp nhận như tất yếu? Người ta quá tham, bận nghĩ mưu nên cũng chẳng nhiều người thương cho cộng đồng xã hội, nói gì đến tương lai con cháu!

Nhìn hình ảnh phóng viên vào tận lò mỡ bẩn quay được cảnh mỡ hôi thối đầy ruồi nhặng rán trong chảo to bán với giá 500 đồng/lít. Những thùng xốp tim thối rã đông ngâm tiết đỏ sẽ thành tim lợn tươi bán lãi vài chục lần, xuất đi từ chợ Phùng Khoang, được bán cho những hàng cơm sinh viên, công nhân, dân lao động nghèo. 

Lợn ăn chất cấm, tạo nạc, bị đám đồ tể thúc ống nước qua cuống họng, bơm nước vào một cách dã man để tăng trọng lượng, khiến chúng chết đau thêm mấy lần. Dùng các vỏ chai nước ngọt chính hãng không được súc rửa, được các cơ sở tư nhân cho nhân công dùng phễu múc nước lã trộn hương liệu, tẩm màu rồi dán mác nước cam, nước dâu, tung ra len lỏi khắp nơi.

Bầy hám lợi bất chính ấy không lương tâm, chúng là con hay là người? Chúng sẵn sàng bất chấp sức khoẻ, tính mạng người tiêu dùng, thậm chí chúng còn hả hê khi những vụ lừa trót lọt, thản nhiên trước mọi loại hậu quả, có khi còn mắng nạn nhân: “Ai bảo tham rẻ!” hoặc “Ngốc dại thì phải bị lừa”. 

Thế nào là người nội trợ thông minh giữa thời buổi kinh kế khó khăn còn phải căng não soi tìm, căng thẳng tuyển lựa mà vẫn phập phồng về xác suất an toàn khi mua thực phẩm, nhu yếu phẩm cho gia đình, vào thời mọi thứ có và dễ làm giả, công khai và tràn lan, từ gạo, trứng, sữa, rượu, bia, cà phê,... nhan nhản giả. 

Nói mãi về nhân quả, đến bao giờ ông Trời có mắt? Trời cao lắm mà trời cũng bị “thủng mái” vì ô nhiễm. Đất dưới chân thì đất đang kiệt màu mỡ và lòng bao dung khi đã dâng hiến triệu năm cho người. 

Chỉ công lý, pháp luật là sức mạnh, đem lại trật tự xã hội. Nền pháp luật của Việt Nam vẫn còn đang xây dựng, chưa đủ nghiêm minh để kẻ gian, tội phạm biết sợ. Chưa có chế tài thích đáng cho hoạt động làm hại cộng đồng, lừa bịp người tiêu dùng.

Ba yếu tố tác động đến điều kiện sống thường nhật: đất, nước, không khí, thì cả ba đều bị ô nhiễm nặng. Những đứa trẻ miền núi chưa thạo tiếng Kinh đã thành thạo làm bẫy thú vào rừng săn đem bán lấy tiền sống độ nhật. Thú rừng, cây củ, những loài hoa như phong lan, đến cả cây dương xỉ cũng bị đào tận rễ khi thương lái đánh tiếng mua, lòng tham ăn xổi, vì quyền lợi trước mắt mà người ta phá rừng, đánh cá và mực bằng điện công suất lớn, sống nhờ rừng biển mà tận diệt không thương tiếc, không cần biết ngày mai.

Con người là ác nhất muôn loài. Do trí khôn và phát minh tinh vi mà con người cho mình quyền thâu tóm tàn sát tất cả, cốt phục vụ - thoả mãn nhu cầu, dù đi ngược phẩm giá nhân loại tiến bộ? Có những con thú - người thích giết hại đồng loại, coi việc tiêu diệt, hiếu sát nổ bom khủng bố, triệt hạ động vật, dồn chúng vào đường cùng là khoái cảm của sự “ghi danh”, khẳng định sức mạnh làm quốc tế hoảng sợ, bối rối, lo âu, nhốn nháo. (!)

