Tản mạn về 100 số báo An ninh thế giới cuối tháng

Thứ Sáu, 27/11/2009, 16:09
Thế là đã hơn 8 năm tính từ ngày báo An ninh thế giới Cuối tháng (ANTGCT) ra số đầu tiên: ngày 20/9/2001. Thế là biết bao nhiêu buồn vui, kỉ niệm đắng ngọt của những người làm tờ báo, những đổi thay vần xoay, những phản hồi, những thân phận người quanh các bài báo được đăng trên ANTGCT và biết bao nhiêu những ký ức của các cộng tác viên như tôi và bao bạn đọc khác yêu mến tờ báo này.

Điểm lại chặng đường 100 số báo, ở góc độ độc giả, dễ nhận thấy: ANTGCT đã tạo ra được nhiều dấu ấn đối với làng báo chí cách mạng Việt Nam. Một phong cách, một phong thái làm báo mới được khởi lên. Và rất bản sắc. Chuyên mục Trò chuyện cuối tháng là một thành công được tạo dựng bởi người cầm chịch là Tổng biên tập, nhà văn Hữu Ước và những người giúp cho ông tổ chức thực hiện tờ báo.

Chuyên mục Chuyện khó tin nhưng có thật (bắt đầu từ ANTGCT15) cũng là chuyên mục gây xúc động lòng người một cách đặc biệt. Mỗi khi chị gái tôi cầm tờ ANTGCT và ANTGGT trên tay là chị giở ngay trang 31 để đọc đầu tiên. Đứa cháu tôi cũng vậy. Và tôi tin nhiều người mến yêu tờ báo này cũng có hành động tương tự. Quả thực những câu chuyện khó tin nhưng có thực đó đã gây cảm xúc mạnh mẽ với phẩm giá con người. Có những hành vi của quỷ dữ và có những hành vi của thánh thần ngay trong một con người, có những sám hối và có những uẩn khúc, nghiệt ngã của số phận được trải lòng ra cùng bạn đọc…

100 số báo, ANTGCT cũng có lúc trải qua những tao đoạn khó khăn, những khúc trầm. Còn nhớ khi chưa tới số 40 tưởng chừng như tờ báo sắp phải đóng cửa vì những lý do nhạy cảm và tế nhị nào đó tôi không biết được. Đọc Cuộc trò chuyện giữa Tổng biên tập và một phóng viên (trong chuyên mục Mua vui cũng được một vài trống canh ở ANTGCT39) tôi cứ băn khoăn mơ hồ nghĩ có lẽ đây là ANTGCT số cuối cùng chăng. Cuộc trò chuyện dường như trút vào đó tất cả nỗi niềm của những người làm tờ báo này, tâm tư suy nghĩ trăn trở của người cầm lái và các cộng sự, gửi gắm cả tuyên ngôn làm báo trong đó nữa. Một cuộc trò chuyện đẹp và buồn lộng lẫy.

Có lẽ tôi xin trích lại một phần trong cuộc trò chuyện đó để mọi người được thấy tâm nguyện, tâm huyết của những người làm tờ báo này như thế nào: Phóng viên: Nếu được in những chữ cuối cùng trên trang nhất, anh sẽ in câu gì? Tổng biên tập: Câu "Thưa bạn đọc, chúng tôi làm báo bằng cách làm người". Phóng viên: Nếu được in những câu cuối cùng trên trang 2, anh sẽ in câu gì? Tổng biên tập: Câu "Thưa bạn đọc, chúng tôi không thể thay đổi cái gì hết, nếu như không dám đổi mình". Phóng viên: Nếu được in câu cuối cùng trên trang 3, anh sẽ in câu gì? Tổng biên tập: Câu "Thưa bạn đọc, nếu lịch sử không có trang cuối cùng thì chúng ta cũng thế". Và cũng duy nhất trên ANTGCT39 ấy, không có những câu "Ranh ngôn" như thường lệ mà chỉ trích dẫn câu nói của nhà văn Pháp như một ngụ ý. Vâng, Tổng biên tập và những người trong Ban biên tập ANTGCT, họ đã thực hiện mỗi số báo như mỗi số cuối cùng…

Tôi có trong tay bộ sưu tập của mình từ những số báo ANTGCT đầu tiên và bây giờ thêm cả ANTGGT, chỉ duy nhất không có ANTGCT8 mà thôi. Một lần tôi đã hỏi nhà thơ Hồng Thanh Quang, khi đó còn là Tổng thư ký tòa soạn phụ trách nội dung tờ ANTGCT về bài vở cho số Tết sắp tới chắc hẳn sẽ đặc sắc hơn số thường kỳ thì nhận được câu trả lời mỗi số báo ANTGCT đều là số Tết rồi. Và ANTGCT29 là một số đặc biệt. Không phải đặc biệt vì nó là số Tết Giáp Thân mà vì sự "chênh vênh chơi vơi" của nó, bởi ANTGCT28 phát hành cuối tháng 12-2003 còn ANTGCT30 phát hành cuối tháng 1/2004.

