Thiếu thừa cán bộ

Thứ Ba, 26/03/2019, 16:41
Mấy hôm trước Sài Gòn có một cơn mưa rào hết sức ngắn ngủi, áng 5 phút, khu nhà Ngô đang lưu ngụ lượng mưa chỉ có vậy còn nơi khác mưa dài ngắn to nhỏ hay không mưa Ngô không có biết. 

Sài Gòn mùa này nóng hầm hập, một cơn mưa như vậy không làm thời tiết dễ chịu hơn, thậm chí càng khiến không khí oi hơn.

Trong tiết trời đầy khó chịu ấy, Ngô như một thói quen cố hữu không thể nào sửa đổi được đấy là lại ngồi nghĩ về những điều lẩn thẩn đang diễn ra xung quanh mình.

1. Lãnh đạo TP HCM mấy lâu nay xuất hiện trên truyền thông than suốt về nhân sự, nào là nhân sư,å là cán bộ lãnh đạo vắng quá, rồi thì chỉ có một trưởng hai phó bao nhiêu là việc, nữa là chỗ này chưa có giám đốc chỗ kia chưa có người đứng đầu… 

Trước khi nảy sinh những thở than thế sự này, cũng có lãnh đạo TP HCM không ngại ngần nói thẳng, "Thanh tra, khởi tố nhiều làm giảm nhuệ khí công chức".

Tình thiệt thì chắc là do biến đổi khí hậu hay thức ăn sử dụng hóa chất quá nhiều nên lắm lúc Ngô đọc phát ngôn của cán bộ lãnh đạo từ địa phương cho đến Bộ ngành Trung ương, nói theo thuật ngữ đương đại là "phát ngôn đỡ không nổi". 

Ngay cả Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng còn phải đưa ra nhận xét về một sáng kiến của đồng liêu là, "rất buồn cười". Đến thượng thư này phát ngôn mà thượng thư kia cảm thấy rất buồn cười thì Ngô phải biết lạm bàn ra sao, đành chịu vậy, đành chắp tay bái vọng từ xa mà cửu ngưỡng vậy.

Ngô cũng là một công chức, công chức không tước không vị như Ngô luôn một lòng một dạ một tâm một ý ủng hộ công cuộc chỉnh đốn Đảng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Quan điểm cá nhân, Ngô cho rằng đó là công cuộc quan trọng đến mức sống còn của Đảng.

Minh họa Lê Phương.

Có quá nhiều cá nhân lãnh đạo khiến nhân dân mất niềm tin vào Đảng, nhân danh Đảng để làm nhiều quá những điều xằng bậy. 

Đó đích xác như nhà báo Nhị Lê - Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản từng đưa ra nhận định, "Nếu không hành động thì nhân dân sao tin tưởng. Vì, Đảng ta là Đảng hành động chứ không phải là câu lạc bộ thăng quan phát tài. Có mấy hạng người liên quan tới vấn đề này:  nhiều đảng viên nói mà không làm, hứa đâu bỏ đấy, lấy đầu lưỡi thay cho bàn tay hành động; đáng xấu hổ nhất là nói một đằng làm một nẻo, làm ngược với nói. Như thế thì nêu gương gì?".

Đây là một nhận định rất chính xác nhưng đầy đau đớn. Thực tế ngay trong đời sống, có cán bộ lãnh đạo cao cấp hôm nay vẫn nói điều hay ý đẹp, vẫn sang sảng rao giảng đạo đức thì ngày mai đã hóa thành củi. 

Từ thành củi dư luận mới bổ ngửa, hóa ra ông này miệng thì nói còn tay thì vơ vét, toàn làm điều trái pháp luật, toàn vin vào vị trí được tổ chức phân công nắm giữ để trục lợi cho cá nhân. Cái hay nhất mà Ngô không tài nào hiểu ra được là tại vì sao nói hay thế lại có thể làm xấu thế. Nghĩ thôi đã ngượng lắm rồi, huống hồ là làm.

Thí dụ như có anh thích chém gió, thí dụ như có người thích phóng đại, hay gọi chân phương hơn là nổ. Ảnh thích chém gió thì chém gió, ảnh thích phóng đại thì phóng đại, ảnh thích nổ thì nổ… không sao cả, miễn đừng làm việc vi phạm pháp luật là được còn ảnh sao thây kệ ảnh. 

