Kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô

Từ “Ngày về” của Chính Hữu đến “Lại về” của Tố Hữu

Thứ Tư, 05/11/2014, 11:50

Hai nhà thơ cùng tên bút danh là Hữu, có cùng những bài thơ về ngày Giải phóng thủ đô, nhưng khác với “Lại về” của Tố Hữu viết trong cảm xúc ngày chiến thắng, bài thơ “Ngày về” của Chính Hữu được viết vào năm Trung đoàn Thủ đô đi kháng chiến, năm 1947. Làm sao chàng trai 21 tuổi Chính Hữu đi chiến đấu mà biết trước, mà tin chắc rằng sẽ có “Ngày về”? Chỉ có linh cảm của người tha thiết với cuộc đời và một trái tim nhạy cảm của thi sĩ mới viết nên những câu thơ như thế.

“Ngày về” - giấc mơ hòa bình trước bảy năm

Nói đến nhà thơ Chính Hữu (Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2001), người có tới có 3 bài thơ được phổ nhạc và trở thành “những bài ca đi cùng năm tháng”. Đó là các bài Ngày về (nhạc sĩ Lương Ngọc Trác phổ nhạc thành bài hát cùng tên, năm 1947); Đồng chí (nhạc sĩ Minh Trí phổ nhạc thành bài hát Tình đồng chí năm 1949 và bài Ngọn đèn đứng gác (nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc năm 1966. Nhưng cái lạ của Chính Hữu lại ở bài thơ Ngày về. Hãy đọc lại bài thơ để thấy tài năng của chàng lính trẻ Chính Hữu lúc anh đang có mặt trong biên chế của Trung đoàn Thủ đô năm ấy: 

Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu
Đêm nay mơ thấy trở về Hà Nội
Bao giờ trở lại?
Phố phường xưa gạch ngói ngang đường
Ôi hôm nay họ nhớ mái nhà hoang
Bức tường điêu tàn ngày xưa trấn ngự
Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa
Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
Mái đầu xanh thề mãi đến khi già
Phơi nắng gió. Và hoa ngàn cỏ dại
Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội
Trở về, trở về, chiếm lại quê hương
Nguy nga sao cái buổi lên đường
Súng chuốt gươm lau, mắt ngời sáng quắc
A ha! Nhà xiêu mái sập
Xác oan cừu ngập lối chân đi
Gạch ngói xưa mừng đón gót lưu ly
Bước căm giận xéo quân thù lớp lớp
Mịt mù khói ngợp
Cờ máu huy hoàng
Phất nắng
Ôi bài chiến thắng reo vang.

(1947)

Có thể nói Ngày về là khát vọng của chàng lính trẻ Chính Hữu về ngày hòa bình cho đất nước và nhất là với thủ đô yêu dấu. Những câu thơ ngày ấy bây giờ đọc lên bỗng dưng làm lòng ta xúc động, tự hào về một thế hệ thanh niên lãng mạn và kiêu hùng: Mái đầu xanh thề mãi đến khi già/ Phơi nắng gió. Và hoa ngàn cỏ dại/ Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội/ Trở về, trở về, chiếm lại quê hương…

 Nhưng từ lâu tác giả chỉ coi đây là phần lời cho bài hát Ngày về của nhạc sĩ Lương Ngọc Trác. Trên thực tế bài thơ Ngày về hoàn chỉnh có tất cả 26 câu như trên. Chỉ khi làm Tuyển tập Chính Hữu, 50 năm sau, năm 1998 ông mới chịu đưa Ngày về vào phần phụ lục. Vì sao vậy? Có lẽ trước hết đây là bài thơ lạ. Một bài thơ có tính dự báo. Làm sao mà một chàng vệ quốc đoàn mới 21 tuổi đã viết ra những câu thơ dự báo đến giật mình từ năm 1947, nghĩa là trước ngày hòa bình đến… bảy năm! Thứ hai, bài thơ mang tính chất lãng mạn “tiểu tư sản” như suy nghĩ một số người thời ấy. Và có một thời người ta sợ sự yếu mềm, sợ cả những nỗi niềm thân phận cho nên đôi khi bỏ quên hoặc tránh nhắc đến ngay với chính đứa con tinh thần của mình:

Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa

Thời gian ghi dưới bài thơ là năm 1947, năm mà các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô của Chính Hữu cùng người Hà Nội vượt sông Hồng trong đêm thực hiện cuộc rút lui chiến lược lên Chiến khu Việt Bắc, tiếp tục cuộc chiến đấu trường kỳ gian khổ. Nhưng bài thơ như lời hịch xông trận của những chàng trai đất kinh kỳ: Tiếng gọi của những người Hà Nội/ Trở về, trở về, chiếm lại quê hương. Ngày về có thể được xem là bài thơ đầu tay của Chính Hữu. Trong khói lửa chiến chinh, lời bài hát Ngày về được bộ đội ngân nga như giục lòng người chiến sĩ:

Súng chuốt gươm lau, mắt ngời sáng quắc
A ha! Nhà xiêu mái sập
Xác oan cừu ngập lối chân đi
Gạch ngói xưa mừng đón gót lưu ly
Bước căm giận xéo quân thù lớp lớp
Mịt mù khói ngợp
Cờ máu huy hoàng
Phất nắng
Ôi bài chiến thắng reo vang…

Âm hưởng bản nhạc Ngày về của Lương Ngọc Trác mang tính chất anh hùng ca, trong giai điệu vừa oai hùng vừa lãng mạn, đúng như tâm hồn hào hoa, khí phách của những người lính thủ đô ra đi ngày ấy.

“Lại về” - một thi phẩm đẹp tặng Hà Nội trong ngày vui giải phóng

Bây giờ lúc thành phố tưng bừng đón 60 năm ngày thủ đô giải phóng, lòng mỗi người chúng ta lại vang lên những lời ca điệu nhạc vang vọng một thời. Và những câu thơ của Tố Hữu cùng ùa về trong ký ức những người con của thành phố, nhất là những người từng đi qua thời ấy… Trong những ngày vui đón đoàn quân chiến thắng trở về thủ đô sau chín năm kháng chiến trường kỳ, Tố Hữu đã xúc động viết bài thơ tặng người Hà Nội… Bài thơ Lại về được xem là thi phẩm khá lạ so với phong cách thơ Tố Hữu. Có lẽ cảm xúc ngày về Hà Nội của đoàn quân chiến thắng  giữa tưng bừng cờ hoa  đã làm ông lâng lâng niềm vui xen lẫn tự hào và Lại về được viết trong tâm trạng đó.

Giữa Thủ đô
Cụ Hồ về
Bộ đội
Tiến vào năm cửa ô.

Về đến đây rồi, Hà Nội ơi
Người đi kháng chiến tám năm trời
Hôm nay về lại đây Hà Nội
Ràn rụa vui lên ướt mắt cười
Đường quen phố cũ đây rồi
Thủ đô tươi dậy mặt người như hoa
Vườn hồng ngớt gió mưa qua
Cờ hoa đỏ nắng, mái nhà vàng sao...
Tay vui sóng vỗ dạt dào
Người về kẻ đợi, mừng nào mừng hơn?
Biết bao vui sướng tủi hờn
Trông nhau mà tưởng như còn trong mơ
Hồ Gươm xanh thắm quanh bờ
Thiên thu hồn
Nước mong chờ bấy nay
Bây giờ đây lại là đây
Quốc kỳ đỉnh tháp, sao bay mặt hồ...

Đó là tiếng reo vui giữa ngày chiến thắng: Đường quen phố cũ đây rồi/ Thủ đô tươi dậy mặt người như hoa. Phải nói thi sĩ kiêm nhà chính trị Tố Hữu đã nắm bắt rất nhanh tâm trạng xã hội lúc bấy giờ. Ông viết bài thơ ngay trong những ngày vui ấy, nhưng tư tưởng bài thơ mang tính chất sử thi, đánh dấu thời khắc lịch sử 60 năm về trước đã đi vào lòng người và đã được ngâm lên cho đến tận bây giờ. Thơ viết ngỡ cho thời sự, kịp phục vụ chính trị, động viên quân dân ngày về lại, nhưng hồn thơ đẹp và tầm vóc bài thơ thì mang tầm một thi phẩm lớn.

