Tình tự tiếng Việt
- Thảm họa sử dụng sai tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông đại chúng
- Nhà thơ tiếng Việt vĩ đại nhất
- Đầu năm nghĩ đôi điều về tiếng Việt1
Ở LHTQT, các nhà thơ trình bày tác phẩm của mình bằng tiếng mẹ đẻ - ngôn ngữ gốc viết nên tác phẩm, nội dung bài thơ được dịch sang tiếng Pháp, phát cho các thính giả, không mấy ai dò theo nội dung đó, hầu hết khán giả đều chú ý dõi theo sự biểu cảm của nhà thơ, nghe phát âm của các thứ tiếng trên thế giới. Là một trong vài thi sĩ trẻ nhất của Liên hoan này nên càng được chú ý khiến tôi hồi hộp, tuy tự tin phấn chấn vì tuổi trẻ, vì đam mê nghệ thuật thực sự và vì tình yêu với đất nước tôi. Lần đầu tiên, tôi cảm nhận Tiếng Việt thật đẹp và cuốn hút, khi cả khán phòng yên lặng dõi theo, rộ lên vỗ tay, yêu cầu tôi đọc lại.
Tôi và TS. Văn học Trần Thu Dung - phụ nữ đầu tiên của Việt Nam đỗ Tiến sĩ Văn học tại Pháp kể từ khi Việt Nam và Pháp lập quan hệ ngoại giao năm 1973, đã không ít lần bắt quả tang và phẫn nộ khi gặp những nhóm người Việt đang nói chuyện Tiếng Việt với nhau, thấy đồng hương lập tức đổi sang tiếng Pháp và nhận mình là người Trung Quốc, Nhật Bản trong dịp Tết châu Á lúc ông Quận trưởng quận 13, Paris (quận đông người Việt sinh sống nhất trên đất Pháp) hỏi thăm nhân dịp dự Tết chung của các nước đón Tết Nguyên đán.
Lúc ấy, tôi tự hỏi họ yêu nước chút nào không khi muốn xóa nguồn gốc của mình? Tôi không tìm câu trả lời từ họ. Tôi quá bận cho hành trình quảng bá thơ của tôi, với câu hỏi mình - lời thúc giục mình sẽ yêu nước, vì đất nước thế nào?
Không phải nghệ sĩ nào cũng sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ và cống hiến trên đất nước mình, lúc đó nước gốc sinh ra họ sẽ được nhắc đến như yếu tố chỉ xuất xứ nhân thân và quê hương nhắc tên, điểm danh những người con thành đạt như một cách để tự hào, để nhắc họ đừng quên nguồn cội.
Thiên tài âm nhạc F. Chopin chưa đầy 20 tuổi dời Warsawa (Ba Lan) sang Paris và sự nghiệp bừng sáng ở đây, trước khi chết, ông muốn đưa trái tim về Ba Lan và thân thể nằm lại Paris. Tôi đã đến thăm mộ Chopin ở nghĩa trang Père Lachaise và ngôi nhà thơ ấu của ông ở ngoại ô Warsawa.
Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo, người mang hai Quốc tịch Việt - Pháp đã an nghỉ tại nghĩa trang này cuối tháng 11/2015. Tuy xa Hà Nội từ năm 13 tuổi, sống ở Pháp trên 60 năm, ông Đạo rất yêu văn chương Việt, say mê Truyện Kiều và trân trọng văn học Việt từ cổ đại tới hiện đại, hay hứng thú đưa chúng vào âm nhạc.
Ngày nay, khái niệm “công dân toàn cầu” được sử dụng phổ biến không nhằm để chỉ sự dịch chuyển của những người hay du lịch công tác, sinh sống nay đây mai đó nhiều nước mà cần phải hiểu một cách văn minh và hiện đại là những công dân quốc tế sử dụng tiếng Anh thông dụng nhất trong các ngôn ngữ được sử dụng nhiều trên thế giới.
Cùng sự phát triển vượt trội về khoa học công nghệ, khi công nghiệp xả khói thành vấn nạn toàn cầu làm Trái đất nóng lên, biển nóng và dâng cao kèm theo băng tan và sự thay đổi sinh quyển làm nhiều loại động thực vật chết dần hoặc tuyệt chủng, một số ngôn ngữ thành tử ngữ. Nhân loại mất dần những giá trị ngàn năm.
Các nhà văn Trung Quốc có một tiêu chí đánh giá đẳng cấp: lượng từ sở hữu. Trung văn rất khó vì bộ chữ tượng hình. Chính nhờ quá trình truyền đạo Thiên chúa của giáo sĩ Bồ Đào Nha và Pháp mà nước ta có chữ viết theo hệ Latin. Một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, đa số dân mù chữ, là thuộc địa, “thế giới thứ ba”, nếu không có chữ Latin, tốc độ phát triển và sự chênh lệch hàng thế kỷ của Việt Nam với thế giới, tốc độ thoát sự mông muội còn xa và lâu nữa.
