Tại sao phải “thấy hình” thay vì “thấy tiếng”?

Thứ Năm, 05/12/2019, 09:11
Phải cố gắng "thấy hình" chứ không chỉ là "thấy tiếng", chúng ta phải luôn dặn lòng mình câu đó, cả trong những ứng xử mặt đối mặt đời thường lẫn những ứng xử ẩn mặt trên không gian mạng. Khi nào chưa thấy được hình thì ít nhất cũng phải giữ một thái độ lặng im trung tính thay vì vội vã tung ra những yêu/ghét cảm tính vào một đám đông hỗn loạn. 


Vương Phù, một nhà thơ thời Hán (Trung Quốc) để lại cho hậu thế 8 chữ đơn giản nhưng đầy tính suy ngẫm: "Một chó sủa hình, trăm chó sủa tiếng".

Hiểu 8 chữ này theo nghĩa đen thì đó là câu chuyện về tiếng sủa của những chú chó ở những làng quê Trung Quốc thuở xưa. Khi có một kẻ lạ mặt nào đó lọt vào làng, con chó đầu tiên nhìn thấy hình hài kẻ lạ mặt đó và sủa những tiếng sủa đầu tiên trong làng.

Thế nhưng, rất nhanh sau đó, con chó thứ hai sẽ sủa, con chó thứ ba tiếp tục sủa, con chó thứ tư, thứ năm tô đậm dàn đồng ca sủa. Và con chó thứ n cũng ngửa cổ sủa theo. Theo cách giải thích của Vương Phù thì từ con chó thứ hai đến con chó thứ n, rất có thể chúng không hề nhìn thấy hình ảnh của kẻ lạ mặt đang xâm nhập vào làng. Con chó thứ hai sủa vì đơn giản là nó nghe thấy tiếng sủa của con chó thứ nhất. Con chó thứ ba sủa vì đơn giản là nó nghe thấy tiếng sủa của con chó thứ hai.

Cứ như thế, tiếng sủa nhiều dần, to dần, lan nhanh dần và đến thời điểm con chó thứ n hùa vào sủa thì có thể là kẻ lạ mặt đã đi khỏi làng từ rất lâu rồi. Như thế, chỉ có con chó đầu tiên "thấy hình" và sủa vì "thấy hình", tất cả các con chó còn lại gần như chỉ "thấy tiếng" và sủa theo vì "thấy tiếng" mà thôi.

Thấy hình hay thấy tiếng? Câu chuyện về tiếng sủa của những con chó trong những ngôi làng xa xưa hóa ra lại gợi những ngẫm nghĩ về cách ứng xử của con người: trong rất nhiều trường hợp, chúng ta nhìn thấy cái bản chất và xúc cảm thét lên vì thấy cái bản chất, hay tiếng thét ấy đơn giản chỉ là một hội chứng lây lan, bắt nguồn từ việc những người ở bên cạnh mình cũng đang thi nhau thét lên như vậy?

Cách đây vài năm, cư dân mạng Việt Nam có một phen "lên cơn" trước câu chuyện về một "người con bất hiếu". Một bức ảnh được cho là người con trai đang đánh cha mình xuất hiện trên Facebook và kèm theo đó là những mô tả hãi hùng về hành vi đánh đập. Cư dân mạng lập tức phẫn nộ, lập tức lao vào chửi bới, thóa mạ "người con bất hiếu". Thậm chí, còn có những biểu hiện kêu gọi "thay trời hành đạo", cùng rủ nhau tìm đến hiện trường "xử tội" người con.

Có lẽ trong cuộc đời mình, chưa bao giờ người con ấy lại bị cả thế giới chống lại theo cách này. Nhưng rồi báo chí chính thống vào cuộc và phát hiện ra: sự thật không phải thế. Sự thật là người cha say rượu, trèo tường vào nhà và trong quá trình trèo tường đã bị chảy máu chân. Người con trai ở trong nhà thấy cha vừa say lướt khướt, vừa máu chảy đầm đìa liền chạy ngay ra sân đỡ cha.

Nhưng, trong sự dẫn lối của ma men, người cha phản ứng lại, tạo ra một cuộc giằng co. Và thế là một người hàng xóm xấu bụng nào đó đã lập tức giơ điện thoại "chộp" lại cảnh giằng co. Vẫn có thể là người hàng xóm xấu bụng này đã đưa bức ảnh lên Facebook cùng với lời nhận xét: một kẻ bất hiếu đánh cha mình! Chỉ cần thế thôi, cư dân mạng đã sục sôi phẫn uất, nổi trận căm hờn rồi sẵn sàng hò hét nhau "thế thiên hành đạo".

Mượn cách nói của Vương Phù, chúng ta có thể đặt ra câu hỏi: Có bao nhiêu người trong số đó phẫn uất vì "thấy hình" và bao nhiêu người trong đó phẫn uất vì "thấy tiếng"? Chắc chắn là nếu "thấy hình" - thấy cái bản chất thật của vụ việc, người ta sẽ không những không "lên cơn" mà còn dễ dàng cảm phục hành động của người con hiếu thảo. Nhưng, vì không "thấy hình" mà chỉ "thấy tiếng", lại là thứ tiếng tam sao thất bản, người nọ truyền người kia nên ai cũng nghĩ đấy là một đứa con bất hiếu và ai cũng muốn "xử" đứa con bất hiếu đến cùng.

Trong cuộc sống bình thường, chúng ta cũng đã dễ rơi vào cảnh chỉ "thấy tiếng" mà không "thấy hình" vì tiếng thì luôn hiện hữu, luôn có nhiều, luôn bao phủ quanh ta còn hình lại là thứ độc nhất, thứ mà trong rất nhiều trường hợp phải suy xét thật kỹ lưỡng mới có cơ may đốn ngộ.

