Trò chuyện với một người bất hạnh

Thứ Tư, 26/02/2020, 00:34
Người đó là bạn tôi, một người rất thân, chơi với nhau 20 năm từ thuở thiếu thời cho đến khi cùng ra nước ngoài lập nghiệp, thêm 5 năm cùng sống ở Sofia (Bulgaria), chỉ công việc khác nhau.

Hết 5 năm tôi về nước, Liên ở lại, cùng chồng buôn bán làm giàu. Liên bảo tôi là dở hơi, điều kiện thuận lợi, lương thì cao, tiếng Bun lại thuần thục làm ăn với người bản xứ dễ dàng lại bỏ về để ăn khoai mì luộc…

Kể từ ngày đó đến nay là 30 năm. Chúng tôi vẫn biết tin của nhau và gặp nhau mỗi lần Liên về nước thăm con, nhưng bẵng đi 10 năm không gặp. Vào một ngày trước thềm năm mới, tình cờ tôi gặp Liên khi đi ngang qua khu vực hồ Hoàn Kiếm. Lúc đó Liên đang ngồi trên chiếc ghế có lưng tựa mắt nhìn vô cảm về phía mặt hồ.

Tôi không nhận ra, đã đi quá mấy bước, bỗng nghe Liên gọi: "Có phải T. đấy không? T. ơi". Giọng nói quen thuộc khiến tôi quay lại. "Ôi bà, bà… mày, Liên đấy à? Chao ôi, sao mà… thế này?". Ôm chầm lấy nhau, cả hai chúng tôi cùng trào nước mắt.

- Tao mất hết rồi, không còn gì nữa, đang định về hẳn, tao vẫn dõi theo thông tin về mày, tao biết mày bây giờ… nên tao ngại, nói đúng hơn là… ngượng, không chỉ với mày, tao không thiết gặp bất kỳ ai… bất hạnh quá mức của tao khó có thể hình dung… (Liên nức nở)

- Thôi nào, thôi nào - Tôi vỗ vỗ vào lưng nó.

- Tao nên chịu đựng một mình… Tao nhận ra muộn quá, không còn cơ hội để sửa chữa… Tao chỉ muốn chết thôi.

Tôi cũng nghẹn ngào, thương nó quá, và cũng khó có thể nói gì vào lúc này khi thấy nó tiều tụy, già và ảm đạm đến mức rất giống một bà cụ cô đơn. Tôi buông Liên ra, nhìn sâu vào mắt nó, cái nhìn đầy an ủi:

- Thôi thôi, không bao giờ là muộn cả. Bây giờ bọn mình đi uống cái gì đó thật nóng cho lại người đã… ngồi đây lạnh quá… rồi sẽ ổn thôi… tao hứa… tao sẽ cùng mày, hỗ trợ mày… làm lại từ đầu…

Tha hương và giàu có…

Hồi đó, chúng tôi đều là những người phụ nữ nhanh nhẹn tháo vát, có tiếng đảm đang tài khéo trong cộng đồng người Việt ở Bulgaria. Xuất phát điểm của chúng tôi giống nhau, cùng đi nước ngoài làm kinh tế gia đình, nhưng tôi còn có ước mơ sáng tác (chả là tôi đã học Đại học Mỹ thuật dang dở) cái ước mơ mà Liên luôn đem ra cười giễu hằng ngày, mặc dù trước đó Liên cũng đã từng học trong nhạc viện…

Liên bảo: tao chả thấy cái gì hay ho, bọn văn nghệ sĩ đứa nào đứa ấy đều hâm, làm ra được vài ba câu thơ thì vật vã bơ phờ như con nghiện, vẽ vời đến mức như Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên cũng chỉ đem đổi lấy cà phê để uống, để vợ con nheo nhóc, ông L. còn không dám lấy vợ nữa ấy chứ.

Mày chắc biết rõ, nghệ thuật á, học cả đời có người chưa chắc đã thành công, tranh của các bậc thầy thì đời cũng chỉ xin thôi chứ có đứa nào mua. Nhạc cổ điển thì chả có ma nào mua vé. Quên đi, quên khẩn trương đi đấy… Mày về vì nhớ con thì tao chịu, chứ nhớ quê hương đất nước thì… nó chung chung quá, theo tao ở đâu có tình thương thì ở đó là quê hương…

Tôi nhớ mãi điều nó nói. Tôi không thể tranh cãi khi những sự thật buồn đang bày ra trước mắt. Nhưng có một điều gì đó trong thâm tâm tôi vẫn thấy điều nó nói không đúng với tình cảm đang có trong tôi.

