Tản mạn cuối tuần

Thứ Tư, 21/09/2016, 19:04
Hầu như ngày nào cũng có những réo rắt điện thoại, những tấp nập tin nhắn về một địa chỉ, một nơi chốn để ngồi cùng nhau trong một chiều sắp tắt từng phút, một năm sắp cạn từng ngày để bù khú bia bọt lai rai.

Cũng đủ lãng quên đời trong chốc lát. Nhưng rồi cũng không thể. Tự nhiên, lại thấy bận rộn quá. Đôi khi cái sự bận rộn ấy chẳng rõ từ nguồn cơn nào, chỉ biết thời gian trôi qua nhanh hơn mọi ngày.

Sáng hôm qua, người bạn cũ Nguyễn Đăng Lâm của thời đôi mươi cùng sống trên chiến trường K gọi điện thoại nhắc về cuộc gặp mặt ở quê nhà. Vì bạn tên Lâm nên lúc đi trên đường, ngang qua chùa Vĩnh Nghiêm, nghe chuông vọng lên tự dưng lại nhớ câu thơ của Tản Đà cũng có nhắc đến chữ Lâm: "Nực cười cho bác Mai Lâm/ Thương nhau chi sớm mà lầm khóc nha".

Bài thơ này có cả một giai thoại văn học, không nhắc lại vì nhiều người đã biết. Ơ hay, đầu óc con người ta cũng lạ, đang nhớ đến Lâm này bỗng dưng lại có một Lâm khác chen vào. Ấy là nhà báo Kỳ Lâm. 

Một cây bút viết tạp bút, phiếm đàm cho chuyên mục Tản mạn cuối tuần của Báo Lao động. Rất có cá tính. Nhớ ngày mới vào nghề, thỉnh thoảng buổi trưa cùng ông lai rai, rồi lúc xế bóng quay về nhà ông nằm ngủ vật vờ. Còn nhớ, ông sở hữu khá nhiều tranh của danh họa Bùi Xuân Phái. Vẽ trên những mảnh giấy cỡ hộp diêm, bao thuốc lá. Nay trôi dạt về đâu? 

Ông mất khoảng năm 1993 thì phải. Lúc ấy, các đồng nghiệp có in tập sách Lai rai vẽ... viết... của tác giả Chóe và Kỳ Lâm. Vừa đi đường, vừa lẩm nhẩm mấy câu thơ vụt đến trong đầu: "Bỗng dưng nhớ bác Kỳ Lâm/ Cầm ly từ độ giẫm chân vào nghề/ Một già, một trẻ rủ rê/ Rượu suông nắng gắt, tỉ tê mưa dầm/ Nói cười tếu táo Kỳ Lâm/ Cầm ly, cầm bút như cầm giọt say/ Kỳ Lâm xòe những ngón tay/ Từng con chữ béo, ốm, gầy cầm ly".

Trong đời sống, có những người đi qua kỷ niệm, đi qua ngày tháng chỉ trong khoảnh khắc ngắn rồi quên béng, quên hẳn, vậy mà có lúc lại nhớ như nhớ đến một ảo ảnh, một hình ảnh đậm nhạt xa tít chẳng còn rõ nét trong trí nhớ. 

Sáng nay, đi ăn phở với nàng. Bên góc đường Nguyễn Du, gần bưu điện. Trước đây, đọc báo đã thấy nghe nói đến các cụm từ chói tai "phở quát", "miến chửi". Những tưởng chỉ có tận đẩu tận đâu, xa tít tắp chứ tại Sài Gòn thì không thể. Ấy thế, đã có. Sáng nay, khi cần thêm ít hành, y gọi, lập tức một gã trơ mắt: "Không có". 

Giọng nói vùng nào sao mà đanh đá, cộc cằn quá. Tưởng không nghe rõ, nhắc lại, vẫn câu trả lời dửng dưng lạ lùng ấy. Nhìn vào phía trong vẫn thấy ề hề những thứ mà y cần. Điều này có thể hiểu, tô phở giá tiền X thì chỉ có thế, không thêm bất kỳ thứ gì khác. Thích thì ăn, không thích thì "biến cho nước nó trong". Lạnh lùng, rạch ròi, sòng phẳng.

Mà đã xong đâu, lúc ấy, có 3 nam thanh nữ tú bước vào, ngồi xuống ghế, gọi: "Cho 3 tô phở, 1 tô có hành, 2 tô không hành". Lập tức người bán quát lên như mắng vào mặt: "3 tô vừa có hành vừa không có hành. Ai biết mà bán? Có hành thì có hành hết, không hành thì không hành hết". 

Đã thấy khách đứng dậy, lặng lẽ bước ra khỏi quán. Hóa ra, sự giao tiếp ngày càng "chợ búa" đến thế sao? Xưa nay quán xá tại Sài Gòn, khi ngồi ăn, nếu cần thêm một ít hành ngò, ớt, tiêu, chanh..., người phục vụ luôn lễ phép: "Dạ, có ngay". Không hề câng câng cái mặt. Vì thế, sáng nay lấy làm lạ quá.

