Tôi thích ngửi mùi sách giấy buổi sáng

Thứ Năm, 13/07/2017, 19:20
Câu này, thực ra là tôi lấy cảm hứng từ câu nói của tay Trung tá thủy quân lục chiến Bill Kilgore (Robert Duvall đóng) trong bộ phim Apocalypse Now của cụ Francis Ford Coppola.

Kilgore nói: "I love the smell of napalm in the morning" - Tôi thích ngửi mùi bom napalm buổi sáng. Hắn nói với sự chân thật, sự say mê thực sự, chứ chẳng phải là một câu nói ẩn dụ gì sất. Hắn kể về một trận càn kéo dài suốt 12 giờ quét sạch cả một ngọn đồi, và cảm giác bước đi sau trận chiến ấy, giữa những xác người và mùi bom napalm vẫn còn trong không khí. Với hắn, đó là mùi của chiến thắng.

Tôi tin rằng, khi bạn sống trong một không gian nào đó, một khí quyển nào đó, bạn sẽ bị nhiễm cái atmosphere của nó. Đơn giản là nó đã ngấm vào bạn. Kilgore thích ngửi mùi bom napalm buổi sáng, bởi đơn giản hắn sống giữa mùi bom đạn chết chóc, lâu đến nỗi hắn bị nhiễm luôn cái atmosphere của chiến tranh. Một ngày không ngửi mùi bom buổi sáng, là một ngày không trọn vẹn.

Tôi thích ngửi mùi sách giấy buổi sáng, được lấy cảm hứng nguyên vẹn từ câu nói của Kilgore, một trong 100 câu thoại kinh điển và xuất sắc nhất của điện ảnh. Tôi yêu sách trước và đến với phim sau. 

Và có dạo phim cho sách vào một xó, nằm cô đơn lạnh lẽo trên giá phủ bụi, bởi tôi yêu sự cuồng nhiệt của sự chuyển động. Phim ảnh là sự chuyển động. Đôi khi xem phim không phải vì thưởng thức chúng nữa mà ta đã quen với sự chuyển động hình ảnh. Cái atmosphere của phim ảnh đã ngấm vào ta.

Nhưng rồi đến một lúc tôi nhận ra là phim ảnh không đủ với tôi, hoặc giả là tôi thèm cái atmosphere của sách vở mà một thời tôi đã từng say đắm trong đó khi bị bế tắc về ngôn ngữ hay diễn đạt một điều gì đó bên trong mình mà phim ảnh, với sự chuyển động liên tục của hình ảnh, không thể thỏa mãn được.

Vậy là tôi tập lại thói quen đọc sách. Cũng không đến mức cưỡng ép bắt buộc. Mỗi sáng thức dậy (tôi dậy khá sớm), vứt điện thoại ở nhà, xách theo một cuốn sách và ra quán cà phê. 

Ở nhà tôi để sách bất cứ ở đâu tiện tay túm được. Trên cái tủ để giày, bàn làm việc, toilet, bàn ăn, bàn sofa, giường, cái ban công có một nhúm cây xanh để uống trà buổi chiều và tiện tay đọc vài trang. Tôi đọc thư giãn, thoải mái và tận hưởng thực sự, không chạy theo phong trào, không vì một cuốn sách đang hot. Tôi đọc theo cảm giác, đọc vì sự tình cờ, đọc vì muốn sắp xếp, liên tưởng nào đó cho cái bài sắp viết. Và phần lớn là đọc lại những cuốn mà tôi từng thích. 

Ví dụ như tôi đọc lại Nghe mùi kết thúc chỉ vì xem trailer bộ phim chuyển thể sắp chiếu và có bà Charlotte Rampling đóng vai nhân vật nữ mà tôi nghĩ không ai có thể là lựa chọn tốt hơn. 

Tôi đọc Alexis Zorba - Con người hoan lạc vì một sáng bỗng thèm hoan lạc, thèm cái cách sống dậm dật phóng túng đã đời của lão già Hy Lạp ấy. Tôi đọc lại Di sản của mất mát để tận hưởng một bản dịch hay của anh Nham Hoa nhân tối hôm trước mới xem một bộ phim về Ấn Độ.

Tôi đọc lại Bảo tàng ngây thơ của Orhan Pamuk hay Tiếng cười trong bóng tối của Vladimir Nabokov để tận hưởng cái đê mê của những lão già trí thức say đắm với những cơn tơ tưởng ngoại tình và vật vã giữa ký ức và hiện tại, giữa đạo đức và những cơn cực khoái, giữa bổn phận và mê say.

