Tuổi già ngong ngóng

Thứ Sáu, 08/06/2012, 15:00

Ai hiện hữu trên đời này mà không phải lớn lên.
Ai lớn lên lại không già đi.
Ai già đi mà lại không cất chân vào cát bụi, dẫu muốn dẫu không.
Như cây cỏ, nhú mầm, đâm chồi, xanh tươi và tàn úa.
Như sông suối tới ngày cạn đáy, phơi rêu.
Như chim giũ cánh, như cáo quay đầu.

Như cụ Phan Khôi viết: “ôn chuyện cũ mà thôi, liếc mắt đưa nhau rồi…”.
Như cụ Trinh Đường thở than: “Biết rằng không có em/ Anh vẫn đi ra cửa/ Tay cầm nắm đấm xoay/ Mắt run theo tay mở”.

Có tuổi già nào mà không ngong ngóng những xa xưa?

1. Chưa bao giờ có cảm giác sợ hãi thời gian đến thế. Bạn bè bảo, mày bị hội chứng tiền trung niên. Mình ở nhà gắt, hay là đang yêu đương bên ngoài, về đây luyến tiếc.

Có đâu, tính hay cà lơ phất phơ, đùa vui như thế. Nhưng tuyệt nhiên, chỉ biết có vợ có con.

Chỉ là, chớm ba mươi tuổi, hoảng hốt nghĩ về tuổi già sắp đến.

Già, thì có gì nhỉ?

Chỉ là da điểm đồi mồi, tóc thêm bạc, quầng mắt chảy xệ, da nhăn nheo, môi hay vắng nụ cười… Và thường nghĩ về những điều đã cũ.

Chỉ là, thi thoảng lén vợ giấu con, mường tượng về một khuôn mặt, một giọng cười, một cái tên.

Có ai trong chúng ta, không nghĩ về điều đó. Nghĩ như là nghĩ thôi, hoàn toàn không phóng khoáng mơ hồ về một đời sống mới.

Mấy lâu trước, đi cùng anh bạn đồng nghiệp về Bến Tre, huyện Chợ Lách, xã Phú Phụng. Ban đầu ngần ngại không đi vì việc ở Sài Gòn nhiều. Sau, cũng đi. Đi đơn giản là, chỉ để lấy chuyện người, nghĩ chuyện mình, xem mai sau mình già yêu đương sẽ ra sao.

Bà cụ 91 tuổi, cái tuổi tính ngày tính giờ. Bốn mươi năm trước, chồng bà mất, bà ở vậy nuôi con.

Ấp kế bên, có cụ ông cũng sêm sêm số tuổi ấy. ông gà trống nuôi con dằng dặc nhiều năm trời.

Mắt trông thấy mặt, miệng thì thầm… ông bà cụ có tình cảm với nhau. ông muốn, bà về ở với ông. Bà cũng muốn điều đó.

Ông mang một ít sính lễ đến nhà bà, kiểu như hỏi cưới.

Nếu chuyện này xảy ra ở nước ngoài, người ta sẽ vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Dân Tây, tôn trọng chuyện tình cảm hơn chăng?  Chắc không phải vậy, đơn giản, dân Tây tôn trọng chuyện cá nhân.

Vậy mà, con cái ông bà cụ không nghĩ như thế. Họ can ngăn quyết liệt.

Tôi và anh bạn đồng nghiệp làm hết mọi cách vẫn không tiếp xúc được với ông bà cụ.

Nghe đâu, con gái bà sau khi biết tin ông bà định làm đám cưới, đã dọn hẳn về nhà ở cùng bà để canh chừng bà.

Nghe đâu, con trai ông sau khi biết tin đã đưa ông về lại quê cũ, áng chừng miệt Đồng Tháp để ngăn duyên.

Láng giềng bảo, có khi họ ngại ngần chuyện chia tài sản.

Một vài đồng nghiệp tiếp cận sớm vụ việc, phản ánh rằng, con cái bà bảo bà hồi xuân, cứ phấn son suốt ngày, chắc là đã lú lẫn nên con cái sợ bà hồ đồ.

Người sống gần trọn một thế kỷ, ít khi hồ đồ. Nhưng, thói thường vẫn vậy.

Người trẻ khi yêu, có đủ lý do để minh chứng cho tình yêu của mình.

Người già khi cần nhau, người trẻ đủ lý do để bác bỏ.

Họ ngại sự dị nghị, họ ngại lời xầm xì… Nói như bà cô của Thị Nở trong truyện ngắn của Nam Cao, thì “Đã nhịn được tới ngần này, sao không nhịn nốt”.

