Toàn chuyện lạ lùng

Thứ Tư, 10/10/2018, 16:07
Độ rày Sài Gòn mưa nhiều quá. Trời âm u kẹp kem thêm những ngập ngụa những kẹt xe, những máy bơm chống ngập chưa được bơm thêm tiền ngân sách nên đình công rồi lại tái khởi động khi được chi thêm kinh phí, những kết luận thanh tra sai phạm của Trung ương rồi của thành phố, những khởi tố cựu quan chức, những khai trừ Đảng, cắt chức vụ trong quá khứ…

Có vô vàn những thứ náo nhiệt trong thời tiết ui ui này, thứ trời mây mà ai chấp chới từng đọc Bồ Tùng Linh, từng đọc Viên Mai sẽ thấy một ảm đạm lòng người.

1. Mấy bữa trước Ngô tôi có đọc một bài viết nhân danh độc giả được xuất bản trên một tờ báo điện tử có nhiều người đọc, bài viết ngắn thôi, đại loại là kiến nghị UBND TP HCM nên sớm quyết xây dựng nhà hát giao hưởng có số vốn đầu tư là 1.500 tỷ tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP HCM. Những thủ thuật truyền thông dọn đường, những ngón nghề truyền thông chuyên nghiệp, vốn dĩ là thứ Ngô không xa lạ. 

Nhưng thiệt ra như một thói quen, Ngô luôn tôn trọng mọi quan điểm của mỗi cá nhân, miễn sao quan điểm ấy là chân thành, quan điểm ấy là suy nghĩ thật của cá nhân ấy, chứ quan điểm tuyệt nhiên không nên hiện hữu vì hiện kim hay tài vật. Dẫu vật đổi sao dời, thiên hạ can qua hay lộc đỉnh đổi chủ thì người cầm bút vẫn phải cố giữ được sự tôn nghiêm lẫn kiêu hãnh của chính mình.

Dạo nọ, Ngô có đọc về tiên sinh Hoàng Tích Chu. Tiên sinh Hoàng Tích Chu làm báo vài năm ngắn ngủi trước khi từ giã cõi rong chơi phù phiếm này, nhưng tiên sinh đã kịp để lại nhiều nét mới cho làng báo Quốc ngữ những hôm còn sơ khai trước 1930. 

Tuy nhiên, chuyện đổi mới chưa sánh được với cái tính "yêu ai cứ bảo rằng yêu, ghét ai cứ bảo rằng ghét" của tiên sinh, tiên sinh từng có bài đả phá một vị quan nhân khi vị quan này sở hữu cả một dãy phố ở Hà Nội. Thân phụ của tiên sinh giận lắm, từ mặt. Cha con gặp nhau ở đám tiệc mỗi người ngồi một bàn, không chào không hỏi, cha thì giận, tiên sinh thì sợ. Đành vậy.

Bởi đơn giản vị quan nhân mà tiên sinh viết bài tẩn ấy chính là em trai của phụ thân tiên sinh, tức là chú của tiên sinh.

Một đận, tiên sinh có về làm báo cho một nhà tư sản. Với khẩu hiệu, người Việt đi tàu Việt, nhà tư sản ấy thu hút được rất nhiều khách Việt trong cuộc cạnh tranh với tàu của người Pháp, người Hoa. Vô tình, tiên sinh phát hiện nhà tư sản mà tiên sinh đang phụ việc có hành động không đúng với khẩu hiệu, lập tức tiên sinh viết bài mắng luôn. 

Mắng xong gác bút đi làm tờ báo khác. Dân chơi như tiên sinh trong làng cầm bút của nước mình, chắc là không nhiều. Kẻ hậu sinh như Ngô chỉ là đọc lại từ sách xưa mà kể ra vậy.

Minh họa: Lê Phương.

Trở lại chuyện Thủ Thiêm.

TP HCM có mấy điểm nóng về đất đai, nóng nhất phải kể đến Thủ Thiêm. Thủ Thiêm bên cạnh những cao ốc, những khu đô thị mới là những nhầy nhụa bùn đất, những đại công trường thênh thang xà bần, những nham  nhở công trình đình trệ… 

Quan trọng hơn cả là những khu tạm cư lụp xụp, trong những khu tạm cư ấy hàng trăm con người vẫn đang ngong ngóng về cái ngày họ được bồi hoàn vì phần đất hợp pháp của họ bị chiếm dụng.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong quá trình triển  khai thực hiện đầu tư, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND TP HCM và các sở, ngành liên quan đã để xảy ra những khuyết điểm, vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi một số hộ dân sinh sống trên địa bàn, phát sinh khiếu nại gay gắt, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. 

