Tôi đã đi ôtô trên trời và dưới biển

Thứ Bảy, 20/02/2016, 15:25
Tôi đã đi Nhật hơn mười lần, những lần trước đa phần đi làm việc, vô cùng bận rộn. Đầu năm 2016, tôi muốn đi “chuyên sâu”, vì vậy quyết định đi Kyoto tham quan, nghỉ ngơi một chuyến cùng con gái tôi - họa sĩ Lê Hiền Minh và con rể người Mỹ - Gregory Mark Jewett.

Từ sân bay Tân Sơn Nhất, qua Hồng Công, rồi Gregory Mark Jewett xuống sân bay ở thành phố Osaka vào sáng sớm, tôi chọn xe bus từ Osaka sang Kyoto để ngắm hai bên đường. Thời tiết lạnh, đang chuyển đông, buổi sáng và tối có thể 2ºC, đến trưa từ 10ºC đến 17ºC. 

Sống ở Sài Gòn 32 năm nắng gió, lớn lên ở Hà Nội nên tôi yêu và nhớ mùa đông, bởi thế cứ mỗi độ thu, đông về là tôi phải làm chuyến du hành trở về Hà Nội; lên núi, xuống ruộng, về miền đất đỏ trung du Bắc Bộ hay ra nước ngoài hưởng gió lạnh lướt qua da thịt và mặc quần áo ấm, quàng khăn đẹp mà mình thích suốt năm treo trong tủ áo giờ mới có dịp dùng.

Rời Osaka, ôtô phóng đường cao tốc hay còn được gọi là cây cầu rất lớn, mấy làn ôtô qua lại ngược xuôi, vượt biển. Hai bên đường cầu, biển vỗ rì rào, cứ đi trên biển như vậy xuyên suốt từ bờ biển Osaka sang bờ biển Kyoto, nhìn ra ngoài mênh mang sóng nước, sương mù mịt mùng xa tít, chỉ có một con đường đi giữa biển.

Vậy là lần đầu tiên tôi đi ôtô trên mặt biển, rồi bỗng thấy đang đi trên núi, hết đỉnh núi này lại đến đỉnh núi kia, nhìn xuống bên dưới là thung lũng, nhà cửa, phố phường, nhà máy san sát, nhấp nhô, trùng điệp. Ngay đỉnh các ngọn núi được xẻ ra là những lằn đường, ôtô phóng vun vút như mắc cửi. Vừa đi ôtô ở dưới biển xong, chợt lại được lướt xe hơi tít trên đỉnh núi cao, cảm giác cứ y như mình đi ôtô ở trên trời và dưới biển.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và con gái - họa sĩ Lê Hiền Minh tại vườn Thượng uyển, trong cung vua, lên chùa trên núi. Ảnh: Gregory Mark Jewett.

Đang vi vu trên trời, gần vào đến thành phố, gặp đường sá chạy ngang dọc đan xen: cái ở mặt đất, cái lưng lửng, cái cao tít, cái nằm sâu trong lòng đất, cứ thế những đoàn xe vi vút ngang dọc trên đầu, dưới chân mình. Quả thực là không hiểu nổi, sự tiến bộ của khoa học cường quốc này, toả sâu mọi nơi, vào các thành phố, từng ngôi nhà.

Kyoto không nhiều nhà cao tầng chót vót, đây là luật để bảo vệ cổ thành này. Từ bến xe bus, thuê taxi về căn hộ tôi thuê ở trong khu phố cổ của nhà dân, mọi lời dặn dò đều đã thông báo qua mạng, chìa khóa cửa vào nhà để ở đâu, bấm mã số gì để lấy chìa khóa, lên phòng mở cửa, mọi thứ đã được sắp xếp ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng, đầy đủ.