Là đơn giản vậy thôi.

Hai thế hệ khác biệt, có những lối suy nghĩ khác biệt.

Xưa, có thể cha mẹ áp đặt con cái.

Nay, thì ngược lại. Con cái có quyền áp đặt cha mẹ.

Ai có con, sẽ hiểu cảm giác sợ con là như thế nào.

Yêu thương nhiều, có khi sinh ra sợ. Chứ không hẳn, sợ là vì cái này, vì cái kia.

2. Giả như, ông bà cụ ấy được về sống với nhau.

Chăn gối, chắc không còn nữa. Ngoại trừ một vài trường hợp hãn hữu, chút bản năng còn sót lại tuổi xế chiều đã được nhiều tờ báo băm nát, tôi không bàn đến.

Họ về với nhau, chỉ là để rì rầm khi gió quái chiều hôm, khi trăng thanh hoa thoảng. Khi chặc lưỡi nhớ tháng ngày qua. Khi lẩm nhẩm tính toán về ngày Rằm đi chùa, ngày mùng Một ăn chay.

Tuổi già hay cô đơn.

Người trẻ, ít cô đơn.

Tuổi già hay khóc.

Người trẻ hay cười.

Cười hay khóc, cô đơn hay không cô đơn… chỉ là những biểu hiện của cảm xúc. Tưởng là giản đơn, nhưng vô cùng cần thiết.

Có ai sinh sống trên đời mà không cần bạn hữu.

Có ai về già mà không cần người thân.

Thế nên, người ta mới bảo rằng, cô đơn như quân vương, tịch mịch như thê thiếp của tiên triều.

Nhức cái lưng, mỏi đầu gối… không cần người xoa bóp, không cần người day huyệt. Tuyệt, chỉ cần được nghe “ông (bà) có đau nhiều lắm không?”. Đơn giản hơn là để được nói: “Hổm rày, mình mẩy ê ẩm, chắc trời sắp đổ mưa”.

Những chuyện ấy nói với ai.

Nói với con cái, con cái không quan tâm, vì chỉ là bệnh tuổi già. Và họ còn bị công việc cuốn đi.

Nói với láng giềng, láng giềng cảm thương đó rồi quên đó.

Chỉ có nói với người kề cận kế bên, thì mới nhận được cái nhìn thông cảm, sự lo lắng yếm âu.

Vậy thôi mà.

Như ở nhà, ba tôi hay sợ mình bệnh. Sợ là bởi, như ba thường nói với má: “Anh có sao, thì ai lo cho em?”.

Người già hay lo lắng.

Ai đi trước, ai đi sau là cả vấn đề choán hết tâm tưởng.

Người đi trước, bao giờ cũng nhẹ lòng hơn người đi sau.

Gần nhà tôi ở quê, có vợ chồng ông bà Tước. Bà dáng người nhỏ, ông dáng người cũng như bà.

Cả đời chỉ biết cắm mặt vào mảnh vườn con con lo cho con cái. Vợ chồng ông bà, có nhiều nỗi lo.

Niềm vui duy nhất trong ngày của ông là kéo đàn cò. Loại nhạc cụ, mỗi khi vang lên lại phát ra âm thanh nặng mùi liêu trai.

Già, ông đi trước.

Xóm vắng bặt tiếng đàn. Thời gian đầu, họ còn nhắc đến ông. Thời gian sau, họ quên bẵng.

Chỉ còn bà, ngày nào cũng thắp nhang, đứng rất lâu trước bàn thờ ông lầm rầm nói gì đó.

Ông còn sống, bà với ông hay đi bộ cùng nhau vào vườn.

Ông đi rồi, bà lủi thủi một mình.

Có lúc về quê, tôi ngồi nhìn chiều trôi, thấy cái bóng bà đổ dài dưới đường, tay xách giỏ lác, đầu vấn khăn…

Sự cô đơn hiển hiện về làm mình thảng thốt.

Đôi khi, nghĩ sau này mình già, sẽ về lại quê. Trồng một ít cây xanh, nuôi đàn cá, thêm vài con chim cu gáy… Sáng uống trà nghe chim cu gù. Trưa mở đài nghe giọng phát thanh viên rỉ rả trên cái đài cũ. Chiều đánh cờ hay đi bộ với mấy cậu bạn thuở thiếu thời.

Con cái, cứ sải chân mà đi.

