Từ thẻ xăm tới… thẻ mực

Thứ Hai, 06/07/2020, 11:10
Nghĩ lại thấy buồn cười. Ngày kia, anh bạn già của y vốn nhạc sĩ nhưng lại được quận phân công phụ trách đình nọ miếu kia. Chuyện gì xảy ra sau đó? Kể sau. Nhưng chính lui tới nhiều lần nơi làm việc của bạn, y bắt đầu quan tâm đến xin xăm.

Ai cũng biết rằng, ở nơi thánh thần linh thiêng này đều có xin xăm. Không chỉ có xăm Bà mà còn có xăm Ông Quan Đế. Trong mỗi ống tre đều đựng 100 thẻ xăm. Mỗi thẻ đều có ghi số. Người xin xăm, sau khi thành tâm khấn vái trước bàn thờ, nhang đèn nghi ngút, cầm cái ống đựng thẻ xăm, quỳ xuống và nhẹ nhàng lắc tay, hễ cái thẻ nào rơi ra ngoài trước hoặc nhô lên cao nhất thì chọn lấy, tức điều mình khấn nguyện ứng vào thẻ ấy. 

Ở phía ngoài sảnh có cái tủ màu đỏ gồm nhiều hộc nhỏ, trên cửa ghi thứ tự các con số, ta nhìn thẻ xăm số nào thì mở hộc tủ số ấy, trong đó, có đựng lời giải. Lời giải là các câu thơ tứ tuyệt in trên miếng giấy nhỏ màu hồng cỡ bàn tay. Mặt này ghi chữ Hán, mặt kia dịch ra chữ Quốc ngữ. Thử chép lại lời thơ xăm số 1 của xăm Bà là Đỉnh khôi (Thượng thượng):

Xuân về vạn vật mới thay

Muôn hồng nghìn tía ấy ngày xinh tươi

Mai sớm, hạnh chậm đến nơi

Kết bông đơm trái nhằm thời mới nên

Còn đây, lời thơ xăm số 1 của xăm Ông Quan Đế là Đại kiết:

Một mình thong thả hưởng vân giang

Điện ngọc đền vàng nhất phẩm ban

Phú quý vinh huê thiên tải định

Phước như biển cả, thọ như san

Ngoài thơ, còn có cả lời bàn luận ngắn, chỉ đôi dòng. Vắn tắt khó tiếp thu, khó hiểu quá, nếu ai muốn hiểu thêm, cứ việc nhờ ông thầy giải quẻ xăm ngồi ở cái bàn bên cạnh giải thích cụ thể hơn, xong, bỏ ít tiền vào cái thùng phước sương tùy hỉ, không quy định cụ thể. Năm kia năm kìa, qua chơi Singapore, khi vào đền miếu mạo, y cũng đã từng xin xăm. Có điều, với các lời giải này người ta in trên giấy rất đẹp, có thể cất giữ làm kỷ niệm. Lại sực nhớ đến vài câu thơ của Bàng Bá Lân nhớ về năm tháng dĩ vãng:

Những bàn tay già gầy guộc

Còn lay ống thẻ đầu năm?

Và ở miền quê yêu dấu

Đình chùa miếu mạo ra sao?

Hội hè nô nức xôn xao

Cây đu còn dải yếm đào đùa bay?

Với các lời thơ, lời giải về quẻ xăm, chẳng thể biết ai đã soạn ra? Thập niên 1960 tại Sài Gòn, cơ sở ấn loát, phát hành Trí Đức thư xã đã có in loại sách này, ngoài bìa ghi “đúng theo đúng bản cổ truyền”. Cổ truyền là bản nào thế? Bó tay. Y không thể biết mà cũng chẳng quan tâm, chỉ quan tâm và biết một điều mà thiên hạ đều biết: không ai gọi que xăm, cây xăm, cái xăm. Phải gọi thẻ xăm.

