Thật sự, vô cùng buồn!

Thứ Bảy, 04/06/2016, 05:43
Những lúc buồn bã thân phận, suy tư kiếp người, lại phải nỗi mưa chiều gió sớm, tao loạn biệt ly, chấp chới suy tư, mơ hồ hy vọng, Ngô vẫn chưa bao giờ cảm thấy hiu hắt như thế này.

Đã là thời đại nào rồi mà quan chức địa phương lại còn kiếm đủ cớ để ăn chặn dăm ba đồng bạc lẻ, dăm ký gạo cứu trợ trong cơn khốn cùng cá chết, biển tiêu điều. Hay lon gạo cứu đói phút chốc biến thành gạo mục lúc đồng khô cỏ cháy, sông cạn suối khô.

1. Khi đọc những thông tin này, trong tư duy của Ngô chỉ xuất hiện duy nhất một từ "Đói". Quan chức địa phương có đói không, Ngô không suy đoán hồ đồ, Ngô chỉ cho rằng, chắc chắn là không đói. Bữa trước, có ông chủ tịch xã nào đó bị bắt vì buôn bán ma túy Ông này không đói đến độ phải buôn bán ma túy, ông buôn bán ma túy là do thiếu nợ. Vì sao thiếu nợ, Ngô không rành lắm. Ngô chỉ cảm thấy buồn thôi.

Có mấy truyện ngắn thuộc dòng văn học hiện thực kể rất hay về chuyện đói, đói do bọn Nhật tận thu thóc, đói do dịch bệnh, đói do thiên tai, đói do đê vỡ. Nhưng đỉnh cao nhất phải là Làm no của cụ Ngô Tất Tố. Đọc lại Làm no, cay đắng thừa nhận một kiếp người.

Ngô trích mấy đoạn chép lại về phương thức chế tạo miếng ăn cầu no lúc đói của người dân hầu bạn đọc:

"Người ta bảo chết thì ăn đất, nhưng chính nhà cháu sống về đất đấy ông ạ! Món này là một thứ cơm nắm của nhà cháu, làm công trình hơn một tí. Mới đầu là lấy đất sét trắng về, vật đi vật lại như ta nặn đầu rau, rồi thái từng miếng mỏng như ta thái bánh dầy, đặt vào mủng, mẹt đem phơi khô. Khi dùng nó thì phải có nõn sắn lót thật dầy xuống đáy nồi, rồi mỗi lượt đất lại một lượt cá tép, rồi cho vài duộc tương. Bắc lên đun thì tra thêm tí nước cho khỏi khê, cứ nhỏ lửa đun mãi cho tương cạn cá chín, những cái béo của tương của cá ngấm vào đất sét đỏ như miếng hồng tầu thế là được".

Lại nữa, "Muối dưa cụm sen kia, vặt lá vặt rễ, chỉ để cái vú, phơi hơi tái đi rồi muối như ta muối dưa cải, lấy vỉ nén cho chặt. Giá không có muối mặn thì ăn nó chẳng khác gì nhai cái ngọn mía nhạt, mà lại lăn tăn ngứa! Thứ ấy là thứ đồ ăn, ăn kèm với cháo cám thì ngon tuyệt! Đã nửa tháng nay, cả nhà cháu không biết một hột cơm, hột gạo là gì cả, mà cám cũng ít có, vì chỉ hôm nào kéo cá được một vài con to, bán được dăm ba xu thì mới dám mua cám ăn, cám là thứ quý nhất, chỉ ăn cho có hơi gạo đó mà thôi, chứ ăn nó thì lấy đâu.

Một hôm, cháu nghĩ buồn cười quá ông ạ. Đong được cám về, thằng bé lớn nhà cháu lấy nồi đổ nước lên đun, lóng cóng thế nào nồi vỡ, không đun được nữa. Cháu bèn vớt cám ra, nắm lại một nắm, ngoài trát một lần đất sét bỏ vào bếp nung. Thế mà ăn ngon hơn bánh khảo phục linh đấy ông ạ. Giá được rặt cám mà ăn thì còn nói gì nữa, khốn nỗi họ lại pha mùn cưa vào cho được nhiều lãi, thì ăn chẳng còn lý thú gì cả, chỉ thấy ráp sì thôi".

