Tôi ngồi ru đôi mắt tôi

Thứ Ba, 15/03/2016, 09:55
Hãy để đôi mắt lướt trên những phiến đời đẹp đẽ. Hãy để đôi mắt phóng những tia nhìn mạnh mẽ. Hãy để đôi mắt trở thành linh hồn của một con người. 

1. Khi nghe tôi nói mình đã học và thực hành thiền, có người mỉm cười nhẹ nhàng vẻ độ lượng. Nhưng cũng có người khi vừa nghe đã ha hả, giọng cợt đùa: "Mới ngoài bốn mươi chút xíu mà đã yếu đến mức tu rồi sao?".

Người mỉm chi thì ít mà người ha hả lại nhiều.

Còn tôi chỉ lấy nụ cười hiền mà đáp lại. Độ lượng đáp lại với độ lượng, mà độ lượng cũng đáp lại với cả mỉa mai.

Thực ra thì đã có sự hiểu lầm nho nhỏ. Người đi tu thì phải ngồi thiền, nhưng người hành thiền chưa hẳn là đã tu, nếu hiểu tu theo nghĩa "kẻ yếu" hay "lánh xa chốn bụi trần". Thiền, nói nôm na là một sự rèn luyện, kiểm soát hơi thở. Tập thiền, chính là tập thở. Nhưng thở, cứ lấy miệng, lấy mũi, lấy tai mà thở; cứ hít vào rồi thở ra, dễ ợt vậy, có chi mà phải tập?

Ừ thì đúng là dễ như thở, nhưng mà không phải ai cũng thở đúng cách, nhất là thở cho khỏe, thở để thổi bay bệnh tật.

Tôi, đương nhiên không phải là một… thầy thở. Tôi chỉ là một người học trò. Những ai muốn học thở, có thể vào mạng đọc bài vè gồm 12 câu của cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Hoặc căn bản chắc cú hơn thì theo chân những thiền sư thứ thiệt lên núi một chuyến, khi nào thấy không còn "thở dài thườn thượt", không còn "thở hơi ra", mà chỉ là những hơi thở thành thật thơm tho thảnh thơi thẳng thớm thì hãy "hạ sơn".

Tuy nhiên, theo như chỗ tôi biết thì "thuộc bài thở" không khó, mà khó là duy trì được nó.

Người lớn chúng ta thường thở theo kiểu "lộn tùng phèo". Bởi chúng ta ham muốn nhiều thứ, mang vác tùm lum tùm la. Chúng ta vừa nặng nề vừa lộn xộn vừa chật chội trong chính căn thể chút xiu mình. Cho nên thiền là những lúc chúng ta tự mình dọn dẹp, sắp xếp lại mình.

Tư thế thiền tốt nhất là ngồi xếp bằng và khép mắt lại. Khi khép mắt là lúc chúng ta hướng về phía trong mình, tập trung vào hơi thở hay thả tâm trí vào một khoảng không. Chúng ta hồi hướng tìm về, thu về bên trong mình. Về là nẻo về thôi chứ không nắm giữ gì cả. Điều ấy thật khó. Cũng chẳng phải ban đầu khó về sau dễ, mà lần nào cũng khó. Bởi, con người ta tìm đến cái có thì dễ, tìm về cái không rất khó.

Tôi, vốn lâu nay được coi là người sống nội tâm, tức hướng nội, nhưng khi ngồi thiền thì thấy trật lất. Dường như chẳng có ai sống nội tâm cả, hầu hết chúng ta đều hướng ra ngoài. Vấn đề là hướng ít hay nhiều mà thôi.

Khi ngồi trong một căn phòng vắng lặng, mát mẻ, khép đôi mắt lại, tưởng chừng tâm trí chúng ta sẽ lắng đọng. Nhưng không, tâm trí chúng ta vẫn hướng hết ra ngoài. Chúng ta nghĩ hết chuyện nọ đến chuyện kia, thấy hết hình ảnh này đến hình ảnh nọ. Chúng ta ngồi một chỗ mà chẳng yên chút nào. Chúng ta bắt đầu ngọ nguậy. Rồi chúng ta quên mất là mình phải thở như thế nào.

