Tô phở sáng ở Hồ Con Rùa

Thứ Năm, 19/03/2020, 16:49
Bên bàn điểm tâm sáng, bên ly cafe sớm, nơi quán hàng ăn xế buổi chiều hay kể cả là giữa một quán ăn khuya, chúng ta có thể quan sát cuộc sống ở một góc nhìn mới và khác. Từ góc nhìn của tôi, những câu chuyện quà vặt đã bắt đầu. Và cả bạn nữa, chính các bạn cũng có những câu chuyện quà vặt của riêng mình, ở những chỗ mà bạn thường lui tới.

Thành phố vắng như Tết khi đại dịch COVID-19 xảy ra và bắt đầu có chiều hướng phức tạp hơn. Kiểm soát dịch ở Việt Nam, tính cho đến lúc này, đã được thực hiện rất tốt. Nhưng đúng là dịch bệnh thì bất trắc và khó lường. Đúng lúc trẻ em bắt đầu có thể đi học trở lại thì ổ dịch mới lại bùng phát ở Hàn Quốc. Kéo theo nó có thể sẽ lại là một kỳ nghỉ tiếp theo cho đám học trò. Còn cha mẹ, tất nhiên cũng sẽ dày thêm nỗi lo bởi nếu cứ thế này, công chuyện làm ăn sẽ còn đình trệ nữa.

Tôi rời cuộc họp sớm của toà soạn mỗi thứ Hai đầu tuần với những thông báo về diễn tiến dịch COVID-19 sau lưng, rảo bước về phía Hồ Con rùa. Cơ quan tôi cách hồ chỉ chục bước chân và nơi đó cũng là chỗ mà tôi và các đồng nghiệp thường ghé tìm bữa điểm tâm. Thoáng nhìn thấy cái biển bằng bìa carton nho nhỏ, cỡ bằng tờ A4, với dòng chữ viết tay "Phở Hà Nội", tôi ghé vào tiệm phở "dã chiến" đóng đô tại căn trệt của một chung cư cũ. Dăm người khách đang dùng bữa sáng ở đó. Tất cả đều lặng im và với vẻ khẩn trương cùng trang phục của họ, tôi đoán họ là dân công sở quanh đây. Lạ thật, bao nhiêu năm làm việc ở toà soạn này; bao nhiêu năm lang thang kiếm đồ ăn sáng quanh khu Hồ Con rùa này, đây mới là lần đầu tiên tôi đặt chân vào hàng phở ấy.

Ảnh: LG.

"Chú dùng gì?". Người chủ quán tuổi ngoài 50 khẽ hỏi với vẻ niềm nở trong đôi mắt. Tôi đoán chị đang mỉm cười. Đoán thôi, vì cái khẩu trang choán mất 2/3  khuôn mặt chị. "Chị cho xin tô nạm gầu", tôi đáp. "Nạm gầu. Trà đá luôn". Chị chủ quán gọi với vào trong. Rồi tay chị khẽ đẩy ra trước mặt tôi một vật nho nhỏ: chai gel rửa tay tiệt trùng. Nó nằm đó tự bao giờ. Chỉ có điều tôi không để ý.

Tôi bắt đầu ngạc nhiên, và ngoái nhìn qua các bàn khác. Mỗi bàn đều có một chai như vậy. Khá thật, tôi thầm nghĩ, giữa thời buổi khan hàng khẩu trang và nước rửa tay như thế này mà quán phở này dám trang bị 7 chai gel rửa tay cho 7 bàn khách của mình. Và tôi cảm thấy muốn bật cười với suy nghĩ thoáng qua "Ủa, vô một tiệm ăn, cái người ta cần thấy là tô chén muỗng đũa phải sạch chứ đâu phải chỉ mỗi đôi tay người ta phải sạch. Tay sạch mà muỗng đũa dơ bẩn thì có ích gì?".

Nhưng nụ cười vừa muốn bật ra ấy của tôi đã kịp tắt ngấm khi dòng suy nghĩ dắt tôi đi rất nhanh qua câu chuyện khác. Tôi có thể có triết lý của tôi thì tại sao chị hàng phở không có triết lý của chị ấy nhỉ? Việc cung cấp một chai gel rửa tay tiệt trùng cho mỗi bàn khách của chị chứng tỏ điều gì? Chị ấy muốn quan tâm đến khách hàng của mình. Cái này, nói đúng ra là dịch vụ khách hàng (customer services) của chị đã hơn đứt được ối chỗ cao sang, lộng lẫy với thương hiệu lừng danh rồi. Và chị ấy muốn gì nữa? Sự an tâm cho khách hàng của mình khi bước vào hàng phở ấy. Đơn giản, chai gel rửa tay kia sẽ cho người ta một cảm giác thanh sạch. Tôi liếc nhanh xuống sàn. Phải thừa nhận cái sàn của chị ấy sạch thật. Tịnh không một bóng rác. Tịnh không một vết dầu mỡ nhớp nháp như những hàng ăn khác. Và tôi mở hộp đũa. Với thói quen rất bình thường của mình, tôi cầm một đôi đũa lên, lấy khăn giấy lau sạch. Đôi đũa khô rang, không có chút mùi đồ ăn như nhiều tiệm ăn khác. Tôi tin là tiệm này sạch sẽ. Có lẽ, chủ hàng tự tin vào sự sạch sẽ mà mình cung cấp nên chị muốn củng cố cái an tâm cho khách hàng bằng chai gel rửa tay kia chăng? Tôi đoán thế thôi. Tôi cũng không hỏi.

Ảnh: LG.

