Thành phố đêm nay đầy "sao"

Thứ Ba, 08/02/2005, 07:30

Không ai phủ nhận, một vườn hoa đẹp một phần không nhỏ là nhờ có những bông hoa đẹp. Muốn xây dựng một nền nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì rất cần có những ngôi sao nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Vì vậy, tôn vinh những tài năng nghệ thuật, thậm chí phong tặng cho họ danh hiệu những ngôi sao là một việc không có gì sai trái.

Tuy nhiên, nhìn từ khía cạnh khác, lạm dụng danh hiệu, chính thức hay xã hội hóa, là một việc rất không nên làm, bởi lẽ chiều theo xu thế “được lòng trước mất lòng sau” này, chúng ta dễ khiến các tiêu chí nghệ thuật bị đánh tráo khái niệm và cuối cùng là bị phá giá.

Công chúng không là trẻ con mới lớn

Theo dõi một số phương tiện thông tin đại chúng và nhìn vào thực tế tổ chức của không ít chương trình nghệ thuật, người ta dễ có cảm giác như chưa bao giờ nền nghệ thuật của chúng ta, đặc biệt là trong công nghệ kinh doanh giải trí, “phát tiết” như hiện nay. Thành phố không chỉ “đêm nay” mới nhiều sao mà thậm chí cả ban ngày cũng không vắng những “ngôi sao” theo kiểu thị trường mà những khán giả, độc giả, thính giả ở tuổi “ô mai mơ” hoặc “ô mai mận” say mê đến độ si mê.

Những ca sĩ như ĐT hoặc TT... với giọng ca còn chưa sạch nước cản và những thẩm mỹ còn xa mới gọi là trung bình đã được công nghệ lăngxê đánh bóng với tần suất cao tới mức đến ngay cả những người không quan tâm tới lĩnh vực gọi là nhạc trẻ này cũng phải thuộc tên và thuộc mặt. Rồi những cuộc bình bầu top này top nọ với tiêu chí khôn ngoan đến mức đáng nghi ngờ là “chỉ khách quan phản ánh những gì có trong thực tế” cũng liên tiếp làm mọc lên những “ngôi sao” bạo phát, bạo tàn, lợi bất cập hại.

Tất nhiên, công chúng không bao giờ chỉ là những cô bé, cậu bé mới lớn nên việc tung hô có thưởng những nghệ sĩ quá tầm tầm như thế không thể làm hại nhiều cho sự phát triển đích thực của nghệ thuật. Những nghệ sĩ chân chính với tài năng “xịn” của mình hành nghề không chỉ vì danh lợi và hoàn toàn không phải để ganh đua “danh tiếng hàng hóa” với những “ngôi sao” của nghệ thuật thương mại. Nhưng nói một cách thẳng thắn, chúng ta cần phải suy nghĩ ra sao đây khi không ít những “ngôi sao” đang bị lợi dụng để biến thành những chuẩn mực mới cho cơ chế thị trường lại công khai tung ra những quan niệm, trưng ra những lối sống, lối suy nghĩ còn xa mới có thể gọi là lành mạnh.

Nói một cách công bằng, các nghệ sĩ không hẳn đã có lỗi khi bị sử dụng vào “cỗ máy hái tiền” như thế nhưng việc họ luôn được trưng ra “mặt tiền” của một số phương tiện thông tin đại chúng đã gây nên tác hại không nhỏ cho xã hội bởi cái cảm giác đã được ngụy tạo rằng, trong những ngày chúng ta đang sống đây, chỉ có họ mới là “những người đẹp nhất” (?!).

Nhà thơ lớn của nước Nga Xôviết Vladimir Maiakovsky từng nói, nếu trên trời mọc lên một vì sao thì có nghĩa là có ai đó cần như thế. Đối với chúng ta một điều rất quan trọng là, các ngôi sao nghệ thuật được tôn vinh không phải chỉ vì các ông bầu (với “thiên chức” chính là kiếm lợi nhuận nhờ kinh doanh nghệ thuật) cần như thế. Các ngôi sao hơn hết cần phải làm giàu có và thanh cao thêm đời sống tinh thần của đồng bào mình, chứ không đơn thuần chỉ để mua vui, thậm chí, chọc cười vô nghĩa lý...

Y phục cần xứng kỳ đức

Trong bất cứ công việc gì thì cũng “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Tuy nhiên, một nền nghệ thuật lành mạnh rất cần phân biệt rạch ròi thứ hạng của các thể loại, chuyên ngành. Ở những nước phát triển, người ta phân biệt rất rạch ròi ranh giới giữa điện ảnh và các bộ phim truyền hình nhiều tập. Những gương mặt ăn khách trên màn ảnh nhỏ, dù họ có được hâm mộ tới mấy đi chăng nữa (như những ngôi sao của phim Người giàu cũng khóc hay Nô tì Isaura), nếu một ngày đẹp giời nào đó nảy sinh ham muốn tham gia vào phim truyện nhựa thì cùng lắm cũng chỉ nhận được những vai phụ cấp hai hoặc cấp ba mà thôi.