Sắp xếp valise xong, chẳng nằm nghỉ, tôi đi chơi luôn, trước tiên là tìm quán ăn và dạo quanh khu mình ở, ngắm nhìn chỗ nọ, chỗ kia cho thư giãn, bởi lịch đi chơi sẽ bắt đầu chính thức vào ngày mai. Thành phố đang mùa đông sang xuân, lá cây chuyển màu, nhiều hàng cây lá vàng rực, y như những miếng vàng thật lấp lánh, sáng rực rỡ, lại có những cây lá đỏ tươi rói xen lẫn lá đỏ sậm và xanh tươi; cứ mỗi lần có làn gió, lá vàng lại trút xuống bay bay tựa sao sa, vàng lấp lánh trong nắng nhẹ, đẹp vô tả.

Loanh quanh trong phố, xen lẫn nhà xây hiện đại, là những nếp nhà cổ được giữ gìn cẩn thận và đôi lúc bắt gặp nguyên một khu phố cổ: nếp nhà mái nâu, tường sơn trắng hay xám, màu hồng phấn nhẹ, phố xá thanh bình, không một mẩu rác. Bóng những tà áo kimono của những cô gái, chàng trai, hay một gia đình dắt con đi chơi mặc quốc phục đẹp như hoa trên phố, như những điểm nhấn khiến mắt mình phải dừng lại, dõi nhìn theo.

Những ngày sau là một chuỗi ngày tràn ngập hình ảnh không thể nào quên của những di tích, thắng cảnh mà tôi đến để xem, chiêm ngưỡng và suy ngẫm. Cung điện với kiến trúc độc đáo của Nhật, dựng lên từ mấy trăm năm trước, họa tiết chạm trên gỗ hay dát đồng mạ vàng, sơn màu xanh, đỏ đan xen rực rỡ trên nền các cột gỗ thông nâu sẫm, mái lợp gỗ thông đập dập dày tới 30-40cm mà tuổi thọ của mái là 25 - 30 năm, một màu thâm trầm, cột gỗ nâu sậm, hay chỉ đơn giản nâu gỗ nguyên thuỷ, mà mỗi đầu cột được chạm trổ sơn trắng, tường trắng tinh.

Lại có những ngôi chùa toàn bộ sơn đỏ da cam chạm khắc tinh vi. Bên trong những di tích: sàn gỗ thông dày, sạch trơn, cảm giác thấy muôn ngàn dấu chân người bao thế kỷ đã đi qua trên đó. Có những mảng tường vẽ người, biển, mưa, gió, màu sắc thấm đẫm thời gian; trong phòng rộng lớn là tranh phong cảnh, chim muông, các loài muông thú, nước, hoa, lá, đá,… dát vàng lộng lẫy, uy nghiêm.

Tôi đã đứng ngắm nhìn mãi loạt tranh vẽ hạc, chỉ màu đen và trắng - 1.800 con hạc sinh động, không con nào giống con nào, chỗ vẽ chi tiết rõ ràng, có chỗ vượt thoáng, hòa lẫn một màu trắng mênh mang của sông nước, trời đất. Mỗi một con một dáng vẻ, sinh động vô cùng. Có thể gọi đây là một tổ sư đã chuyên vẽ hạc mới vẽ tuyệt vời, sinh động đến vậy. Chỉ hai màu đen trắng mà cho ta cảm nhận cả một không gian mênh mông trời, nước, cỏ, cây đầy sinh lực và màu sắc của cuộc sống.

Tôi được chiêm ngưỡng ngôi chùa Sanju Sangen-do xây từ năm 1164 - chùa dài khoảng 120m, bên trong bày tượng Đức Phật lớn nhiều tay ngồi chính điện, mặt uy nghiêm mà hiền từ; bên phải, bên trái ngài là 1.000 pho tượng đứng, nhiều tay xếp thành hàng dài tăm tắp, phía trước là 28 ông Hộ pháp, Kim Cương, Phật Bà Quan Âm đứng, tất cả đều to cao uy nghiêm dát vàng, thời gian phủ lên vàng lớp màu trầm mặc của khói nhang bao đời cung kính.

Chùa Rokuonji - The Golden Pavilion, trên mặt nước, mà toàn bộ ngôi chùa được dát toàn bộ vàng 24K từ trong ra ngoài. Ngôi chùa vàng au, lặng lẽ, trầm mặc, lừng lững, lung linh soi bóng trên mặt hồ.