Còn mình, ru rú nơi này như thời trẻ dại.

Nghĩ là nghĩ vậy, mơ là mơ vậy.

Nhưng chẳng may, người cùng bước với mình chặng đường dài thế, lại đột ngột bỏ mình ra đi, hỏi làm sao mà mình không trào nước mắt.

Hỏi làm sao mà mình không than vắn thở dài.

Lúc đấy, mình biết tâm sự với ai?

3.Đọc báo, thấy có câu chuyện làm mình bùi ngùi. ở một tỉnh thuộc phía Bắc, có vợ chồng già nương tựa nhau.

ông bà có anh con trai, lập gia đình đã ra ở riêng. Như cha mẹ, anh con trai nghèo túng, không giúp đỡ gì được cho cha mẹ.

ông nhỏ hơn bà 5 tuổi. Bà năm nay đã đúng tám mươi.

Do di chứng của một lần bệnh, bà mất hoàn toàn xương ngay phần đầu gối. Đi đứng rất khó khăn.

ông, tuổi tác đã cao, tiều tụy, cả ngày chỉ hết đứng rồi ngồi, đi lại là điều ngoài khả năng.

Mỗi tháng, ông bà được chính quyền xã hỗ trợ cho 400 nghìn đồng.

Với bấy nhiêu tiền, ông bà phải tính toán rất chi li cho việc chi tiêu, sao đừng hao hụt vào tháng sau. Chủ yếu là để mua gạo và nước mắm.

Mỗi ngày, bà lết sang nhà hàng xóm, xin nước về nhà để cho ông sinh hoạt.

Có chi tiết trong bài báo, kể là khi phóng viên đến viết về hoàn cảnh của ông bà vô tình ngay bữa trưa, thấy trên đĩa có ít thịt luộc. Đó là món quà của hàng xóm.

Bà nhường ông ăn, ông ép bà ăn, đẩy qua đẩy lại chẳng ai chạm đũa vào.

ông muốn bà ăn để có sức, vì bà phải đi xách nước mỗi ngày.

Bà muốn ông ăn, chất đạm trong thịt giúp ông thêm sức khỏe.

Chi tiết này, là chi tiết đắt.

Nhưng không loại trừ khả năng, là do phóng viên phóng tác.

Tuy nhiên, tôi tin đây là sự thật.

Bởi đơn giản, người già thường không nghĩ cho mình.

Vậy đó, mà nỡ lòng nào có trang báo mạng lấy lại bài viết trên, rồi sửa tít thành “Bà cụ 80 tuổi, lết đi xin nước về tắm cho chồng trẻ”.

Chi vậy, trời ạ.

Giật tít chỉ là một kiểu để kích thích sự tò mò của bạn đọc, tùy thuộc vào quan điểm của những người làm nội dung của trang mạng hoặc một tờ báo.

Chạm vào sự ấm áp cuối cùng còn sót lại của tuổi già, để làm trò câu lượng người truy cập, liệu có phải là điều báng bổ và tàn nhẫn quá hay không?

Tôi không thích hai câu dạng Bút tre của nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh, theo trí nhớ là: “Và rồi chúng ta sẽ già/ Leo lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân”.

Dẫu, đó là một chiêm nghiệm hoàn toàn chính xác diễn đạt bằng những ngôn từ tếu táo.

Ai đó hay bảo, khi ta sinh ra, ta khóc, còn mọi người cười. Hãy sống sao đó, để khi ta nằm xuống, ta cười, còn mọi người khóc.

Lại bảo, hãy sống để khi nằm xuống, trên mộ bia có khắc dòng chữ “Đây là nơi yên nghỉ của một con Người”.

Chữ Người viết hoa.

Đương nhiên, biết sống rất khó. Nhưng chuyện hư vô, có ai biết đâu mà suy đoán này kia. Đời sống phức tạp, kinh nghiệm là tự tích lũy, khuyên thiên hạ ai khuyên mà chẳng được.

Chỉ là, khi mình già đi, mình sẽ khác.

Nhìn cuộc đời bằng nhãn quan khác.

Tư duy sẽ suy nghĩ khác.

Cách hành động, sẽ khác…

Mọi thứ đều khác biệt cả.

Vậy thì, cứ để người già sống với tuổi già.

Mắc mớ gì đâu mà cấm đoán, mà gièm pha.

Bởi ai rồi cũng phải già… Để ngồi lặng yên, chong mắt ngong ngóng về những ngày xưa cũ

Ngô Nguyệt Lãng
.
.