Kỷ niệm với ANTGCT, tôi còn nhớ mình bắt đầu cộng tác từ số 45 với bài viết "Người thuộc về ánh sáng" về nhà bác học vĩ đại Albert Einstein và bài viết gần đây nhất là "Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Minh tuệ và hiền tâm" trên ANTGCT99… Bởi niềm yêu thích tờ báo này nên tôi thường xuyên cộng tác với ANTGCT hơn.

Tôi đã rất thích từ những cái title báo như thế này: Danh y nước Việt và nỗi sợ hãi của vua Càn Long (ANTGCT17), Bồ câu không thể bay trong nước mắt (ANTGCT29), "Mặc nhiên công" và những người đi bộ tới ánh sáng (ANTGCT31), Người bị một giấc mơ quần thảo 18 năm (ANTGCT32), Từ "lo sợ" không có trong tư duy quân sự của chúng tôi (ANTGCT33), Gánh nặng trần ai trên những đôi vai mỏng mảnh (ANTGCT40) khi viết về sứ mệnh của các hoa hậu, Bẽ bàng một kiếp hoa rơi (ANTGCT47), Nhà văn Hòa Vang: Người mang gương mặt đời Đường (ANTGCT48), Chiến tranh hiện đại và sự bất lực của vũ khí, Hiệu ứng "bom giấy" và sự "nhẹ dạ" của giới truyền thông, NSND Đào Mộng Long: Người đi như chớp nắng (ANTGCT61), Vua Trần Nhân Tông: Anh linh Yên Tử (ANTGCT67), Những cơn nóng lạnh của thị trường chứng khoán VN: Nghiêng chân rốn bể mà xem lửa bùng (ANTGCT68), Ca sĩ Ngọc Anh: Hát như ngậm lửa (ANTGCT73), A.Riedl: Người đi ngoảnh mặt sao đành (ANTGCT77), Hậu trường nhiếp ảnh VN: Sự phù phiếm của ánh sáng (ANTGCT79), Sự hớ hênh của chất xám (ANTGCT84), HLV Nguyễn Hữu Thắng: Gạt lệ, đi trong kiêu hãnh (ANTGCT97)… cho đến những con chữ cuối cùng của bài viết (tất nhiên, không phải bài nào cũng vậy).

Và cũng phải công bằng mà nói ANTGCT không phải là không có những sơ suất, tỉ như: Bài "Nhóm tác giả M6 và đêm nhạc:  "Hà Nội Ciao Jerusalem" - Thông điệp tình bạn của những người bạn" trên ANTGCT90 quên không đề tên tác giả, những lỗi nhỏ trong bài "Ruồi trâu và bản hùng ca của thời đại" (ANTGCT34) hoặc việc đặt tên bài trùng nhau: Gian nan là nợ (ANTGCT39 viết về cầu thủ Nguyễn Hữu Thắng, ANTGCT92 viết về Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc tập đoàn Bảo Sơn), Phải sống (ANTGCT68 viết về Chủ tịch Chi hội Người VN tại Bắc Kinh Trần Thiệu Quang, ANTGCT6 trò chuyện với nhà văn Nguyễn Quang Lập), Tin thì tin, không tin thì thôi (ANTGCT63 về cuốn tự truyện của NSƯT Lê Vân, ANTGGT4 về nhà văn viết truyện khoa học viễn tưởng người Anh A.Clarke), Rồi cũng về lại phố xưa (ANTGCT97 về ca sĩ Hồng Ngọc và ANTGGT3 về ca sĩ Ngọc Ánh) hay Làm vua như Lê Thái Tổ (ANTGCT58) rồi Làm báo như Ngô Tất Tố (ANTGCT62), Làm báo kiểu… Tản Đà (ANTGGT4), Làm báo theo kiểu Marquez (ANTGGT3).