Nhưng nói gì thì nói, ở thời dịch bệnh đe dọa này, nếu ta bước vào một nơi chốn nào đó và thấy họ dành cho mình và mọi người những chai gel rửa tay miễn phí, ta sẽ cảm thấy an tâm hơn rất nhiều. Cái quán phở cóc này cũng muốn tạo ra sự an tâm kia, có nghĩa là chủ quán đã chủ động biết cách ứng biến với dịch. Trong khi đó, có nhiều nơi đang rên rỉ vì không có khách, vì làm ăn thất bát chỉ vì dịch thì giữa quận 3 của thành phố này, một quán cóc bình thường cũng đã tự mình tìm cách "sống chung với lũ".

Tôi đảo mắt nhìn ra phía trung tâm Hồ Con rùa, với cái vòng xoay (mà trong này người ta hay gọi là "Công trường") quen thuộc. Công trường Quốc Tế, cái tên của cả khu vực này, vốn là một nơi gắn bó với tôi hai mươi năm nay, kể từ ngày tôi đặt chân vào Sài Gòn lập nghiệp. Hai mươi năm trước, quanh nơi này là san sát những quán cafe cóc, với những chiếc ghế dựa cùng kiểu bằng bạt hay nhựa. Cộng sinh cùng các quán cafe cóc đó là những xe bánh mì, xôi mặn… Buổi sáng ở Công trường Quốc tế luôn náo nhiệt, với đám công chức, nhân viên văn phòng của các tòa nhà quanh khu vực tụ tập lại kiếm bữa điểm tâm vội trước khi nhập sở làm. Xe gắn máy ngày đó để tràn xuống phố. Phải nói, lúc ấy nhìn cái Công trường Quốc tế nó nhếch nhác kinh khủng. Nó chẳng có tí gì "quốc tế" cả. Nó lô can (local) đúng nghĩa.

Nhưng chỉ vài năm sau khi tôi đặt chân vào Sài Gòn thôi, cái nhếch nhác ấy đã được xử lý triệt để. Không còn các quán cafe cóc nhảy dù vây quanh Công trường Quốc tế nữa. Vỉa hè được trả lại cho người đi bộ. Xe gắn máy không còn dựng tràn xuống lề đường. Các quán cafe ở mặt tiền các căn nhà quanh đó bắt đầu được đầu tư hơn, với khu để xe riêng trên vỉa hè. Có thể nói vẻ ngoài của nó đã lột xác. Nhưng bản chất thì thế nào? Tôi lắc đầu ngao ngán khi nghĩ đến nó. Sáng nào tôi cũng dắt con đi học qua Công trường Quốc tế này. Và đọng lại là gì? Một mùi khai nồng kinh khủng của những kẻ tiểu tiện bừa bãi quanh các gốc cây, bờ tường. Đặc biệt là ở góc Công trường Quốc tế - Võ Văn Tần. Chỗ ấy, cứ dăm bữa nửa tháng, ông điện lực lại chở một cái trạm điện cơ động to như cái container chiếm dụng toàn bộ góc vỉa hè. Chính cái trạm điện đó đã tạo ra một bức tường che lý tưởng cho những kẻ ưa "đái đường". Và kế bên cái trạm điện kia, ông vệ sinh công cộng tập trung xe rác về đó, úp mặt vào tường cả dãy. Nếu phải nói ở trung tâm Sài Gòn chỗ nào hôi thối nhất, không ít người dám chọn cái góc công trường mang tên Quốc tế kia.

Ảnh: LG.

Từ cái chai gel rửa tay của cô hàng phở cho tới cái góc hôi thối nhất Công trường Quốc tế, nơi đã từng là những quán cafe dù hai mươi năm xưa, tôi chợt nghĩ đến cái riêng và chung. Hai mươi năm trước, quán cafe khiến góc đó bị mang vẻ ngoài nhếch nhác, nhưng nó còn giữ được sự thơm tho, sạch sẽ. Còn bây giờ, vẻ ngoài hết nhếch nhác rồi nhưng mùi xú uế lại nồng lên mỗi ngày. Cái quán cafe dù, dù là chiếm dụng vỉa hè công cộng, thì ít ra trong thời gian tồn tại, người chủ kinh doanh phải nghĩ đến cái sạch để phục vụ khách của mình. Còn khi vỉa hè được trả về là của công, chẳng ai chăm lo tới nó cả. Không ai thấy cái lợi riêng của mình ở đó để mà săn sóc nó. Cũng như hàng phở kia thôi. Nếu nó là hàng phở mậu dịch, chắc gì đã có chai gel rửa tay tiệt trùng cho mỗi bàn?

Tại sao chúng ta luôn quên cái lợi ích chung của mình đến thế? Tại sao chúng ta luôn bỏ qua một thực tế rằng mỗi góc phố công cộng sạch và thơm tho sẽ góp phần khiến cho thành phố ta trú ngụ có cơ hội kiếm được nhiều doanh thu hơn, cụ thể là doanh thu cho những con người đang kinh doanh trong lòng thành phố. Những người kinh doanh ấy có thể chẳng liên quan đến ta nhưng việc họ kiếm ra tiền chắc chắn sẽ khiến họ dám tiêu tiền. Khi họ dám tiêu tiền, rồi sẽ có lúc dòng tiền ấy sẽ chảy vào túi của chính chúng ta, những người luôn tưởng rằng mình không có lợi ích gì nơi những tài sản "cha chung" và do đó "không ai khóc".

Tự dưng tôi thấy ghen tị với thành phố Huế của đồng nghiệp Lê Thanh Phong (Báo Lao Động). Ở đó, người dân bắt đầu quen với ý thức làm sạch đô thị. Còn ở đây, chẳng lẽ lại phải giao khoán các góc phố cho tư nhân kinh doanh, ngõ hầu nhờ họ giữ cho chúng được sạch đẹp, bởi đơn giản, khi ấy, họ là "cha đỡ đầu". 

Hà Quang Minh
.
.