Trong tháng 2 vừa rồi tôi đọc lại Walden - Một mình sống trong rừng của cụ Henry David Thoreau và Đừng mơ từ bỏ sách giấy - cuốn đối thoại triết học và văn chương của hai cụ Jean-Claude Carriere & Umberto Eco. Hai cuốn sách của những bậc thông tuệ, những kẻ thánh hiền.

Walden là một kiệt tác của Thoreau, nó không chỉ là văn chương mà còn là tiểu luận, ký sự, triết học về đời sống qua những trải nghiệm và tiên nghiệm của Thoreau - một sinh viên tốt nghiệp đại học Harvard, bỏ vào rừng sống hai năm trong một chòi canh bên cạnh hồ Walden ở vùng New England của nước Mỹ. 

Walden là cuốn sách viết về 2 năm đó của ông, nhưng nó không đơn giản là tường thuật lại những trải nghiệm đó (dù những trang viết về trải nghiệm của ông đẹp tuyệt vời), mà còn là những tiên nghiệm về đời sống, về con người, về nhận thức cá nhân của một người trí thức trước những bất toàn của đời sống và của chính họ.

Một trong những chương tôi thích nhất trong Walden là "Luật tối thượng". Luật tối thượng - Higher Law - theo chú thích của dịch giả Hiếu Tân là "Khái niệm thường được dùng bởi các nhà siêu nghiệm, ý nói có những bộ luật của lương tâm, còn cao hơn những luật lệ do con người đặt ra".

Thoreau viết: "Trên nhiều phương diện, sống giản tiện và khắc khổ đẹp hơn nhiều, và mặc dù chưa bao giờ làm thế, tôi đã đi đủ xa để thỏa mãn trí tưởng tượng của mình. Tôi tin rằng bất kỳ ai từng tha thiết bảo tồn những khả năng cao và mơ mộng của mình trong những điều kiện tốt nhất đã đặc biệt nghiêng về việc kiêng thức ăn động vật, và kiêng nhiều loại thức ăn khác". 

Và nữa: "Một người phàm ăn là người còn trong trạng thái ấu trùng, và có cả những dân tộc trong trạng thái đó, những dân tộc không có khả năng mơ mộng và tưởng tượng, những cái bụng khổng lồ của họ hé lộ cho ta thấy điều đó". (Dân tộc Việt Nam chúng ta chớ còn gì nữa).

Ông viết tiếp: "Chúng ta ý thức về con vật trong chúng ta, nó thức tỉnh chừng nào bản chất cao quý của chúng ta thiếp ngủ. Nó là loài bò sát và nhục cảm, và có lẽ không thể đuổi nó ra hoàn toàn, giống như những con giun chiếm cơ thể chúng ta". Thoreau dẫn Mạnh Tử: "Con người không khác xa với loài cầm thú, kẻ tầm thường thì rất dễ dàng mất nó, người cao thượng thì giữ gìn nó cẩn thận". 

Ông viết, "Ai biết được nếu chúng ta đạt đến độ thanh khiết, thì sẽ đến được cảnh giới nào? Nếu tôi biết được một người thông thái đến mức có thể dạy tôi sự thanh khiết, tôi sẽ lên đường tìm ông tức khắc". Ông kết: "Hạnh phúc biết bao kẻ chinh phục được con thú trong hắn, và phát hoang khu rừng hoang trong tâm trí hắn".

Đọc sách của những bậc thông tuệ này buổi sáng có cái cảm khoái của sự thanh tẩy, nhất là sau một đêm ngủ ngon giấc và cơ thể còn đang sạch sẽ chưa nạp cái gì vào mồm ngoài cà phê để kích thích não. Những người như Thoreau chắc không còn nữa, nhưng đọc đối thoại giữa hai ông Carriere và Eco cũng sướng lắm. 

Trong "Đừng mơ từ bỏ sách giấy", qua sự dẫn dắt của ông nhà báo Jean-Philippe de Tonnac, hai ông già thông tuệ lõi đời đối thoại đủ các chủ đề khác nhau. Hai ông khẳng định "Sách in sẽ không chết", "Không gì tồn tại ngắn ngủi hơn các công cụ hỗ trợ bền vững" rồi thì "Một cuốn sách xuất bản hôm nay là một bản in hậu cổ", "Chúng ta có được kiến thức về quá khứ nhờ những kẻ đần độn, ngu xuẩn". 