Chúng tôi đứng bên này hồ chiêm ngưỡng, xung quanh hồ là vườn cây, xen lẫn những lối mòn được lát bằng những phiến đá xanh tự nhiên đã nhẵn bóng. Lá vàng, lá đỏ, lá xanh đan xen rực rỡ, lối đi vào u uẩn, trầm mặc như dẫn dụ, gợi trí tò mò, như mời chào người vào tìm kiếm. Hàng rào hai bên đường là những cây tre, có cây đã khô vàng, cây còn xanh đan kết giản dị, mộc mạc, dắt ta đi vào nhiều ngã rẽ bất ngờ.

Phía xa, chỗ nghỉ ngơi và mua đồ lưu niệm mang hình tượng chùa vàng hay búp bê Nhật mặc kimono, mặt nạ “Nô”, khăn tay in hình cô gái, bà hoàng, công chúa Nhật mặc kimono cổ xưa phủ kín mặt khăn. Áo kimono cổ tầng tầng lớp lớp thêu dệt chỉ vàng, chỉ bạc, tôi đã ngắm ở bảo tàng. Mỗi phòng chỉ bày một áo to rộng,  phủ xòa toàn lụa tơ tằm, nhiều lớp, nhiều màu, nặng 10 - 25kg, những hoàng hậu hay công chúa ngồi trong một phòng, áo xòe rộng như bông hoa rực rỡ, uy nghiêm, choáng ngợp, khiến người xem phải cung kính, khép nép e dè, ngưỡng mộ, thán phục.

Tôi không thể tả nổi đường kim, mũi chỉ, màu sắc, họa tiết, hoa văn được thêu trên áo, có cái đỏ rực, bên trong trắng tinh lòa xòa, chỉ vàng, chỉ bạc, xanh thậm, xanh nhạt, vàng cháy, vàng cam, màu nâu xậm, vàng ốc, thấp thoáng điểm chút đen làm điểm nhấn, đan xen hòa quyện đến choáng ngợp. Lại có kimono xanh cánh chả, xanh lơ, xanh lam, xanh lục, đột phá đen, trắng, cam, hồng, đột xuất chấm phá chút đỏ. 

Thật tuyệt vời! Tôi đứng lặng ngắm nhìn chiếc áo kimono vĩ đại như bức tranh trừu tượng ấy, tự hỏi ai đã từng mặc chiếc kimono này? Bà hoàng hay công chúa nào đây, chắc họ phải đẹp tuyệt vời, rực rỡ, mà vẫn e ấp trong đôi hài, với dáng lúp xúp ngắn từng bước dịu dàng, e lệ quen thuộc của kiều nữ trong những tấm kimono đầy sức hấp dẫn không cưỡng lại nổi này. Không được chụp ảnh, chỉ còn giữ lại cảm xúc choáng ngợp trong tâm hồn mà thôi.

Ngắm đồ lưu niệm đóng gói tuyệt đẹp, tôi cứ nói với các bạn Nhật của mình rằng, nhận quà gói đẹp đến thế này, không bao giờ tôi nỡ xé ra. Dù là cái bánh, cái kẹo, cái cốc, cái thìa hay đồ thủ công mỹ nghệ, bất kỳ bao bì đóng gói nào đều xinh xắn gọn gàng, gói buộc khác nhau, muôn hình, muôn vẻ đẹp mắt, không nỡ xé bỏ bao bì ra để xem vật bên trong, vì lớp gói bên ngoài được làm với cả tấm lòng trân trọng quá, sáng tạo quá, đẹp quá.

Chẳng xá tuổi 70 tôi cũng lên núi, leo lên chùa Fushimi Inari-taisha Shrine, có một triệu ba trăm linh hai cái cổng gỗ, đồng màu đỏ cam giữa rừng cây xanh, mỗi khúc nhịp lại có một cổng đá đan xen, hơn một triệu cái cổng mà nhà sắp đặt nổi tiếng thế giới Castro phải thốt lên lời thán phục, ông học và ảnh hưởng ở đây rất nhiều. Cổng đi lên thì trơn, đi xuống thì hai hàng cột đều khắc những dòng chữ đen - tôi thật sự tiếc khi không đọc được để hiểu ý nghĩ của nó. Chùa là quần thể rộng lớn với rừng núi, và những ngôi nhà, khu vườn thơ mộng.