Phép ứng xử đàng hoàng hay thô lỗ từng vùng miền có thể nhìn thấy rõ nét khi bước vào quán ăn. Cái thói bán như làm ơn, như ban phát vẫn chưa tẩy xóa khỏi cái óc cạn hẹp của thời bao cấp. Thế thì, sự rạch ròi về cái lợi đã giết chết sự thân thiện cần thiết giữa người mua và kẻ bán. 

Chẳng lẽ chỉ là sự "tiền trao cháo múc"? Đã nghĩ đến những "mạch nước ngầm" ngày càng ăn sâu, len lỏi trong quan hệ giữa người và người, nó sẽ khoét rỗng ngay từ bên trong nhận thức, tính cách của mỗi người. Đó mới là điều đáng sợ.

Nói thật, càng đi xa càng thấy sợ sự "gài bẫy" có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ngày nọ, nhân kỷ niệm 50 ngày lịch sử nọ kia, y cùng bạn bè lên chơi vùng cao nọ, vốn nơi "chôn nhau cắt rốn" của ngươi bạn trong nhóm. Đêm ấy, cả bọn kéo nhau vào một quán ăn sang trọng. Quán vắng. Chỉ có nhóm bạn của y. 

Lúc tính tiền, trả tiền sòng phẳng chuẩn bị ra về, chủ quán la toáng lên mất cái điện thoại. Nào có ai thấy cái điện thoại ấy tròn, méo thế nào. Chủ quán sai người đóng rịt cổng. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Buộc phải trả lại cái điện thoại. Phải đền tiền. Nếu không sẽ đập phá xe hơi. Đừng hòng có cửa quay về.

Vô lý quá sức tưởng tượng.

Tranh cãi mãi không xong. Giằng co mãi cũng không xong, anh tài xế vốn là người địa phương bèn gọi điện thoại cầu cứu. 

Chỉ dăm phút sau, một lũ đầu trâu mặt ngựa lù lù xuất hiện. Nhờ thế, khách mới có thể ung dung ra về, không phải trả thêm đồng nào. Bù lại, phải móc tiền "cảm tạ ân nhân" vừa kéo đến. Lâu nay, anh bạn của y đã từng khoe, từng ca ngợi tính tốt, hiếu khách, chân tình của người dân quê mình. Đó mới là cái đau khó phai.

Mà không nên quơ đũa cả nắm, ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu. Cách đây vài năm, dọc tuyến Quốc lộ 1 nhan nhản các quán "cơm tù" cũng là một kiểu lưu manh trấn lột. Có nhiều câu chuyện chẳng ra làm sao. 

Nếu không trải qua, chẳng bao giờ y nghĩ đến tình huống đó. Mà thôi những tình huống tương tự còn nhiều lắm. Qua sách vở, qua ca dao, cổ tích, truyện cổ đã khiến mình từng yêu dấu vùng đất này, cảm tình vùng đất kia nhưng rồi khi đến nơi mới biết không phải.

Tác động nào đã làm tính cách con người ngày một xấu đi?

Sống trong đời không dễ. Nào ai có thể biết "tai bay vạ gió" từ đâu đến? Lúc nào sẽ đến? Tự nhiên một ngày mở mắt dậy, bỗng thấy nháo nhào một lũ đứng ngay trước ngõ mắng xa xả vào mặt. Điên tiết quá. Dò hỏi dần, mới biết có ai đó vu khống, bịa ra hoặc xuyên tạc những gì người ta đã nói rồi lái qua một nghĩa khác. Thiên hạ chẳng biết ất giáp kỷ canh tân nhâm quý quái quỷ gì, cứ thế hùa vào "đánh hôi".

Tra Đại Nam quốc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của, bản in 1895, không có từ "đánh hôi", chỉ có: "Đánh hơi: Theo hơi, nghe hơi cho biết ở đâu"; tra thêm Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến Đức khởi thảo, bản in 1931, không có "đánh hôi" lẫn "đánh hơi". 

Rõ ràng "đánh hôi" chỉ mới xuất hiện hiện sau này, bằng chứng Từ điển Tiếng Việt của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, bản in 1988, có giải thích: "Đánh hôi: Lợi dụng đánh người vốn mình không ưa nhân lúc có vụ đánh nhau"; "đánh hơi", giải thích như Đại Nam quốc âm tự vị, nhưng lại thòng thêm nghĩa "Nhận thức một số dấu hiệu mà đoán ra đại khái đang có dấu hiệu gì hoặc việc gì (thường hàm ý khinh)".

Đã bàn thì phải bàn cho ra nhẽ.

Hôm trước, ông Nguyễn Long Trảo - rể của cụ Ca Văn Thỉnh (1902-1987) có tặng quyển hồi ký. Thú thật, chỉ thích những chi tiết thời thơ ấu mà ông Trảo đã trải qua. Nó gắn với sinh hoạt của miền Nam thời trước. 

Trong lúc tát đìa: "Có quy ước rất hay là mỗi con cá khi vọt ra phía sau là đã thuộc về quyền sở hữu của những "con hôi" lúc nhúc bám theo sau, chủ nhà không được tiếc của mà quay lại bắt. Vì toàn là sình lầy nên cá thoát ra phía sau là chuyện bình thường, nên chủ nhà bắt được mười thì "con hôi" cũng được hai ba, có thể mang về làm mắm chứ không bao giờ hết". 