Cơ quan thanh tra chỉ rõ các vi phạm, khuyết điểm xảy ra trong việc quy hoạch, thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ tái định cư, điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền.

Cái cụm từ, "điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền" tưởng chừng  như đơn giản nhưng đó chính là nền tảng của sự oan khuất mà nhiều người dân ở Thủ Thiêm đang gánh chịu. 

Điều chỉnh diện tích và ranh giới chính là điều chỉnh bản đồ quy hoạch, không đúng thẩm quyền chính là không cần đệ đơn trình xin phép Trung ương mà thích là cứ nới rộng biên độ của bản đồ quy hoạch, bản đồ quy hoạch được nới rộng đến đâu thì dân mất đất nhiều đến đấy.

Trong bộ phim của Trung Quốc, rất quen thuộc với khán giả Việt Nam có tên Tây Du Ký, nhân vật Tề Thiên Đại Thánh cũng "điều chỉnh sổ sinh và tử không đúng thẩm quyền". 

Nghĩa là cứ cầm bút của phán quan rồi tra sổ sinh tử gạch hết tuổi sinh tuổi chết của loài khỉ trên trần gian, bất chấp chỉ có Ngọc Hoàng Đại Đế là có quyền đó và Diêm Vương là người giám sát thực thi.

Cái điều chỉnh của Thủ Thiêm cũng vậy, điểm khác biệt duy nhất chính là một hành vi diễn ra trong phim còn một hành động diễn ra trong đời thực.

Không chỉ có kết luận của Thanh tra Chính phủ, mà Thủ Thiêm còn tồn tại nhiều vấn đề, đó là những dự án BT được giao cho tư nhân rất phóng khoáng. 

Điển hình như vụ Đại Quang Minh nhận đất từ thành phố rồi trả lại hạ tầng theo kiểu 1km đường tiêu tốn hết 1 nghìn tỷ vậy. Hay là quỹ đất dành cho tái định cư được giao cho các doanh nghiệp tư nhân xây chung cư cao cấp còn dân vẫn đang lưu ngụ tại khu tái định cư…

2. Nhà hát giao hưởng không đơn thuần là một sân khấu, đó là một loại hình nghệ thuật vừa kén nghệ sĩ vừa kén cả khán giả mộ điệu. 

Và thật khó nếu tin rằng chỉ cần xây xong nhà hát giao hưởng là ngay lập tức có thể có nghệ sĩ biểu diễn cũng như có đủ khán giả để lấp đầy cái nhà hát giao hưởng với quy mô, "1.700 chỗ, có 2 khán phòng gồm khán phòng lớn 1.200 chỗ và khán phòng nhỏ 500 chỗ". 

Còn giả như nếu xây nhà hát giao hưởng rồi cho thuê các sự kiện từ trao bằng đại học đến giới thiệu sản phẩm hay thi thoảng ca sĩ đến ra mắt album thì không cần tốn tiền ngân sách nhiều đến vậy.

Kiểu cảnh trong một bộ phim truyền hình dài tập trước đây, Hai Lúa trúng đất vì mấy hecta ruộng lọt vào khu quy hoạch công nghiệp. Hai Lúa ôm một giỏ tiền lên thành phố, thích là bia vui là gái. 

Về sau bia chán, gái chán, lang thang vào showroom ô tô xem xe hơi. Nhân viên bán ô tô thấy có ông Hai Lúa đầu nón tre, chân guốc mộc, tay ôm túi đệm thì chán đời hẳn. Hai Lúa hỏi thì gắt, Hai Lúa nhờ thì thét. Giận lên, Hai Lúa chồng tiền mặt sắm hẳn cái xe ô tô đắt nhất trong showroom cho thiên hạ hiểu thế nào là dân chơi miệt ruộng. Sắm xong ô tô, giấy tờ đủ cả, Hai Lúa mới tẽn tò phát hiện ra rằng mình không biết lái ô tô.