Minh họa: Lê Phương.

Kế tiếp, "Ôi chà, nghĩ cái nguồn cơn ăn cổ cau mà sợ. Lần đầu, cháu chặt một cái, bóc hết bẹ xanh rồi thái như thái măng phơi, cứ thế luộc rồi đem ra ăn: ăn rồi, bố con rạo rực nằm mất một ngày, chân tay cứ rời rã ra, bọt mép phèo ra, bụng vẫn tỉnh mà không sao cựa được, sau hỏi ra mới biết phải luộc bỏ nước đi, ngâm hết nửa ngày nữa mới ăn được. Ăn hết cau rồi, thấy làng nước họ đua nhau đi tìm củ chuối để ăn, cháu cũng vớ được vài cái đem về bung. Ăn nó có phần mát ruột mà chắc dạ hơn ăn bèo tây, rau ngổ, hơn cả ăn đất sét, đất sét phải cái nặng, làm rỗng cả ruột ra, về sau ăn cái gì cũng mãi mới no".

Thêm, "Tần ngần ngồi bên đống vỏ mít, ruồi nhặng bậu đen ngòm, cháu nghĩ cách ăn tranh chúng nó, bèn ngả nón bốc đem về, đổ vào rổ sề đem ra ao rửa sạch, gọt hết gai đi, rồi thái cả sơ lẫn cùi, cho vào nồi đun thật dừ. Tra mắm muối cho vừa vặn.

Còn mấy chục bát hột tìm trong đống vỏ vẫn định luộc riêng, rồi nấu cháo cho bu cháu ăn, nhưng nó thấy cháu nhường nhịn chẳng đành lòng, nên cùng ăn cả. Cháu bèn giã cả hột cho vào thành một thứ canh vừa bùi vừa ngọt, ăn thú quá!

Một điều sung sướng nữa là ăn vào, sáng hôm sau hai bầu sữa của bu cháu thẳng căng, thằng cháu bú no nê, không cằn nhằn như mấy bữa trước. Thế là mấy hôm sau cháu cứ việc đi chợ khuân vỏ mít về làm bữa, ăn rồi lại kỳ cạch thái phơi bỏ lọ, thứ thì lựa rặt cùi để kho ăn với cơm. Nhưng mà mít nó là giống có mùa, không thể trông vào đấy mà ăn mãi được. Cháu nghĩ ngay ra cách ăn bã đậu".

Và câu này là câu đắt nhất trong Làm no, "Phải, sống qua trong nạn đói mà vẫn giữ được lòng ngay thẳng, thật thà thì còn gì quý hóa bằng".

2. Trong nạn đói bi thảm năm Ất Dậu, nạn đói mà tác giả nước ngoài Vespy chép rằng, "Họ đi thành rặng dài bất tuyệt, người nào người ấy rúm người dưới sự nghèo khổ, toàn thân lõa lồ, gầy guộc giơ xương, ngay cả những thiếu nữ đến tuổi dậy thì đáng lẽ hết sức e thẹn cũng thế. Thỉnh thoảng họ dừng lại vuốt mắt cho một người trong bọn đã ngã và không bao giờ dậy được nữa, hay để lột một miếng giẻ rách không biết gọi là gì cho đúng để che thân người đó. Nhìn những hình người xấu hơn con vật xấu nhất, nhìn thấy những xác chết nằm co quắp cạnh đường chỉ có vài nhành rơm vừa làm quần áo vừa làm vải liệm, người ta thật lấy làm xấu hổ cho cái kiếp con người".

Ngô đọc rất nhiều tài liệu về nạn đói ở nước ta cả ở Trung Quốc, mới thấy hết cái khốn nạn của cơn đói, cơn đói làm cho chồng ruồng bỏ vợ, con chết trong lòng mẹ, hàng xóm giết nhau vì bát cơm, thiếu nữ bán mình vào lầu xanh đổi lấy bột mì cho gia đình…

Cố nhà văn tài hoa Nam Cao miêu tả cực kỳ xuất sắc cái bần tiện, cái đớn đau, cái chất con trong mỗi cá nhân khi cơn đói giày vò trong Một bữa no.