Nhưng ảnh thoải mái vậy là vì ảnh là dân, có ảnh hưởng từ chém gió, phóng đại hay nổ thì người thân, bạn bè của ảnh khó chịu chút hoặc giả như hiểu tâm tính mà cười xòa cho qua chuyện. 

Còn cán bộ lãnh đạo thì khác, cán bộ lãnh đạo nói một câu, nói vài chữ ngay lập tức được báo giới chuyển tải đến nhân dân. Nghĩa là, làm gì cũng có người trông ra trông vào, xì xào bàn tán, thì phải nói làm sao cho đặng, thì phải nghiêm cẩn giữa nói và làm. Chứ đâu phải thân làm lãnh đạo xong muốn nói gì là nói, muốn làm gì thì làm.

Nguyên lý cơ bản nhất của cuộc đời này chính là tương lai được tạo dựng từ hôm nay, hôm nay không làm điều sai thì ngày mai không lo thành củi, hôm nay không cấu kết trục lợi thì ngày mai không sợ bị bêu tên xóa nguyên xóa bị xóa tư cách xóa chức danh…

Một cán bộ lãnh đạo nếu biết nghĩ cho quốc gia, nếu biết nghĩ cho tổ chức thì thấy công cuộc thanh lọc cán bộ thoái hóa biến chất phải lấy đó làm vui mừng. Đơn giản, giặc ngoại xâm dễ đánh giặc nội xâm khó diệt. Chứ lấy đâu ra chuyện lại lo lắng giảm nhuệ khí với suy nghị lực. Giảm với suy thì nghỉ hết đi cho người khác làm, có ai ép ngồi hay hăm dọa không được thôi việc đâu mà buồn với bã.

Sau khi buồn với bã lại tiếp đến than với thở thiếu cán bộ, đã giảm nhuệ khí do thanh tra khởi tố nhiều thì cần nhiều cán bộ làm gì. Cần nhiều cán bộ để đỡ sợ giảm nhuệ khí khi chứng kiến thanh tra khởi tố hay sao?

Thành phố có đông cán bộ, có ban bệ đầy đủ hết, có giáo sư có phó giáo sư, có chuyên gia đầu ngành, có chuyên gia Tây học, vậy mà một phát để công trình trọng điểm là tuyến metro đội vốn đến mấy chục ngàn tỷ, là mấy chục ngàn tỷ chứ không phải là mấy chục triệu đồng hay mấy chục tỷ. Đời thuở nào công trình đội vốn đến hơn cả trăm phần trăm mà không có ai bị xử lý, bị kỷ luật thì có gì đâu cần thêm cán bộ, có gì đâu cần nhuệ khí với dũng khí.

2. Ngô nói điều này chắc nhiều cán bộ lãnh đạo trót đọc bài báo sẽ không vui, nhưng vì cái chung đành phải nói, đó là đang tồn tại một tình trạng cán bộ lãnh đạo quá yếu kém trong khâu từ chối. Nghĩa là, nhỏ lớn gì cũng gật đầu, nhỏ lớn gì cũng ký tá, lợi to lợi bé gì cũng muốn ôm trọn.

Không cần kể đâu xa, cứ lấy ông Phan Văn Anh Vũ, tức là ông Vũ "nhôm" ra mà nhìn thì thấy ngay. Một ông ở TP Đà Nẵng, đầu tiên buôn bán nhôm kính xong lần hồi tiến thân làm quen kết bạn với quan chức hiện hình thành doanh nhân. Ông doanh nhân này chuyên ăn đất công, trụ sở hành chính. Ổng ăn đến đâu cán bộ lãnh đạo bị rơi rụng đến đó. Ổng ăn quá nhiều cán bộ lãnh đạo ở Đà Nẵng ổng chưa thỏa, ổng ăn luôn cán bộ ở TP HCM, rồi ổng ngược ra cả Thủ đô Hà Nội ...

