Tại sao lại có "cái ngoại lệ"?

Thứ Sáu, 26/07/2019, 12:42
Ai cũng biết, thế giới được vận hành nhờ vào vô số quy luật và nguyên lý chặt chẽ. Loài người được trang bị các kiến thức và dần dần tiến hành làm chủ cuộc sống, làm chủ thế giới cũng là trên nguyên tắc nắm rõ được những quy luật cùng sự vận hành của chúng. 

Thế nhưng, nếu chỉ nhìn những quy luật và nguyên lý ở một chiều/một phía sẽ là vô cùng thiếu sót bởi thế giới còn được tạo thành bởi không ít ngoại lệ. Và, cho dù số lượng của những ngoại lệ thật nhỏ nhoi so với những thứ đúng quy tắc thì nó cũng có một sức hấp dẫn riêng.

1. Chúng ta hãy cùng thử quan sát về thế giới tự nhiên, trước tiên là những loài động vật. Tại sao trong tất cả các loài động vật, chỉ con lạc đà là có bướu trên lưng. 

Chính cái bướu ấy là nguồn dự trữ năng lượng cực lớn cho lạc đà, giúp chúng là loài duy nhất có thể chở người vượt qua sa mạc, chịu đựng tất cả thời tiết khắc nghiệt nhất ở chốn này. Và, cũng so với các loài động vật trên đời, mắt lạc đà luôn có 3 mí chứ không phải 2 mí, nhằm chống lại bão cát trên sa mạc.

Thử kể thêm một số ngoại lệ ở các động vật khác. Con dơi là loài thú có vú duy nhất biết bay, còn một vài loài chúng ta thường gọi là chồn bay hay sóc bay thực ra chỉ có khả năng lượn. Hay như chim cánh cụt cũng là một ngoại lệ vô cùng thú vị trong thế giới các loài chim, bởi nó là loài chim duy nhất có thể bơi, lặn trong nước.

2. Tạm dừng lại những câu chuyện ở thế giới loài vật, ta hãy chuyển sang những câu chuyện nổi tiếng và gần gũi hơn trong đời sống con người. Có lẽ trong lịch sử mấy ngàn năm của nhân loại, Thái tử Tất Đạt Đa là một trong những trường hợp hiếm hoi dám rời bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý nơi triều đình để đi tìm đạo.

Lẽ thường, một thái tử đang tuổi thanh xuân, có địa vị cao sang, vợ con đề huề, sẽ ở lại trong cung để kế ngôi vua cha, sống một đời sung sướng trong nhung lụa. Thế nhưng, chính nhờ sự lựa chọn đầy khác thường ấy, nhân loại ngày nay mới có được sự phát triển của một trong những tôn giáo lớn nhất thế giới với một nền tảng triết học sâu sắc, đậm nhân văn.

Ở Việt Nam, làm được như Thượng hoàng Trần Nhân Tông cũng là một điều hiếm hoi. Có chí hướng đi tu từ rất sớm nhưng vì việc quân cơ liên miên nên phải đến năm 1293, sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba được 5 năm, ngài mời dứt hẳn bụi trần, lên núi tu hành và lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Nghĩ cho cùng, tất cả những kỳ tích được tạo nên bởi con người đều có thể xem là những ngoại lệ. Những ngoại lệ chứng tỏ bản lĩnh, trí tưởng tượng, lòng dũng cảm, khả năng dám nghĩ dám làm và vượt qua được bản thân mình. Đôi khi, từ ngoại lệ này sẽ dẫn dắt người ta tiếp tục đi đến ngoại lệ khác và làm nên những điều kỳ diệu. Nàng Scheherazade là một ngoại lệ như thế.

Trước nàng, những thiếu nữ trinh trắng sau một đêm ngủ với nhà vua thì sáng hôm sau đều phải chịu tử hình. Nhưng, đến lượt nàng thì câu chuyện đầu tiên là xin nhà vua đặc cách, cho dẫn theo một cô em gái nhỏ để nàng kể câu chuyện cổ cho em gái nghe. 

