Thắp lại lửa với “bột màu báo cũ”

Thứ Sáu, 19/06/2015, 16:55
Đã lâu lắm, người Hà Nội yêu nghệ thuật, mê hội họa lại được thưởng lãm một triển lãm tranh khá đặc biệt. Tranh vẽ bằng chất liệu bột màu trên báo cũ.

Khi mà cuộc sống hiện đại với chất lượng sống cao hơn, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của con người cũng sành điệu hơn, tinh tế và cầu kỳ hơn thì những bức tranh được vẽ bằng chất liệu của một thời gian khó đã biến mất, có chăng cũng đã lùi sâu vào dĩ vãng của thế hệ những họa sỹ 6X, 7X sinh ra trong chiến tranh. Việc khơi lại một dòng chảy ký ức bị quên lãng, nhóm lại ngọn lửa hội họa của một thời, trải rộng tình yêu, tri ân với quá khứ là những gì mà 14 họa sỹ và một khách mời đã mang đến đời sống hôm nay một câu chuyện không hề xưa cũ.

1. Họa sỹ Trịnh Tú đã có một ý rất hay khi nói về triển lãm nghệ thuật “Bột màu báo cũ” đang diễn ra tại Hàng Da Gallery Hà Nội trong những ngày đầu tháng 6 này rằng: “Người ta hay quên mất những niềm vui bé nhỏ để đuổi theo một ước vọng lớn lao. Dễ mấy ai hiểu được bóng hình hạnh phúc của đời mình đôi khi đọng lại ở những mảnh nhỏ, giản dị nhưng bình an làm sao. Tranh bột màu trên báo cũ cũng đã bị quên lãng như vậy”. Đánh thức một ký ức đã quên lãng là một việc làm thật cần thiết, ý nghĩa nhưng cũng hàm chứa trong đó bao nỗi xúc động lạ kỳ về một cái tình mênh mông của những người yêu nghệ thuật, hiến mình vì nghệ thuật. Cái tình của người họa sỹ không bao giờ quay lưng với ký ức thương khó một thời chiến tranh, bom đạn, đói nghèo. Cái tình của người họa sỹ day dứt với những bước đi đầu tiên khi đến với hội họa.

Thời chiến tranh, bao cấp nghèo khó, đến cơm còn không đủ ăn, quần áo còn chưa đủ mặc thì mọi nhu cầu về nghệ thuật cũng giản đơn hơn, dễ thỏa hiệp hơn. Ngày đó họa sỹ thường vẽ tranh bằng chất liệu bột màu, một chất liệu hội họa rẻ, ai cũng có thể mua được, dùng được. Vẽ bằng bột màu trên báo cũ, cũng lại là một chất liệu rẻ, dễ kiếm. Ai sang hơn thì mua giấy báo chưa in để vẽ. Một loại giấy thô, màu nâu ta vẫn thường thấy trong những tập báo cũ ngày xưa nằm ở hàng sách báo cũ… hay những bảo tàng đâu đó trong cả nước. Người khó khăn hơn thì mua báo cũ đã in rồi để về vẽ. Thế mới có cảnh những bà đồng nát để dành cân báo cũ nhất quyết không bán cho ai mà chỉ tìm đến bác họa sỹ trên phố để bán, mà nhiều khi là để cho tặng họa sỹ vẽ tranh.

Cảm giác về một thời chưa xa ấy làm nao lòng những người trẻ hôm nay, để những họa sỹ trẻ đến với triển lãm lần này, có người chưa từng một lần vẽ tranh bằng bột màu báo cũ. Nhưng khi bắt được ý tưởng, thì họ đã say sưa vẽ và mang đến triển lãm  những bức tranh vô cùng đẹp, chan chứa cái tình của những người trẻ luôn ưa tìm hiểu và tôn trọng quá khứ nghệ thuật của những người thầy, người anh đi trước, của những lớp họa sỹ già đã thành danh hôm nay có cả một ký ức về hôm qua.

"Phố chợ" qua góc nhìn của nghệ sĩ Đức Phạm.