Làm sao cán bộ lãnh đạo ở nơi này nơi kia cũng thành món ăn của một doanh nhân thích sở hữu công sản như ông Vũ "nhôm"? Không phải là do khả năng từ chối của nhiều cán bộ lãnh đạo gần như bằng 0 hay sao? Thôi thì tiến trình điều tra đến đâu thông tin đến đó, bắt đến cán bộ lãnh đạo nào biết đến cán bộ lãnh đạo đó, chứ phong thanh thì khả năng ăn cán bộ lãnh đạo của ông Vũ "nhôm" vẫn chưa dừng lại đâu.

Cán bộ lãnh đạo đâu mà dễ bị doanh nhân ăn quá. Dân nhiều lúc muốn gặp cán bộ lãnh đạo còn khó hơn bắc thang lên tìm gặp ông trời, lắm lúc bỏ bê công việc khóa nhà khóa cửa để ăn dầm nằm dề mới có cơ hội gặp được cán bộ để trình bày điều gì đó theo nguyện vọng của chính mình. 

Vậy mà, may mắn mới gặp được còn xui rủi thì xem như thiên thu chỉ thấy cán bộ lãnh đạo trên mặt báo hay trên truyền hình mà thôi. Cách có một cánh cửa cơ quan mà muôn nghìn trùng xa, không khác khoảng cách giữa con chim bói cá với mặt hồ trong bài hát "Khúc Thụy Du" của ông Anh Bằng phổ nhạc từ thơ của ông Du Tử Lê là mấy.

Vậy mà một ông đột lốt doanh nhân làm ăn điêu trá thì muốn gặp cán bộ lãnh đạo lúc nào cũng được, phải gặp lúc nào cũng được thì mới chơi được với nhiều cán bộ như vậy, phải chơi nhiều cán bộ lãnh đạo như vậy thì khi bị điều tra hành vi vi phạm pháp luật mới kéo theo nhiều cán bộ lãnh đạo vào trong kia chăn kiến chung đến vậy.

Thế nên, hỏi làm sao mà Ngô không tuyệt đối ủng hộ công cuộc chỉnh đốn Đảng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho được. Đảng muốn vững mạnh, muốn nhân dân tin tưởng trọn vẹn thì bắt buộc phải loại cho kỳ hết những cán bộ lãnh đạo luôn luôn gật đầu trước kim tiền và thường hay lắc đầu trước nhân dân như thế này.

Cái Ngô tiếc nhất chính là gần như khả năng đấu tranh với cái sai nội tại, khả năng tự chỉnh đốn trong mỗi cơ quan đơn vị gần như đã không còn nữa. Cái sai cứ kéo dài cho đến lúc những cơ quan Trung ương phát hiện ra, chứ còn thanh tra kiểm tra theo phân cấp đã không còn phát huy được tính hiệu quả nữa rồi.

Vì vậy, Ngô mong mỏi biết bao nhiêu cái ngày hễ cứ Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ mà phát hiện ra sai phạm ở địa phương nào thì ông Ủy ban Kiểm tra, ông Thanh tra ở địa phương đó phải liên đới chịu trách nhiệm cùng những cán bộ sai phạm.

Chứ có thanh tra, có kiểm tra mà chuyện tiêu cực nào cũng đợi Trung ương về mới phát hiện ra thì tồn tại làm gì, vừa tốn tiền ngân sách vừa tốn trụ sở hành chính, tốn nguồn lực, tốn con người… Tóm lại, là vô cùng phí phạm, ấy cũng là lãng phí tài chính của quốc gia vào những việc không cần thiết.

Ngô viết trào phúng vậy thôi chứ thật ra thì kiểm tra, thanh tra ở đâu cũng cần. Thế nhưng, những cơ quan này cần phải làm việc, cần phải mạnh dạn đấu tranh với cái sai, cái chưa đúng đang tồn tại, có trên dưới cùng đồng lòng cùng phối hợp thì mới đạt được những kết quả to lớn trong công cuộc chỉnh đốn Đảng đầy gian nan này.

3. Cuối cùng, cán bộ thừa hay thiếu thì có lẽ đã có câu trả lời, vừa thừa đấy mà vừa thiếu đấy, vừa thiếu đấy mà lại thừa đấy. Dẫu cho tự ngàn xưa, quân bao giờ cũng quý hồ tinh chứ ai lại quý hồ đa bao giờ!

Ngô Nguyệt Hữu
.
.