Nhà thơ Tố Hữu.

Không chỉ có nụ cười. Trong niềm vui dào dạt của muôn người, với trái tim thi sĩ, ông đã nhìn thấy đằng sau chiến thắng bao giờ cũng có sự trả giá bằng những đau thương mất mát.  Để có được hòa bình độc lập, biết bao máu xương đồng chí đồng bào đã đổ xuống trên chiến trường… Hôm nay về lại đây Hà Nội/ Ràn rụa vui lên ướt mắt cười. Vâng! Trong niềm hân hoan của thành phố mừng giải phóng, có cả những ngậm ngùi trước bao nhiêu mất mát hy sinh của những người con Hà Nội “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Nhớ lúc Trung đoàn Thủ đô vượt sông Hồng đi kháng chiến mùa đông năm ấy, Nguyễn Đình Thi đã viết: Đêm cái đêm rút qua Gầm Cầu/ Anh, anh đã hẹn ngày mai anh trở lại… Nhưng  nhiều người đã không còn được về lại trong ngày chiến thắng  tiếp quản thành phố như đã hẹn. Vui đấy mà mắt thì đẫm lệ. Lệ mừng hay là nước mắt nhỏ xuống trong ngày chiến thắng đều mang ý nghĩa ngậm ngùi. Phu nhân tướng  Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban quân chính Hà Nội ngày hòa bình - một người chinh phụ, một vọng phu thời Chín năm có lần kể với tôi rằng: “Ông ấy là chỉ huy nên suốt chín năm chả mấy khi ghé thăm nhà. Kháng chiến trường kỳ gian khổ thế, vừa thương người ra trận, lại thương phận người ở lại hậu phương mòn mỏi mong chờ”. Chín năm kháng chiến bao nhiêu lứa đôi xa cách, những người lính vệ quốc để lại vùng tạm chiếm những người thân yêu… Trong ngày vui trở về ấy có những nỗi niềm rất trần thế… Người về kẻ đợi mừng nào mừng hơn/ Biết bao vui sướng tủi  hờn.

Trong trái tim người thi sĩ lớn ấy có tình cảm thiết tha cao đẹp ông dành cho Hà Nội. Còn nhớ ngay từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong thi phẩm Vui bất tuyệt, thi sĩ  đã viết: Vui quá đêm nay/ Ta nhảy/ Ta bay/ Trong lòng Hà Nội… Mới hay thơ của ông “đi trước thời đại”. Hình như ông đã tiên đoán về một tương lai rực rỡ huy hoàng cho thành phố thân yêu và đất nước Việt Nam ngàn lần yêu dấu lúc đất nước vẫn đang kháng chiến trường kỳ và gian khổ…

Trong tâm trạng khó tả, Tố Hữu đã nói hộ lòng người thủ đô phút giây đầu tiên ấy. Nói là “bài thơ lạ”, dù hơi thơ, mạch thơ đọc lên vẫn là của Tố Hữu, nhưng bởi vì chỉ trong một bài thơ mà ông đã sử dụng nhiều dạng thơ khác nhau, lúc thì bốn, năm chữ, rồi thì thất ngôn và lục bát…

Sáu mươi năm thủ đô giải phóng, bây giờ giở lại những thi phẩm một thời thấy thật thú vị. Tiếng lòng nhà thi sĩ rõ ràng đã rất nhạy cảm trước thời cuộc, xuất phát từ khát vọng hòa bình độc lập cho đất nước. Hai thi sĩ tên Hữu, Tố Hữu và Chính Hữu như có chung tiếng lòng ấy. Bây giờ thì cả hai người đã ra người thiên cổ, nhưng những gì viết về Hà Nội ngày trở về sau “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” năm nào thì mãi còn đây như những áng hùng văn thời đại Hồ Chí Minh…

Tân Linh
.
.