Tanzania: Khi mãnh sư say ngủ

Thứ Bảy, 07/11/2015, 05:25
Tanzania sở hữu 2 kỳ quan thiên nhiên bậc nhất của lục địa đen, đó là ngọn núi Kilimanjaro cao nhất Châu Phi (5.895m), và hồ Victoria (69.000km²). Thêm vào đó, điều kiện thời tiết lý tưởng, các khu bảo tồn thiên nhiên với hệ động vật hoang dã phong phú, là những yếu tố vô cùng thuận lợi để quốc gia này thu hút du khách từ khắp thế giới.

Nhưng đằng sau mỗi quốc gia luôn là những dân tộc, đằng sau mỗi cánh cửa luôn là những con người. Không phải cứ bỏ ra vài nghìn hay vài chục nghìn tờ xanh, thì bạn sẽ hiểu được dân tộc ấy, con người ấy. 

Tanzania, như con mãnh sư vẫn còn say ngủ giữa safari chan hòa ánh nắng, mà khi tỉnh thức, có thể vươn vai cất tiếng gầm chấn động miên hoang. Tôi đã có hơn 10 ngày trải nghiệm tại Tanzania, để hiểu con sư tử ấy tiềm ẩn sức mạnh đến thế nào, nhưng trước hết là để hiểu vì sao nó còn say ngủ.

Những chiến binh cuối cùng

Có khoảng 300.000 người Maasai, một bộ tộc bán du mục, hiện diện cả ở Kenya lẫn phía Bắc Tanzania. Tuy chiếm chưa tới 10% dân số Tanzania, nhưng những người Maasai chính là biểu tượng kiêu hãnh của quốc gia này. Lần đầu tiên nhìn thấy một chiến binh Maasai, lập tức tôi không thể rời mắt. 

Quả vậy, cho đến tận bây giờ, mỗi người đàn ông Maasai vẫn được gọi là chiến binh đúng nghĩa đen. Bởi họ đi đâu cũng mang theo vũ khí, thường là một con dao ngắn đeo bên hông, và một cây gậy dài, bằng gỗ dẻo dài chừng 2m, vừa để chống vừa để tự vệ. Quấn mình trong chiếc áo choàng đỏ, tóc để dài, tết thành từng lọn túm lại sau gáy, dáng thanh thoát uyển chuyển, với những cặp giò cao, không một chút mỡ thừa, bất cứ ở đâu người Maasai xuất hiện, họ đều vô cùng nổi bật. Có kỹ năng hoàn hảo để tồn tại trong tự nhiên hoang dã, người Maasai được tổ chức Oxfam đánh giá rằng lối sống tôn trọng thiên nhiên của họ chính là cách để đáp ứng việc biến đổi khí hậu. 

Huyền thoại là như vậy, nhưng thực tế, những người Maasai mà tôi gặp đều làm 2 việc. Một là làm bảo vệ ở các khách sạn, công sở, nhà hàng - những nơi mà danh tiếng thiện chiến nghìn đời của họ trở thành bảo chứng tin cậy. Hai là biểu diễn hát múa ở chính những tụ điểm đó, kết hợp với bán các đồ trang sức hand-made cũng rất nổi tiếng của dân tộc Maasai. 

Một buổi chiều, khi tôi đang lang thang bên bờ biển, có 2 thanh niên Maasai tiến đến bắt chuyện với tôi. Những chiếc kính mát màu sắc sặc sỡ mà họ đeo khiến tôi có phần thất vọng, và bởi vậy, không mấy hào hứng khi họ muốn làm quen.

- Tôi là Kilimanjaro - một thanh niên cười và giơ tay ra bắt.

- Hẳn rồi - tôi đùa - còn anh bạn kia chắc là Everest, hay là Himalaya?

- Không, anh ta tên là Kayule. Còn tôi là Kilimanjaro - người thanh niên bỏ kính ra, nhìn tôi nghiêm nghị.

- Chào Kilimanjaro, tôi đến từ Việt Nam.

Nồi súp thịt

80% dân số Tanzania vẫn là nông dân, sinh sống ở nông thôn. Đứng thứ 30 thế giới về diện tích lãnh thổ, khí hậu nhiệt đới với nhiệt độ trung bình năm là 20oC, người nông dân Tanzania diện tích đất canh tác chia đầu người có nơi lên tới 5 hecta. Nhưng phương pháp và phương tiện canh tác lạc hậu, khiến năng suất rất thấp, họ vẫn đói nghèo. Trong khi khối dịch vụ đóng góp tới hơn 50% GDP, trong đó tỉ trọng du lịch phần lớn, thì người dân ở những vùng thuần nông có mức sống rất thấp.

Tác giả và những đứa trẻ Tanzania.

