Tại sao phải hoài nghi?

Thứ Hai, 16/09/2019, 22:25
"Một bị cáo hầu tòa vì tội giết người. Các chứng cứ buộc tội anh ta trong vụ án đã rất rõ ràng nhưng không có xác chết. Kết thúc phần tranh biện của mình, vị luật sư bào chữa quyết định phải dùng mẹo. "Kính thưa quý bồi thẩm đoàn" - ông ta nói. "Tôi có một điều ngạc nhiên dành cho tất cả quý vị - trong vòng một phút nữa, người bị cho rằng đã chết sẽ bước vào phòng xử án này".

Ông ta ngó ra cửa phòng xử án. Các vị hội thẩm sứng sốt, cũng hăm hở ngó ra. Một phút trôi qua. Không có gì xảy ra. Cuối cùng, luật sư nói: "Nói thật là tôi đã bịa ra chuyện người chết sẽ bước vào. Nhưng tất cả quý vị đều nhìn ra cửa chờ đợi. Vậy tôi có thể nói với các vị rằng trong vụ này có một nghi ngờ hợp lý, rằng có phải có người đã bị giết hay không, do đó tôi phải yêu cầu các vị quay lại phán quyết "vô tội".

Bồi thẩm đoàn giải lao để cân nhắc. Vài phút sau, họ trở lại và ra phán quyết "có tội". "Sao các vị có thể làm thế?" - viên luật sư gào lên. "Chắc chắn các vị đã nghi ngờ. Tôi thấy tất cả các vị đều nhìn chằm chằm ra cửa". Chủ tịch bồi thẩm đoàn trả lời: "Ồ, chúng tôi đã nhìn nhưng thân chủ của ông thì không!".

Đấy là một câu chuyện được chép nguyên văn từ cuốn Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar... - một cuốn sách triết luận được viết bằng những câu chuyện hài hước và cách phân tích dí dỏm của hai tác giả Thomas Cathcart và Daniel Klein. Hãy thử nhìn lại cái mẹo mà vị luật sư sử dụng trong câu chuyện này, mẹo ấy rõ ràng tạo ra một hoài nghi cho tất cả những ai quan sát câu chuyện, đặc biệt là các vị bồi thẩm đoàn. Khi tất cả đều cùng nhìn ra cửa - cùng tin người bị cho là đã chết sẽ bước vào sau lời giới thiệu của luật sư thì có nghĩa tất cả đều cùng hoài nghi: có chắc chắn nạn nhân đã bị giết hay không?

Và nếu mọi chuyện dừng lại ở hoài nghi này thì lời đề nghị của vị luật sư phải được thực hiện, thân chủ của ông ta phải được trả tự do. Thế nhưng nếu vị luật sư cố tình dùng mẹo để tạo ra một hoài nghi thì các vị bồi thẩm đoàn, bằng khả năng quan sát và đầu óc tinh nhạy của mình cũng đặt ra một hoài nghi khác: "Ồ, chúng tôi đã nhìn nhưng thân chủ của ông thì không!".

Và chính từ hoài nghi này mà thân chủ của vị luật sư vẫn bị tuyên bố là "có tội". Như thế có nghĩa trong một sự kiện, những hoài nghi đối diện với những hoài nghi và từ những sự đối diện/đụng chạm/phản bác như thế mà bản chất của sự kiện dần sáng tỏ. Câu chuyện có phần hài hước nhưng đầy tính triết lý này cho thấy giá trị của hoài nghi trong việc nhìn nhận, đánh giá, phán xét một sự việc, hiện tượng trong đời sống.

"Tôi hoài nghi - tôi tồn tại" - cũng theo hai tác giả của cuốn Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar... thì đấy là điều mà nhà triết học Rene' Descartes sẽ nói nếu được nói lại câu nổi tiếng của chính mình: "Tôi tư duy tôi tồn tại". Bởi, nếu chỉ dừng ở chỗ "tôi tư duy, tôi tồn tại" thì người ta sẽ cắc cớ: cái gì sẽ giúp cho "tôi tư duy"? Câu trả lời chỉ có thể là các biểu hiện hoài nghi.

Trong suốt cuộc đời của mình Descartes không ngừng hoài nghi, kể cả là với những thứ ở ngoài mình lẫn những thứ ở trong mình và đặc biệt nhất là hoài nghi chính sự tồn tại của mình. Ông quan niệm, phải hoài nghi mới có thể tìm ra chân lý. Bằng không, chúng ta sẽ bị những "trí khôn giả tạo" dẫn dụ và đánh lừa. Descartes hình tượng hóa triết lý của mình bằng bài toán: phải làm gì để nhặt tất cả những quả táo có sâu ra khỏi một giỏ táo?

Với bài toán rất đơn giản này, nhiều người cũng sẽ trả lời rất đơn giản: Hãy nhìn cẩn thận vào trong giỏ táo, tìm tất cả những quả có sâu, bỏ ra ngoài là xong. Nhưng, câu trả lời của Descartes thì khác hẳn: phải đổ toàn bộ giỏ táo ra ngoài, rồi nhặt từng quả táo lành lặn vào trong giỏ. Ở đây, những quả táo lành lặn biểu tượng cho niềm tin có thật, những quả táo có sâu biểu tượng cho niềm tin giả tạo. Cái giỏ táo chính là trí khôn. Và hành động đổ giỏ táo, nhặt để xem từng quả một chính là phương pháp hoài nghi. Nhờ phương pháp này, nhiều điều ông tin sẽ bị gạt bỏ (vì hóa ra nó là "niềm tin giả tạo") nhưng những điều đã được chọn lựa thì chắc chắn sẽ không còn nghi ngờ gì nữa.

Ảnh: L.G.