Tôi bảo: "Tao chấp nhận quay trở về để theo đuổi giấc mơ nghệ sĩ dù có phải nghèo túng hơn, có phải tiêu hết số vốn vừa nhọc nhằn kiếm được. Tao nghĩ xã hội cần các nhà khoa học, các kỹ sư, công nhân, bác sĩ và những người kinh doanh giỏi như mày, nhưng cũng cần và có khi là cần nhất những người nghệ sĩ. Mày chắc còn nhớ, Đốt (Dostoievsky) vẫn bảo cái đẹp cứu chuộc nhân gian", nghệ sĩ là người tạo ra cái đẹp đó".

Nghe tôi nói Liên cười phá lên: "Thôi, xin bà đừng điên nữa, điên thế đủ rồi, mày mà không thơ phú văn vẻ vẽ vời mà dốc tâm như bọn tao thì mày còn giàu hơn bọn tao ấy chứ. Mày nghĩ kỹ đi, bọn nghệ sĩ có đứa nào ra hồn đâu, nghèo rớt mồng tơi. Còn phải lo cho con cháu đời sau nữa chứ".

Tôi ngậm ngùi bảo: "Đối với tao, giàu có nhất, để lại xứng đáng nhất cho bản thân hay con cháu là những gì đẹp đẽ mình làm ra. Khả năng tài chính cũng rất đẹp, rất giá trị, nhưng nó ẩn chứa nhiều tai họa mà tao sợ tao không kham được. Mặc dù tao chưa trải qua, nhưng đọc sách nhiều, sách dạy cho tao biết nghi ngại…".

Liên ở lại, tôi về nước. Cuộc sống trong nước luôn khó khăn gấp bội so với nước ngoài chưa kể kèm theo bao điều bực bội. Liên thì dư dả, gửi tiền thường xuyên về cho ông bà ngoại, để họ nuôi con của Liên. Gửi cả tiền mua nhà cho chúng ở khi chúng lớn. Trong giai đoạn  đất nước có chính sách cổ phần hóa, Liên gửi tiền cho con đầu tư, có cổ tức ở một vài doanh nghiệp phát đạt…

Tôi chật vật, vì chồng cũng là nghệ sĩ (không bán được tranh) có bao nhiêu vốn mang về tiêu hết song giấc mơ nghệ sĩ không bao giờ phai nhạt... Chúng tôi vẫn hỏi thăm nhau sức khỏe, biết về công việc của nhau nhưng tôi giấu biệt sự khó khăn của mình.

Có lần chồng Liên về nước một mình có mời vợ chồng tôi ăn ở một nhà hàng sang trọng. Bữa ăn tốn hơn 600 USD, chỉ riêng chai rượu đã 400 USD  rồi. (Nói thật khi chồng Liên gọi rượu, vợ chồng tôi tái mặt). Theo phong cách Tây là share (chia 3), nhưng chồng Liên gạt đi, nói "Bọn tớ biết hoàn cảnh các cậu, đừng sĩ nữa, để đấy". Chồng tôi nhăn nhó vì câu nói ấy. Tôi cũng cảm thấy tổn thương, cảm thấy ăn một bữa của người nhiều tiền, của sự thương hại thật là đắng. 

Chia tay nhau, chồng Liên có nói: Tôi có nhìn thấy tranh của ông, tôi không hiểu gì về nghệ thuật nên không bình luận, cũng thấy hay hay, nhưng nói thật, tôi chả có thì giờ nhìn ngắm nó, cũng chả có bức tường nào vĩnh viễn là của mình để mà treo nó, mọi ngôi nhà tôi có đều chỉ mua đi bán lại, nên thú thật, tôi không thể mua tranh của ông. Tôi tặng ông một ít tiền… Ông cầm đi đừng ngại… Vợ chồng tôi với bà nhà ông thân nhau lắm, ngày bên đó, bà ấy dịch cho bọn tôi, công ấy chưa trả…" .

Chồng tôi vốn ít nói, thậm chí nhút nhát, nhưng anh kiên quyết chối từ, rồi bẳn lên: "Ông cứ cầm lấy đi, ông mới là người cần tiền, chứ bọn tôi chỉ là thiếu tạm thời… mà cũng không phải là thiếu… bọn tôi chỉ là… đầu tư lớn mà ông không biết thôi". Nói rồi, anh cười vẻ bí ẩn. Nghe nói đến đầu tư lớn chồng Liên không nài nữa.  