Chúng tôi đến Lindi, tỉnh nằm cách thủ đô Dodoma hơn 200km. Những đồng cỏ xavan nối nhau dài tít tắp, điểm xuyết trong đó là những cây bao-báp khổng lồ, vươn những cánh tay gân guốc chống thẳng vào bầu trời luôn xanh thẳm. Đó là cảnh thiên nhiên đẹp lạ lùng mà du khách thường thích thú dừng chân chụp ảnh. Nhưng đằng sau đó, là sự đói nghèo. Đồng cỏ xavan là biểu hiện của những nơi thiếu nước, và cây bao-báp thì không thể xem là cây lương thực chính của con người.

Ghé thăm làng Kilagelage, một làng khá lớn của tỉnh Lindi, người đầu tiên tôi gặp là Abiba, một thiếu phụ 33 tuổi, nhưng đã kịp có 6 đứa con. Cô đang làm ngôi nhà tường đất cốt tre, cũng chia làm 3 gian: bếp, phòng ngủ, và phòng khách. Vì phải một mình làm tất cả các công đoạn, từ nhào đất, cột tre, tới trộn rơm, trình tường, nên cả tháng trời Abiba mới xong 2 mặt tường. 

Cũng may, mùa khô còn tới 5 tháng nữa, nên gia đình cô chỉ cần quây bạt vào 2 mặt tường ấy là có chỗ ăn ngủ rồi. Vì Abiba đang làm nhà, nên chồng cô đi làm ruộng. Trồng ngô và bo bo. Họ không nuôi con gì cả. Đàn gà bị dịch chết hết. Còn dê thì quá đắt, tới 70.000 shiling 1 con (khoảng hơn 700.000 đồng Việt Nam). Trong khi thu nhập bình quân của họ là 10.000 shiling/ tháng. Là những người Hồi giáo, họ không nuôi lợn.

Có vẻ hơi xấu hổ với câu chuyện khốn khó của Abiba, ông trưởng làng dẫn tôi tới nhà của Fatima, một phụ nữ có gia cảnh được cho là khấm khá hơn. Fatima đang đun gì đấy, tôi ngó vào, nó là một nồi nước trong veo, chắc vừa được nhóm lửa bắc lên.

- Cô nấu gì vậy?

- Súp thịt dê - Fatima trả lời mà không ngẩng đầu lên, tay cô cầm cái muôi gỗ dài, cứ khuấy mãi như tìm kiếm gì trong nồi nước lã.

Được một hồi, Fatima bỏ vào nhà, lôi cái cối đá ra xay hạt bo bo. Cắm cúi làm việc, cô cho biết nhà có tới 5ha ruộng, chia làm 2 thửa lớn bé, trồng ngô và bo bo. Hạt bo bo mà Fatima đang xay, đã từng cứu đói hàng triệu dân Việt Nam một thời quốc gia khốn khó, vác rá đi vay khắp thế giới. Những người sống trong thời kỳ ấy hẳn không quên, hạt bo bo ăn vào rất khó tiêu. 

Được phân phối bo bo về, phải xay ra thành bột, hấp với cơm, hoặc vắt từng vắt hấp như bánh bao thì ăn được, nhưng nói chung không ngon lành gì. Sau nhiều năm chủ động được nguồn gạo, bây giờ chị em Việt Nam lại đua nhau mua hạt này nấu cháo ăn để giữ dáng, vì no bụng nhưng không có chất. Ở Châu Phi, bo bo là ngũ cốc được ưa chuộng hàng thứ 2, sau gạo.

- Cô có mấy đứa con - tôi hỏi Fatima.

- 4 đứa. Đứa lớn nhất 15 tuổi rồi.

- Cô có định sinh thêm con không?

- Điều đó tùy thuộc vào ý của Đức Allah.

- Thế còn ý cô?

- Tôi thì muốn có thêm 2 đứa nữa.

Tôi nhắc Fatima về nồi súp thịt mà cô đang nấu dở. Fatima có vẻ ngượng nghịu, lờ đi, quay sang sàng sảy chỗ hạt vừa xay. Bọn trẻ đứng bu quanh cô, dáng vẻ rõ ràng là đói. Nhưng chắc chúng chẳng mơ đến súp thịt dê cho bữa trưa.

Bốn mươi bảy chiếc bánh

Khi mà người lớn còn chật vật lo miếng ăn, thì trẻ con đương nhiên vô cùng thiếu thốn. Theo thống kê của UNICEF, 48% trẻ em ở các vùng nông thôn Tanzania có điều kiện chỉ bằng 1/3 so với chuẩn chăm sóc tối thiểu. Tôi gặp bé Buma, 8 tuổi, khi nó đang mang cơm chiều cho bố. Ông Kata, bố của Buma, mới kiếm được việc làm cách đây 5 tháng. Hàng ngày, với một con dao dài, trong tiếng máy nổ đinh tai nhức óc, từ 8h sáng đến 8h tối, ông bảo vệ một trạm phát sóng viễn thông của Halotel - công ty viễn thông mà Tập đoàn Viettel mới khai trương tại Tanzania.