Không thể phủ nhận dấu ấn văn minh mà thực dân Pháp đã đem đến Đông Dương và Việt Nam qua chữ viết, báo chí. Dù là phục vụ cho chế độ thực dân bóc lột thì sự có mặt của người Pháp ở Đông Dương cũng là người đem ánh sáng văn minh đến xứ An Nam. Tiếng Việt được hình thành từ tiếng Mường cổ, 70% là Hán Việt, còn lại là từ mượn từ tiếng Pháp, tiếng Anh.
Tôi đã đến Lyon, thành phố lớn thứ nhì nước Pháp, nơi ra đời của điện ảnh. Trước Cách mạng Pháp 1789, Nhà thờ dòng thánh Jésuite - Lyon, là nơi hành đạo của Alexandre de Rhodes. Sau khi từ Việt Nam trở về, ông đã thăm lại chốn này - nay là trường Ampère bên sông Rhône. Trong nhà dòng của trường vẫn lưu giữ cuốn từ điển Việt Nam của Rhodes.
Mỗi loại hình nghệ thuật là tấm gương phản chiếu văn hoá của dân tộc ấy. Ngày càng nhiều người ở châu lục khác biết đến Việt Nam, nền văn hoá, nghệ thuật Việt Nam. Làm thơ, viết văn, tôi dày công khai thác, phát huy nhạc tính của ngôn ngữ Việt. Nắm rõ niêm luật của các thể thơ truyền thống, tôi chọn làm thơ tự do để tự chủ và thoải mái, chân xác với tâm hồn nhất. Tôi dùng tư duy hình ảnh và các thủ pháp điện ảnh, nỗ lực gia tăng nét nghĩa mới cho từ, tạo khái niệm mới cho từ, tổ chức những cuộc trình diễn văn chương với sự kết hợp của sân khấu và âm nhạc, trong và ngoài nước, tại Hà Nội và các chuyến du diễn châu Âu.
Không chỉ để quảng bá cho tác phẩm của tôi, còn là tôn vinh văn chương, lôi kéo công chúng chú ý đến văn học đương đại nước nhà. Nghệ thuật đa phương tiện (kết hợp nhiều loại hình vào một tác phẩm) là xu hướng của nghệ thuật thế giới khi tiếp cận hoặc ứng dụng, cập nhật sự hiện đại ấy thì chính là ta đã nỗ lực mở những nhịp cầu ra quốc tế.
Nhạc sĩ Phạm Duy (1921 - 2013) sống tại Mỹ từ Sài Gòn qua Mỹ và định cư ở đó 30 năm vẫn khao khát về nước mẹ, sung sướng khi được nhận lại quốc tịch Việt Nam. Ông về hẳn TP. Hồ Chí Minh năm 2005, để được chết ở nước mình: “Tôi nghĩ, tôi chết cũng như sống thôi, vì gia tài để lại của tôi nhiều lắm. Một trăm năm nữa, nếu người ta vẫn hát Tình ca với câu “Tôi yêu tiếng nước tôi”, 999 bài còn lại, người ta quên cũng được”.
Tình ca (1952) của Phạm Duy - tác phẩm tiêu biểu trong kho tàng 1.000 ca khúc của ông, mà câu hát mở đầu được nhấn mạnh chính là tư tưởng của người nhạc sĩ tình tự dân tộc bằng âm nhạc: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời/ Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui/ Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi/ Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi/ Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi...”.
Phạm Duy có vốn ngôn ngữ Việt phong nhiêu, ông am hiểu văn học, phổ thơ tài tình, đặt lời Việt cho nhiều ca khúc quốc tế nổi tiếng. Tại khu ký túc xá sinh viên quốc tế ở Paris, tôi đã thấy bảng Vàng tôn vinh Phạm Duy Khiêm (1908 - 1974), anh trai ông, người Việt Nam đầu tiên nhận bằng Thạc sĩ văn chương tại Đại học Sorbonne.
Phạm Duy du học Nhạc viện Paris, ngạc nhiên về nghị lực của ông, chàng trai phố Hàng Dầu là con út nhà văn Phạm Duy Tốn (1883 - 1924), mồ côi cha khi chưa đầy 3 tuổi, không được thụ hưởng sự truyền dạy của cha nhưng dòng máu văn chương, văn hoá Việt di truyền chảy mãnh liệt giúp Phạm Duy trở thành một trong các nhạc sĩ lớn của Việt Nam thế kỷ XX, là dẫn chứng tiêu biểu của một nhạc sĩ yêu Tiếng Việt và đã thăng hoa nó qua nhiều ca từ tuyệt vời. Tôi đã có những kỉ niệm với nhạc sĩ ở Sài Gòn, được đàm đạo cùng ông tại nhà riêng ở quận 11, uống café, ăn tối hay xem đêm nhạc của ông Con đường tình ta đi tại Nhà hát Hoà Bình. Con đường ông đi 92 năm sống là con đường tình, tình tự dân tộc và Tiếng Việt.
