Thương nhớ đại tự sự

Thứ Ba, 29/01/2019, 17:01
Nhiều độc giả của cuốn sách best-seller “Sapiens: Lược sử về loài người” của Yuval Noah Harari đặc biệt thích thú luận điểm về sức mạnh của các câu chuyện trong sự gắn kết các cá nhân của một cộng đồng người - điều chính là động lực phát triển của loài người. 


Thật ra, đối với nhà tư tưởng Hậu hiện đại như Jean-Francois Lyotard (1924 - 1998), Paul-Michel Foucault (1926 - 1984), hay Jacques Derrida (1930 - 2004), đó là một ý tưởng khá quen thuộc. 

Đến lượt mình, các tác giả này lại tiếp nhận ý tưởng đó từ các tác giả Marxist ở Liên Xô hồi thập niên 1920 như Lev Semyonovich Vygotsky (1896 - 1934) và Valentin Nikolaevich Voloshinov (1895 - 1936).

Trong bài viết Cách mạng công nghiệp và hiểm họa mì ăn liền đã đăng trên một số báo An ninh thế giới Cuối tháng trước đây, chúng tôi đã trình bày sự hình thành ý thức của con người qua một bức tranh giản lược mà chúng tôi xin nhắc lại dưới đây. 

Hãy hình dung, thoạt đầu, vào một thời điểm nào đó trong lịch sử, khi một con vượn dạng người phát hiện thấy những trái cây chín rụng trên mặt đất, nó bèn nhặt ăn - đó là một hành động kiếm mồi thuần túy bản năng. 

Nếu trái chín trên cây và nếu nó không thể trèo lên để hái, con vượn có thể dùng đá ném. Hòn đá - đó là thứ nối dài bàn tay của con vượn, là vật trung gian kết nối con vượn với những trái chín trên cây. 

Nhưng có một điều cần lưu ý ở đây: bây giờ hòn đá có một chức năng, một giá trị, cái hoàn toàn trừu tượng và không hề có trong tự nhiên, cái không chỉ biến hòn đá thành một công cụ, mà còn biến nó thành một ký hiệu. Đây là một sự kiện cực kỳ quan trọng. 

Voloshinov viết trong cuốn Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ: “Mọi thứ có tính tư tưởng đều có ý nghĩa: nó đại diện, thay thế một cái gì đó nằm bên ngoài nó, nói cách khác, nó là một ký hiệu [...] Một vật thể vật lý, có thể gọi như vậy, đồng nhất với chính nó - nó không có nghĩa gì, nó hoàn toàn trùng khít với bản chất duy nhất của nó. 

Ở đây không có gì để nói về tư tưởng. Nhưng bất kỳ vật thể vật lý nào cũng có thể được tiếp nhận như là hình ảnh của một cái gì đó, chẳng hạn, như là hiện thân của quán tính hay tính tất yếu tự nhiên trong một vật cụ thể. 

Hình ảnh biểu tượng - nghệ thuật của một vật thể vật lý như vậy đã là sản phẩm tư tưởng. Vật thể vật lý ấy đã biến thành ký hiệu. Trong khi vẫn không ngừng là một phần của thực tại vật chất, vật thể đó, bằng một cách nhất định, đã phản ánh và khúc xạ một thực tại khác”(1)#.

Nếu hoạt động nói trên lặp đi lặp lại, đến một lúc nào đó, khi con vượn rời khỏi hang, ngay cả khi chưa hề trông thấy những trái cây, nó đã chuẩn bị sẵn những hòn đá có kích thước phù hợp mà nó tìm được hoặc chế tác bằng cách đập các hòn đá với nhau - nó đã ý thức được một quá trình, hay chúng ta có thể gọi là logic, mà bản chất là một câu chuyện, ít nhiều ổn định, bắt đầu từ việc chế tác hòn đá, việc mang đá theo người, việc tìm kiếm trong rừng, việc ném đá, việc nhặt quả... 

