Thái Nguyên thương nhớ

Thứ Tư, 06/04/2016, 13:39
Thủ phủ Việt Bắc - thành phố trung du nhưng nơi ấy chưa bao giờ “trung du”, nửa vời trong nỗi nhớ tôi. Thái Nguyên chất chứa bao kỷ niệm quý báu của gia đình tôi nhiều hơn quê gốc, hơn Thủ đô gắn bó.


Lên Thái Nguyên mùa xuân 2016, nhận diện đồng hiện Thái Nguyên trên dưới 35 năm trước, lấy mốc mùa đông 1981, khi ông nội tôi từ trần tại Hà Nội. “Thành phố trung du tựa lưng vào núi, choãi chân từ đất bãi sông Hồng. Người Thái Nguyên đi một bước tới Thủ đô. Đi lên nửa bước là tới núi. Bước hai bước đã chạm vào biên ải. Bước ba bước sẽ lẫn vào mây trời...”. (*)

Họa sĩ Vi Kiến Minh, ông nội tôi, vẫn còn dang dở tranh vẽ Thái Nguyên, nơi các con ông lớn lên. Bức tranh cuộc đời đường nét đến tôi, tình ắp đầy không thể chồng nén trong một áng luyến lưu thương nhớ. 

Những địa danh, địa điểm mật thiết ký ức gia đình: ông bà nội, bố, cô, các chú trong cuộc tìm lại, chứng nghiệm kết nối với hồi tưởng làm sao thỏa khi so sánh của hiện thực và quá khứ: nhiều mất mát. Mất người. Mất cảnh. Không như khách du lịch tả cảnh, tôi tìm Thái Nguyên của chúng tôi qua lời kể, qua tranh của ông nội, qua ảnh của ông cậu ruột Chu Thi (1937-2010), người đã chụp loạt ảnh quý về Bác Hồ khi Bác làm việc ở Việt Bắc.

Thơ Võ Sa Hà ôm ấp thành phố bên sông Cầu giữ sự nên thơ, an ủi tôi. Đời anh cạnh sông Cầu như định mệnh: Quê gốc Yên Phong, Bắc Ninh, ven sông Cầu, sinh ra ở Quảng Uyên, Cao Bằng, Võ Sa Hà sống ở Thái Nguyên 40 năm nay. Ngay người Thái Nguyên lâu đời cũng chưa ai làm thơ về đất này tha thiết thế. Võ thi sĩ - một người Kinh thấm đẫm văn hóa Tày, đã sống như người trai miền Đông Cao Bằng - linh hồn, cảm hứng lớn, gốc sáng tạo. 

Hiểu sâu về Thái Nguyên không chỉ bằng chuỗi địa danh trong những bài thơ tha thiết viết bao năm, mà hồn đất, hồn của núi đồi, sông suối Thái Nguyên đã được lãng mạn và bất tử bằng thi ca, có tác phẩm Võ Sa Hà trong đó.

Chảy từ Bắc Kạn về Bắc Ninh, vào quan họ, sông Cầu xanh nhất, phô diễn đường cong đẹp nhất khi đi qua xứ chè. “Chia Thái Nguyên thành những gò đồi/ Sông Cầu thở gió mát vào thành phố/ Thành phố nhỏ xinh như thị xã/ Khói Gang Thép vẫn đội mưa lên/ Thành phố nằm bờ Tây con sông/ Trông về đằng Đông trập trùng biên ải/ Ngược lên phía Bắc đá dựng lô nhô/ Xuôi về phương Nam bắt tay Kinh Bắc/ Cùng nhau tìm đến kinh kỳ”.

Sông lượn bên mà Thái Nguyên chỉ một cây cầu bắc qua: cầu Gia Bảy, nhà ông bà tôi xưa gần cây cầu này. 50 năm trước ông bà đã làm việc ở đây, bên đồi thông phía thành phố. Bên kia cầu là Đồng Bẩm, trụ sở đầu tiên của Trường Nghệ thuật Việt Bắc (nay là Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc) mà ông tôi là giảng viên sáng lập Khoa Mỹ thuật, Phó Bí thư Đảng ủy của trường.

Học trò của ông khắp Việt Bắc, Hà Nội, đến giờ vẫn nhắc về người thầy tận tụy, thanh bạch. Tranh của ông vẫn còn ở những nhà dân miền núi mà ông đã dắt học sinh đi thực tập, để lại tranh tặng đồng bào khi họ cho thầy trò ở nhờ. 40 năm sau, họa sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, cựu học sinh của trường, tuy không được học trực tiếp nhưng kính trọng ông mà vẽ tranh mới tặng đồng bào để “chuộc” tranh của ông về, đưa chú út tôi.