Những năm qua, Điện lực Việt Nam phải nhập khẩu than, trữ lượng mỏ của ta không đủ; niềm tự hào vàng đen Quảng Ninh, rừng vàng biển bạc cần thay đổi. Vẫn biết không nên so sánh, mà tôi cứ khát khao quá: giá các nhà quản lý của đất nước ta bảo vệ được tài nguyên khoáng sản được một phần nhỏ như nước Mĩ! Hầu hết tài nguyên khoáng sản năng lượng của Mĩ đều được bảo toàn cho con cháu. Họ mua để sử dụng và cất giữ vốn quý của thiên nhiên vì sự cường thịnh lâu bền. 

Các con của chúng ta sẽ còn gì ở ngày mai khi rừng bị phá, cây trong thành phố, cây cổ thụ, cây lâu năm bị chặt hạ, ao hồ bị lấp, những quả đồi bị san phẳng để chia lô xây nhà, cánh đồng lúa rau hoa thành bêtông chi chít, công trường ngổn ngang. Nhiều sông hẹp dòng, nghẹn rác. Miền Trung và Tây Nguyên, nạn thiếu nước chưa qua thì lại chết cá hàng loạt. Tây Nguyên màu mỡ phá rừng để cà phê hoá. Việc trồng cây gì, thường vụ chứ không có tầm nhìn lâu dài... 

Cà phê là loại cây rất tốn nước, chưa đến mùa khô đã thiếu nước trầm trọng, nước sinh hoạt không đủ lấy đâu ra nước tưới cây. Khoan giếng mấy chục mét cũng không có nước. Mạch nước ngầm đã chết, một số sông đã chết, một số ngắc ngoải. 

Nhìn bầy dê cừu ở Ninh Thuận nằm chết khô mà tội nghiệp quá, còn tội nghiệp hơn khi Hà Nội cảnh báo thiếu nước hè này. Công nghiệp hoá - hiện đại hoá ở nước ta đồng nghĩa xoá sổ đất nông nghiệp để thành chung cư. Con cháu chúng ta còn đâu khoảng không, chúng sẽ sống thế nào khi hết tài nguyên, chỉ còn đua chen giữa bê tông và những con đường chen chúc, chật chội, mở thêm bao nhiêu đường, cầu vượt đều không xuể. Không được một phút thư thái khi ra khỏi nhà.

Thưa những người lớn, những người lớn quan tâm đến giá cả thị trường, giá xăng dầu, vàng, đôla, giá bất động sản, ai nghĩ đến giá của ngày mai? Thói tư duy ngắn hạn, ăn xổi ở thì chà chạp lên đạo đức, không có khái niệm về danh dự và lương tâm vẫn đang thản nhiên, tỉnh bơ thu lợi nhuận, đâu ngán ngại: “Đời cha ăn mặn đời con khát nước”. Không những ăn mặn mà còn ăn bẩn, ăn gian trước sự yên ổn và sống còn của cộng đồng.

Kẻ bất lương còn dã tâm đưa thực phẩm bẩn vào trường mầm non mẫu giáo. Đừng tàn ác với trẻ con, đừng nói: “Đồ trẻ con, trẻ con biết gì!”. Những kẻ tung đồ bẩn ra thị trường không nghĩ đến vòng tuần hoàn khi người thân con cháu họ cũng sẽ bị từ nguồn của những con buôn, dã tâm khác. 

Chúng tôi, những bậc cha mẹ có trách nhiệm kính mong các nhà lãnh đạo, quản lý hãy giữ kỷ cương xã hội bằng việc nỗ lực xây dựng nền pháp luật ưu việt, chế tài chặt chẽ và đưa vào khung hình phạt tù, thậm chí là tử hình với những tên trùm dai dẳng tái phạm. Xử phạt vài triệu, vài chục triệu chưa đủ sức răn đe pháp trị. Nhất thiết bảo vệ sự tôn nghiêm thanh bình của quốc gia, từ bữa ăn thường nhật.

Triết học biện chứng coi mâu thuẫn là động lực của sự phát triển, song mâu thuẫn của một xã hội tiến bộ không thể đi ngược xu hướng của toàn cầu. Vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long - nơi cung cấp gạo chủ yếu cho trong nước và xuất khẩu, giờ đây khó thấy cảnh được mùa khi nước mặn xâm nhiễm. Rừng U Minh Hạ không còn nước dù chỉ để cứu hoả. Biển nóng lên, băng tan khiến nước biển dâng, một số thành phố bị cảnh báo sẽ chìm hẳn trong nước vào cuối thế kỷ này.