Những câu chuyện như vậy ngày càng phức tạp hơn và ngày càng ít phụ thuộc vào những hoạt động cụ thể. Ý thức của con người được sinh ra và phát triển như vậy. Đây chính là quan niệm của Voloshinov (và Vưtgotsky): tư tưởng không xuất phát từ tự nhiên, mà có bản chất ký hiệu và được tạo ra trong quá trình giao tiếp xã hội của tập thể có tổ chức.

Như vậy, xuất phát từ quá trình lao động, những con vượn dạng người bắt đầu hình thành một năng lực đặc biệt, đó là năng lực liên kết một cách trừu tượng các sự kiện và hiện tượng rời rạc. Nói cách khác, toàn bộ ý thức của con người là các câu chuyện. 

Các câu chuyện về công việc kiếm sống chính là các kiến thức chuyên môn; Các câu chuyện về thế giới là tôn giáo, triết học và khoa học. Các câu chuyện về quan hệ xã hội là luật pháp, đạo đức. 

Các câu chuyện về quá khứ là lịch sử. Các câu chuyện về sự tiếp nhận thế giới là nghệ thuật... Các câu chuyện ngày càng phức tạp, điều này cũng có nghĩa là năng lực trí tuệ hay tư duy của con người ngày càng phát triển.

Trong số các câu chuyện đó, có những câu chuyện đặc biệt, những câu chuyện mà Voloshinov gọi là các hệ tư tưởng nhưng cũng có chỗ ông mô tả như là “những cuộc trò chuyện tư tưởng quy mô lớn”, bao trùm lên mọi hiện tượng, mọi khía cạnh đời sống xã hội của một cộng đồng(2)#. “Những cuộc trò chuyện tư tưởng quy mô lớn” của Voloshinov về sau được các triết gia Hậu hiện đại gọi là các Đại tự sự (“Meta-fiction” hoặc “Grand Narratives”). 

Những đại tự sự này bao gồm mọi lĩnh vực chứ không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực chính trị - xã hội theo cách nghĩ thông thường. Nói một cách đơn giản thì các hệ thống đạo đức, các hệ thống giá trị, các hệ quy chiếu về tư duy, v.v... đều là các đại tự sự. 

Chúng ta có thể kể Kito giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Khổng giáo, chủ nghĩa cộng sản... như là những đại tự sự. Nhưng khoa học, dân chủ... cũng là những đại tự sự. Tất cả các đại tự sự này, theo Voloshinov và những học giả hậu hiện đại về sau, đều là những kiến tạo xã hội (Tiếng Pháp: Contruit social; Tiếng Anh: Social construct), đều thể hiện các mối quan hệ, đặc biệt là mối quan hệ quyền lực. 

Chính vì vậy, ngày nay chúng ta đang chứng kiến xu hướng phân rã của các kiến tạo xã hội, mà triết gia Pháp Jacques Derrida gọi là Giải kiến tạo (Tiếng Pháp: Déconstruction; Tiếng Anh: Deconstuction), một xu hướng diễn ra ngoài ý muốn của chúng ta. 

Derrida viết trong Thư gửi một người bạn Nhật: “Giải kiến tạo diễn ra, đó là thứ sự kiện không chờ nghị quyết, ý thức, sự tổ chức của chủ thể, hay thậm chí của thời hiện đại. Giải kiến tạo tự nó diễn ra. Tự thân giải kiến tạo. [Ca se déconstruit.] “Nó” [ca] ở đây không phải là một thứ vô nhân xưng mà người ta đem đối lập với tính chủ quan cá nhân [egological]. 

Mà là đang giải kiến tạo (Littré viết, “tự phân giải” [se déconstruire]... mất đi cấu tạo của mình). Và “tự thân” (“se”) trong “Tự thân giải kiến tạo” [Ca se déconstruit] - không phải là tính phản thân của một cái tôi hay một ý thức - mang trong nó toàn bộ bí ẩn”(3)#.