Ảnh: L.G

Một khi nhắc đến từ thẻ, dám đồ rằng trong trí nhớ của nhiều người dẫu hiu hắt, nhớ nhớ quên quên nhưng vẫn lập tức nhớ đến “chuyền thẻ”. Chuyền thẻ là tên gọi một trò chơi từ năm tháng ăn chưa no, lo chưa tới đã từng chơi. Chơi hồn nhiên, vô tư, rôm rả tiếng nói cười mà nay tưởng như đâu đó trong dĩ vãng êm đềm, âm thanh ấy vẫn còn vọng lại. Bấy lâu nay, y đã làm thơ. 

Thú thật, sức mấy có thể viết nổi những câu đồng dao thanh thoát, du dương đến cỡ này trong trò chơi chuyền thẻ: “Cái mốt/ Cái mai/ Cái trai/ Cái hến/  Con nhện/ Vương tơ/ Quả mơ/ Quả mít/ Chuột chít/ Lên bàn đôi/ Đôi tôi/ Đôi chị/ Đôi cành thị/ Đôi cành na/ Đôi lên ba/ Ba đi ra/ Ba đi vào/  Ba cành đào/ Một lên tư/ Tư ông sư/ Tư bà vãi/ Hai lên năm/ Năm con tằm/ Năm lên sáu/ Sáu củ ấu/ Bốn lên bảy/ Bảy lá đa/ Ba lên tám/ Tám quả trám/ Hai lên chín/ Chín cái cột/ Một lên mười…”. 

Nhịp nhàng quá đỗi. Khi ông Nguyễn Vỹ viết những câu thơ: “Sương rơi/ Nặng trĩu/ Trên cành/ Dương liễu.../ Nhưng hơi/ Gió bấc/ Lạnh lùng/ Hiu hắt/ Thấm vào/ Em ơi/ Trong lòng/ Hạt sương/ Thành một/ Vết thương”, biết đâu cũng do ảnh hưởng từ bài đồng dao này?

Với từ thẻ này, dân ca miền Nam có hò thẻ mực.

Theo nhạc sĩ Lư Nhất Vũ: “Là một điệu hò trên Hòn Ông trong quần đảo Nam Du tỉnh Kiên Giang. Lối hò này như một ca khúc hiện đại, giai điệu uyển chuyển, mộc mạc, trẻ trung; nhịp điệu sôi nổi rộn ràng với nhiều biến phách như tiếng đờn kìm trong đờn ca tài tử Nam bộ. Điệu hò này cần nhiều người diễn xướng mới xôm tụ”. Hò đi. Ừ, thì hò: “Anh em ơi! Xuống ghe cùng đi thẻ mực/ Thẻ mực tuy cực mà vui/ Thẻ mực tuy cực mà vui/ Mong sao cho đầy khênh mực để vui cùng vui vợ chồng…”.

Với người Trung, Bắc khi nghe câu hò này, có lẽ sẽ ngắc ngứ với từ thẻ. Y cũng vậy thôi. Bèn tra Đại từ điển tiếng Việt (1999) có cả thảy 4 nghĩa: 1. Mảng tre, gỗ, ngà… đẹp và mỏng, ghi hay đánh dấu gì: Người xưa viết trên thẻ tre; 2. Mảnh giấy ghi rõ tên tuổi… để chứng minh tư cách một người khi làm việc gì: thẻ cử tri, thẻ nhà báo, thẻ hội viên; 3. Vật nhỏ có hình dẹt, mỏng: thẻ hương, thẻ xương sườn; 4. Mảnh, miếng: một thẻ đất, một thẻ ruộng”.

Thế thì, với các nghĩa vừa nêu, thẻ ở đây hoàn toàn không thể áp dụng vào câu hò trên. Vậy “thẻ/ thẻ mực” nghĩa là gì? Thẻ có nghĩa là câu. Việt Nam từ điển (1971) giải thích rành rọt: “Thẻ mực: Câu mực ở biển (bể) bằng cách đốt đèn thật sáng cho mực tựu lại, đoạn thả nhợ có buộc nhiều tua hàng màu sặc sỡ xuống; khi cần động, thò vợt hớt mực lên”. Khi đọc câu ca dao: “Thế thường gần mực thì đen/ Anh em bằng hữu phải nên chọn người”. Mực này lại chính là… mực/ mực Tàu, dùng để viết, ban đầu từ thời nhà Hán là thỏi mực “có thể được làm từ than đá”; về sau đến thời Ngụy, Tấn “mực lấy từ muội củi cây thông xanh” (Tinh hoa tri thức văn hóa Trung Quốc - NXB Thế Giới - 2004, tr.1415). Với thỏi mực, muốn sử dụng thì phải mài.