2. 44 bức tranh, 44 tác phẩm tuyệt đẹp của nhóm họa sỹ 39A Trần Nhật Thăng, Tào Linh, Trần Gia Tùng, Đỗ Dũng, Phạm Trần Quân, Trần Quang Vinh, Lê Thiết Cương, Nguyễn Nghĩa Cương, Doãn Hoàng Lâm và nhóm họa sỹ Hải Phòng: Đức Phạm, Trần Vinh, Quang Huân, Nhi Bình, Đặng Tiến cùng với một khách mời duy nhất là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã mang đến cho triển lãm tranh một không gian đặc biệt, một cảm giác đặc biệt nhưng không kém phần quyến rũ. Nghệ thuật sáng tạo là một thứ gì đó khó có thể diễn tả bằng lời.

Nếu khán giả, những người yêu hội họa nói riêng và nghệ thuật nói chung lâu lắm đã quen thưởng lãm những bức tranh sơn dầu, sơn mài sang trọng, lộng lẫy, hoành tráng thì khi đến đây họ sẽ lạc vào một không gian mới lạ, đầy xúc cảm. Những bức tranh gợi cho ta những ký ức, một quãng thời gian, những thước phim quay chậm về những góc nhỏ, những ngóc ngách dung dị, sâu thẳm trong đời sống bộn bề nhưng luôn chứa đựng nhiều bí ẩn, nó dẫn dụ ta trở lại ký ức ta đã sống, nhắc nhớ ta về những mảnh hạnh phúc nhỏ mà ta đã lãng quên. Nó dội vào thị lực của ta, bủa vây trái tim ta những cảm giác dịu dàng mà bình yên, mà xao động kỳ lạ. Đó là những bức tranh đẹp như Hát quan họ, Mời trầu, mời rượu của Đỗ Dũng. Hay Tắm tiên của Nguyễn Nghĩa Cương, Mẫu vẽ của Doãn Hoàng Lâm. Vẽ trên giấy báo cũ, trên tình cờ những thứ còn sót lại đã gợi mở cho sự sáng tạo của họa sỹ về tính chữ, tính ảnh… nó gọi hình, gọi màu trở về cho họa sỹ. Sự ẩn hiện của hình, của ảnh, của chữ, nó tạo ra những hiệu quả rất tình cờ để người họa sỹ tha hồ sáng tạo nên những bức tranh yêu thích.

Nghệ thuật là thứ khó có thể gọi tên một cách chính xác. Hệt như những chiếc ghế vô cùng đẹp mà khách mời Nguyễn Quang Thiều đã mang đến triển lãm này để chúng kể cho chúng ta nghe những câu chuyện ẩn dụ xung quanh nó. Những chiếc ghế kể về nỗi cô đơn. Những chiếc ghế kể về nỗi bất hạnh của con người, về nỗi chịu đựng vô nghĩa đáng nguyền rủa. Nhưng có chiếc ghế lại là nơi mỗi chiều ta trở về nhà và ngồi xuống ấm áp thân thuộc bên chiếc bàn ăn cùng với gia đình. Hay những chiếc ghế tĩnh lặng nơi góc vườn nơi ta đến để được một mình với bao suy ngẫm. Đó là câu chuyện của những chiếc ghế hạnh phúc. Con người có thể là chủ nhân của chiếc ghế nhưng cũng có thể là nô lệ của chiếc ghế. Con người hạnh phúc hay bất hạnh cũng là bởi chọn đúng và không đúng một chiếc ghế cho chính mình.

Chúng ta hãy nghe họa sỹ Nguyễn Nghĩa Cương tâm sự: “Tôi đã vẽ trên chất liệu bột màu báo cũ 20 năm nay, tiện lợi, rẻ tiền và xin được. Ai ai cũng có thể vẽ mà không phải đau đầu vì vật liệu đắt đỏ. Ấy vậy nhưng chất liệu này vẫn bị coi là phi chính thống ở Việt Nam ta... Tranh giấy báo chả là cái đinh rỉ gì so với các đại gia sơn mài, sơn dầu oai phong lẫm liệt... tranh giấy báo ở vào thời buổi kim tiền này ư? Vừa bé hạt thóc vừa lâu đồng tiền. Khi thể hiện tác phẩm trên chất liệu này, tôi nhận thấy nhiều điểm khá thú vị, tôi cố gắng tận dụng tối đa những gì có sẵn trên báo để phục vụ cho ý đồ tác phẩm của mình, ví dụ những hình, logo, ảnh, chữ, số, hay những thiết kế quảng cáo... tôi chỉ việc xóa những phần thừa, và bôi màu vào những chỗ thiếu là “ok” một  bức tranh. Vẽ trên giấy báo mà bịt kín những ti tỉ thứ đó thì coi như thất bại. Giấy báo rất phù hợp cho lối vẽ - nghĩ thì lâu, vẽ thì nhanh.