Tôi cũng thường như vậy. Nhưng tôi vẫn kiên trì ngồi thiền, ngày nào cũng dành thời gian chừng một giờ để tập thở. Có thể một giờ học thở đó không thành công, nhưng ít ra cũng có được một giờ ngồi… nhắm mắt mà không phải là ngủ.

2. Tôi nhớ những ngày đầu học thiền, nước mắt tôi cứ chảy đầm đìa, nhòe hết cả gương mặt. Ban đầu tôi cứ tưởng là mình khóc, vì tâm trí hồi nhớ nhiều hình ảnh xa xưa, những cái tên tưởng đã chôn vùi lãng quên đã chợt hiển hiện ra, như có ai đó đã lật ra từng phiến đá.

Tôi cứ tưởng mình khóc, nhưng chẳng phải. Nước mắt vẫn tuôn đầm đìa khi tâm trí trống không. Sau này nghiệm ra, tôi biết là do thiền.

Thiền có khả năng chữa bệnh. Mình đau chỗ nào thì nó chữa chỗ đó. Trước đây, mắt tôi vốn bị cận lại thêm chứng khô giác mạc nên thường đau rát. Tôi làm nghề viết nên thường xuyên ngồi máy tính hàng giờ liền. Nhiều khi trên đường từ cơ quan về nhà, mắt đau quá khiến tôi phải tấp xe vào lề, kéo tay áo chặm khóe mắt. Tôi giả bộ như bị bụi bay vào mắt. Nhưng chẳng phải. Tôi bị chứng khô giác mạc, đi bác sĩ lần nào cũng cho thuốc nhỏ mắt chuyên dụng. Nhưng bệnh khô giác mạc vẫn không khỏi, khiến mắt tôi luôn chớp, mệt mỏi.

Thế mà từ khi ngồi thiền, chừng mấy tháng sau, mắt tôi khỏi hẳn những cơn đau rát, không còn chớp nháy liên hồi như trước. Hóa ra những trận nước mắt đầm đìa kia là để điều tiết mắt, tạo ra tuyến nước mắt mà không phải khóc.

3. Nếu bạn thấy ngồi thiền khó thì bạn có thể ngồi yên một chỗ, trong tư thế nào cũng được, thật sự thả lỏng, rồi khép mắt lại.

Bạn cũng không cần phải lo lắng vụ thở, chỉ cần biết thương đôi mắt mình.

Bạn cứ ngồi đó mà khe khẽ hát ru. Nhưng đừng ru ai, cũng đừng ru tai, đừng ru tay, đừng ru chân, đừng ru bụng, mà hãy ru đôi mắt.

Từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến tuổi dậy thì, rồi tuổi đôi mươi, sang tuổi sồn sồn như tôi đây, đôi mắt đã phải chong mở quá nhiều. Bao nhiêu trang sách được đọc dưới ngọn đèn dầu, ánh trăng, đèn điện? Bao nhiêu bình minh, bao nhiêu hoàng hôn? Bao nhiêu cánh đồng, bao nhiêu vách núi? Bao nhiêu gương mặt thân quen, bao nhiêu gương mặt xa lạ? Bao nhiêu bến sông bến xe bến tàu? Bao nhiêu thước phim, bao nhiêu trang đời?

Đôi mắt đã nhìn thấy quá nhiều thứ. Thấy cái muốn thấy, lại thấy cả điều không hề muốn thấy. Thấy cái tốt lẫn cái ác. Thấy người đẹp và cả người xấu.

Nhiều khi đôi mắt đã nhắm nghiền lại nhưng vẫn thấy, bởi những gì mắt thấy đã được truyền vào não, rồi lưu dấu lại đó. Cho nên, ngẫm đi ngẫm lại thấy đôi mắt thật đáng thương, thật hồn nhiên. Đôi mắt có thể nhìn nhưng không thấy, nhưng mắt thấy và ghi nhớ khi não muốn như vậy.

Cho nên hãy biết thương lấy đôi mắt mình, hãy bớt việc cho đôi mắt. Hãy để đôi mắt lướt trên những phiến đời đẹp đẽ. Hãy để đôi mắt phóng những tia nhìn mạnh mẽ. Hãy để đôi mắt trở thành linh hồn của một con người. 

