Tôi lui hồn lại nhưng đời đã xa

Thứ Năm, 02/03/2017, 05:09
Câu thơ này của Hồ Dzếnh. Xao xuyến. Ngậm ngùi.

Có anh chàng nọ Tưởng chuyện ngàn sau, lúc nằm trong áo quan, nhớ gì? "Ngậm ngùi nhớ trắng rừng mai/ Cảm thương sông nước ghi bài điếu tang/ Ngựa gầy, bóng gió mênh mang/ Cờ đen rủ lối, cây vàng nẻo xa...".

Nỗi nhớ ấy, bình thường thôi, nếu có. Không gì ghê gớm lắm đâu. Đây mới sức bật, sự sáng tạo của một tâm hồn như tơ rung, bóng liễu, làn điệu của hồn thơ ấy rất gần với Huy Cận: "Ta nằm trong ván trông ra/ Tủi thân vì thấy người hoa vẫn cười". Sao lại tủi thân? Mình đi về một cõi hư vô khác, người hoa vẫn cười, vẫn đẹp, vẫn thanh xuân mơn mởn, vậy cớ sao không vui? Lại tủi thân ư? Lạ quá đi mất. 

Bởi tủi thân, cho nên: "Ta toan... giận dỗi xa đời/ Chợt hay: khăn liệm quanh người vẫn thơm". Thế mới khổ. Mới đau. Luyến tiếc. Nhớ nhung. Buồn rầu thăm thẳm. Nhưng nào làm được gì nào? Vậy nên: "Nát thân không nát nổi hồn/ Lẫn trong cái chết vẫn còn cái đau".

Theo bạn thơ là nhà biên kịch Đoàn Tuấn: "Dạo huy Cận còn sống, ông làm việc ở căn phòng ngay dưới tạp chí mình. Một lần, hỏi tại sao ông viết bài Trông lên? Ông cười: Mình tưởng tượng mình nằm dưới mộ, trông lên đời. Những câu thơ đẹp tuyêt: "Nằm im dưới gốc cây tơ/ Nhìn xuân trải lụa trên tờ lá non".

Đoạn này mới hay: "Gió đưa hơi, gió đưa hơi/ Lá thơm như thể da trời: lá thơm/ Da trời mới tỏ sao hôm/ Mầu tinh khiết đã vào ôm giữa hồn/ Giữa trời hình lá con con/ Trời xa sắc biển, lá thon hình thuyền''.

Bài thơ Tưởng chuyện ngàn sau cũng viết trong tâm thế đó, nhưng Hồ Dzếnh lại nghĩ, lại nhớ đến "người hoa vẫn cười". Bóng dáng người hoa, trong đời ai cũng có. Làm sao có thể quên? Làm sao có thể nhớ? Làm sao có thể quên đi mùi hương trong áo, váy của nàng? Ông Ngô Thì Sỹ (1972-1780) có viết mười bài thơ nhớ vợ. Bài tứ tuyệt nào cũng đầm đìa nước mắt. Chập chờn nhớ nhung. Yêu thương ngây ngất. Thích nhất bài thứ tư, y tạm dịch:

Nhớ nàng, lại mặc áo nàng
Vẫn còn sực nức hương lan thuở nào
Đường kim, mũi chỉ sít sao
Dấu tay còn đó. Nàng đâu? Não nùng...

Không rõ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có đọc thơ Ngô Thì Sỹ hay không, nhưng có viết câu này: "Tình yêu như thương áo, quen hơi ngọt ngào". Từ "quen hơi" ấy rất gần với ca dao, thoát xác từ ca dao: "Chim quyên ăn trái nhãn lồng/ Thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi". 

Do quen hơi nên nàng nọ mới thủ thỉ cùng chàng nọ: "Anh về để áo lại đây/ Để khuya em đắp gió tây lạnh lùng". Nghĩ thế, mới thấy rằng lúc nằm trong áo quan xa lạ thì con người ta đơn độc, đơn chiếc biết dường nào. Làm quái gì có thể "quen hơi". Đã thế: "Ta nằm trong ván trông ra/ Tủi thân vì thấy người hoa vẫn cười". Vậy, tủi thân thì cũng phải.