Từ ngoại lệ này đã dẫn đến ngoại lệ tiếp theo, nhà vua không tử hình nàng vào sáng hôm sau bởi câu chuyện quá hay còn đang dang dở, chưa đến hồi kết thúc. Cứ như vậy, từ đêm này qua đêm khác, đã sang ngày mới mà câu chuyện vẫn còn nối tiếp bất tận chưa đến hồi dừng lại.

Cuối cùng, trí thông minh và lòng dũng cảm của nàng Scheherazade đã hồi tâm chuyển ý nhà vua, giải cứu cho hàng ngàn hàng vạn thiếu nữ khỏi họa diệt thân. Sau hàng ngàn đêm trôi qua, nhà vua cảm phục tài trí của Scheherazade, đã cưới nàng làm vợ, bãi bỏ lệnh bắt giết phụ nữ, lấy lại được niềm tin yêu vào cuộc sống và con người.

Tất cả những kỷ lục được lập nên trong lịch sử nhân loại cũng đều có thể xem là những ngoại lệ. Tất cả những phát minh vĩ đại cùng cuộc đời của nhiều nhà bác học chính là những ngoại lệ. 

Nhà bác học có nhiều ý tưởng phát minh nhất trong lịch sử nhân loại, Thomas Edison, lại cũng là nhà bác học duy nhất không đến trường (chính xác là bị đuổi học sau 3 tháng) mà trưởng thành và tích lũy kiến thức ở ngay trong ngôi nhà của mình, dưới sự hướng dẫn, kèm cặp của bà mẹ.

Nhìn rộng ra hơn nữa, bất cứ nhân vật nào vượt qua được những khó khăn nghiệt ngã của bản thân để tạo nên những giá trị được cả cộng đồng công nhận, đó chính là những ngoại lệ. 

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký cho đến giờ vẫn là một ngoại lệ duy nhất trong lịch sử giáo dục Việt Nam, là người thầy đầu tiên dùng chân để viết. Ông đã được phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú và đồng thời là một nhà văn. Gần đây hơn, chàng trai vô gia cư gốc Việt Derrich Ngo trúng tuyển Đại học Harvard danh giá, đó là một ngoại lệ không phải ai cũng làm được.

3. Trong khoa học, một khu vực tưởng chừng như vô cùng chặt chẽ nhưng nếu để ý, ta cũng sẽ thấy vô số ngoại lệ thú vị. Những ai đã từng học tiếng Anh sẽ đều công nhận những động từ bất quy tắc trong tiếng Anh là những ngoại lệ. Chúng có cách biến đổi hình thái ở các dạng quá khứ đơn, phân từ II không theo quy tắc thông thường, buộc người sử dụng phải học thuộc lòng.

Thế nhưng, chính những động từ bất quy tắc ấy lại là những động từ thông dụng nhất, được sử dụng nhiều nhất và thậm chí là quan trọng nhất. 

Người ta thường nói đến danh sách 120 hoặc 360 động từ bất quy tắc thông dụng trong tiếng Anh, trong đó có thể kể đến các đơn vị điển hình nhất như: be (thì, là), go (đi), eat (ăn), sleep (ngủ), speak (nói), think (nghĩ), drink (uống), have (có), run (chạy), say (nói), buy (mua), read (đọc)...

Khoa học tử vi - nhân tướng học cũng để lại rất nhiều giai thoại về những ngoại lệ. Nếu chỉ căn cứ vào ngoại hình, ông thầy số người Tàu sẽ không hiểu được tại sao một người tướng mạo thấp lùn, da đen xấu xí như Mạc Đĩnh Chi lại có thể là một nhân vật giỏi giang kiệt xuất như thế. 

Tương truyền, ông thầy số đã phải mất công mấy ngày trời theo dõi Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi và phát hiện ra ông này đi vệ sinh với cục phân hình vuông.

Cũng tương tự như Mạc Đĩnh Chi, một nhân vật lừng danh khác là hoàng đế Ung Chính cũng có ngoại hình cực xấu xí. Trong một lần vi hành ra ngoài cung, thời chưa lên ngôi, thầy tướng số nhìn Ung Chính và phán, số ông là số ăn mày. Ung Chính cười lớn, vứt cho thầy tướng số một nắm bạc rồi bỏ đi.