Tối về nhà, tôi hỏi: "Ông đầu tư lớn gì thế?". Chồng tôi bảo, phải coi nghệ thuật là một cuộc đầu tư. Đầu tư nhiều rủi ro ấy chứ. Bà thấy đấy, các nhạc sĩ phải học trong bao nhiêu lâu, các ca sĩ, nhạc công dòng cổ điển cũng vậy, suốt từ lúc thơ ấu đến khi về già học liên hồi kỳ trận nhưng đời biết đến có là mấy, họa sĩ cũng vậy. Nhưng kệ. Chúng ta biết là đời rất cần.

Bà vẫn chả nhắc mãi cái câu của Cyprian Norwid (nhà thơ Ban Lan nổi tiếng) đấy thôi: "Cái đẹp khuyến khích chúng ta làm việc, và công việc nâng chúng ta lên". Chúng ta không làm việc là sẽ tha hóa, làm cái việc mà mình quen nhất thạo nhất luôn là tốt nhất. Cứ làm thôi, còn đời tiếp nhận thế nào là chuyện khác.

Đời cần cái đẹp, nhưng phải có văn hóa mới tránh được vô tình, vô cảm, xã hội nào cũng thế, thời đại nào cũng thế. Tôi nói đầu tư lớn là thế, tiền rất quan trọng, nhưng nếu có tiền mà sống như bạn của bà thì đáng thương quá. Tranh không có chỗ mà treo, không biết cái nào là đẹp, nhạc không nghe biết thế nào là hay, sách hay không bao giờ cầm mà đọc… vậy ông ta đáng thương hay tôi đáng thương…?   

Trở về hay chết ở xứ người?

Tôi và Liên ngồi với nhau rất lâu, dĩ nhiên tôi không kể lại những câu chuyện cũ, không nhắc lại những câu nói cũ, dù sự tổn thương đã từng sâu sắc. Những điều kể trên chỉ lướt qua trong óc tôi trong khi Liên nói về tình trạng hiện tại của cô ấy. Chồng đang mắc vào một vụ án bất động sản lớn, có nguy cơ đi tù.

Tài sản trong nước bị phong tỏa, số vốn còn lại trong các gói cổ phần ở nước ngoài chả còn là bao, lại thêm một trong số các con mắc phải tệ nạn nghiện hút. Nghe Liên kể tôi lạnh sống lưng, nhưng lập tức tôi hiểu nên làm gì để cứu bạn. Tôi bảo bạn hãy dứt hẳn chuyện buôn bán ở bên kia, quay về nước.

Tôi nói với Liên, đại ý là: đất nước mình còn nhiều bất cập, nhiều lắm, nhưng tha hương là một lựa chọn khó khăn của chúng ta. Nỗi nhớ quê hương gia đình không bao giờ nguôi luôn day dứt; thêm đó, người Việt nặng tình con cái, gia đình - sự ly tán luôn khiến tâm hồn khủng hoảng đó có thể là căn cớ làm cho đứa con mất phương hướng trở nên nghiện hút.

Tiền cũng quan trọng, nhưng vừa đủ sống và sống với thụ hưởng văn hóa mới là cuộc sống bình an và bền vững, văn hóa giống như vác-xin có thể ngăn ngừa những độc hại tinh thần. Tôi nhắc lại những ngày còn sinh viên, tôi và Liên đã từng mơ ước như thế nào…

Nhìn sự chán chường bơ phờ của Liên tôi nhất định rủ Liên vào rạp xem phim sau chầu cà phê. Rất may hôm đó có phim"Cuộc đời màu hồng" (La vie en Rose)/ một  Bản tình ca sinh ra từ "Đất nước của tình yêu". Bộ phim kể lại câu chuyện của những phận người vừa bước ra khỏi cuộc chiến, đất nước nhiều tệ nạn, nhiều thân phận con người tan nát, nhưng một người đàn bà (sống trong hoàn cảnh điếm nhục) có giọng hát lại đã viết ra một bài hát để khơi gợi những xúc cảm yêu thương và sự lạc quan.

Bài hát mang ý nghĩa "Cuộc sống màu hồng" hoặc "Cuộc sống qua lăng kính hoa hồng"… Người đàn bà đó là Edith Piaf , một giọng ca huyền thoại của nước Pháp và thế giới…

Xem xong, bước từ rạp ra, trông bạn tôi khác hẳn. Bạn nắm tay tôi, nói "Tao sẽ về mày ạ, muộn còn hơn không...". Tôi nắm tay bạn chặt hơn nữa, thì thào "đã có mình, tin ở tình bạn từ mình Liên ạ…".

Nhà văn Trần Thị Trường
.
.