Mà này, chiều đã chiều. Năm mới vừa năm mới. Sao lại bàn chuyện này? Thưa rằng, cơn cớ như sau: Hôm kia viết bài cho báo nọ, bàn về chữ "sủ quẻ", nói nôm na là tiền đặt cọc cho thầy bói trước lúc xem bói. Lật từ điển phát hiện ra trong tiếng Việt còn có từ "sũ". Hai dấu hỏi/ngã khác nhau. Thế "sũ" là gì? Chịu chết. Tìm trên Internet mới biết ở Hà Nội ngày xưa có phố Lò Sũ.

Nhiều trang mạng giải thích chắc nịch: "Như phố Lò Sũ, ít người biết ý nghĩa của tên phố này là phố... bán quan tài. Chữ "sũ", tiếng Việt cổ, nghĩa là áo quan". Đọc thì đọc thế. Liệu có đáng tin cậy? Ở nhà không nhiều từ điển lắm nhưng y lúc nào cũng vênh mặt là đủ xài, không cần phải vác xác vào thư viện nhờ cậy. Vậy mà không thể tìm đâu ra từ "sũ".

Bèn email hỏi Hoàng Tuấn Công - một người mà y rất tin cậy về việc giải thích tục ngữ, thành ngữ tiếng Việt. Anh trả lời đã tra tìm, nhưng chưa thấy có cuốn từ điển nào ghi nhận từ "sũ". Xưa nay, chỉ biết đến từ "săng" nghĩa là cỗ quan tài. Mà chữ "săng" đây vốn là chữ "khăng" trong tiếng Việt cổ (hiện vẫn còn lưu giữ trong tiếng Mường).

Tiếng Mường, "khăng" là chỉ chung các loại gỗ: "gộp khăng" (hộp gỗ) nghĩa là cỗ quan tài: "Hàng săng chết bó chiếu"; "Bán hàng như bán hàng săng/ Ai mua thì bán chẳng rằng mời ai"; "Con gái như thể hàng săng/ Muốn bán chẳng dám nói năng nửa lời".

Bèn điện thoại hỏi nhà biên kịch Đoàn Tuấn về phố Lò Sũ, nơi ấy bán những gì? Tuấn quả quyết ngay từ thuở bé đã đến, đã mua, đã nhìn thấy nơi ấy bày bán những hàng gốm, sành, sứ như quan quách, lu, hũ, vịm... Vậy thì có thể suy luận "sũ" là từ gọi chung các vật dụng làm/nặn bằng đất sét rồi nung qua lửa để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Tất nhiên kể cả vật dụng cho người chết (như quan quách lúc hốt cốt).

Nếu: "Phố Lò Sũ xưa kia chuyên đóng và bán áo quan (còn được gọi là Hàng Sũ)" như trên mạng giải thích thì "đóng và bán áo quan" như ta biết (bằng gỗ) không thể nào đi chung với từ "lò" được.

Chỉ mới chừng trăm năm, nhưng có nhiều từ, khó có thể giải thích chính xác. Sáng nay, như mọi ngày, vẫn đọc báo. Và phát hiện ra nhiều từ ngộ nghĩnh. 

Chẳng hạn, theo Báo Thanh niên, bà Trịnh Thị Thủy - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT-DL cho biết đã xuất hiện trên nhiều văn bản cụm từ: "Thi trâu đẹp, trâu khỏe"; "đụng trâu", hiểu thế nào là đúng? Xin thưa, ấy là "chọi trâu", là tổ chức cho hai con trâu đấu nhau. Rõ ràng, cách viết ấy tráo khái niệm ngữ nghĩa vốn có; cũng hài hước không kém như co chân đạp con người ta té chúi nhủi khiến "miệng ăn trầu, cái đầu xỉa thuốc" đầm đìa máu me lại sử dụng cụm từ "đưa chân hơi cao".