Bột màu báo cũ.

Riêng với họa sỹ trẻ Trần Gia Tùng, anh đã mang đến triển lãm này những thông điệp lãng mạn đầy mỹ cảm: “Bột màu – báo cũ” một chất liệu không mới đối với lứa hoạ sỹ 6X và 7X . Riêng đối với tôi khi quay lại vẽ với chất liệu này, một cảm giác vừa quen vừa lạ tạo cho tôi cảm hứng tuyệt vời khi vẽ những bức tranh Sen mùa hạ, Liền chị, Mèo và Cá . Những hình ảnh rất đỗi dung dị quanh tôi khi được đưa vào tác phẩm với chất liệu bột màu càng làm cho gần gũi và mộc mạc hơn và cũng lãng mạn hơn nhiều”.

Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, thì vừa hạnh phúc vừa lúng túng khi ông là người duy nhất được chọn làm khách mời với một bức tranh trong triển lãm. Ông nói: “Tôi tham gia triển lãm đặc biệt này với danh nghĩa là khách mời. Tôi có cảm giác như một đứa trẻ được dẫn vào một ngôi nhà bí ẩn. Đứa trẻ đó vừa háo hức vừa sợ hãi. Và họa sỹ Lê Thiết Cương như một người lớn đứng phía sau cứ đẩy lưng tôi vào và không cho tôi lùi lại. Triển lãm này vừa gợi nhớ chúng ta về một giai đoạn của lịch sử hội họa Việt Nam, vừa chứa đựng một điều gì đó vượt ra ngoài cả nghệ thuật”.

Họa sỹ - Giám tuyển Lê Thiết Cương, người lên ý tưởng cho triển lãm nghệ thuật “Bột màu - Báo cũ” ở Gallery Hàng Da đã có những chia sẻ về triển lãm lần này: “Lịch sử hội họa của chúng ta cả mấy thế hệ họa sỹ đã có duyên cùng bột màu báo cũ. Từ thời các họa sỹ của Trường Mỹ thuật Đông Dương đến các họa sỹ khóa kháng chiến, thế hệ họa sỹ thời chiến tranh, cho đến thời hậu chiến, thời bao cấp…

Ban đầu thì bột màu vẫn chỉ được coi là chất liệu để làm bài tập, ký họa hoặc làm phác thảo trước khi vẽ thành sơn dầu. Đương nhiên bột màu được vẽ trên các loại giấy chuyên dụng nhưng đến thời chiến tranh, họa phẩm khan hiếm thì các họa sỹ buộc phải vẽ bột màu trên giấy báo (chưa in). Cho đến khi ngay cả giấy báo chưa in cũng không có thì giấy báo cũ, báo đã đọc xong, bán cân mới được lên ngôi. 

Qua triển lãm này, chúng tôi không có ý định kể lại một câu chuyện cũ, một chất liệu cũ mà mượn chất liệu đó để nói những câu chuyện khác, những câu chuyện mới của ngày hôm nay. Bởi vì chất liệu thì cũ nhưng nghệ thuật thì luôn cần phải mới. Hơn nữa, vẽ bột màu trên báo cũ thì những trang báo cũ lại trở thành những bức tranh mới. Những hình ảnh, những tin tức, thời sự nóng hổi sau khi sống hết đời sống ngắn ngủi của nó sẽ hóa thân vào một đời sống mới. Không chỉ nhắc lại một chất liệu đã bị lãng quên, không chỉ muốn mọi người nhớ đến bột màu báo cũ, chúng tôi muốn thế hệ họa sỹ hôm nay sẽ thể nghiệm với chất liệu này, cho dù họ không thiếu họa phẩm như những giai đoạn trước. Vì nghệ thuật luôn mang đến cho người ta tự do nên bột màu báo cũ cũng bình đẳng với bất cứ chất liệu nào”.

Như Bình
.
.