Từ đồi thông, Sở Văn hóa chuyển lên “đồi ông Tấn”, nguyên là biệt thự của Thượng tướng Chu Văn Tấn (1909-1984), Bí thư Khu ủy. Đó là quả đồi cao, có hầm trú ẩn chứa được mấy trăm người, đường ôtô lát đá từ đường liên xã lên tận đỉnh đồi, ngự tòa biệt thự hai tầng rộng rãi. Toàn bộ khu biệt thự này là trụ sở của Sở. Giờ đây mất đồi thông, đồi ông Tấn chỉ còn một góc nhỏ dựng cột ăng-ten của Đài Truyền hình Thái Nguyên và một, hai căn nhà. Sắc thái trung du là diện mạo, vẻ đẹp đặc trưng của Thái Nguyên đã không được giữ và tôn trọng. Tầm nhìn của những quy hoạch bền vững bị bịt bởi thực dụng và lòng tham. Những quả đồi bị xẻ thịt, cào đất, san phẳng để chia lô dễ bán. Lẽ ra, Thái Nguyên đẹp hơn nhiều nếu có sự uyển chuyển của kiến trúc theo sóng đồi cao thấp. Bằng phẳng thì là đô thị, đồng bằng rồi. San đồi, chặt cây và chỗ nào cũng bê tông san sát.

Tôi lên Thái Nguyên lần đầu khi gần 1 tuổi, mẹ tôi dù muốn cho con bú lâu hơn, ngặt chỉ được nghỉ 4 tháng, bố đi làm phim ở xa, nên gửi tôi lên Thái Nguyên cai sữa, bà nội trông. Bà nội tôi là cán bộ in, phóng ảnh tay nghề cao của Sở Văn hóa Bắc Thái. Khu tập thể của cán bộ Sở cũng trên đồi ông Tấn. Bà bị bệnh hen, lại toàn phải làm ảnh thủ công, buồng tối độc hại nhưng luôn là một kỹ thuật viên xuất sắc.

Những tấm ảnh đen trắng của trí nhớ hiện lên từ ngón tay gầy bà tôi qua cây cọ ông tôi, chuyển sang nét vẽ chú Vi Kiến Thành của tôi, sang bộ phim và lời kể bố tôi, làm hiện lên sau lớp sương núi và giọt giọt lệ trong: một Thái Nguyên đẹp nhất, Thái Nguyên thời Khu tự trị Việt Bắc. Nhà thơ Võ Sa Hà với dòng dòng thơ đẫm tình về Thái Nguyên chở tôi trên ôtô Ford bán tải màu đen, vừa kể chuyện, giải thích, đọc thơ như thể một nhà “Thái Nguyên học”. Sau gần 6 năm, tôi mới trở lại quán cafe cửa sổ nhìn xuống sông Cầu, nhìn chếch bên trái là cầu Gia Bảy, trên đường Bắc Kạn. Những anh hùng khởi nghĩa người Kinh, Tày, Nùng được tôn vinh sáng danh trên đất này. Đường Đội Cấn gần chợ hoa, còn đền thờ Đội Cấn lại nằm trên đường Phủ Liễn, nơi có chùa cùng tên và đài tưởng niệm.

Cách 500m từ cầu Gia Bảy là bến Tượng, từ thế kỷ 13, Trần Hưng Đạo đã cho đàn voi chiến tắm ở đây. Sông Cầu là dòng thơ, dòng chảy lịch sử kiêu hùng với đường ngầm vận tải trong chiến tranh thế kỷ 20, đường chìm trong làn nước, nước che đường bao năm vẫn còn. Thái là cách gọi tắt của người Việt Bắc gọi Thái Nguyên. Lên Thái, về Thái, xuống Thái, chè Thái... là Thái Nguyên đấy. Trên đường ra bến Tượng, chợ Thái là nơi Nguyễn Bính viết 4 câu lục bát tài tình: “Anh đi dưới ấy xuôi đò/ Thương nhau qua cửa tò vò gặp nhau/ Anh đi đó, anh về đâu/ Cánh buồm nâu cánh buồm nâu cánh buồm”.

