Tinh thần thể dục

Thứ Ba, 08/12/2015, 10:22
Cụ Nguyễn Công Hoan xưa chắc là uống rượu say khó ngủ, nằm ngẫm chuyện đời nhiều nỗi éo le, uất hận đắng cây nằm sấp chõng tre viết “Tinh thần thể dục”. Ngô tôi là hậu sinh, mạn phép mượn tựa của tiền bối cho bài viết vụn vặt này.

1. Di Linh, là một huyện của tỉnh Lâm Đồng. Sẽ chẳng có gì là đặc biệt ở mảnh đất bazan màu mỡ và khí hậu quanh năm luôn dễ chịu này cả, nếu như không bất thần xuất hiện một văn bản lạ.

Nguyên ủy của văn bản này bắt nguồn từ một ngôi chợ mới xây trên địa bàn huyện Di Linh. Ngôi chợ này được gọi là Chợ Trung tâm Di Linh. Cạnh ngôi chợ mới, bao giờ cũng là ngôi chợ cũ.

Ngô đọc nghiệm được mấy điều xung quanh chuyện chợ mà ít người để ý đến. Khởi thủy của chợ cho đến giờ vẫn là nơi buôn bán, người ta chọn những góc ngã ba hay ngã tư đường để tụ tập quang gánh, thúng mẹt để bán buôn. Về sau, người xưa đúc kết thành “nhất cận thị, nhị cận giang” để ví von những vị trí đắc địa có thể là nơi kinh doanh tốt. Từ sự thuận tiện này, người dân hình thành thói quen mua bán ở địa điểm ấy. 

Những năm gần đây, thói quen này có sự dịch chuyển từ chợ truyền thống sang siêu thị, trung tâm mua sắm ở các đô thị lớn. Còn lại vùng thôn quê, chợ vẫn có những giá trị rất riêng mà những ngôi chợ mới sầm uất vẫn không đủ sức để níu kéo người vào mua sắm.

Thế nên, ngôi chợ cũ ở huyện Di Linh vẫn là nơi thu hút người dân hơn Chợ Trung tâm Di Linh. Nhẽ ra, quan chức địa phương phải xem đây là tập tính quán hết sức bình thường và có phương thức để người dân chuyển từ chợ cũ sang mua sắm ở chợ mới, đúng nghĩa cạnh tranh công bằng. Vậy mà, quan chức huyện Di Linh lại làm khác.

Ngô trích thông tin, “Tổ Thanh tra công vụ (thuộc UBND huyện Di Linh, Lâm Đồng) ra văn bản đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện việc mua sắm tại chợ trung tâm huyện. Đồng thời, hàng ngày phòng Nội vụ, phòng Kinh tế và Hạ tầng, phòng Giáo dục và Đào tạo, Đài Truyền thanh, Truyền hình huyện sẽ cử một người đi kiểm tra tại khu vực chợ cũ. 

Nếu phát hiện cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan đơn vị của huyện đi mua sắm tại đây thì tiến hành nắm bắt thông tin, ghi hình, lập biên bản báo cáo tổ thanh tra, sau đó sẽ báo cáo lên UBND huyện”.

Không hiểu tổ Thanh tra công vụ của huyện này lấy đâu ra cái tư duy kỳ lạ và ấu trĩ đến vậy để bảo vệ vấn đề kinh doanh của các tiểu thương tại chợ trung tâm huyện.

Tất nhiên, sau khi báo giới loan tin về công văn kỳ lạ này, Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cũng có văn bản đề nghị UBND huyện Di Linh xem xét lại trình tự thủ tục ban hành và thu hồi văn bản, lãnh đạo huyện cũng hứa sẽ thu hồi văn bản kỳ lạ này.

Văn bản ấy chắc chắn phải thu hồi, thế nhưng vấn đề chính là thái độ hành xử của tổ Thanh tra công vụ. Đặt câu hỏi ngược lại, nếu báo giới không loan tin thì văn bản này có được thu hồi hay không?.

Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền cơ sở ban hành văn bản theo dạng quyền hành lấn áp pháp luật. Trước đây, nhiều địa phương cũng đã lộng quyền với chữ ký và con dấu đỏ. Thậm chí, văn bản còn được sử dụng trong việc can thiệp, điều hành sản phẩm tiêu dùng.