Nếu bạn là người đọc ANTGCT thường xuyên sẽ dễ dàng bắt được cái gu khai thác đặc tính "lặng im": Nhà văn Kim Lân và sự im lặng của nỗi buồn (ANTGCT30), GS Phạm Vĩnh Cư người thầy của sự im lặng (ANTGCT38), Nhà thơ quân đội Nguyễn Hồng Hà: Lặng lẽ yêu và sống (ANTGCT40), Một mình khâu những lặng im (ANTGCT50), Cô giáo Lê Minh Hòa - Người chở đò lặng lẽ (ANTGCT52), Lặng lẽ dành cho mọi người (ANTGCT56), Nhà văn Đào Xuân Tùng: Lặng lẽ lưu danh (ANTGCT61), Sao Khuê lặng lẽ khiêm nhường (ANTGCT63), Nữ ứng cử viên Tổng thống Pháp, S.Royal: Im lặng cũng vẫn hùng biện (ANTGCT68), Họa sĩ Dương Bích Liên: Lặng lẽ với những người mẫu (ANTGCT69), Nhạc sĩ Ngọc Đại: Tu hành lặng lẽ (ANTGCT87), Thầm lặng tướng quân, Nhà thơ Trần Anh Thái: Im lặng kiếm tìm (ANTGCT89), Hai nhà văn quân đội Nguyễn Minh Châu và Lê Lựu: Đồng cảm và im lặng (ANTGCT93), Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Bây giờ tôi biết lặng im (ANTGCT95), Tình thầm lặng (ANTGCT98). Lặng im là một tính cách, một xử thế cũng là một quyền năng, một lối đi.

Hoặc gu những cặp phẩm chất trong tính cách nhân vật hay sự kiện: Nhà văn hóa Ngô Thì Nhậm thức thời nhưng kiên định (ANTGCT42), Israel di dời người Do Thái định cư ở dải Gaza: Đau đớn nhưng cần thiết, Nhà báo trẻ Việt Văn: Một chút đam mê và tỉnh táo (ANTGCT49), Đời sống văn nghệ 2005: Ồn ào không mới mẻ (ANTGCT53), Quên mình nhưng vẫn tỏa sáng (ANTGCT56), Nữ hoàng điền kinh Vũ Thị Hương: Bạo miệng và hiền dịu (ANTGCT57), Tình yêu đau đớn và hạnh phúc của mẹ tôi (ANTGCT60), Đại tướng Raul Castro: Kiên định và nhạy bén (ANTGCT61), Hoài nghi để tin tưởng (ANTGCT64), Ngô Tất Tố: Mềm dẻo và kiên định (ANTGCT66), Nhà văn Lê Tri Kỷ: Đắc địa trong nghiệt ngã (ANTGCT68), MC Mỹ Linh: Nổi loạn và lý trí (ANTGCT84), Paul Nguyễn Hưng: "Tìm nhanh" và "sống chậm" (ANTGCT89), Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Sự mềm mại quyết liệt (ANTGCT91), Nhà thơ Chế Lan Viên: Nóng nảy và… dịu dàng (ANTGCT92).

Xuyên suốt 100 số ANTGCT ta cũng sẽ thấy những nhân vật được khai thác trở đi trở lại với tần suất lớn (tất nhiên ở những góc độ, vấn đề khác nhau) là: Putin và những nhân vật trên chính trường thời Xôviết và Nga hiện nay, chuyện xung quanh các đời Tổng thống Mỹ, nhà vật lý thiên tài Einstein, hề già nhà văn trẻ Mạc Can, nhà báo lão thành Hữu Thọ, cặp vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, ca sĩ Thanh Lam, nghệ sĩ hài Minh Vượng, nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Tuân, Lê Lựu, Kim Lân, Nguyễn Huy Thiệp, nhạc sĩ Phú Quang, họa sĩ Dương Bích Liên hay ông bầu Phước Sang…

Gần đây đạo diễn Đỗ Minh Tuấn với seri về Truyện Kiều và các nhân vật trong kho tàng dân gian là một chuyên đề khá thú vị được khơi lại ở những cái nhìn đương đại. Cũng với cái nhìn đương đại đó BTV, MC Hoài Nam có những đánh giá sắc bén về các nhân vật lịch sử được phân tích kỹ càng và thuyết phục. Mảng chân dung chính khách và văn nghệ sĩ trên ANTGCT luôn là những thân phận người được khai thác ở các góc độ nhân văn dù chỉ là một lát cắt nhỏ nhoi hay cả kiếp người. Để cắt nghĩa một thái độ sống, cắt nghĩa lòng nhân, hướng cái ác đến vẻ đẹp của cái thiện…

Thế là 100 số ANTGCT đã qua, đã đi vào lòng người đọc những dư âm đẹp hay có khi rơi vào quên lãng như một lẽ vô thường. Bài viết này không có tham vọng tổng kết về chặng đường 100 số ANTGCT, không triết lý kiểu "Nhìn lại, để bước tiếp", chỉ là những tản mạn nhỏ quanh con số 100 mà thôi. Chỉ là đôi điều xin được cùng sẻ chia, vậy thôi

Lê Bảo Âu Long
.
.