Tôi học Neuer!

Chủ Nhật, 15/02/2015, 16:29
Nếu phải chọn ra một cầu thủ đặc biệt xuất sắc của năm 2014 bạn sẽ chọn cầu thủ nào? Một Ronaldo tài năng và bóng bẩy? Có lẽ nhiều người sẽ lập tức nghĩ đến Ronaldo, vì đơn giản là anh đã được các chuyên gia bóng đá hàng đầu thế giới bầu chọn làm Quả bóng vàng trong năm. Tôi cũng nghĩ Ronaldo xứng đáng, nhưng nếu phải chỉ ra một cầu thủ để học hỏi (dĩ nhiên là học hỏi về một cách ứng xử, về một nhân sinh quan, chứ không phải học nghề bóng đá) thì tôi lại chọn người thất bại trong cuộc bầu chọn gây tranh cãi này.

Tôi nhớ rất rõ, từ năm 2009 đến năm 2012, khi Messi 4 lần liên tiếp nhận Quả bóng vàng FIFA, và đã phải thốt lên: “Nếu nhận thêm một lần nữa tôi sẽ phải khó khăn tìm thêm một chỗ trong phòng để trưng bày giải thưởng này” thì chính Ronaldo và những người ủng hộ của anh cũng bảo đấy là một kết quả không công bằng. Và trong cuộc bầu chọn gần nhất vào năm 2013, khi Ronaldo giật giải, còn Ribery - người đã có một năm đặc biệt xuất sắc khi đoạt cú ăn ba cùng CLB Bayer Munich bị đẩy xuống dưới thì lại đến lượt Ribery ca cẩm về sự không công bằng.

Có một chi tiết đặc biệt để người ta nghi ngờ về sự không công bằng lần đó khi FIFA đã chủ động kéo dài thời gian bầu chọn so với kế hoạch ban đầu, và theo giới quan sát thì nó giống như cách để Ronaldo ghi điểm khi anh đã có tới 4 bàn thắng trong trận Play Off  World Cup giữa Bồ Đào Nha và Thụy Điển, giúp đội bóng của mình giành chiến thắng sau cùng.

Để tăng thêm cho cái lý luận “không công bằng” mà mình đưa ra, Ribery còn kể lể trên mặt báo: “Ở đêm trao giải, khi nhìn thấy chủ tịch FIFA ôm chặt Ronaldo, và thấy Ronaldo mang theo rất nhiều người thân của mình, tôi đã hiểu anh ấy sẽ là người chiến thắng”. Hồi ấy một số tờ báo Đức - nơi có CLB Bayern của Ribery và Pháp - nơi Ribery khoác áo ĐTQG không ngừng “tố” FIFA đã ưu ái cho Ronaldo, rằng “FIFA cần tôn vinh một cầu thủ có màu sắc showbiz để gây thanh thế, và rằng “danh hiệu này chẳng khác gì một cuộc chơi riêng của chủ tịch FIFA”.

Đến năm nay, khi Ronaldo hét to sung sướng trên bục nhận giải, khi một bộ phận đông đảo giới mộ điệu không ngừng tô vẽ đấy là “một giải thưởng hoàn toàn xứng đáng” cho một cầu thủ ghi tới 52 bàn sau 43 trận trong năm thì lại xuất hiện những lời “tố” bất công. Người ta bảo năm 2014 Ronaldo chỉ nổi bật trong đội hình CLB Real Madird đoạt chức vô địch Champions League trong khi thủ thành Neuer lại nổi bật và trở thành nhân tố quan trọng giúp ĐTQG Đức vô địch thế giới, mà dĩ nhiên giá trị của cái cúp thế giới phải lớn hơn giá trị của một cái cúp tầm CLB.

Người ta bảo trong những cuộc chạy đua danh hiệu cá nhân, các thủ môn luôn thiệt thòi hơn hẳn so với những cầu thủ tấn công, và vì thế khi bóng đá thế giới hiếm hoi chứng kiến một thủ môn đặc biệt xuất sắc (xuất sắc cả trong những pha bay người cản phá lẫn những khi dùng chân chuyền bóng cho đồng đội) như Neuer thì người ấy cần phải được tôn vinh. Rồi người ta bảo, Ronaldo và Messi là những cái tên quá cũ kĩ, những người đã thay nhau giành giải thưởng này tới 6 lần liên tiếp, trong khi Neuer lại là một cái tên mới, một cái tên mà nếu được tôn vinh, chắc chắn sẽ giúp cho giải thưởng có sức sống và giá trị lan toả lớn hơn. Thế mà rốt cuộc Ronaldo lại giành tới 37, 76% phần trăm phiếu bầu, Messi đứng thứ hai với 15,76% số phiếu, còn Neuer thậm chí chỉ đứng thứ ba với 15,72% số phiếu...