Hàng loạt lãnh đạo của nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Hã Tĩnh đã có công văn chỉ đạo những cơ sở kinh doanh trên địa bàn của huyện phải sử dụng loại bia được sản xuất trong tỉnh. Những hộ kinh doanh nào sử dụng các nhãn hàng bia khác sẽ bị coi là vi phạm. Đó là chưa kể hệ thống loa phường ngày nào cũng ra rả về ích lợi mà ngân sách tỉnh sẽ thu được nếu sử dụng loại bia này.

Độc đáo hơn, lãnh đạo tỉnh còn ra sức đốc thúc cán bộ dưới quyền sử dụng loại bia ấy thông qua một ngày hội đại loại như “Tôi yêu bia X”. Người tham dự là những công nhân viên chức của tỉnh.

Ngô nghĩ, nguồn thu của một tỉnh luôn phụ thuộc rất lớn vào doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Thế nhưng, điều này không có nghĩa là vì nguồn thu ấy mà những quan chức tỉnh bất chấp lề luật để ban hành những văn bản mà Ngô e rằng chính những văn bản này khiến người dân ngày càng mất niềm tin vào năng lực quản lý của quan chức địa phương.

Nguy hiểm nhất chính là cảm quan của những quan chức này. Không hiểu từ lúc nào họ tự cho mình cái quyền muốn ra văn bản nào thì ra, muốn ban hành văn bản nào thì ban hành, bất chấp văn bản ấy có vi phạm những điều luật đã được quy định hay không.

Từ đây, cho phép nhìn nhận thái độ của quan chức đối với người dân. Bởi nếu trọng dân thật sự, Ngô tin quan chức sẽ không cho hiện hữu những văn bản phản cảm như vậy, chỉ có coi thường dân thì họ mới mạnh dạn thực hiện những sự phi lý ấy.

Minh họa: Lê Phương.

2. Ngô trích dẫn công văn huy động người dân đi xem bóng đá trong Tinh thần thể dục của cụ Nguyễn Công Hoan do tri huyện Lê Thăng ký.

“Quan tri huyện huyện X.X.

Sức hương lý xã Ngũ Vọng tuân cử.

Nay thừa lệnh Tỉnh đường, ngày 19 Mars này, tức 29 tháng Giêng An Nam, tại sân vận động huyện có cuộc đá bóng thi, nhiều chiến tướng đá rất hay, mọi nhẽ.

Vậy sức các thầy phải thông báo cho dân làng biết và phải thân dẫn đủ một trăm người, đúng 12 giờ trưa đến xem, không được khiếm diện.

Những người đã cắt đi dự cuộc khánh thành sân thể dục tháng trước, thì lần này được miễn.

Ai có mặt tại sân vận động cũng phải ăn mặc tử tế, đi đứng nghiêm chỉnh, và phải vỗ tay luôn luôn, vì hôm ấy có nhiều quan khách.

Làng Ngũ Vọng lại phải có năm lá cờ, sẵn sàng từ 10 giờ sáng.

Việc này tuy là việc thể dục, nhưng các thầy không được coi thường, nếu không tuân lệnh sẽ bị cữu.

Nay sức

Lê Thăng”.

Năm 1939, khi công văn trào phúng này xuất hiện trên ấn phẩm Tiểu thuyết thứ Bảy đã gây một tiếng vang lớn.

Ít ai có thể ngờ rằng vài mươi năm sau, một công văn yêu cầu đi xem bóng đá lại có thể tái diễn tại tỉnh Kon Tum. Số là tỉnh Kon Tum tổ chức giải bóng đá U19 tranh cúp do một thương hiệu tài trợ. Nhằm khiến không khí sôi động hơn, tỉnh đã ban hành công văn khẩn huy động người đi xem bóng đá. Ngô hoàn toàn bị khuất phục vì tư duy này của lãnh đạo tỉnh, bởi trong cơn chấp chới ấy, Ngô chỉ toàn nhớ đến Tinh thần thể dục của cụ Nguyễn.