Hai ông cũng bàn về "tính tự phụ", "ca ngợi sự ngu ngốc", "internet hay sự không thể xóa bỏ thông tin", "kiểm duyệt bằng lửa" hay "Làm gì với thư viện của mình sau khi chết?".

Cả một khối lượng kiến thức đồ sộ về xuất bản, về sách in, về sự tự do, về kiểm duyệt, về sự ngu ngốc, về sự sáng tạo đều được hai ông đặt lên bàn, đọc vừa bổ não vừa mang lại những tiếng cười sảng khoái bên tách cà phê sáng.

Trong chương "Không gì ngăn được tính tự phụ", khi được hỏi rằng có phải văn hóa chỉ thích giữ lại những đỉnh cao sáng tạo và bỏ qua gần như toàn bộ những gì không phải là vinh quang và đòi đưa ra dẫn chứng về những "kiệt tác" thuộc loại này, ông Emberto Eco đưa ra hẳn một cái danh sách dài cười muốn phun cà phê. 

Một ông bác sĩ nổi tiếng nghiên cứu và đưa ra kết luận sự thủ dâm là nguyên nhân của tật mù, điếc và mất trí sớm; một ông nổi tiếng khác tuyên bố hùng hồn giang mai là nguyên nhân gây ra bệnh lao. Một ông từng xuất bản một cuốn sách về nhược điểm của tăm xỉa răng, ông khác viết cuốn sách về kỹ thuật đóng cọc vào hậu môn. 

Một ông tên là Foumel viết một cuốn sách về chức năng của đòn roi, cung cấp hẳn một danh sách các nhà văn và nghệ sĩ đã từng chịu đòn, trong đó có Boileau, Voltaire đến Mozart. (Nghe hay phết, tôi cũng muốn đọc).

Ông Jean-Claude Carriere cung cấp thêm, một ông viện sĩ Hàn lâm Pháp, Edgar Berillon đã viết một cuốn sách kết luận rằng người Đức đại tiện nhiều hơn người Pháp. Thậm chí nhờ lượng phân mà người ta biết được họ đang ở đây hay ở kia. 

Một du khách có thể biết được anh ta đã vượt qua biên giới giữa vùng Lorraine của Pháp với Palatinat của Đức khi nhìn kích thước các cục phân dọc đường. Ông ta viết hẳn một cuốn sách để nói về "Chứng đại tiện quá nhiều của chủng tộc Đức".

Sách in sẽ không chết. Đừng mơ từ bỏ sách giấy. Hai ông kết luận thế. Tôi cũng tin vào điều đó. Cửa hàng băng đĩa, phim ảnh mới 10 năm trước hưng thịnh là thế giờ chết thẳng cẳng vì phim lậu dâng tận mồm, vì Netflix và các trang phim trực tuyến dâng tận mồm; nhưng e-book và kindle, các ứng dụng đọc sách trên smartphone, máy tính bảng không thay thế được sách in, thậm chí bị sách in đè cho bẹp dí, nhất là ở Việt Nam. 

Các nhà sách mọc lên ngày càng nhiều, thậm chí giờ có cả đường sách hoành tráng. Sách in vẫn hiên ngang sống và tăng số lượng xuất bản so với lượng tiara tụt giảm của báo in. Tại sao vậy? Tôi tin là khi thông tin trên internet bị nhiễu loạn, bị bão hòa, người ta có xu hướng quay trở lại với sách giấy, chỉ vì thích ngửi mùi sách giấy buổi sáng, như tôi chẳng hạn. 

Nhưng giữa muôn trùng sách, hãy cẩn thận, hãy "Đọc sách thật phong cách"*; đừng va vào một cuốn sách xìu xìu ển ển chỉ làm tăng thêm rác và tốn cây rừng của trái đất. Thà đọc một cuốn sách viết về phân và chứng đại tiện của người Đức chẳng hạn, để hiểu vì sao họ "ị" nhiều thế? Phải chăng họ là một dân tộc không mơ mộng và phàm ăn như Thoreau đã nói?

Mùi sách giấy của buổi sáng hôm nay của tôi kết thúc bằng chữ "Phân".

* “Đọc Sách Thật Phong Cách” là chiến dịch hình ảnh truyền cảm hứng của dự án Cùng Đọc Sách, do nhà toán học Ngô Bảo Châu, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Quang Thạch và doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình khởi xướng.
Lê Hồng Lâm
.
.