Có một điểm đáng chú ý, trong khi rất nhiều người “thương vay khóc mướn” cho Neuer và tố cáo sự bất công của cuộc bầu chọn năm nay thì chính Neuer lại điềm đạm nói những câu rất tuyệt: “Tôi đã rời đêm Gala với một nụ cười không tắt trên môi. Tôi thấy đêm nay là một đêm rất đẹp. Năm 2014 cũng là một năm rất đẹp khi tôi và những đồng đội của mình ở đội tuyển Đức đã làm được những điều không nhiều người nghĩ đến”. Thế đấy - cảm giác như Neuer nói mà không có chút hậm hực, buồn bã gì, dù chắc chắn là trước đó anh cũng ít nhiều hy vọng có được danh hiệu đáng mơ ước của bất cứ ai làm nghề cầu thủ.

Có lẽ anh hiểu, xét cho cùng tất cả chỉ là một cuộc chơi - nơi mà mọi thành, bại, thắng, thua đều rất tương đối. Và anh cũng hiểu: điều quan trọng nhất ở những cuộc chơi như thế này là thắng hay thua, thành hay bại thì con người ta cũng luôn phải giữ được sự thanh thản của tâm hồn. Bởi chính nó, chính sự thanh thản ấy mới giúp con người ta tồn tại một cách hợp lý giữa cuộc đời.

Năm 2014, người được thế giới bóng đá tôn vinh là Ronaldo. Nhưng năm 2014, với cá nhân tôi - một nhà báo thể thao, một người quan sát thì người đáng để học hỏi và ngưỡng mộ chính là thủ môn Neuer!

Trên từng trang báo

Viết lại định nghĩa về thủ môn

Trong suốt World Cup 2014, Neuer gần như đã viết lại định nghĩa về vị trí thủ môn. Neuer không còn là một người gác đền đơn thuần. Ngược lại, anh rất chủ động tham gia vào lối chơi chung của cả đội. Ví dụ như trong trận chung kết World Cup 2014, tổng quãng đường di chuyển của Neuer lên tới 7 km. Trong khi đó, Messi dù là linh hồn trong lối chơi của Argentina cũng chỉ chạy nhiều hơn thủ môn này 3 km. Tương tự như thế, trong 7 trận đấu tại Brazil, Neuer đã thực hiện 244 đường chuyền, thậm chí còn nhiều hơn cả Messi 2 đường chuyền.

Những con số thống kê đó cho thấy Neuer đã thực sự trở thành cầu thủ thứ 11 trên sân. Anh không thụ động đứng trong cầu môn, chờ đợi để chống đỡ các cú sút của đối phương. Ngược lại, Neuer đã tích cực hỗ trợ các đồng đội, giúp đội nhà giành lợi thế về quân số cũng như khả năng chiếm lĩnh thế trận. Nhờ có Neuer, các hậu vệ Đức có thể dâng cao, gây sức ép mạnh mẽ với các đối thủ ngay từ giữa sân.

Ở khía cạnh nào đó, Neuer chính là điểm nâng cấp của tuyển Đức so với cựu vương Tây Ban Nha. Cả 2 đội đều áp dụng lối pressing chủ động. Nhưng với Neuer, Đức tỏ ra chắc chắn hơn hẳn. Họ có thể dễ dàng chặn đứng những pha tấn công chớp nhoáng của đối phương. Không những thế, Đức còn thuận lợi hơn trong việc luân chuyển bóng bất chấp sự quây bắt của đối thủ, nhờ luôn có nhiều hơn 1 người.

Trong quá khứ, người Đức từng khai sinh ra vị trí libero gắn liền với huyền thoại Beckenbauer. Và rất có thể, cùng với cái tên Neuer, họ sẽ lại tiếp tục tạo ra một vị trí mới của bóng đá hiện đại: thủ môn - hậu vệ quét.

(Báo TTVH)

Một cầu thủ cực kỳ thông minh

Neuer biết khi nào phải khẩn trương, khi nào nên chậm rãi, mỗi pha bóng có mặt anh đều cho thấy sự khéo léo, khôn ngoan, ranh mãnh, dù vẻ mặt của anh không hề thay đổi.

Đôi khi người ta thấy Neuer thật hài hước, đôi khi lại thấy anh thật quá đáng; song mọi động tác đều là vì lợi ích, dù nhỏ, của cả đội. Mọi người đều biết Neuer từng chơi “Ai là triệu phú” phiên bản Đức và trả lời tới câu thứ 14, rõ ràng Neuer là một con người giàu trí tuệ, linh động, và có tâm lý cực kỳ vững.

Anh cũng là một trong những thủ môn dùng chân điêu luyện nhất để chuyền bóng, đỡ bóng, lừa bóng, cùng với một đôi tay nhanh, mạnh, bắt đã hay mà ném bóng cũng vừa xa, vừa chuẩn đến ngỡ ngàng. Hạ được Neuer thường chỉ là những pha dứt điểm quá gần, quá khó, hoặc sút thấp ngay cạnh người - một kiểu làm bó tay hầu hết các thủ môn.

(Báo TTVN)

Phan Đăng
.
.