Mấy hôm nay, đám đông lại xôn xao vì cách xử lý nhân viên của Chủ tịch UBND Tỉnh An Giang, vì chuyện không đâu ra đâu.

Đại loại, cô giáo dẫn link bài viết về việc Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm ông Chủ tịch rồi bình luận, “Ông chủ tịch này cái mặt kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang”. Khi cô giáo viết như vậy, có tài khoản của một cán bộ đang là Phó chánh Văn phòng Sở Công thương tỉnh vào like.

Ngay lập tức, cô giáo bị phạt 5 triệu vì vi phạm nguyên tắc sử dụng internet. Công văn lằng nhằng lắm nên Ngô không trích dẫn. Ngoài ra, cô giáo còn bị khiển trách theo yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang. Còn cán bộ đang là Phó Chánh văn Phòng Sở Công thương vội vã thanh minh, “Chồng tui sử dụng tài khoản của tui vào like, tui không biết”. Báo hại anh chồng cũng bị phạt 5 triệu.

Ông chủ tịch vừa bảo, “Bản thân tôi bây giờ sẵn sàng tha thứ để họ sửa sai”. Thật khiến người khác đê đầu thán phục vì sự rộng lượng, khoan dung.

Ngô không tập trung phân tích ngữ nghĩa đoạn bình luận mà cô giáo đã đưa ra, vì Ngô tin rằng nếu Ngô tập trung phân tích nội hàm của cụm từ đó nhiều người bảo vệ ông chủ tịch sẽ hồ nghi Ngô dùng xảo thuật chữ nghĩa để ngụy biện. Hơn nữa, sự bình luận này cũng không có gì quá phức tạp để phân tích.

Tuân Tử từng nói, “Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ chính là kẻ thù của ta vậy”.

Người nay luận bàn, “Tại sao người chê ta mà chê phải là thầy của ta? Dám chê người là trung thực, thẳng thắn. Chê phải lại càng quý, càng phục. Ta có lầm lỗi, có khuyết điểm, nhược điểm mà được người khác chê, chê phải mới đáng quý, khác nào một con bệnh được uống thuốc do một danh y đem cho. Người có trí tuệ hơn người, có tâm đức cao cả mới nhìn thấy khiếm khuyết của đồng loại, thành thật chê, chê phải, chê đúng. Người đó thật đáng kính, đáng tôn thờ, đúng là thầy của ta”.

Nhưng đáng tiếc, thay vì xem lời đó là đúng hay sai để sửa mình, thì ông chủ tịch tỉnh lại chọn cách hành xử khác.

3. Bất chấp những chộn rộn giữa quan chức địa phương và đám đông vì những văn bản lẫn thái độ hành xử, thì hiền tài của nước mình vẫn đang mải mê ngồi cười vì câu trả lời của ngài Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nhiều tờ báo đưa tin, sau câu trả lời ““chuyển trách nhiệm cho người kế tiếp” của ngài Bộ trưởng, các Đại biểu Quốc hội đã cười rộ. Chính ngài Bộ trưởng cũng thừa nhận rằng, “Tôi trả lời chất vấn như vậy là để giảm stress cho các đại biểu Quốc hội”.

Lại nói về hai chữ, “Mua vui”.

Mấy trăm năm trước, đại thi hào Nguyễn Du hoàn tất mấy nghìn câu lục bát hoàn hảo đã cẩn thận bình chú, “Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh”. Đến Truyện Kiều cũng cốt hầu mong lấy sự vui, thì lời của ngài Bộ trưởng vừa thốt ra đã khiến cả hội trường bật cười đích xác đấy là sự thành công không gì có thể so sánh được. Cỡ như các siêu sao hài kịch Hoài Linh, Tự Long, Xuân Bắc, Trấn Thành, Trường Giang… cũng phải ngả mũ chào.

Xưa nhân sĩ Thân Nhân Trung từng viết, “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.

Ngô cũng chờ nguyên khí sau phút cười rộ sẽ làm gì đó cho quốc gia. Chứ nếu chỉ cười xong rồi im lặng, Ngô tin rằng Ngô có thể làm tốt hơn các hiền tài ấy!

Ngô Nguyệt Hữu
.
.