Đã xuất hiện một loạt tiếng lóng thời gian gần đây. Dừng lại với bài báo Biến xe mù thành xe khủng in trên Báo Tuổi trẻ. "Mù" là gì? "Khủng" là gì? Xe mù là không có giấy tờ hợp lệ, xe cũ nát, xe xi cà que, secondhand, cũ xì nói cách khác là "mèo hen"; xe khủng là xe phân khối lớn, tức "hổ dữ". "Hóa kiếp" từ mèo qua hổ ắt giá "chát" hơn nhiều, bởi nó được hợp tức hóa giấy tờ, trở thành xe hợp lệ.

Lại có tít nhỏ về ca sĩ nọ: Sẵn sàng "cháy" cùng ngày hội, hiểu là anh chàng này hát hết mình, thể hiện nhiệt tình, "xả láng sáng về sớm". Lại có cái tựa: Doanh nghiệp kêu bị... rải đinh. Rải đinh là gì? 

Cần liên hệ đến "thành ngữ mới": "Trên trải thảm dưới rải đinh". Có thể giải thích, "rải đinh" là vòi vĩnh, nhũng nhiễu trắng trợn, đòi tiền lót tay, tiền bôi trơn, làm cho doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng. Tuy nhiên, ầm ĩ gần đây nhất vẫn từ "vòng xuyến".

Chẳng hạn, ở khu vực Tân Sơn Nhất, ngay đường Phan Đình Giót muốn đi đến đường Nguyễn Thái Sơn có hai hướng song song: hoặc đi từ đường Trường Sơn, Hồng Hà; hoặc đi từ đường Phổ Quang, Hoàng Minh Giám. Ngay chỗ hai hướng đường này giáp nhau, gọi là "vòng xuyến Nguyễn Thái Sơn". Cách gọi này nghe ra xao xuyến quá đi mất.

Trước đây, người miền Nam đã quen gọi "vòng xoay", "bùng binh".

Với vòng xuyến ắt nghĩ đến cái vật trang sức là vòng đeo ở cổ tay bằng vàng hay bạc, dành cho phụ nữ. "Ví dù chàng có lòng thương/ Khăn này sánh với xuyến vàng Nguyệt Nga/ Giữa đường gặp gỡ đôi ta/ Cùng nhau kết tóc xe tơ vẹn tròn".

Cho dù không nhắc đến nhưng ta vẫn hình dung ra có vòng xuyến: "Cái cổ yếm em nó thỏng thòng thòng/ Tay em đeo vòng như bắp chuối non". Nay cái từ vòng xuyến được sử dụng trong lĩnh vực giao thông, lập tức gây tranh cãi dữ dội. Mỗi người một ý. Duy có ý kiến của đồng nghiệp Lam Điền chỉn chu hơn cả. Nay, ghi lại như một tài liệu:

"Từ bùng binh đến bồn binh và vòng xoay - vòng xuyến. Bùng binh: từ này xuất hiện sớm trong ngôn ngữ Nam bộ. Theo ghi nhận của Huỳnh Tịnh Paulus Của trong bộ Đại Nam quốc âm tự vị xuất bản năm 1895 thì bùng binh là "khúc sông rộng lớn mà tròn". Ở Sài Gòn từng có địa danh Rạch Bùng Binh, nay là đường Rạch Bùng Binh (P.10, Q.3).

Tuy nhiên, để chỉ vị trí điểm giao của nhiều con đường đòi hỏi xe cộ đến đó phải đi theo chiều quy định (thường là ngược chiều kim đồng hồ), tiếng Việt trước đây có từ "bồn binh".

Từ này được nhóm tác giả Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ ghi nhận trong bộ Việt Nam tự điển (Khai Trí xuất bản tại Sài Gòn năm 1970): "Bồn binh: Công trường, mối đường rộng lớn trong thành phố có hoặc không có trồng kiểng hay trụ đèn ở giữa để tiện việc lưu thông một chiều". Từ điển này cũng ghi nhận "bồn binh" có từ đồng nghĩa là "bùng binh".