Và, điều này theo tôi là rất quan trọng, đừng bao giờ để cho ai đó nói mình "có mắt mà như mù". Nghĩa là đừng bao giờ thờ ơ, đừng bao giờ sống theo nghĩa "bất cận nhân tình". Và, đừng bao giờ chỉ nhìn bằng mắt hay chỉ biết "lấy mắt mà nhìn".

Bạn tin không? Có những người mù lòa bẩm sinh nhưng "thấy" mọi thứ như thường. Họ vẫn có thể một mình qua đường, tự bấm phím điện thoại gọi đi, nhận biết mệnh giá các tờ tiền… Họ không thấy bằng mắt, nhưng "thấy" bằng các giác quan khác, như thính giác, khứu giác, vị giác… 

Tôi từng biết có người mù nhưng có thể một mình thiết kế đường dây điện trong nhà và sửa được tất cả đồ điện. Một người mù khác, đặc biệt hơn, khi trong nhà mất vật gì mà mọi người "bó tay" không tìm thấy thì anh ấy sẽ… nhắm mắt mà tìm ra. Còn chuyện nhà tiên tri mù Vanga thì quá ghê gớm rồi, tôi gần như không có cách nào lý giải ngoài niềm tin vào những khả năng siêu phàm của con người.

4. Tôi nhớ có một lần, cậu con trai nhỏ của tôi bỗng hỏi một câu như vầy:

"Đố ba, nếu một người mù từ khi lọt lòng mẹ thì họ sẽ mơ thấy điều gì?"

Câu hỏi của thằng nhỏ làm cho tôi giật mình, lập tức lâm vào trạng thái bí rị. Ừ nhỉ. Nếu là một cậu bé mù bẩm sinh thì nó sẽ mơ thấy điều gì? Vì thông thường người ta chỉ mơ thấy hay ao ước những cái mà họ đã từng thấy. Chẳng hạn như đứa nhỏ mơ thấy chùm bong bóng, những viên kẹo chocolate, đồ chơi siêu nhân… Còn người lớn thì mơ thấy biển, đường chân trời, kinh khí cầu, hay một cô nàng bốc lửa… 

Tôi ngồi ngẫm nghĩ rồi tự trả lời cho mình rằng:

"Có lẽ, người mù cũng mơ thấy giống như chúng ta thôi".

Người mù nhìn thế giới bằng cách khác, và nếu cho họ vẽ lại để mô tả thì họ cũng vẽ như chúng ta mà thôi. Tôi đã nghĩ như vậy. 

Thực ra thì tôi cũng có thể mang câu hỏi ấy để đi hỏi một mù, nhưng tôi muốn giữ đó như một món quà bí mật.

Người chưa từng một lần nhìn thấy thế giới, sẽ nhớ nhung điều gì?

Tôi mang suy nghĩ đó trong mình và vẫn còn nợ câu trả lời với cậu con trai. Cho đến mãi một buổi chiều, khi hai cha con lang thang ngoài bờ sông thì tôi chợt nhớ và nhắc lại thằng bé.

"Con còn nhớ câu đố về người mù không? Vậy theo con, một người mù từ khi mới đẻ ra họ sẽ mơ thấy điều gì?"

"Dễ vậy mà ba cũng không biết. Người mù sẽ luôn mơ thấy mình sáng mắt".

Câu trả lời của cậu con trai làm cho tôi giật mình. Điều giản dị hiển nhiên vậy mà tôi không thể nghĩ ra. Lúc đó tôi thấy tim mình như nghẹn lại. Đó là một trải nghiệm đặc biệt mà tôi chưa từng biết. Sự trải nghiệm của một người lớn nhiều khi thua xa một đứa trẻ con.

Và, tôi thấy mình nên biết ơn mẹ cha, Thượng đế đã ban cho đôi mắt. Dẫu là một đôi mắt cận thị, vốn thường hay mệt mỏi, nhưng vẫn có thể nhìn ngắm cuộc đời.

Biết ơn đôi mắt nên càng thương đôi mắt. Những khi ngồi một mình tôi thường khép mắt lại, rồi khẽ ru nó, à ơi…

Tôi ngồi ru đôi mắt tôi.

Sài Gòn, tháng 3 - 2016

Trần Nhã Thụy
.
.