Xây nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ ở thời điểm này cũng vậy, hệt như anh Hai Lúa sắm ô tô. Còn sang lắm thì thuê dàn nhạc ở nước ngoài qua biểu diễn, mà dẫu bỏ một đống tiền thuê được họ sang đàn ca sáo nhị thì lấy ai đi nghe.

Hệt như một dạo đất nước mình có rất nhiều sân golf, tỉnh nào cũng có sân golf, sân golf hiện hữu khắp nơi bất chấp những cảnh báo về việc diện tích đất canh tác lương thực bị thu hẹp nhường đất cho sân golf. 

Để rồi về sau mới trơ mắt lên nhìn cảnh sân golf có rồi mà người chơi lèo tèo quá. Chính vì người chơi lèo tèo quá nên thua lỗ, chính vì thua lỗ nên lại phải xin thay đổi mục đích sử dụng đất để biến thành căn hộ cao cấp, để biến thành biệt thự và… bán.

Ở một thành phố mà mười triệu dân nơm nớp trước một cơn mưa vì sợ ngập nước, thi thoảng đùng phát vỡ đê bao thị dân hóa thành bà con vùng lũ, rồi chưa kể chống ngập bằng cách nâng đường biến nhà dân thành hang, rất sẵn lòng chặt trụi cây xanh rồi chuyện chặt cây xanh để làm gì hạ hồi phân giải… thì đột ngột lại muốn có một nhà hát giao hưởng nhằm xây dựng một công trình văn hoá nghệ thuật chuyên ngành, hiện đại, xứng tầm với một trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội lớn của đất nước, là một trong những công trình thiết chế văn hóa mới tiêu biểu của thành phố góp phần khẳng định vị thế của thành phố. Ngô tôi e rằng đây thật sự là một câu chuyện lạ kỳ.

Không phải có rất nhiều tỉnh nghèo từng muốn chi hàng nghìn tỷ đồng để có quảng trường to đẹp, để có công viên to đẹp, để có trụ sở to đẹp… Nhưng rồi mọi thứ đi về đâu nếu không muốn nói thẳng là gói gọn trong hai từ, hình thức.

Một đô thị văn minh là một đô thị được đo bằng sự hài lòng của người dân về chất lượng sống, về thu nhập, về sự thụ hưởng văn hóa. Làm sao có thể tin rằng chỉ cần có một nhà hát là ngay lập tức có thể khẳng định được vị thế của thành phố. 

Vị thế của một thành phố dựa vào một nhà hát thì bất cứ thành phố nào của khắp thế giới này đều có thể có vị thế cả, chi tiền xây một nhà hát thật to là xong chứ có gì đâu.

Không bàn về nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ nữa, chỉ xin nhắc đến nhà hát Trần Hữu Trang - thánh đường của cải lương một dạo được thành phố duyệt chi xây mới 60 tỷ. Đùng phát đội giá lên 132 tỷ nhưng rồi nghệ sĩ và khán giả vẫn không thể có một thánh đường bởi khi nghiệm thu thì có đến 10 hạng mục cần phải làm lại do thiết kế không đúng chuẩn.

Và mặc dù có bổ khuyết là xây dựng nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ là dự án có từ 20 năm trước nhưng chưa thực hiện được, thì trong bối cảnh này vẫn chưa phù hợp. 

Nhất là lúc những oan khiên Thủ Thiêm chưa được giải hết, bài toán hạ tầng của thành phố vẫn lơ lửng chưa có đáp áp, dự án chống ngập 10 nghìn tỷ Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao cho TP Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm toàn diện khi dự án này nẩy sinh nhiều lùm xùm… Đó là còn chưa kể đến những nguyên cán bộ lãnh đạo của thành phố bị khởi tố vì liên quan đến Vũ "nhôm".

Nghĩa là, còn hàng vạn thứ tồn đọng đang chờ lãnh đạo UBND Thành phố tháo gỡ, giải quyết, toàn là việc cấp bách cả. Thế nên, lãnh đạo thành phố nên tập trung cho những việc cần làm ngay, thay vì cứ trông mật ngọt từ cái nhà hát 1.500 tỷ ấy.

Ngô tôi nói rất thật lòng, có khiến ai nóng mặt xin niệm tình lời ngay mà bỏ quá cho.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.