Tản mạn về những chuyến tàu vét

Thứ Ba, 01/12/2015, 09:27
Có thể có câu chuyện tương tự đã lên báo, nhưng câu chuyện này tôi nghe lại từ một người bạn phóng viên và nhà thơ Vũ Quần Phương kể, từ khoảng hơn hai năm trước:

(thư gửi một nhà quản lý)

Một cậu bé lớp hai, ngày thường mẹ cho 5 ngàn đồng quà vặt. Một hôm, cậu bé cứ đòi xin mẹ 10 ngàn đồng. Mẹ hỏi sao hôm nay xin 10 ngàn, làm gì? Cậu bé hồn nhiên bảo xin 10 ngàn để đưa bạn lớp trưởng. Sao thế? Để bạn ấy không ghi sổ, không báo cáo cô chủ nhiệm khi cậu đi muộn, nói chuyện riêng trong lớp…

Chuyện ấy làm tôi bất ngờ, cảm giác trống rỗng ùa đến. Một đứa trẻ ngây thơ mới 8 tuổi đã biết “đút lót” dù có thể hành động ấy cũng rất hồn nhiên. Nhưng chắc chắn không lâu nó nhận ra, tiền có thể giải quyết được những phiền toái và các nhu cầu khác. Còn bạn lớp trưởng cũng tự thấy làm lớp trưởng đã có tiền “hối lộ”, được lợi. Thôi, chưa cần tìm xem nó học điều ấy từ đâu, nhưng những hành vi “đút lót” và nhận “hối lộ” kia chắc chắn sẽ loang ra, nhân lên, và mầm mống tệ nạn, tham nhũng đã ô nhiễm, đầu độc quá sớm, quá nhanh vào tâm hồn trẻ thơ.

Chúng ta không ngạc nhiên bởi vấn nạn tham nhũng, “lợi ích nhóm” đục ruỗng tài nguyên, ngân khố quốc gia, những tổng công ty nợ nần chồng chất… trầm trọng đến mức được gọi là “một bộ phận không nhỏ”, là đang đe dọa đến sự “tồn vong của đất nước”. Tham nhũng, lợi ích nhóm ở đâu khác ngoài những cán bộ có chức, quyền, ở bộ máy quyền lực hoặc những doanh nghiệp, “đại gia” sân sau, cánh hẩu có thể lũng đoạn, chia chác các dự án, “góp vốn cổ đông” đầu tư cho quyền lực để thu lại lợi ích phái sinh từ quyền lực…

Nó thiên biến lắt léo, muôn vẻ muôn hình, đa tầng, kết bè cực kỳ phức tạp làm tổn hại đến lợi ích của xã hội và quốc gia nhưng tất cả dường như chúng ta mới chỉ gióng lên hồi chuông cảnh báo, gọi được nguyên nhân xuất sinh từ những vun vén lợi ích cục bộ, từ yếu kém về thể chế và quản lý, từ sự vô trách nhiệm với cộng đồng và đất nước, từ sự suy thoái đạo đức và văn hóa… còn giải pháp cụ thể để “đánh nhau với cối xay gió” do chính tư duy, cơ chế và phương cách quản lý xã hội yếu kém đẻ ra; việc chỉ mặt gọi tên được người nào, nhóm nào, ở đâu thì hầu như chưa chỉ ra được, mãi chưa thấy hiệu quả, làm mất lòng tin ghê gớm trong nhân dân. Điều này mới là điều đáng sợ!

Cũng như, đã từ lâu, người ta vẫn nói vui về cái gọi là “văn hóa phong bì”. Văn hóa phong bì lắm bi hài đã trở nên phổ quát, ở tất cả mọi tầng lớp, mọi giao dịch, mọi ngành nghề, mọi đối tượng và tổ chức xã hội, đến giờ này có lẽ vô phương cứu chữa. Nó thành một tâm lý quen trong số đông công chúng, dù là việc nhỏ, nhưng không có cái phong bì/bao thơ (Nam Bộ) đi kèm, cứ thấy áy náy, thấy hình như không phải, dù túi rất vơi, và cuối cùng lại phải… phong bì.

Trớ trêu thay, phong bì lại làm “yên lòng” cho tâm lý của nhiều người tử tế. Cái thứ văn hóa phong bì (hình tượng) chỉ là hành vi cuối của sự băng hoại đạo đức xã hội, làm đảo lộn những giá trị, xuống cấp văn hóa, đã đến ngưỡng mà nhiều nhà văn hóa, học giả cảnh báo sự xuống cấp văn hóa đang đẩy dân tộc đứng trước những hiểm họa khôn lường.

Minh họa: Lê Phương.