Có đến ngàn ngôi chùa cổ và cung điện cổ tại Kyoto này, mà khi bước chân vào bất chợt, có thể bạn được chiêm ngưỡng một điệu múa, tế lễ cổ với người biểu diễn bận sắc phục cổ truyền thống của Nhật, trầm trồ khu vườn với bãi cát, hay bãi đá hằng giữ sạch sẽ và hàng ngày tạo nên những bức tranh cát, tranh đá biến ảo của núi, sông, biển, mặt trời, của hoa, của đá đều đặn luôn thay đổi, khiến ta hồi hộp muốn chờ đợi xem ngày hôm sau điều gì mới sẽ xảy ra. Người Nhật từ trẻ, già, sinh viên, học sinh, đến người nước ngoài, đến những tiệm cho thuê áo kimono của cả nam, nữ, trẻ con, mặc quốc phục rồi mới đến thăm những công trình cổ.

Vào bất kỳ danh thắng nào, mọi khách trong và ngoài nước trẻ, già, lớn, bé đều phải cởi giày gửi lại, hoặc nhận túi nilon cho giày vào xách tay, ra khỏi đó mới được đi giày lại. Tôi đã “lẫm chẫm” trong hang tối om, được gọi là “tử cung của Mẹ đã sinh ra Đức Phật”, hai bên tường mềm mại lồi lõm, và được khuyên: Hãy đi vào đây để cầu sự an lành cho mình và cho mọi người.

Vào ngày 25 hàng tháng, ở đây có phiên chợ giống như phiên chợ Viềng của Việt Nam. Chợ là khu vườn rộng lớn, thờ những con trâu trong am hai bên đường. Mọi người dựng lều đúng một ngày, bán thượng vàng hạ cám đủ mọi thứ. Giữa mê hồn trận đó, gặp một lọ sơn mài đỏ thắm vài trăm năm, những búp bê Nhật mới, cũ, kimono, đồ đồng, đèn, chuông, đồ gốm Nhật cổ, bánh, kẹo gia truyền, tượng đồng, tượng đá, đá nữ trang hổ phách, san hô, đá bản quý làm nữ trang cổ vài ngàn năm. Hấp dẫn thế mà chợ chỉ mở đúng một ngày, buổi chiều là thu dọn về hết.

Đầu Xuân 2016, dành 10 ngày chú tâm thăm cố đô Kyoto vẫn là cưỡi ngựa xem hoa. Làm sao đi hết được - còn bao nhiêu điều chưa được chiêm ngắm, thưởng ngoạn. Phải chăng là một sự níu kéo để cho ta nỗi nhớ tiếc thành phố của đất nước Đông Á nền văn hóa lâu đời, một quốc đảo mà sự hiện đại tối tân, ồn ào, náo nhiệt lao phóng về phía trước xen lẫn sự cổ kính, trầm mặc tồn tại tự ngàn xưa hiện diện song hành nhắc nhở ta về dòng chảy không ngừng của lịch sử Nhật Bản.

Để ta nhớ, ta mong ước ngày nào đó sẽ lại quay trở lại, được cùng hòa mình vào dòng chảy đó chiêm nghiệm, học hỏi và thưởng ngắm, trở lại nơi mặt trời mọc đắm trong ánh sáng văn hoá diệu kì mà người dân kỷ luật và nguyên tắc nhưng rất lãng mạn ở đây, dù là nông dân hay người nghèo cũng đầy tự trọng về  ý thức sống, ý thức công dân Nhật nên mới làm nên một cường quốc khiến cả thế giới ngưỡng mộ về kinh tế lẫn văn minh, với môi trường và không khí văn hoá đáng mơ ước.

Nguyễn Thị Hiền
.
.