Cửa tò vò vẫn còn. Dấu ấn kiến trúc Pháp vẫn còn. Thái Nguyên, thành phố của trí thức, nghệ sĩ, nơi đóng gần chục trường đại học, cao đẳng, chưa kể các trung tâm, viện nghiên cứu, văn phòng đại diện một số báo lớn. Thái Nguyên tụ cư dân các tỉnh, miền gái đẹp chẳng riêng Tuyên Quang. Hoa hậu các dân tộc Triệu Thị Hà, xuống Thái Nguyên học rồi đăng quang. NSND Nông Xuân Ái người Cao Bằng quê tôi là Giám đốc Nhà hát Ca múa dân gian Việt Bắc đã hát Then, hát Lượn và tình ca Nàng ới khắp vùng đất nước, sang châu Âu với giọng Tày thiết tha, đắm đuối.

Chị Lý Uyên người Nùng Trùng Khánh, xuống Thái bán bánh cuốn trứng Cao Bằng 5 năm nay nổi tiếng tại số 9 đường Dương Tự Minh. Bánh cuốn Cao Bằng ngon nhất Việt Nam bởi nước chấm ngọt lịm ninh bằng xương lợn, rắc rau mùi, nấm hương, rưới thịt băm, bột mịn ôm trứng gà thơm phức.

Lương Ngọc Quyến, trường cấp 3 lớn và lâu năm nhất Việt Bắc, đào tạo nhiều tài năng, nơi hai chú và cô tôi đã học. Dãy nhà A1, A2 và thư viện mái tôn vẫn còn. Trường thênh thang, đi một đoạn là ra phố Hoàng Hoa Thám. Trên đường Hoàng Văn Thụ, là trục trung tâm Thái Nguyên, nơi có Bảo tàng Văn hóa các dân tộc, bày tranh ông nội và là nơi đã diễn ra triển lãm cá nhân đầu tiên và cuối cùng của cậu tôi.

Trung tâm thành phố là Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh và quảng trường Võ Nguyên Giáp, cạnh công viên là rạp chiếu phim 5D vắng khách và Trung tâm Dịch vụ thi đấu thể thao. Công viên sông Cầu vẫn tổ chức Ngày Thơ, có phố ẩm thực Nguyễn Du, nhà sàn…

Chúng tôi đi chậm sát bờ sông Cầu. Tôi chưa được lên Bắc Kạn mà chỉ đi đường Bắc Kạn trên đất Thái Nguyên, qua cầu Gia Bảy 37km là Võ Nhai, quê của “hùm xám Việt Bắc” Chu Văn Tấn. Võ Nhai nhiều đào núi, có khu di tích Tràng Xá, khởi thủy của Cứu quốc quân. Đầu cầu Gia Bảy là bãi đá Ngườm Thần Sa, một di chỉ quan trọng bậc nhất - cấp quốc gia của khu di chỉ khảo cổ học Thần Sa.

Đất chè (trà) trải rộng từ Bắc vào Nam, song chỉ chè Thái Nguyên vang danh ra thế giới. Đã 3 Festival Trà Thái Nguyên được tổ chức hằng năm, từ 2013 đã đạt tầm quốc tế. Bà nội và chú Cương tôi thẩm hương tinh sành; từ xa, đã biết trà loại nào, sao kỹ hay chưa, trà lá hay trà búp. Chú từng mang trà từ Thái Nguyên về cho bà bán ở Hà Nội khi nghỉ hưu, phụ thêm thu nhập. Mỗi lạng chè được tuyển lựa từ chú đến bà tôi, đưa hương chè Thái tỏa chốn Hà thành.

Khoáng sản than, sắt, đá, vôi, cát, sỏi, nhà máy xi măng, Khu gang thép Thái Nguyên - cái nôi của ngành thép Việt Nam được xây dựng hơn nửa thế kỷ trước. “Đêm sông Cầu lò thép thở cùng sao/ Vòng cung Bắc Sơn, Ngân Sơn mở cửa đón gió vào/ Đất sỏi cơm thật giàu có gió mùa Đông Bắc/ Gió tạc nên những dáng người lo âu tất bật/ Đi suốt ngày không gặp bóng nhàn du”.