Ban đêm, ông Kata lại đổi ca cho một người khác. Mỗi tháng ông nhận 50.000 shiling Tanzania, tương đương hơn 500.000 đồng Việt Nam. Có được công việc đó là một sự may mắn, vì ở làng của bố con Kata, phần lớn đàn ông thất nghiệp. Còn ruộng vườn là việc của đàn bà. Buma không được đi học. Tôi lục tung xe, tìm được mấy cái bánh ngọt và quả trứng luộc đưa Buma, nó không ăn mà cầm về nhà cho mẹ và các em. Trong nắng chiều vàng sẫm của Phi châu, cái áo đỏ của Buma chói gắt như một dấu chấm than kiêu hãnh.

Abiba - người phụ nữ ở làng Kilagelage - Tanzania.

Ở làng Kilagelage, tôi bị bọn trẻ xúm quanh trêu đùa vì tò mò. Đang áy náy vì không có gì đãi chúng nó, thì thấy có 1 bé con bán bánh. Đó là loại bánh kiểu quả bàng, to bằng nửa nắm tay, bằng bột nở là chính, bên ngoài có quết chút nước đường (hoặc có thể ban đầu là rắc đường, nhưng đã chảy ra thành nước). Giá mỗi chiếc là 100 shiling, tính ra tiền Việt chỉ 1.000 (một nghìn) đồng. Tôi bèn bảo bọn trẻ xếp hàng cho khỏi tranh nhau, rồi phát mỗi đứa 1 cái bánh. Tôi ra hiệu cho bé con bán bánh, là đếm xem bao nhiêu cái để tính tiền, rồi vừa phát vừa đếm. Một lúc là lẫn mất, chả rõ là bao nhiêu, áng chừng hơn bốn chục cái, tôi đưa con bé 5.000 shiling, vỗ vay ra hiệu là đủ đấy. Thấy con bé chạy vụt đi, gọi ai đó. Nghĩ chắc nó đưa tiền cho mẹ, thôi kệ. 

Quay sang làm việc khác, bỗng có ai giật giật gấu áo, quay lại, là một ông nhóc, chìa ra 2 đồng xu, 1 đồng 100 shiling, 1 đồng 200 shiling. Ông nhóc rành rọt (chắc con bé bán bánh không nói được tiếng Anh nên gọi “sư phụ” ra): “47 cakes - your money”. (Bốn mươi bảy cái bánh, đây là tiền của chú). Hóa ra con bé đếm rành rẽ tất cả tôi phát đi 47 cái bánh, như vậy là thừa 300 shiling. Nó trả lại. Tôi cầm 2 đồng xu, cất cẩn thận vào túi, chứ không dám cho thằng bé, e rằng đó sẽ là xúc phạm. Vả lại, từ lúc ấy, 2 đồng xu với tôi đã là vật rất quý giá rồi.

Xin chao! Xin chao Vietnam

Có một chút tự hào, khi những người Việt Nam đã mang lại những làn gió mới cho Tanzania, góp phần cụ thể vào tiến trình xóa đói nghèo, văn minh hóa của đất nước này. Bedastro, người dẫn đường của tôi chỉ vào những vườn điều xanh mướt trên đường đến Lindi.

- Người Việt Nam các anh sang đây mua gom hạt điều rất nhiều. Họ cho cả nông dân vay vốn để trồng hạt điều nữa.

Tôi đã nhìn thấy những người đứng bán hạt điều rang sẵn trên cầu cảng ở cố đô Dar es Saalam, những hạt điều rất to, chắc mẩy, ngon mắt. Hạt điều đã mang lại no ấm cho nhiều miền quê ở Việt Nam, và giờ đến lượt chúng ta mang kinh nghiệm của mình tới Tanzania.

- Nỉ hảo - một người bán hạt điều tươi cười với tôi.

- No, sorry, I’m Vietnamese (Không, xin lỗi, tôi là người Việt Nam).

- Ah, Xin chao! Xin chao Vietnam - anh ta cười tươi hơn nữa, và nói tiếng xin chào bằng một giọng lơ lớ rất dễ thương.

Không chỉ có những công ty thu mua và chế biến hạt điều, người Việt Nam còn mang đến Tanzania hệ thống viễn thông hiện đại của Tập đoàn Viettel. Bây giờ, tại Tanzania, hình ảnh những người Việt Nam nhỏ bé, luôn tươi cười và nói “Xin chào” đã trở nên gần gũi. Chỉ ít ngày nữa, Tanzania sẽ bước vào một cuộc bầu cử lịch sử, khi mà hầu hết người dân đều kỳ vọng vào một sự chuyển biến mạnh mẽ trong cung cách điều hành đất nước. Nắm trong tay những điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi, tài nguyên giàu có, con người đầy tố chất, mãnh sư Tanzania đã giụi mắt tỉnh giấc rồi.

Thật mừng, khi từ rất sớm, chúng ta đã là bạn hữu của con sư tử dũng mãnh ấy.

Gia Hiền
.
.