"Ừ, thì bà ăn nốt vậy! Bà cạo cái nồi sồn sột. Bà trộn mắm. Bà rấm nốt. Ái chà! Bây giờ thì bà no. Bà bỗng nhận ra rằng bà no quá. Bụng bà tưng tức. Bà nới thắt lưng ra một chút cho dễ thở. Bà tựa lưng vào vách để thở cho thỏa thích. Mồ hôi bà toát ra đầm đìa. Bà nhọc lắm. Ruột gan bà xộn xạo. Bà muốn lăn kềnh ra nghỉ, nhưng sợ người ta cười, cố gượng. Ôi chao! Già yếu thì khổ thật. Đói cũng khổ mà no cũng khổ. Chưa ăn thì người rời rã. Ăn rồi thì có phần còn nhọc hơn chưa ăn. Ôi chao!".

Cổ tích Việt Nam có truyện Sự tích con thạch sùng nhiễu nhại từ cái điển tích của gã tên chữ là Quý Luân, hiệu Tề Nô, quen miệng gọi Thạch Sùng thách đấu tài sản với Vương Khải thời Tấn Huệ Đế.  Thạch Sùng cùng Vương Khải bèn nổi cơn trọc phú so đọ của cải.

Thạch Sùng giàu đến mức Vương Khải vào cung cầu cứu anh rể, anh rể cho cây san hô cao 2 thước đem đọ với Thạch Sùng. Thạch Sùng gõ phát gẫy luôn san hô, Vương Khải thẹn quá hóa giận hai tay hai đao đòi chơi trò thây đổ hai con, máu loang ba thước. Thạch Sùng mỉm cười đem biếu cây san hô cao bốn thước để cầu hòa.

Cụ Nguyễn Đổng Chi tỉ mẩn bảo Thạch Sùng thấy trâu nước húc nhau được thầy đồ đoán điềm sắp có nạn đói, lấy tiền tích góp từ ăn mày mua gạo bán giá cắt cổ trở nên giàu có.

Trên thực tế, nạn đói Ất Dậu ghi nhận rất nhiều nhà giàu mặc gấm hoa chết đói ngay bụi tre hoặc trên sập gỗ hoa, họ đổi toàn bộ lúa gạo trong nhà để lấy cổ vật, trang sức của người khác. Cho đến lúc họ đói và phát hiện ra họ không thể buôn bán bất cứ thứ tài sản nào trong nhà để cầu no.

3. Bớt xén trục lợi chút gạo cứu đói có làm cho quan chức địa phương tích lũy thêm tài sản không? Hẳn nhiên là có. Nhưng thứ tài sản này chứng minh cho cái  tư duy xem thường người dân của quan chức địa phương.

Họ xem dân là vô trí vô tri, u mê mông muội. Họ nghĩ họ chính là phụ mẫu, ban phát thứ gì thì dân được hưởng thứ ấy, cấm có ý kiến, cấm có thắc mắc. Họ giữ rịt lấy suy nghĩ phép vua thua lệ làng. Họ không chỉ là cường hào kiểu mới (chữ của Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng), mà họ chính là những hung thần án sát của các vùng quê. Những vùng quê vốn không còn quá nhiều niềm vui và tín hiệu hy vọng.

Loại quan chức địa phương đê tiện như thế này, nhất định không thể nào được lưu dụng. Cần thiết phải loại bỏ ngay khỏi bộ máy để khôi phục niềm tin cho nhân dân, không chỉ loại bỏ, mà nếu xét thấy cần thiết, nhất định phải truy tố làm gương.

Chúng ta đã thấy rất nhiều quan chức địa phương đang cho mình cái quyền biến thành ông vua con như thế nào. Tuy nhiên, quan chức địa phương vẫn thản nhiên trục lợi khi dân khốn khổ thì không còn đạo làm quan nữa. Thậm chí, đạo làm người còn chưa trọn.

Họ không biết được rằng, khi dân đói, khi dân phẫn nộ thì hậu quả sẽ như thế nào. Họ thật sự chính là những kẻ hành thích niềm tin của nhân dân vào chính quyền, họ triệt tiêu toàn bộ ý niệm của dân, do dân và vì dân.

Không có lý do nào, không có nguyên cớ nào, không có lời biện hộ nào để thanh minh đối với loại quan chức địa phương như vậy.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.