Đọc xong, vỗ đùi cái đét rồi suy luận, "con hôi" trong ngữ cảnh trên là từ "hôi" mà có. "Hôi" có nghĩa mót, nhặt những thứ còn sót lại; dần dần "hôi" mang nghĩa xấu như hôi của, hôi cá, đánh hôi...

Thế thì, đã rõ nghĩa "đánh hôi" rồi chứ?

Bao nhiêu kẻ ùa vào "đánh hôi", rồi cuối cùng tẽn tò nhận ra là do nghe thông tin bịa đặt từ một phía. Cái trò lưu manh này, thời nào cũng có. Trước 1975, có cụm từ dù chỉ hành động khác nhưng ý nghĩa vẫn na ná "đánh hôi" là "bề hội đồng" - nhiều người cùng hùa vào "làm thịt" một người. 

Từ này, hầu như nay đã biến mất chăng? Đọc Tiếng lóng Việt Nam (NXB KHXH - 2001) của Nguyễn Văn Khang không thấy ghi nhận. Những trò ễnh ương đó, chẳng ngại gì, chỉ khiến bực bội. Sống trên đời né tránh những chuyện có thể gây ra bực bội vẫn là lựa chọn của nhiều người.

Còn nhớ, đã đọc đâu đó từ thời trung học, đọc lâu quá rồi không nhớ cụ thể, chỉ nhớ nhà văn nọ có viết truyện ngắn về bọn "chim mồi". Đây là tiếng lóng nhằm chỉ một bọn bản chất A đóng vai trò B để dụ khị, lôi kéo loại người B tưởng thật mà sập bẫy. 

Ngày trước, những người đi săn chim láu cá cho con "chim mồi" đứng sẵn trong bẫy. Con "chim mồi" hót véo von, những con chim khác nghe khoái quá bay vào, hùa vào theo, cùng đồng ca hợp xướng. Nào ngờ, lúc ấy, người bẫy chim chỉ việc giật, lưới đổ xuống, tóm cả bầy. Chết oan mạng.

Thời buổi này, đọc ý kiến, notes trên các mạng xã hội chẳng biết đâu là "chim mồi"; đọc các comment chẳng biết đâu là "đánh hôi". Đâu chỉ có thế. Khi đi ngoài phố, trong bất kỳ cuộc va chạm nào, giữa lúc đôi bên đang thương lượng, tranh cãi, giằng co thì lập tức có một lũ khác ùa đến "dây máu ăn phần".

Hoặc ngang nhiên đứng về phía này, bênh vực phía này đặng mắng té tát, ra uy với phía kia, rồi moi tiền phía kia cho bằng được dù chúng chẳng dính dáng gì; hoặc làm như cao đạo, khách quan đứng ra can thiệp đôi bên, tuôn ra lời hay lẽ phải nhưng lợi dụng sơ hở của đôi bên để móc túi, cướp giật, thủ lợi gì đó rồi biến. 

Loại này gọi là gì? Đi ra đường, khi gặp sự cố đó, nhiều chàng "Lục Vân Tiên" muốn tỏ thái độ, hành động nghĩa hiệp "Giữa đàng thấy chuyện bất bình chẳng tha" cũng thấy khó quá bởi chúng tung hỏa mù đến rối bòng bong.

Sáng nay lên tòa soạn. Có người gửi tặng thư pháp viết giấy dó, dán trên nền lụa, đóng khung nền nã, gương sáng loáng, cực đẹp. Thế nhưng, nhìn chữ viết, đọc nội dung của nó, hết muốn treo trong nhà. Đơn giản chỉ vì người viết chẳng có tên tuổi gì. Lại nữa câu chữ tầm thường quá, sáo rỗng với từ ngữ rổn rảng nào là lộc, tài, thọ, giàu sang, phú quý, văn minh, hiện đại hóa v.v.. và v.v… 

Thử hỏi, nếu không tận tâm, tận lực, không đổ mồ hôi, không sôi nước mắt, không thức khuya dậy sớm, không "văn ôn võ luyện" mỗi ngày, làm gì có tài, lộc? Treo trong nhà bức thư pháp hô hào quá hớp, linh tinh ấy để làm gì?

Trước kia, bạn văn Trần Nhã Thụy có viết tạp bút, đại khái anh cho biết thích treo các bức tranh do con mình vẽ, dù xấu, chưa đẹp. Bởi ngoài cái tình, nó còn là tranh thật. 

Treo tranh thật dù xấu vẫn còn hơn treo tranh chép, dẫu tranh của các danh họa. Vâng, y cực ghét tranh chép. Lại ghét luôn những cái gọi là thư pháp của những người chẳng ai biết đến tên tuổi với mớ chữ nghĩa vô hồn, nội dung sáo rỗng. Chữ nghĩa ấy cũng là một cách tung hòa mù rối bòng bong.

Lê Minh Quốc
.
.