Paris - thành phố văn hoá và tình yêu đẹp bậc nhất thế giới, Thủ đô có người ruột thịt của con tôi chẳng còn bình yên khi bị tấn công khủng bố kinh hoàng và 150 nguyên thủ các nước, các quốc gia đã hội tụ ở đây nửa tháng 12-2015, họp bàn Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP 21, công ước sẽ được ký chính thức vào 22-4-2016 tại New York, đưa ra giải pháp và số tiền nhằm cố gắng giữ và làm giảm chậm nhất việc Trái đất nóng lên, gia tăng nhiệt độ.

Theo tôi, thi sĩ Xuân Quỳnh mạnh nhất, tự tin nhất ở mảng thơ thiếu nhi. Bà dành tình yêu cho trẻ con và viết bằng tâm thế mẹ trao, lấy cảm hứng từ con trai mình mà viết Truyện cổ tích về loài người (1982): “Trời sinh ra trước nhất/ Chỉ toàn là trẻ con/ Trên Trái đất trụi trần/ Không dáng cây ngọn cỏ/ Mặt trời cũng chưa có/ Chỉ toàn là bóng đêm/ Không khí chỉ màu đen/ Chưa có màu sắc khác...”. 

Nữ sĩ đã để trẻ con là sinh vật đầu tiên xuất hiện trên Trái đất như thiên sứ. Mặt trời, cỏ cây, hoa, chim, gió, sông, biển, đường, mẹ, bà, bố, thầy giáo, muôn loài xuất hiện theo nhu cầu của trẻ con.

Thần đồng thơ trẻ em Trần Đăng Khoa nay ở tuổi gần 60, ông cũng đầy lo lắng cho hai con gái mình bởi thế giới hôm nay của những đứa trẻ không phong phú như thời ông viết tập thơ Góc sân và khoảng trời. 

Giờ thì lũ trẻ không còn khoảng trời nào vì nhà nhà không có sân, các chuyên gia quy hoạch đô thị, chủ công trình đầu tư xây dựng chung cư, văn phòng, bãi đỗ xe ngầm và trên cao, đa số lãng quên việc làm sân chơi cho trẻ con. Hiếm có những ông chủ kếch xù, đại gia cỡ bự nào đủ tầm văn hoá và tư tưởng nhân văn để đầu tư xây nhà hát, công viên sân chơi cho thiếu nhi?

Tôi sợ con cháu tôi sẽ không thấy cả những con chim, thú trong vườn thú, rạp xiếc, vì chúng giờ gầy và buồn lắm. Lẽ nào trẻ con Việt Nam sau này chỉ biết về thế giới tự nhiên qua phim ảnh và thú nhồi bông? Tôi thương con tôi và những đứa trẻ bé bỏng, nỗi no lắng nhân lên khi sự vô cảm càng tăng, lại có những người lớn nản chí nói ngang, tránh né hoặc bàng quan: “Ôi giời, việc gì phải lo xa, một mình mình lo thì giải quyết được gì, đến đâu hay đến đấy. Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”. 

Tôi sợ lắm, nếu đảo ngược hiện thực những câu thơ của Xuân Quỳnh sẽ thành một dự báo ở tương lai nếu những người lớn phản bội lại các giá trị đẹp nhất của tâm hồn, lương tâm, ước mơ về sinh tồn, về một thế giới đẹp đẽ, trong lành và tử tế với giá trị của niềm tin, lòng nhân hậu, sự trân trọng được đề cao, là cốt lõi của lương tri. 

Trước khi nói đến những gì cao siêu, hạnh phúc - cái giá lớn nhất chúng ta cần làm và phải giữ là cái giá của an lành; bằng không, những đứa trẻ vô tội, những thiên thần ấy phải chịu sự bất công và hậu quả khi nhận từ người lớn lớp trước một Trái đất đầy thương tổn, xơ xác một đất nước trống rỗng tài nguyên, thiếu nước ngọt, không khí thở, ô nhiễm. Thực sự là tội ác không thể tha thứ nếu người lớn để trẻ con bơ vơ với “hiện trường” như vậy. Đã muộn rồi những cảnh báo. Cấp báo về sự ô nhiễm lương tâm.

Cảm ơn những người lớn không thờ ơ, vô cảm.

Vi Thùy Linh
.
.