Tuy nhiên, từ sau năm 1975 từ "bồn binh" ít thấy xuất hiện trong các văn bản, thay vào đó là từ "bùng binh" mang nghĩa tương đương với "bồn binh" trên đây. Điều này được ghi nhận tại Từ điển tiếng Việt của Trung tâm từ điển học - Vietlex (NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2009): "Bùng binh: Vòng tròn được vây cao (thường có hoa, cây cảnh bên trong) nằm ở giữa các ngả đường giao nhau để làm mốc cho xe cộ lưu thông".

Trong những năm gần đây, trên các phương tiện truyền thông xuất hiện từ "vòng xoay" với nghĩa tương đương từ "bùng binh" nói trên.

Theo TS Nguyễn Thị Hậu, trước năm 1975 ở miền Bắc không có từ “vòng xoay”, mà cũng không có thực thể vị trí giao thông nào như là bùng binh trong Nam, chỉ có các ngã tư. Trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học - Vietlex cũng không ghi nhận mục từ "vòng xoay".

Còn từ "vòng xuyến" thì có lẽ ra đời còn muộn hơn "vòng xoay".

Hiện nay Từ điển tiếng Việt (2009) nói trên cũng chưa ghi nhận từ "vòng xuyến", nhưng trong Luật Giao thông đường bộ 2008 và Luật Giao thông đường bộ 2015 đều sử dụng từ "vòng xuyến" (tại khoản 1 và 2 của Điều 24). Dù vậy, trong hai văn bản luật giao thông đường bộ này đều có phần "giải thích từ ngữ" với 32 đơn vị từ ngữ được giải thích, trong đó (nguồn: Tuoitre online ngày 3-1-2016).

Tuy nhiên, các giải thích trên không nhắc đến một đồng âm khác của "bùng binh". Còn nhớ ngày tuổi thơ ở Đà Nẵng, những ngày đầu năm đi chợ về, mẹ thường mua cho anh em y cái bùng binh dùng để bỏ tiền tiết kiệm. 

Hình dáng của nó tròn, chỉ bằng cỡ trái bưởi, dễ nhìn, trên chót có cái núm và ngay gần đó có khoét một đường ngang, làm bằng đất sét. Mỗi lần để dành tiền thi xếp tờ giấy bạc cho gọn rồi nhét vào, bỏ vào đồng bạc keng, đồng xu càng dễ. Cũng cái bùng binh này, nếu theo hình dáng con heo thì gọi con heo đất. Đại khái thế.

Tóm lại, sau vụ tranh luận về "vòng xuyến", cơ quan chức năng có ý kiến "chốt hạ" ra làm sao?

Báo Tuổi trẻ cho biết: "Vòng xuyến có thể trở thành nút giao thông: Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng Sở Giao thông vận tải TP HCM, cho biết các đơn vị làm biển báo mới đã thay đổi "vòng xoay" thành "vòng xuyến" (trích từ Luật Giao thông đường bộ, quy chuẩn Việt Nam). Tuy nhiên, ông Đường cho rằng từ "vòng xuyến" hay "vòng xoay" chưa thể hiện hết ý nghĩa của một khu vực giao thông là nơi giao nhau của nhiều tuyến đường, nên cách gọi bao quát hết phải là nút giao thông.

Hiện, Sở Giao thông vận tải TP đã yêu cầu các đơn vị liên quan tổng rà soát các biển báo giao thông. Sau khi rà soát, sở sẽ điều chỉnh biển báo cho thống nhất theo hướng có thể dùng cụm từ "nút giao thông" cộng với địa danh thay cho từ "vòng xuyến", vòng xoay. Ví dụ như nút giao thông Hàng Xanh, nút giao thông Lăng Cha Cả...".

Chà, nghe ra cũng rắc rối, nhiêu khê. Không bàn chuyện này nữa, đọc thơ có phải hay hơn không?

"Con người tôi gọi bằng em/ Nhớ tôi nhưng cũng thành duyên lâu rồi/ Mộng tàn, nươc chảy, mây trôi/ Tôi lui hồn lại nhưng đời đã xa".

Câu thơ này của Hồ Dzếnh. Xao xuyến. Ngậm ngùi.

Lê Minh Quốc
.
.