Bi hài như một đại biểu Hội đồng nhân dân Hà Nội đưa ra phản ảnh, việc chạy công chức ở Hà Nội phải chi mất 100 triệu đồng. Dân gian bảo “chạy chỗ nào mà rẻ thế mấy ông ơi? Tôi chạy gấp ba lần số ấy đấy, chỉ cho tôi chỗ ấy với”. Nhưng tất cả cũng chỉ là “nghe nói”, không có bằng chứng, cơ quan kiểm tra ý kiến kia bảo “không có cơ sở” kết luận. Người dân thì vẫn bảo, sự thật chạy vào chỗ nọ, trường kia còn hơn thế nhiều. Dân doanh nghiệp thì nhạo vui là phải biết “bỏ quên chìa khóa”; nghĩa là, đến ông quan chức có quyền lực nào đó thì “bỏ quên” vào một hộp rượu hảo hạng một bộ chìa khóa biệt thự, vila, một xế hộp “đờ-luých”.

Tất cả cũng vẫn chỉ là lời đồn, là câu chuyện âm ỉ trong dân gian, “không có bằng chứng” để kết luận, vẫn diễn ra hàng ngày trong giới nọ giới kia ở cà phê, quán nhậu…, chỉ nghe “bằng chứng miệng” thôi đã thấy buồn, hoang mang, chán nản như khi nghe kể câu chuyện cậu bé 8 tuổi đã biết “phong bao” cho lớp trưởng! Nói gì cậu bé, đến cả thầy, cô của những cậu bé này, “nghe nói” để có trường, lớp dạy, để được tuyển vào biên chế công chức cũng phải bao thơ nặng, thì dạy con trẻ thế nào về đạo đức đây nhỉ? Dân gian vẫn nói, thời của “đầu ngắn chân dài lên ngôi”, thời nghệ thuật và những giá trị sáng tạo, trí tuệ xuống cấp. Đó không chỉ là một nỗi buồn, đó là ung nhọt trên cơ thể đạo đức và văn hóa dễ biến thành bệnh hiểm nghèo, đang báo động đỏ.

Những ngày này, dư luận xã hội đang xốn xang lo sợ về tình trạng thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại, về “cái chết từ từ” do sự ngu dốt và hám lợi bằng mọi cách và những băng hoại đạo đức xã hội…, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất và giống nòi Việt. Những ngày này dư luận cũng nóng bỏng về việc dạy môn lịch sử trong nhà trường, về việc tại sao không đưa Hoàng Sa, Trường Sa của mình vào sách giáo khoa, trong khi người Tàu lấp liếm đã đưa vào từ đầu những năm 60, những năm mà còn được coi là “hữu hảo”, là “môi hở răng lạnh”?

Những ngày này, lại một lần nữa “tư duy nhiệm kỳ” hay “chuyến tàu vét” nhiệm kỳ được nhắc đến làm nóng nghị trường và lan rộng ra xã hội. “Tư duy nhiệm kỳ” mang tính cơ hội, là tư duy ngắn, manh mún theo các nhiệm kỳ bầu cử, bổ nhiệm thành lệ ở Việt Nam, từ đó quan chức tranh thủ cho lợi ích cá nhân, hoặc nhóm…; đặc biệt là ở những quan chức nhờ chạy chọt bằng cách nào đấy, phải tranh thủ tối đa để “vét”, bù lại những hao tổn và sinh lợi nhanh nhất bằng con đường tham nhũng.

Tư duy nhiệm kỳ là đầu máy của “chuyến tàu vét” nhiệm kỳ. Nghĩ cách “vét” nhanh kẻo đã đến giờ tàu vét chạy, không những vét tiền, tài sản mà còn tranh thủ cài cắm cho con cái, người thân vào bộ máy của những chuyến tàu sau. Biết bao người tài, con nhà bình dân không có cơ hội được thực thi trí tuệ, đóng góp cho xã hội vì hệ quả kéo dài của nạn “con ông cháu cha”, của “lợi ích nhóm”, của những dối trá, mánh mung… ẩn nấp ngay sau lời truyền chỉ tâm nguyện của ông cha, nền tảng và cốt cách tinh thần của ông cha: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.

Tất cả những câu chuyện trên để trở về nhân tố con người và giáo dục. Giáo dục - đào tạo là cỗ máy nền tảng, quan trọng bậc nhất để xây dựng đạo đức lối sống, hình thành tính cách, trách nhiệm công dân, tri thức và trí tuệ cho sự phát triển đất nước. Giáo dục không phải là chuyến tàu vét. Giáo dục phải là con tàu thiên lý tân tiến mở ra những đường ray hiện đại, những đại lộ phát triển. Những hình ảnh tệ hại, những phạm trù đạo đức, văn hóa đáng báo động nêu trên xâm thực vào tận môi trường giáo dục, hiện hữu lên gương mặt trẻ thơ 8 tuổi, ở cái tuổi lẽ ra chỉ học và chơi.

