Tại sao phải quy hoạch sự im lặng?

Thứ Sáu, 20/03/2020, 10:37
Ý tưởng bài viết này bắt đầu từ một cuộc nói chuyện tình cờ giữa tôi với Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội), thầy Đào Tuấn Đạt. Hôm ấy, thầy Đạt đột nhiên hỏi tôi: “Theo cậu, trí tuệ con người nảy sinh từ đâu?”. Một câu hỏi tình cờ, cắt ngang cuộc nói chuyện giữa chúng tôi đã đẩy tôi vào một miền suy nghĩ mênh mông.

Và trong miền suy nghĩ ấy, hàng loạt câu trả lời, cùng hàng loạt phản đề cứ tự nó thay nhau xuất hiện. Trí tuệ nảy sinh từ giáo dục chăng? À, có vẻ đúng tất yếu rồi! Trí tuệ nảy sinh từ áp lực chăng? Cũng có thể, vì quả nhiên là có những người càng áp lực càng đột khởi những suy nghĩ phi thường. Trí tuệ cũng có thể nảy sinh từ vô thức chăng? Ai dám bảo không, vì cái gọi là “vô thức” vẫn còn là bí mật khôn cùng với các nhà tâm lý học ở tận thế kỷ 21 này.

Có vẻ như đứng ở mỗi góc độ và tiêu chuyển nhìn nhận khác nhau chúng ta sẽ có một câu trả lời khác nhau. Và có vẻ như câu trả lời nào cũng đúng! Tôi trả lời thầy Đào Tuấn Đạt: “Thật khó tìm ra một mẫu số chuẩn cho câu hỏi dạng này”. Thầy Đạt gật đầu đồng ý: “Câu hỏi này đã từng xuất hiện trong mình khi mình học tại Bỉ và nhìn vào cái thư viện của khoa thần học. Lúc ấy, mình thấy các giáo sư của khoa thần học từ từ bước ra khỏi phòng đọc của thư viện. Họ bình tĩnh, thư thái và tĩnh lặng. Họ dường như không liên quan gì đến cái xô bồ của đời sống ở ngoài bức tường thư viện kia. Họ bình thường mà kỳ lạ. Và không hiểu sao cứ mỗi lần lặng lẽ nhìn họ, quan sát từng bước chân của họ là mình lại nghĩ: trí tuệ nảy sinh từ im lặng?”.

Rồi thầy Đạt cẩn thận nói thêm: “Đây chỉ là cảm nhận hoàn toàn cá nhân của mình thôi, tuyệt đối không dựa trên bất cứ một lý thuyết nhận thức nào cả. Nhưng, cái cảm nhận ấy bây giờ vẫn còn nguyên trong mình”.

Trí tuệ nảy sinh từ im lặng - có thật thế không? Trong đời thường, trong chính gia đình mình, có bao giờ bạn nghe cha mình thốt lên: “Nào! Trật tự đi cho tôi làm việc”? Chắc chắn là có. Vậy thì hãy thử nhớ lại và phân tích cái mệnh đề quen thuộc như hơi thở ấy: trật tự để làm việc. Điều ấy cũng có nghĩa là nếu không trật tự thì khó làm việc được. Và, trong vô số những thao tác của vô số những công việc khác nhau, chắc chắn thao tác “nghĩ” luôn là một thao tác hàng đầu. Thành thử, trật tự để nghĩ ngợi, trật tự để tư duy, trật tự để đi tìm những lời giải tinh anh nhất cho những phương trình hóc búa nhất, đấy là điều có thật.

Sẽ là thiếu khách quan nếu bảo con người nhất định phải trật tự và môi trường xung quanh con người nhất định phải trật tự thì mới có thể nảy sinh trí tuệ. Nhưng, nếu làm một cuộc khảo sát trên quy mô lớn thì ắt hẳn số lượng người “nghĩ ngợi trong im lặng” chắc chắn sẽ lớn gấp nhiều lần số  người có thể “nghĩ ngợi trong ồn ào”.

Bây giờ chúng ta sẽ không nhìn nhận từ những hiện tượng đời sống cụ thể nữa, mà thử đối chiếu vấn đề vào một tôn giáo - một trường phái triết học phương Đông: đạo Phật. Chẳng phải là tín đồ của đạo Phật cũng biết rằng Đức Phật Thích Ca Mầu Ni đắc đạo sau 49 ngày ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề. Hãy thử phân tích kỹ thêm: 49 ngày ngồi thiền có nghĩa là gì? Có nghĩa là 49 ngày lặng im. Có nghĩa là 49 ngày sâu lắng. Có nghĩa là 49 ngày trú tâm mình lại ở một nơi để phóng tầm quán tưởng vào vô lượng kiếp. Có thể nói hình ảnh ấy chính là minh chứng sống động nhất cho việc trí tuệ nảy sinh từ im lặng.

Ở đây, xin được nhắc lại rằng Đức Phật là “người thức tỉnh”, chứ không phải là “người sáng tạo”. Có nghĩa, sau một thời gian dài tu tập và ngồi thiền, ngài đã đạt tới một cảnh giới trí tuệ tối cao để hiểu rõ những quy luật vận động của vũ trụ, chứ không phải là người sáng tạo ra vũ trụ giống như những vị giáo chủ nào đó của những tôn giáo hữu thần nào đó.

