Tại sao phải không ngừng nắm bắt cái mới

Thứ Sáu, 23/11/2018, 10:17
Cái cũ, cái mới và cái khác, đấy là những bài toán đau đầu mà chúng ta có thể chiêm nghiệm lại từ trong những vận động cơ bản của lịch sử nhân loại cũng như lịch sử của chính cha ông mình. 


"Chúng ta chấp nhận cái mới thì công nghệ sẽ về, con người sẽ về, và nền công nghiệp mới sẽ xuất hiện, và cái nôi Việt Nam có thể tạo ra các sản phẩm có thể xuất khẩu được. Nhưng đó phải là sự chấp nhận sớm, sớm hơn người khác. Đi sau người khác, đi cùng người khác thì sẽ không có cơ hội thay đổi thứ hạng Việt Nam. Khi chấp nhận cái mới, chúng ta có thể mất một số thứ. Nhưng chúng ta không có quá nhiều thứ để mất, và đó là cơ hội của chúng ta". Đấy là những phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong một hội thảo công nghệ mới đây. 

Nhưng chắc chắn những phát biểu này gợi ra những suy ngẫm không chỉ trong lĩnh vực công nghệ đơn thuần. 

Cái mới - đấy là một vấn đề mang tính nhận thức luận kinh điển của loài người. Nếu thu lịch sử con người vào chỉ trong một cặp phạm trù cốt lõi thì đó chính là cặp phạm trù "cái mới và cái cũ". Hẳn nhiên, cái mới không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với cái tốt, nhưng nhu cầu tìm hiểu cái mới, nắm bắt cái mới rồi đi đến sử dụng, làm chủ cái mới lại là điều kiện tối quan trọng của phát triển.

Cho đến trước thời Phục hưng, nếu hỏi vì sao hòn đá rơi, các học trò của Arsitotle sẽ bảo: "Vì nhiệm vụ của nó là nằm trên mặt đất!". 

Cũng như thế, nếu hỏi "Vì sao hạt mưa rơi?", những tín đồ của Thiên Chúa giáo sẽ bảo: "Vì theo Chúa, nhiệm vụ của nó là tưới lên hoa màu". Có nghĩa, mục đích cuối cùng biện giải cho nguyên nhân đầu tiên, và một kiểu tư duy như thế đã tồn tại cả trăm năm lịch sử. 

Nhưng đến thời của mình, những Copernicus, Galile, Bruno... không chấp nhận một kiểu tư duy như thế nữa. Đã đến lúc phải nghi vấn cái cũ, lật tung cái cũ, thậm chí tuyên chiến, đối đầu với cái cũ. Galile nhận xét một câu cực kỳ kinh điển: "Kinh Thánh chỉ cho ta đường lên trời, nhưng không nói cho ta trời xoay như thế nào?". 

Và rồi chính ông đã đẩy những phát hiện trước đó của Coperniucs lên đỉnh cao với việc khẳng định: mặt trời là chỗ mà trái đất xoay quanh, chứ không phải cái thứ xoay quanh trái đất như giáo hội đã và đang lầm tưởng. Ai cũng biết, vì dám nói ngược giáo hội mà cuối cùng Galile phải chết.

Cái năm mà Galile chết cũng đúng là năm Newton ra đời (1642), và đến thời của Newton, câu chuyện không đơn giản là mặt trời hay trái đất nữa, mà là vật lý cơ học với những cách giải thích tự nhiên cực kỳ logic đã dần dần chiếm lĩnh trận địa của tôn giáo. 

Newton chính là người mở đầu cho kỷ nguyên ánh sáng, tạo nên những dấu chấm mới mẻ chưa từng có trong lịch sử nhân loại, khiến rất nhiều những giá trị tôn giáo cũ kỹ bị tổn thương. 

Những người phản biện Newton nói: "Nếu cả vũ trụ đều do những định luật hình học và cơ học quyết định thì tôi không hiểu Thiên chúa có thể ban phép lạ như thế nào?".

Câu hỏi ấy điển hình cho thế lực của cái cũ trong cuộc chiến khốc liệt với cái mới. Cái cũ không dễ chấp nhận cái mới. Và chính cái mới, ở một góc độ nào đó vẫn bị cái cũ ám ảnh ít nhiều. 

Thế mới có chuyện khi người ta hỏi Newton: "Nếu quả thực tồn tại một thứ lực gọi là "lực hấp dẫn" hút các vật vào nhau thì tại sao những vì sao vẫn đứng tách biệt nhau?" thì chính Newton lại trả lời: "Vì Chúa làm ra thế!". 

Trong tư duy của Newton lúc ấy, quả nhiên "Chúa làm ra thế" (nên nhớ bản thân Newton cũng là một tín đồ sùng đạo Kitô) hay thực chất những gì mà khoa học thời Newton chưa giải thích được thì tốt nhất là cứ đổ về phía Chúa? Nếu vế thứ 2 chính xác thì người ta lại phải nghĩ thêm một vế thứ 3: Vậy thì đến khi nào khoa học giải thích được, vai trò của Chúa lại bị đẩy xuống thấp hơn chăng?

Cứ như thế cái mới đấu lại cái cũ. Copernicus mới hơn giáo hội. Galilê mới hơn Copernicus. Newton mới hơn Galilê. Và cứ sau mỗi lần "mới hơn" thì vai trò của "cái cũ hơn" tất yếu lại nhạt nhoà. 

Nhưng vấn đề là cái hôm nay tưởng là mới thì ngày mai lại trở thành cái cũ. Đã có lúc người ta nghĩ rằng vật lý cơ học Newton tạo nên một giới hạn trần của khoa học, không thể nào thay đổi và vượt qua. 