Lý do? Rất chính đáng và lắm khi thuần túy nghệ thuật. Một nghệ sĩ quen với cách diễn cho phim truyền hình rất khó đáp ứng những yêu cầu cao của những người điện ảnh theo đúng nghĩa của nó. Rất ít khi một ngôi sao truyền hình lại có đủ tầm để trở thành một diễn viên điện ảnh có hạng (ở Mỹ cũng có một vài ngoại lệ, chẳng hạn như George Clooney - trở nên quen mặt nhờ phim truyền hình nhiều tập, anh đã vươn lên trên bầu trời Hollywood nhờ tài năng đích thực, chứ không chỉ ngoại hình bắt mắt các bà nội trợ).--PageBreak--

Còn ở Việt Nam và không chỉ riêng ở nước ta, thông thường người nghệ sĩ trở nên nổi tiếng chính là nhờ màn ảnh nhỏ, tức là nhờ những bộ phim truyền hình. Không ít những người làm phim truyền hình đã công khai thừa nhận rằng, với nguồn kinh phí như hiện nay, có thể diễn không quá cố gắng vẫn trụ lại được từ tập phim này tới tập phim khác. Nói vậy không có nghĩa là không có những bộ phim truyền hình hay, nhưng nhìn chung, yêu cầu của thể loại nghệ thuật này rất khác so với yêu cầu của một nền điện ảnh đích thực. Cho tới hiện nay vẫn tồn tại quan điểm cho rằng, không nên xếp những bộ phim truyền hình nhiều tập vào dòng nghệ thuật.

Có thể quan điểm này là hơi cực đoan nhưng phải công nhận rằng, những ai quen với cách diễn trong các phim truyền hình sẽ rất khó đáp ứng được yêu cầu của một đạo diễn điện ảnh nghiêm túc, có ý định làm những bộ phim nhựa nghiêm túc. Tất nhiên, ở nước ta hiện nay vẫn còn khá đông đảo những đạo diễn làm phim truyện nhựa cũng chẳng khác gì làm phim truyền hình, thậm chí có người “thành thực” không nhìn nhận ra những khác biệt cơ bản về cấp độ nghệ thuật giữa hai dòng phim này. Đạo diễn còn như thế, nói gì tới diễn viên, đội ngũ chủ yếu xuất thân từ sân khấu kịch. Buồn ghê!

Cũng phải nói rằng, chúng ta không chỉ ít có những sân chơi nghệ thuật bác học mà còn ít tạo nên sự phổ cập xứng đáng cho những sân chơi nghệ thuật bác học đó. Tham vọng “bình dân hóa” những thể loại nghệ thuật mang tính bác học cũng vô hình trung làm giảm giá trị của những nghệ sĩ được đào tạo bài bản cho những thể loại nghệ thuật không phổ thông chút nào này. Ước muốn có những nghệ sĩ vừa hát nhạc trẻ  hấp dẫn vừa thể hiện được những ca khúc cổ điển đúng tầm là một ảo tưởng.

Không phân biệt rạch ròi thứ hạng các dòng nghệ thuật, chúng ta có thể tạo thêm cơ hội cho những năng lực khá tầm thường trở thành  ngôi sao và khuôn mẫu đối với thế hệ trẻ và cả không trẻ nữa. Những ngôi sao mà y phục không xứng kỳ đức rất dễ lại thêm những lần làm loạn tiêu chí, làm dấy lên những cuộc tranh luận có thể rất lắm cảm xúc nhưng thực ra là vô bổ.

Đúng lúc và đúng chỗ

Đành rằng làm nghệ thuật là thực hiện thiên chức của mình, tuân theo “tiếng gọi nơi hoang dã” của số phận. Tuy nhiên, được tôn vinh xứng đáng với tài năng luôn là mơ ước của mọi nghệ sĩ chân chính. Không những thế, những nghệ sĩ chân chính còn muốn được tôn vinh đúng thời, đúng lúc. Những đợt xét phong danh hiệu NSƯT hay NSND vì thế có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc thanh lọc môi trường nghệ thuật hay định hướng phát triển cho cả nền nghệ thuật. Không nên để người nghệ sĩ cuối cùng khi nhận được danh hiệu tôn vinh mình thì đã không còn ở thời có thể thể hiện đúng tầm cao nghệ thuật của mình. Tiêu chí đúng hơn cả vẫn là kích cỡ của tài năng chứ không chỉ là những đóng góp theo kiểu “sống lâu lên lão làng”.

Người viết bài này từng cảm thấy rất phiền lòng khi tham dự một số chương trình biểu diễn, khi mà những nghệ sĩ vừa được phong tặng các danh hiệu cao quý lại trình ra một chất lượng biểu diễn đã xuống sức nên thua kém hẳn các nghệ sĩ trẻ, không có danh hiệu gì nhưng lại đang ở thời phát triển. Tại nhiều quốc gia, một nghệ sĩ tự trọng thường rời khỏi nghề khi biết mình đã xuống dưới tầm đỉnh cao cũ, để cho danh bất hư truyền!

Mặt khác, người nghệ sĩ khi đã nhận được danh hiệu nghệ thuật cao quý rồi thì nên biết ứng xử sao cho thích hợp. Không nên bất cứ trong công việc nào cũng trưng ra danh hiệu đó. Thí dụ, một nghệ sĩ khi đi kinh doanh nhà hàng hay quán rượu thì không nên trưng ra danh hiệu NSƯT hay NSND của mình. Không có gì đảm bảo rằng, hễ cứ là NSƯT hay NSND thì kinh doanh sẽ tốt hơn những người không có danh hiệu đó. Hơn nữa, mang danh hiệu nghệ thuật ra làm thương hiệu kinh doanh không phải là việc hay ho nếu ta nhìn từ góc độ người lương thiện

Phan Minh Định
.
.