Tục ngữ có câu: “Mài mực ru con, mài son đánh giặc”, ta hiểu phải mài mực với động tác khoan thai, nhẹ nhàng, không vội vã, hấp tấp cứ như đang tỉ tê, nhẩn nha, âu yếm “ru con”; có như thế, mực mới hòa tan thật nhuyễn, mịn, sóng sánh, không có bợn/ cợn. Ngược lại, với son dùng đóng triện, bút phê, châu phê và cần phải mài mạnh tay, dùng nhiều sức như đang “đánh giặc” vậy.

Kỹ thuật mài còn thấy ở câu: “Mực mài tròn, son mài dài”. Tròn và dài ở đây nói theo hình dáng của lòng đĩa, lòng nghiên. Mực có nhiều màu, chẳng hạn mực xanh, mực tím, mực đỏ nhưng hễ nói đến mực, người ta luôn nghĩ nó màu đen. Thậm chí, về tên gọi con mực, ông Huình Paulus Của còn cho rằng: “Loài cá biển, trong mình nó có thứ nước đen như mực”. Ngay cả loại cỏ mọc hoang, khi vò nát lá chảy ra nước màu đen, tên khoa học là Eclipta alba Hassk, thuộc họ nhà cúc. Loại cỏ này, nếu “hạn liên thảo” là cái tên cực kỳ hoa mỹ được gọi theo giới chuyên môn thì dân gian lại gọi nôm na, bình dân, dễ hình dung: cỏ mực/ cỏ nhọ nồi. Ai dám nói nhọ nồi không đen như mực?

Thật ngộ nghĩnh, nếu con chó lông rặt màu đen, người ta lại gọi “chó mực”, trong khi đó, gà đen lại gọi “gà ác”, ngựa đen gọi “ngựa ô”; mèo đen gọi “mèo mun”… Với cách gọi trên, thành ngữ có câu: “Chó đen giữ mực”. Ơ hay, xưa nay ta vẫn thường nói: “Nuôi chó giữ nhà, nuôi gà gáy sáng”, thậm chí “Chó già giữ xương” đấy chứ? Vậy mực ở đây ngầm ý của sự chơi chữ, khi mà đen/ mực cùng đồng nghĩa. Vì lẽ đó, ta hiểu rằng câu “Chó đen giữ mực” nhằm chỉ bản tính xấu xa cố hữu vốn có ở ai đó, ngoan cố, chứng nào tật nấy, không thể thay đổi được. Tương tự, Mèo lại hoàn mèo, Đánh chết cái nết không chừa, Ngựa quen đường cũ, Hổ chết chẳng hết vằn

Nhưng mực còn là mực mẹo, chừng mực, mực thước. Ngày y vào Sài Gòn ăn học, khi tiễn con ở sân ga Đà Nẵng, người mẹ âu yếm dặn dò: “Xa nhà, sống chung với anh em bầu bạn trong ký túc xá, con nhớ ăn ở cho đúng mực”. Cảm thấy chưa yên tâm, bà còn dặn thêm: “Con ơi, gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Chọn lấy bạn tốt, ham học mà chơi. Rứa nghe con”. Rõ ràng, 2 từ mực trong ngữ cảnh này là sự đồng âm dị nghĩa.

Thành ngữ còn có những câu liên quan đến từ mực, chẳng hạn, Thẳng mực tàu, đau lòng gỗ. Nếu muốn cưa gỗ thẳng thì phải búng/ bật sợi dây mực làm dấu, sau đó, cứ thế mà cưa, không “on đơ/ một hai” bàn cãi lôi thôi gì nữa cả; hiểu theo nghĩa bóng là lời nói ngay, nói thẳng thắn, không quanh co úp mở thì dễ gây mếch lòng người khác. Cầm cân nảy mực hiểu theo nghĩa bóng là điều khiển công việc công bằng, hợp lý, không thiên vị.