Tiếng Việt trong đời sống hằng ngày chủ yếu là ngôn ngữ sinh hoạt. Hầu hết ngôn ngữ của các quốc gia trên thế giới đều có lớp, loại theo đối tượng sử dụng. Giai tầng xã hội, công việc, trình độ quyết định ngôn ngữ nói, viết.
Tiếng Việt, tiếng nói đầu đời của hầu hết đứa trẻ mang dòng máu Việt, sinh ra ở Việt Nam và kể cả nước ngoài - nếu cha mẹ nói với con bằng Tiếng Việt từ khi bé trong bụng mẹ đến lúc bé ra đời. Tiếng Việt, môn học căn bản của học sinh từ cấp tiểu học. Không phải ai là người Việt Nam đều thành thạo Quốc ngữ. Không phải cứ là nhà thơ, nhà văn là sành sỏi, giỏi ngôn ngữ chính vẫn sử dụng sáng tác. Học Tiếng Việt, học Ngữ văn đủ các cấp học, lên đại học lại có môn Tiếng Việt thực hành, Ngôn ngữ học.
Đã học một cách cẩn thận, ý thức bởi say mê văn chương, muốn theo nghiệp viết cả đời, vậy mà 20 năm sáng tác, tôi nhận thấy: để đạt đến độ giỏi Tiếng Việt, vẫn còn xa. Vẫn biết sáng tạo bằng Tiếng Việt thiệt thòi hơn các ngôn ngữ phổ dụng khác; muốn ra quốc tế phải dịch, nhưng định mệnh đã sinh ra tôi trên đất nước hình chữ S này, yêu và nỗ lực với văn chương Việt Nam là chăm sóc cho tâm hồn tôi và những người đọc tôi.
Những chuyến đi tới đây, tôi vẫn tiếp tục nhiệm vụ làm không mệt mỏi: kêu gọi và lan toả tình yêu nước Việt, Tiếng Việt với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.
Bài thơ Tiếng Việt (được nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm phổ nhạc) của thi sĩ tài ba Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) viết năm 1978 khi tôi chưa ra đời đã nói hộ tôi niềm đam mê vô tận ấy: “Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển/ Có gọi thầm Tiếng Việt mỗi đêm khuya?/ Ai ở phía bên kia cầm súng khác/ Cùng tôi trong Tiếng Việt quay về/ Ôi Tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ/ Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn/ Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá...”.
Để in bài thơ Tiếng Việt trên Báo Văn Nghệ, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã sửa câu kết bài “Tiếng Việt xót xa tình” thành “Tiếng Việt ân tình” và vài từ khác. Lưu Quang Vũ viết về lịch sử Tiếng Việt thác ghềnh bão tố theo lịch sử đất nước. Tiếng của dân tộc chịu bao cuộc chiến xâm lược, những mất mát và khổ đau, liên tục gặp thách thức là thứ tiếng để ta xót xa, thương quý.
Thứ tiếng ấy như bùn với sen thơm, như ngọc sáng: “Ôi Tiếng Việt như bùn và như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ/ Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát/ Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh/ Như gió nước không thể nào nắm bắt/ Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh/ Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy”. Giờ đây, lửa đang cháy rừng rực câu hỏi: Tiếng Việt bây giờ ra sao?
24 chữ cái trong 24 giờ mỗi ngày là 24 cánh cửa khởi đầu cho các loại hình nghệ thuật. 24 mạch chảy - luồng sáng trong vận hành khí quyển sống của những người yêu Tiếng Việt. Hành trình tình yêu mà chủ lưu là tình tự Tiếng Việt làm sao dứt. Hai mươi năm lao động nặng, nhọc nhằn đã đưa tôi đến trung niên, nửa đời người. Sáng tạo văn chương của tôi đồng nghĩa sáng tạo Tiếng Việt, đấy là mỏ quặng không tầng đáy nếu ta thực sự dũng cảm, kiên trì và say mê. 24 chữ cái thường hằng cho tôi cám dỗ, thách thức, hối thúc.
Quá nhiều điều muốn viết, cần được viết ra, lắm đề tài, vùng cảm hứng dự định mà cật lực suốt kiếp này không thể hết. Hàng ngàn trang viết đã xuất bản dồn lại trong ánh sáng Xuân này qua đồng tử nâu ánh lên màu hổ phách. Hổ phách ấy là nhựa chữ quyện sinh lực, màu tóc, màu da tuổi trẻ, màu của đời người sút dần từng ngày sống cho sự nối dài bởi tình yêu máu thịt. Đấy là sự nối dài của lao động cho tác phẩm Con - thụ tạo tượng hình của yêu thương và thụ tạo của tài năng. Sắc hổ phách toả lộng ánh sáng của ADN mang tên nghệ sĩ và quốc tịch của ngôn ngữ sáng tạo.