Chuyến tàu thương nhớ đang chạy trong tôi, giục tôi ra ga Đồng Quang. Bà nội tôi gầy gò dắt díu đàn con, đem cân chè, cân lạc xuống Hà Nội cho chồng cũng bị nhân viên hạch sách, tịch thu. Tàu lên Thái Nguyên và ngược lại là phương tiện ưu việt nhất cách đây trên dưới 40 năm, dù nhiều sinh viên hồi ấy phải nhảy tàu. Ga Đồng Quang là căn nhà một tầng mái tôn quét vôi vàng quá bé bỏng và lọt thỏm giữa nhấp nhô công trình, một thời nổi danh vì tàu hỏa là phương tiện chính, đường tàu duy nhất lên Lạng Sơn qua ga này.

“Người Thái Nguyên mang tâm hồn đồi, tâm hồn gió, tâm hồn Sông Cầu. Tấm lưng trần sạm tím sỏi cơm giữa nắng chè cháy đỏ. Tâm hồn Thái Nguyên gần gũi và bí ẩn như hương chè, hương đất trung du. Thân thương, cởi mở biết bao nhưng hiểu sâu không dễ. Sâu thẳm như trà đạo vậy, không có tầng bậc cuối cùng”.

Đông người dân tộc, người Kinh sinh trưởng ở Thái Nguyên cũng lắm, đất ưu ái nhân tài. “Thành phố mơ buồn hoàng hôn lam chướng/ Người cọ người lóe sáng tài hoa”. Như Nguyễn Bình Phương, thi sĩ tài năng đầu bảng thế hệ 6X sinh trưởng, khởi nghiệp từ đây. Thái Nguyên - nguồn cảm hứng của nhiều sáng tạo nghệ thuật. Người ở đâu về Thái Nguyên đều thích văn nghệ, chẳng thế mà nữ thi sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Thái Nguyên kiêm Tổng Biên tập tự hào tuần báo Văn nghệ Thái Nguyên đạt 5.000 bản/số, có website, một hiện thực mà nhiều tạp chí văn nghệ các tỉnh phải phấn đấu. Hội đang tổ chức cuộc thi thơ quy mô toàn quốc, mở rộng đề tài, không chỉ viết về Thái Nguyên, hạn đến 20/5 và trao giải đến 21/6/2016.

Hồ Núi Cốc cách thành phố 25km, huyền thoại đã vào văn thơ và sáng tên cùng ca khúc của Phó Đức Phương, từ chuyện tình của chàng trai mang tên/ hóa thành núi Cốc và cô gái - sông Công đang là dự án lớn của tỉnh: xây thành khu du lịch hiện đại kết nối với Tam Đảo. Mới khởi công, công trình hút 1 vạn lao động, đến 2019 xong giai đoạn 1, được đầu tư 15 nghìn tỷ, xây dựng 30 năm, có đường hầm lên Tam Đảo, kết nối với ATK (An toàn khu Cách mạng, di tích quốc gia đặc biệt ở Định Hóa).

Thái Nguyên tương đối sạch, về đêm yên tĩnh, rực rỡ, thanh bình. Nhiều điểm tham quan du lịch trong và xung quanh thành phố khiến cho tên Thái Nguyên thành một vùng quyến rũ, hấp dẫn không chỉ với ai đã thuộc tên của 19 phường, 8 xã. Chợ Đồng Quang nay là Trung tâm thương mại Đồng Quang, gần bến xe cạnh Trường Đại học Y. Ga Đồng Quang, nay là ga Thái Nguyên, đường nối từ chợ đến ga gọi là “đường ga”.

Cái ga bé tí khiến tôi không tưởng tượng nổi một thời nó là cái tên oanh liệt, nay hiu hắt với biển: “Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội - Xí nghiệp Vận tải đường sắt Hà Thái. Giờ làm việc: 8h30-10h, 14h30-17h”. Đối diện Trường Y là Trường THPT Lương Ngọc Quyến 70 năm tuổi.

Nhà ga Đồng Quang không nhỏ thêm và biến mất, dù chỉ còn người lãng mạn cuối cùng nhớ những chuyến tàu. Kìa bà nội tôi xuống tàu với 4 đứa con mắt sáng, nhanh nhẹn, khôi ngô và ông nội tôi đang chờ ở sân ga tranh thủ ký họa vào cuốn sổ tay. Thái Nguyên không chỉ được giữ vẻ đẹp trong tranh ảnh, văn chương mà còn trong ký ức truyền đời, truyền thế hệ.

Cả Thái Nguyên là một sân ga vô biên không ngưng nghỉ chuyến chuyến tàu thương nhớ... 

(*) Toàn bộ thơ trong bài là của nhà thơ Võ Sa Hà.

Vi Thùy Linh
.
.