Thế mà khi Anhxtanh ngồi ở cục Liên bang sở hữu trí tuệ Thuỵ Sĩ, nhắm mắt lại để làm những thí nghiệm thị giác về ánh sáng thì vật lý cơ học Newton lại trở thành cái cũ. So với vật lý cơ học Newton thì vật lý lượng tử của Anhxtanh mở ra một cách nhìn, một cách giải mã vũ trụ hoàn toàn mới mẻ. 

Thế nhưng điều gì khẳng định những sự mới mẻ ấy lại không trở thành cũ kĩ trong tương lai nào đó? Thành thử, các triết gia khoa học luận mới bảo, mỗi giai đoạn lịch sử gắn liền với một hệ hình tri thức. Và lịch sử phát triển tri thức là lịch sử thay đổi của các hệ hình.

Ở trong thời đại gắn liền với cái xe ôtô mà vẫn khăng khăng giữ nguyên hệ hình thời "xe ngựa" thì tự mình đã đẩy mình lùi một bước. Ở thời đại mà một bước lên taxi, hai bước xuống taxi mà vẫn giữ nguyên cái hệ hình của anh ngồi xích lô thì chẳng khác gì tự đào huyệt chôn mình. 

Và đến khi mô hình taxi truyền thống bị thay đổi bằng mô hình taxi công nghệ, một thay đổi nhanh, chóng vánh, ngoài tưởng tượng mà không chịu "công nghệ hoá" cái "truyền thống", lại cứ muốn cào bằng "công nghệ mới" vào "truyền thông cũ" thì làm sao có thể tiến về phía trước. 

Đấy là còn chưa nói, ở phía trước, mô hình "taxi công nghệ" rất ngắn thôi có thể lại thay đổi, biến hoá không ngừng. Ví dụ như vẫn là "taxi công nghệ", nhưng đối tượng điều khiển công nghệ - lái xe, lại không phải là người, mà là người máy!

Nhận thức được cái mới là yêu cầu sống còn của tồn tại. Biết ứng xử với cái mới là yêu cầu sống còn của phát triển. Và biết vận dụng cái mới một cách ưu việt nhất trong hoàn cảnh của mình là yêu cầu cơ bản để tạo nên những giá trị văn minh. Nhưng khả năng và truyền thống thích ứng với cái mới của từng vùng dân cư lại rất khác nhau. 

Theo K.Poper, ở những xã hội mang màu sắc bộ lạc thì cái mới bao giờ cũng bị đồng nhất với cái nguy hiểm, người mới bao giờ cũng bị đồng nhất với người xấu và kẻ mới bao giờ cũng bị đồng nhất với kẻ thù. Ở những xã hội đóng kín kiểu này, tâm lý chống cái mới, khước từ cái mới vì thế được hình thành từ trong vô thức. 

Hẳn nhiên, những xã hội đóng kín kiểu như thế gần như không tồn tại trong thế giới phẳng hôm nay, nhưng những tàn tích tâm lý mà nó tạo ra không phải không còn nữa.

Năm 1862, khi thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh Đông Nam Bộ, xã hội nông nghiệp - Nho giáo - cổ truyền Việt Nam đụng chạm với thế giới phương Tây hiện đại. Đấy chính là cuộc đụng chạm điển hình giữa cái cũ với cái mới, và hẳn nhiên cái mới trong trường hợp này đúng là cái tàn phá, cái huỷ diệt đến từ những kẻ đi xâm lược mình. Trước đó, cái mới xuất hiện một cách ôn hoà hơn qua sự hiện diện của những nhà truyền giáo phương Tây. Nhưng bất chấp ôn hoà hay cưỡng bức thì xã hội cổ truyền Việt Nam (cái cũ) đều đặt cái mới ở thế đối chọi mình.

Chủ hoà hay chủ chiến? Đấy là bài toán đau đầu nhất của triều đình nhà Nguyễn trong việc ứng xử với thực dân Pháp. Và bản thân bài toán ấy cũng điển hình cho một tư duy cũ, một tư duy cổ tích, một tư duy cơ học: có cái này hoặc có cái kia, có cái này thì không có cái kia. Phần lớn những trí thức Việt Nam khi ấy đều chưa thể chạm vào một hệ hình tư duy mới: vừa có cái này vừa có cái kia, cái này ở trong cái kia, cái này hỗ trợ cái kia.

Có chăng, đấy chỉ là tư tưởng "không chủ hoà", cũng "không chủ chiến" của Nguyễn Trường Tộ, mà là "hoà để chiến", và "chiến" không chỉ ở phương diện quân sự thuần tuý. Vế 1 - "hoà" chính là để thực hiện vế 2 - "chiến" theo một cách rất mới này. 

Rõ ràng, trước một đối phương đến từ một gầm trời khác, đại diện cho một hệ hình tư duy khác, chúng ta cũng cần phải đối diện theo cách khác. Tiếc là cái "khác" mà những người như Nguyễn Trường Tộ nêu ra lại là những cái khác thiểu số, những cái khác hết sức cô đơn!

Cái cũ, cái mới và cái khác, đấy là những bài toán đau đầu mà chúng ta có thể chiêm nghiệm lại từ trong những vận động cơ bản của lịch sử nhân loại cũng như lịch sử của chính cha ông mình. 

Và càng chiêm nghiệm thì càng thấm thía: trong bất cứ một trận địa nào, từ quân sự đến văn hoá, nếu không kịp nắm bắt, làm chủ cái mới, chúng ta mỗi lúc một cũ hơn, và mỗi lúc càng bị đẩy xa hơn khỏi cỗ xe văn minh nhân loại.

Nhưng chỉ có thể làm chủ cái mới khi thực hiện được một tiền đề: Cơ thể chúng ta nhất định phải minh bạch và khoẻ khoắn!

Phan Mỹ Chí
.
.