Ngược lại, cũng có lỗi trầm trọng của guồng máy đào tạo, tất nhiên còn của nhiều lý do khác, trong đó có vai trò quản lý xã hội yếu kém. Không phải ngẫu nhiên ngành giáo dục liên tục bị la ó, lúng túng trong nhiều năm nay bởi quan điểm, phương pháp giáo dục lạc hậu, trì trệ, dập khuôn, một chiều... đã triệt tiêu những ý kiến ngược, có tính phản biện và cá tính sáng tạo của trẻ ngày càng thông minh; và bởi những cải cách cứ luẩn quẩn, chưa đúng hướng... Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật, biết cởi thoát sự lạc hậu, chậm trễ, chắt lọc học hỏi từ những nền giáo dục tiên tiến để đừng mang các em lên những chuyến tàu vét của tư duy cũ, không biết mình là ai, ở đâu!

Không buồn, không sốt ruột sao được khi nhìn vào những số liệu mà lần đầu tiên chính thức được công bố bởi cơ quan Chính phủ (Tổng cục Thống kê), như “thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang thụt lùi so với Hàn Quốc khoảng 30-35 năm, so với Malaysia khoảng 25 năm, so với Thái Lan khoảng 20 năm, so với Indonesia và Philippines khoảng 5-7 năm. GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 chỉ bằng 3/5 của Indonesia, 2/5 của Thái Lan; 1/5 của Malaysia; 1/4 của Hàn Quốc và bằng 1/27 mức GDP bình quân của Singapore. Đến năm 2038, năng suất lao động Việt Nam mới bắt kịp năng suất lao động của Philippines, và đến năm 2069 mới bắt kịp của Thái Lan.

Ngân hàng Thế giới đánh giá về kinh tế trí thức cho thấy, chỉ số giáo dục của Việt Nam năm 2012 là 2.99, xếp thứ 133 thế giới, thấp hơn mức bình quân 5.26 của khu vực...”. Chẳng lẽ chúng ta cứ lẽo đẽo trên những chuyến “tàu chợ”, tàu “vét” của khu vực và thế giới? Người Việt thông minh không kém bất kỳ quốc gia nào, vấn đề là làm thế nào để sự thông minh được kích thích thành sản phẩm trí tuệ, thành lực lượng, thành sức mạnh trí tuệ và sản phẩm tinh thần.

Nước Mỹ, người Mỹ, một quốc gia “đô hộ” thế giới bằng sức mạnh trí tuệ. Trí tuệ ở một quốc gia có đến 356/876 giải Nobel (tính đến năm 2014). Người Singapore có một nền giáo dục tân tiến thế giới bởi trước hết, có những quyết sách đúng, bởi vai trò quản lý, bởi chắt lọc những nghiên cứu từ 25 trường đại học ưu tú của Anh, Mỹ để tìm ra con đường phát triển của mình. Nhưng trước hết, chúng ta hãy tự cứu mình để không bị ô nhiễm môi trường đạo đức, văn hóa xấu đối với những gương mặt trẻ thơ non tơ, những công dân có chất lượng của tương lai, vì chúng ta không thể tiếp tục lên tàu vét, tàu chợ bậm bạch của những năm bao cấp.

Nhà thơ Trần Quang Quý - Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập
NXB Hội Nhà văn
Quê quán: Xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ. 

Tác phẩm chính: Viết tặng em trong ngôi nhà chật (thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 1990), Mắt thẳm (thơ, Nxb. Lao động, 1993), Giấc mơ hình chiếc thớt (thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 2003), Siêu thị mặt (thơ Nxb. Hội Nhà văn, 2006); Cánh đồng người (thơ song ngữ Việt-Anh, Nxb. Hội Nhà văn, 2010); Bờ sông trăng sáng (tập truyện ngắn, Nxb. Hội Nhà văn, 2010); Lời sám hối muộn mằn; Chị Châu (phim truyện); Màu tự do của đất (thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 2012); Đốt đèn tìm lửa thơ (Nxb. Văn học); Bay lên, những giấc mơ (bút ký, 2015)…

Giải thưởng Văn học: Giải Nhì thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội, năm 1984. Giải thơ tuần báo Văn nghệ các năm 1990-1991, 1994-1995. Giải Ba truyện ngắn báo Người Hà Nội, năm 1996. Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2004 (tập thơ Giấc mơ hình chiếc thớt). Giải thưởng văn học “Bông lúa vàng”, năm 2011 (Hội Nhà văn VN & Bộ Nông nghiệp & PTNT). Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2012 (tập thơ Màu tự do của đất).

Hà Nội, 20-11-2015

Nhà thơ Trần Quang Quý
.
.