Descartes là người phát triển lý thuyết hoài nghi và xem nó như một phương tiện bắt buộc của tư duy con người, đặt nền móng quan trọng cho lịch sử triết học cận đại phương Tây. Tuy nhiên, không phải đợi đến Descartes thì vấn đề này mới được đặt ra, ngay từ thời Socrates - ông tổ của triết học phương Tây, nó đã được đụng chạm đến, tất nhiên là ở một cấp độ giản lược hơn rất nhiều.

Thời ấy Socrates đã đặc biệt coi trọng việc đặt ra các câu hỏi mà nói theo ngôn ngữ của ông là "phép truy vấn biện chứng" vì theo ông, nhất định phải "truy vấn biện chứng" mới có thể dần dần làm sáng ra bản chất của sự thật. Đoạn hội thoại sau chứng minh trọn vẹn lý thuyết của ông:

- Các thần linh có thể sai sót không?

- Không! Vì họ là thần linh.

- Vậy khi hai vị thần tranh luận, sẽ có người đúng người sai, phải không?

- Đúng rồi. Sẽ có người đúng, người sai.

- Vậy thì tại sao lại bảo các vị thần không bao giờ sai sót?

Đoạn hội thoại này cho thấy việc không ngừng đặt ra các câu hỏi, không ngừng truy vấn, có nghĩa là không ngừng hoài nghi đã khiến mệnh đề đầu tiên - "các vị thần không bao giờ sai sót" bị bác bỏ một cách thuyết phục. Sẽ không quá lời nếu bảo bản thân sự phát triển của triết học phương Tây từ cổ điển đến trung đại, cận đại rồi hiện đại là cả một lịch sử hoài nghi, phản bác, tranh luận để tìm ra chân lý.

Và như thế, giá trị của hoài nghi trong việc kiến tạo một cuộc sống chất lượng là điều không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, hoài nghi khác với đa nghi. Và hoài nghi được xem xét như một phương tiện để tư duy khác với kiểu chủ nghĩa hoài nghi vẫn được hiểu theo nghĩa là bất tin ai cả.

Trở lại với những vận động sống trong thời kỳ 4.0 với sự phát triển không ngừng nghỉ của khoa học công nghệ và mạng xã hội hôm nay, dễ thấy là chính trong cuộc sống hôm nay, những phương pháp hoài nghi lại cần phải đặc biệt coi trọng hơn bất cứ khi nào, bởi nếu không hoài nghi, chúng ta rất dễ bị những nhà "ngụy biện chủ nghĩa" với hàng loạt kĩ thuật tinh xảo trong việc "sử dụng đám đông" trên mạng xã hội đánh lừa.

Một ví dụ điển hình là năm 2016, đông đảo người dân nước Anh sôi lên với một thông tin: mỗi tuần nước này mất tới 350 triệu bảng cho EU. Và thế là hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Tại sao phải mất tới 350 triệu bảng cho EU mà không thể dùng 350 triệu bảng để hỗ trợ cho người nghèo trong nước?

Tại sao lại phải đổ một khoản tiền không nhỏ ấy ra ngoài thay vì đầu tư nó cho những công trình y tế nội địa? Cả một phong trào mạnh mẽ kêu gọi người dân bỏ phiếu để nước Anh sớm rời khỏi EU (Brexit) xuất hiện. Mà Brexit khi đó không chỉ xuất hiện trên mạng ảo, không chỉ xuất hiện trong những câu chuyện trà dư tửu hậu mà còn được tiền hô hậu ủng bởi phát ngôn của những chính trị gia dân túy.

Kết quả: Brexit đã được thông qua. Và ngay sau khi nó được thông qua, một sự thật trần trụi được chứng minh: con số 350 triệu bảng/tuần là con số dối trá. Thế đấy! Sự dối trá đã đánh lừa số đông, đã dẫn dắt số đông và đã tạo ra những phán quyết số đông, không thể nào kháng cự lại.

Ở Việt Nam, vụ việc mới đây về một học sinh lớp 1 tử vong vì "bị quên trên xe ô tô" cũng khiến chúng ta cũng phải suy nghĩ rất nhiều. Chỉ cách đây ít hôm, trên mạng Facebook xuất hiện thông tin là người lái chiếc xe ô tô đã bị chết bất thình lình và thế là một trong những đầu mối quan trọng nhất của vụ việc bị xí xóa. Rất nhiều người tin vào thông tin này, từ đó đưa ra hàng loạt phán xét hết sức cảm tính.

Nhưng, khi báo chí chính thống vào cuộc thì sự thật được phơi bày: nó đích thị là tin giả. Người lái xe vẫn đang sống bình thường và đang hợp tác với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vụ việc. Có rất nhiều ví dụ như thế ở Việt Nam và nó cho thấy một bộ phận người dùng mạng xã hội ở Việt Nam đã "dễ nghe" - "dễ tin" - "dễ bị dẫn dắt" như thế nào. 

Đó chính là biểu hiện điển hình của việc chúng ta đã để quên thủ pháp hoài nghi trong việc nhìn nhận/đánh giá các sự vật, hiện tượng trong đời sống. Một môi trường sống lý tưởng và lý tính nhất là nơi mà ở đó cái ý thức hoài nghi và các phương pháp hoài nghi (để tư duy) được dạy dỗ một cách bài bản, hiệu quả trong các mô hình giáo dục chính thống.

Nhưng, ngay cả khi không có được điều này thì người ta cũng phải có ý thức tự nhắc nhở mình (hoặc nhắc nhở nhau) về cái phương tiện tư duy hết sức cơ bản và quan trọng này.

Tại sao phải hoài nghi? Vì đơn giản là nếu không hoài nghi, người ta rất dễ trở thành những con cừu!

Phan Mỹ Chí
.
.