Tiếng cười vừa dứt, thầy tướng vội vã chạy theo nói: Tất cả diện tướng của ngài đều xấu nhưng răng ngài lại là răng rồng (long xỉ), đó là quý tướng, sau này nhất định làm đế vương, xin hãy bảo trọng. Ung Chính nghe xong phục quá, sau lên ngôi đã đón thầy tướng về và phong cho một chức quan.

4. Trong nghệ thuật, ta cũng có thể quan sát và tổng kết rất nhiều ngoại lệ. Tượng thần Vệ nữ Milos là bức tượng nổi tiếng thế giới duy nhất được trưng bày trong tình trạng cụt mất hai tay.

Rất nhiều phương án đưa ra mong muốn khôi phục trạng thái ban đầu đầy đủ hai tay của bức tượng nhưng chưa một phương án nào thành công. Tháp nghiêng Pisa là công trình kiến trúc tự nhiên duy nhất có độ nghiêng 3,97 độ và vẫn đứng vững suốt 9 thể kỷ qua, là niềm tự hào của người Ý, đi vào Sách kỷ lục Guinness như một di sản thế giới.

Trong thơ ca, từ những bài Đường luật có quy định chặt chẽ về số câu trong mỗi dòng thơ với việc gieo vần và đăng đối đều nghiêm ngặt cho tới khi những bài cổ phong xuất hiện là một ngoại lệ. Thơ ca Việt kế thừa những hình thức Đường luật, bổ sung thêm được một số thể khác như lục bát, song thất lục bát, tám chữ nhưng đến khi thơ tự do xuất hiện có thể xem là ngoại lệ.

Đọc những câu thơ co duỗi nhịp nhàng của Vũ Hoàng Chương trong bài Say đi em, có thể cảm giác rất rõ rệt từng nhịp thơ ấy là tượng hình cho mỗi bước chân khiêu vũ, nếu không sử dụng thể tự do thì không hình thức nào có thể diễn tả tốt hơn nữa những cảm xúc và trạng thái ấy: “Âm ba gờn gợn nhỏ/ Ánh sáng phai phai dần/ Bốn tường điên đảo bóng giai nhân/ Lui đôi vai, tiến đôi chân/ Riết đôi tay, ngả đôi thân/ Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió...”.

Từ thơ có vần của cả một truyền thống văn chương trung đại và thơ lãng mạn nửa đầu thế kỷ XX, khi sang tới thơ không vần thời kỳ chống Pháp của Nguyễn Đình Thi là một ngoại lệ, mặc dù ông từng bị nhắc nhở về cách viết của mình. 

Nhưng, rõ ràng nếu không có những người tiên phong cách tân như Nguyễn Đình Thi thì làm sao thơ ca có cơ hội để bung phá, vượt thoát khỏi những rào cản cũ mòn định kiến: “Sáng mát trong như sáng năm xưa/ Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Tôi nhớ những ngày thu đã xa (Đất nước)” và “Ôi những vạt ruộng vàng/ Chiều nay rung rinh lúa ngã/ Dải áo chàm bay múa/ Tiếng hát ai lênh đênh (Đường núi)”.

Như vậy, ngoại lệ chính là thứ không giống với tất cả những gì trước đó, nó vượt ra khỏi những quy tắc và lối mòn, chống lại sự nhàm chán. Ngay cả những người được coi là "sống có nguyên tắc" trong nhiều trường hợp vẫn phải tự tạo ra ngoại lệ cho mình. 

Và, tất nhiên, ngoại lệ được tôn vinh khi nó đem lại những giá trị cho cuộc sống con người, góp phần tạo ra những vẻ đẹp cho đời, làm cuộc sống mỗi ngày trở nên đẹp hơn, đáng yêu hơn, hướng thiện hơn. 

Ngược lại, những ngoại lệ mang tính chất phá hoại cuộc sống của con người, hoặc lố lăng, dị hợm đến mức điên rồ thì lại không thể chấp nhận được.

Đỗ Anh Vũ
.
.