Bạn có thể hỏi: Liệu có một cách khác để trở thành một “người thức tỉnh” thay vì chỉ có thể ngồi lặng im dưới một gốc cây? Thật ra thì trước đó thái tử Tất Đạt Đa cũng đã thử nhiều cách khác nhau, trong đó có cách đi theo trường tu khổ hạnh. Nhưng rồi ngài chợt thấy khổ hạnh không đem đến giải thoát, ít nhất là trong trường hợp của mình, cho nên mới đi tìm một con đường giải thoát khác và từ đó mới dẫn đến câu chuyện 49 ngày dưới một gốc cây.

Bây giờ thì những tín đồ của đạo Phật có thể không cần ngồi thiền dướii một gốc cây cụ thể mà có thể thiền ở bất cứ đâu, từ một cái ghế đá ngoài công viên đến cái sofa trong phòng khách của mình nhưng cốt lõi của hành trình đi tìm trí tuệ thì không thay đổi: Đi tìm trong tĩnh lặng.

Giáo lý nhà Phật có cả một quy trình tu tập và nhận thức giúp tín đồ của mình hiểu rằng trí tuệ (mà ngôn ngữ Phật giáo gọi là “tuệ”) về cơ bản thường nảy sinh từ “định”. Vậy thì “tuệ” là gì? Và “định” là gì?

Tuệ ở đây bao gồm 2 cấp độ là chánh tư duy và chính kiến. Chánh tư duy có nghĩa là phải có tư duy đúng để nhìn nhận, quán sát mọi sự vật hiện tượng trong cuộc đời này, từ đó biết đâu là phải đâu là trái, đâu là chính đâu là tà, đâu là ngày đâu là đêm, đâu là sáng đâu là tối. Khái niệm “chánh tư duy” ở đây có những sự giao thoa nhất định với khái niệm “tư duy duy lý” của người phương Tây. Nhưng, cấp độ cao nhất của “tuệ” không phải là “chánh tư duy” mà lại là “chánh kiến”, tức là một cái thấy vượt thoát khỏi có - không.

Bạn sẽ hỏi: Vậy thế nào là một cái thấy vượt thoát khỏi có - không? Có thể hình dung, đó là một cái thấy mà con người không thể đi tới bằng con đường tư duy logic - tư duy duy lý - tư duy nhận thức bình thường, giống với trường hợp “chánh tư duy”. Nó là một cái thấy nằm ngoài mọi kiểu tư duy, đánh thẳng vào trực giác con người.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói về chánh kiến: “Nền tảng thực tập giáo lý đạo Bụt (tức đạo Phật - PV) không dựa trên niềm tin về luân hồi, về nghiệp và quả báo. Trái tim của đạo Bụt dựa trên một cái thấy rất sáng về Bốn sự thật (tức “tứ diệu đế” bao gồm khổ để, tập đế, diệt đế, đạo đức - PV), cái thấy đó là chánh kiến. Cái thấy đó rất sâu, ta phải đạt được bằng thiền quán. Niệm và định càng vững chãi thì cái thấy càng sáng”. (Tri kỷ của Bụt, NXB Phương Đông, năm 2016, trang 79).

Cách giải thích về trí tuệ trong đạo Phật của thiền sư Thích Nhất Hạnh giúp chúng ta hiểu rằng muốn có “tuệ” thì trước hết phải có “định”. “Định” ở đây là “chánh định”, trong đó bao gồm 2 yếu tố: chánh tinh tấn và chánh niệm. Chánh tinh tấn có nghĩa là phải có những nỗ lực đúng. Chánh niệm có nghĩa là phải có những ghi nhớ đúng.

Khi vừa có nỗ lực đúng vừa có những sự tu tập, ghi nhớ đúng con người sẽ có một tâm trí đúng, một tư tưởng đúng - một trạng thái tĩnh lặng thăm thẳm và đó chính là con đường trực tiếp dẫn đến đỉnh cao “tuệ giác”. Như vậy, nếu soi chiếu vấn đề bằng những giáo lý đạo Phật, chúng ta thấy rằng quả nhiên trí tuệ nảy sinh từ im lặng.

Nói lại tất cả những điều này để thấy rằng, trong cuộc sống xô bồ và đầy tính đua tranh của xã hội hiện đại thì việc “quy hoạch sự im lặng” là yêu cầu tối cần thiết của mỗi người. Chúng ta không thể có “49 ngày im lặng tuyệt đối” như Đức Phật, thậm chí với một bộ phận những người mà 24 giờ trong ngày là không đủ để giải quyết tất cả công việc thì tìm 1 ngày im lặng cũng khó.

Thành thử, phải biết kiến tạo những khoảnh khắc im lặng trong ngày, để mình đối diện với mình hoặc tự vấn mình, đấy là điều cần phải được thực hiện. Vì chỉ có như vậy thì trí tuệ mới có cơ hội nảy sinh.

Không quy hoạch được sự im lặng, con người hiện đại có thể sẽ rơi vào triền miên lầm lạc và cứ ảo tưởng rằng mình đang đi đúng hướng.

Phan Mỹ Chí
.
.