Trở lại với câu hò: “Thẻ mực tuy cực mà vui”, xin hỏi lắt léo một chút, thế thì vài trăm năm trước, từ thẻ được hiểu như thế nào?

Từ điển Việt -Pháp (1898) của J.F.M Génibrel có ghi nhận “Đi một thẻ” là đi một mạch/ đi một lèo/ đi một hơi/ đi một nước”. Xa hơn nữa, Từ điển Việt-Bồ-La (1651) giải thích: “Thẻ đàng: Chia đường ra thành nhiều phần mà mỗi người phải đắp hay phải lấp một phần”. Với câu: “Nay xin thẻ, mai xin bói” trong Từ điển Việt - Hoa - Pháp (1937) của Gustave Hue, có phải “thẻ” ở đây là thẻ xăm/ xin xăm mà thuở Từ điển Việt-Bồ-La (1651) của A. de Rhodes gọi là thăm hoặc găm cũng đồng nghĩa? Suy luận như thế, liệu có đúng không? Xin dành câu trả lời cho các nhà ngôn ngữ học. 

Sở dĩ suy luận vì rằng, chịu khó tra sách các loại, y mới biết rằng, mãi đến năm 1931 (?), từ “xăm” mới được ghi nhận vào từ điển, cụ thể Việt Nam tự điển của Hội khai Trí Tiến Đức giải thích: “Xăm: Quẻ thẻ xin thần thánh ứng cho biết việc tương lai”.

Trong khi chờ câu trả lời chuẩn từ giới chuyên môn, cho y thòng thêm câu này nữa, hiện nay, vẫn còn hình thức rút thăm. Hỏi, nó ra đời từ lúc nào? A. de Rhodes cho biết: “Thăm: Thăm được gieo xuống hay rút ra. Bỏ thăm: Gieo thăm xuống. Bẻ thăm: Rút thăm bằng những cọng rơm rạ; khi một người dùng tay che các thăm ấy, rồi ai nấy tình cờ rút được thăm dài hay ngắn của mình. Bẻ thăm, bẻ găm cùng một nghĩa”. Nay, từ “găm” đã không còn ai sử dụng nữa.

Trở lại với chuyện anh bạn nhạc sĩ của y được quận phân công phụ trách đình nọ miếu kia. Ngày kia, anh nhận lệnh từ cán bộ văn hóa địa phương là cần thay đổi các lời giải của thẻ xăm với lập luận, đại khái, thời buổi sau chiến tranh còn khốn khó quá, thiên hạ đi chùa chiền, miếu đền khấn vái càng nhiều và tất nhiên cũng xin xăm. 

Thế nhưng không phải xăm cũng cho biết sẽ gặp điều hanh thông, may mắn, tốt đẹp mà còn có những lời u ám, tai nạn, xúi quẩy… Chi bằng, thay đổi các lời giải ấy. Hễ bắt trúng xăm nào, đọc xong, họ cũng cười toe toét như được mùa, như trúng số vietlott. Nghe cũng có lý. Thế là toàn bộ nội dung lời giải thẻ xăm đã thay đổi theo chiều hướng đó. Muốn thế phải đặt lại các câu thơ khác. 

Nay, nghĩ lại thấy buồn cười. May, thời đó chưa có internet, chứ không mấy lời giải các thẻ xăm này, thiên hạ sẽ phát hiện ra ngay. Mà thật ra, chẳng hại gì. Chuyện tương lai mơ hồ, chẳng biết thế nào nhưng vớ phải thẻ xăm báo hiệu điều chẳng lành, tức thì lo ngay ngáy. Khổ tâm lắm dẫu đúng sai chưa thể biết nào. Nhưng gặp quẻ xăm cỡ Đại kiết vẫn thích hơn.

Ai cũng thế thôi.

Lê Minh Quốc
.
.