Trong một thời gian dài thì đại tự sự bị coi là một cái gì đó tiêu cực, thậm chí có thể nói là nhiều khi bị coi là phản động. Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới ra sức cổ vũ cho quá trình giải kiến tạo, mặc dù theo những cách khác nhau. 

Ở Hoa Kỳ, bất chấp sự phản đối của Derrida, giải kiến tạo được coi là một phương pháp để phân tích và phê phán các hiện tượng xã hội và nghệ thuật. Ở nơi khác, giải kiến tạo được nhìn nhận như là sự vượt thoát hoặc giải phóng, khỏi các nhà tù tư tưởng. Dĩ nhiên, chúng ta không thể phủ nhận những mặt tích cực của xu hướng giải kiến tạo đang tự diễn ra. 

Sự đánh giá lại mối quan hệ giữa các giới tính, các chủng tộc; sự nhận thức lại Nhân luận (humanism - quan niệm lấy con người làm trung tâm) và Âu trung luận (Eurocentrism - quan niệm lấy châu Âu làm trung tâm) - đó chỉ là vài trong số nhiều ví dụ. 

Tuy nhiên có một điều mà chúng ta đã không ý thức hết, đó là vai trò cực kỳ quan trọng của các đại tự sự. Xã hội loài người đã không là xã hội loài người nếu không có chúng. Mọi hoạt động của con người, mọi sự đánh giá của con người, mọi sự tương tác của con người đều phải dựa trên một nền tảng chung, và nền tảng chung ấy chính là các đại tự sự.

Thế nhưng, ngày nay, dưới tác động của các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin và internet, xã hội loài người đang chứng kiến một xu hướng chưa từng có đang ngày càng trở nên tiêu cực. 

Xu hướng này thoạt đầu cho phép con người vượt thoát khỏi những ràng buộc thái quá của các đại tự sự, nhưng sau đó nó thúc đẩy con người ra xa và ngày càng trở nên biệt lập với nhau và biệt lập với khuôn khổ tinh thần chung ấy.

Một ví dụ điển hình là các mạng xã hội. Nếu như trong quá khứ, mọi hành vi ứng xử, mọi suy nghĩ của con người đều phải dựa trên những thước đo chung, những nguyên tắc chung mà nền tảng là những đại tự sự, thì bây giờ, với sự xuất hiện của mạng xã hội, con người ngày càng không phải, hoặc không cần, nền tảng đó nữa.

Với tính phổ cập (hàng tỷ người tham gia gần như miễn phí), với khả năng phát tán thông tin vô hạn và gần như tức thời, cùng với yếu tố ẩn danh, mạng xã hội cho phép gần như mọi người hành xử mà không cần phải tuân thủ những ràng buộc do các đại tự sự quy định. 

Mỗi cá nhân có thể mở một hay vài tài khoản với những bí danh khác nhau để đưa ra những thông tin và phát ngôn nặc danh vô trách nhiệm.

Nói cách khác, từng cá nhân sẽ dần dần bị tách rời các hệ giá trị chung để trở thành những phần tử vô trách nhiệm, hành xử không định hướng - một kiểu chuyển động Brown về mặt tinh thần - không ngừng phát tán rác thông tin.

Kết luận là gì? Sự suy giảm tính xã hội của các cá nhân - theo tôi, đó chính là hiểm họa lớn nhất mà mạng xã hội nói riêng và công nghệ thông tin nói chung đem đến cho xã hội loài người. Hiểm họa này có bản chất là thiếu vắng đại tự sự. Vì thế, điều ám ảnh xã hội tương lai có lẽ chính là sự thương nhớ đại tự sự.

1 V.N. Voloshinov, Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ, Ngô Tự Lập dịch, in lần thứ ba, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017, tr. 44-45.

2 V.N. Voloshinov, Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ, tr. 153.

3 J. Derrida, Thư gửi một người bạn Nhật, Ngô Tự Lập dịch, trong Văn chương như là quá trình dụng điển, in lần thứ ba, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017, tr. 165.

Ngô Tự Lập
.
.