Trong không gian mạng, với sự lên ngôi của đông đảo những "anh hùng bàn phím" - những người có thể phát tiếng một cách to nhất, dữ nhất, hùng hồn nhất thì chúng ta càng dễ rơi vào trận địa của "tiếng" và càng dễ dàng "thấy tiếng" mà xa xỉ với "hình". Những lúc đó, nếu chúng ta vội vàng đưa ra kết luận thì chắc chắn là cả một cơn mưa lầm lạc sẽ đổ ập xuống.

Lầm lạc trong nhận thức của chính mình, lầm lạc trong đánh giá người khác và lầm lạc trong việc tạo ra tầm ảnh hưởng với xung quanh. Hài hước ở chỗ, chúng ta lầm lạc mà không nghĩ mình lầm lạc. Bi kịch ở chỗ, chúng ta lầm lạc mà cứ tưởng mình mới đích thực là chính nhân.

Phải cố gắng "thấy hình" chứ không chỉ là "thấy tiếng", chúng ta phải luôn dặn lòng mình câu đó, cả trong những ứng xử mặt đối mặt đời thường lẫn những ứng xử ẩn mặt trên không gian mạng. Khi nào chưa thấy được hình thì ít nhất cũng phải giữ một thái độ lặng im trung tính thay vì vội vã tung ra những yêu/ghét cảm tính vào một đám đông hỗn loạn.

Gutave Lebon - nhà tâm lý học nổi tiếng người Pháp ở cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, tác giả của cuốn Tâm lý học đám đông - nói với chúng ta rằng: đám đông thường xuyên hành xử theo cảm tính, với tốc độ lây lan cảm xúc rất cao. Trong đám đông đó, khi có một người phản tư, một người kịp dừng lại để suy xét và nhận chân vấn đề thì rất có thể mọi thứ đã quá muộn rồi. Khi đó, đám đông cảm tính có thể tạo ra những phán quyết tàn khốc - những hậu quả tàn khốc không thể nào cứu chữa. Không biết khi viết tác phẩm Tâm lý học đám đông theo đúng tư duy duy lý của người phương Tây, Gustave Lobon có đọc Vương Phù hay không nhưng rõ ràng giữa hai người đã có một sự đồng giao bất ngờ.

Trong cuộc sống bình thường, chúng ta cũng đã dễ rơi vào cảnh chỉ "thấy tiếng" mà không "thấy hình". Ảnh: L.G.

Từ điểm đồng giao giữa Gustave Lobon với Vương Phù quanh chuyện một con người và một đám đông, thấy hình và thấy tiếng, chúng ta sẽ không chỉ cảnh báo nhận thức luận của mình trong tư thế của một người trong cuộc - cái tư thế mà chúng ta rất có thể sẽ góp thêm một "tiếng" vào "đám đông". Còn một tư thế khác cũng cần được xem xét, đó là tư thế người ngoài cuộc - tư thế độc giả - tư thế khán giả - tư thế thính giả - tư thế người quan sát.

Ở tư thế của một độc giả chẳng hạn, khi sa chân vào kinh thành chữ nghĩa với bộn bề trí luận Đông - Tây, đôi khi chúng ta sẽ rơi vào trạng thái hốt hoảng và sợ hãi. Chính vì hốt hoảng, chúng ta sẽ dễ dàng tin ngay vào những bức tường chữ nghĩa trong kinh thành ấy mà tuyệt nhiên không nghi ngờ. Chính vì sợ hãi mà chúng ta cho rằng tất cả những bức tường chữ nghĩa khác ở ngoài kinh thành ấy hoặc những kinh thành được xây dựng với những kiến trúc khác lạ so với kinh thành ấy đều sai.

Không! Thay vì hốt hoảng và sợ hãi, hãy bình tĩnh truy vấn kinh thành để trả lời một câu hỏi: rốt cuộc thì nó là "hình" hay "tiếng"? Bởi thực tế, có những cuốn sách rất đồ sộ, có những công trình nghiên cứu rất nguy nga lại chỉ là những sự tổng hợp, xào xáo, cắt xén, thêm bớt từ hàng loạt cuốn sách/công trình trước nó. Ngược lại, có những cuốn sách thoạt nhìn mỏng manh, thoạt đọc tưởng không có gì nhưng lại xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của "hình", của cái sáng kiến, cái bản chất, cái quy luật.

Cố gắng thấy hình (thay vì thấy tiếng) để không dễ dàng đẩy mình vào cái biển đám đông lầm lạc, trong tư thế của một người bên trong. Cố gắng thấy hình (thay vì thấy tiếng) để không rơi vào đại dương của những hốt hoảng và sợ hãi, trong tư thế của một người bên ngoài. Và để làm được như vậy thì phải không ngừng hoài nghi, không ngừng truy vấn, không ngừng khám phá, tìm tòi. Có những cái "hình" dễ thấy nhưng cũng có những cái "hình" khó thấy, mà phần nhiều là khó thấy. Nhưng "tiếng" thì chắc chắn là lúc nào cũng dễ thấy, dễ nghe, dễ bị ảnh hưởng vì nó quá ồn ào.

Hãy thử nghĩ đến hai ngôi làng - hai không gian gian tồn tại sau đây. Ngôi làng thứ nhất: Một chó sủa hình, trăm chó sủa tiếng. Ngôi làng thứ hai: Trăm chó sủa hình, một chó sủa tiếng. Theo bạn ngôi làng nào ồn ào, náo nhiệt hơn? Và ngôi làng nào dễ bị ăn thuốc bả, đồng nghĩa với việc dễ bị diệt vong hơn?

Phan Mỹ Chí
.
.